Các thánh nhân còn sống và đã qua đời

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các thánh nhân còn sống và đã qua đời.

Chuyên mục "Nippon Notes" của linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll

Tokyo (UCAN JA04698.1490 Ngày 25-3-2008) - Ngày 24-11-2008 sẽ là ngày lễ tôn phong chân phước cho 188 vị thánh tử đạo Nhật Bản trong thế kỷ 17.

Các giám mục trong nước đã mất nhiều năm để chuẩn bị cho quyết định tôn phong chân phước này của Rôma và hiện đang tập trung vào nghi lễ này. Các công ty du lịch đang chuẩn bị tổ chức bốn chuyến đi trọn gói cho khách hành hương đi Nagasaki tham dự Thánh lễ này. Người ta đang quyên góp hàng triệu yên để chi phí cho ngày lễ.

Dường như mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp, trừ sự nhiệt tình của nhiều người về toàn bộ sự kiện.

Lễ phong chân phước sẽ diễn ra tại Nagasaki vì ở những nơi khác người dân địa phương ít ủng hộ sự kiện này, ngay cả ở Tokyo và các nơi khác có diễn ra các cuộc tử đạo. Nagasaki, nơi giàu lịch sử Công giáo và bách hại, lại là nơi tổ chức các sự kiện Giáo hội khi các nơi khác không thể hay không đăng cai tổ chức.

Dĩ nhiên, có thể là tôi chỉ suy đoán sự thiếu quan tâm của chính tôi khi nghĩ những người khác ít quan tâm.

Tôi hoài nghi về toàn bộ hệ thống phong thánh kể từ khi tôi tưởng tượng một đám đông các chân phước trên trời tranh phiên nhau làm phép lạ, trong khi một thiên thần thông báo những người trúng số và những người ủng hộ dưới đất góp tiền lại để tôn vinh những người chết đã cống hiến cuộc đời mình phục vụ người nghèo đang sống.

Có lần một người bạn đồng nghiệp nói rằng Giáo hội có nhiều thánh nhân đã qua đời; chúng ta nên nỗ lực nhiều hơn trong việc tôn phong các thánh nhân còn sống.

Năm 1984, Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản đã đề ra những hướng dẫn chỉ đạo cho Giáo hội ở Nhật. Hướng dẫn đầu tiên là: "Tin Mừng cứu độ phải được đem đến cho từng người và mọi người".

Mỗi năm, tôi ngạc nhiên và bực bội khi gọi điện đến các tòa giám mục vào thứ hai Phục sinh để hỏi có bao nhiêu dự tòng được nhận vào Giáo hội ngày thứ Bảy Tuần Thánh thì nhận được câu trả lời là "Chúng tôi sẽ có câu trả lời khi chúng tôi phát hành số liệu thống kê hàng năm trong giáo phận chúng tôi".

Chẳng lẽ chúng ta không muốn biết những nỗ lực truyền giáo của Giáo hội có hiệu quả như thế nào sao? Chúng ta không muốn hoan nghênh các anh chị em mới của chúng ta sao? Một cuộc khảo sát các giáo xứ qua điện thoại trong nửa giờ đồng hồ lại là việc hết sức phiền hà đối với các giám mục và các giới chức cấp giáo phận vậy sao?

Thực ra, từ khi các giám mục tuyên bố ưu tiên loan báo Tin Mừng cho mọi người, số người được rửa tội mỗi năm đã giảm đáng kể không bằng một nửa lúc các giám mục đưa ra chỉ dẫn.

Dường như chúng ta đã mất lòng tin rằng quan hệ của chúng ta với Ðức Kitô trong đức tin đủ tốt đẹp để chia sẻ với mọi người. Thay vì thế, chúng ta đã la ó om sòm về những người đã có lòng tin như thế cách đây bốn thế kỷ.

Vào đêm canh thức Phục sinh năm nay tại Rôma, Ðức Thánh cha Bênêđictô đã nghênh đón Magdi Allam, một nhà báo Hồi giáo xuất chúng ở Ý, gia nhập Giáo hội Công giáo. Trước đây tính mạng của ông Allam bị đe dọa bởi những lời chỉ trích người Hồi giáo khi ông còn là tín đồ Hồi giáo. Trong một bài tiểu luận truyền cảm nói về việc ông cải đạo, ông đối mặt với khả năng có thể việc ông chọn con đường đi theo Ðức Kitô sẽ làm ông mất mạng.

Ông Allam nói ông biết rằng "theo Kitô giáo chắc chắn tôi sẽ bị lãnh án nặng hơn nhiều, một án tử hình vì tội bội giáo.... Tôi biết mình đang đương đầu với điều gì nhưng tôi đối mặt với vận mệnh của tôi bằng cách ngẩng cao đầu, đứng thẳng và với tinh thần vững chắc của một người vững tin".

Ông nói tiếp về việc Giáo hội "quá thận trọng trong việc người Hồi giáo theo đạo" do "sợ". "Sự thận trọng" và "sợ hãi" như thế cũng có thể thấy ở Nhật trong cách chúng ta tiếp xúc với người theo Phật giáo, người vô thần và người theo thuyết bất khả tri, mặc dù điều tệ hại nhất mà chúng ta gặp phải đó là sự thờ ơ chứ không phải là cái chết.

Các vị tử đạo trong thế kỷ 17 chứng tỏ lòng trung thành là điều quan trọng, và Magdi Allam và những người giống như ông cho chúng ta thấy nó vẫn còn quan trọng. Họ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta noi gương họ, loan báo Ðức Kitô cho thế giới hôm nay được không?

Dĩ nhiên các vị tử đạo Nhật Bản, cũng như tất cả các vị tử đạo khác, đã bị giết hại bởi vì người ta biết các ngài là Kitô hữu. Các ngài đã không che giấu hay phủ nhận đức tin của mình.

Chúng ta có thể nói như thế về chúng ta được không? Lời nói và hành động của chúng ta có chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Ðức Giêsu không? Chúng ta có đủ tin vào tình yêu hiến mạng sống mình của Chúa để sống và công bố đức tin của chúng ta cho dù gặp bất kỳ thử thách nào không?

Có thể cách tốt nhất để tôn vinh 188 vị tử đạo không phải là một nghi lễ, nhưng là việc mỗi người Công giáo ở Nhật tiếp tục cam kết loan báo Tin Mừng. Tấm gương của các vị thánh nhân đã qua đời đó và của các vị còn sống có thể là phương tiện giúp chúng ta có thêm nhiều thánh nhân sống hơn.

- - - - - - - - - - -

* Linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll là trưởng ban biên tập của tờ Katorikku Shimbun, tờ tuần báo Công giáo của Nhật.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page