Ðại Chủng viện Sao Biển Nha Trang

được phép tuyển sinh hàng năm

mà không giới hạn số lượng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðại Chủng viện Sao Biển Nha Trang được phép tuyển sinh hàng năm mà không giới hạn số lượng.

Nha Trang, Việt Nam (UCAN VT04710.1490 Ngày 26-3-2008) - Việc cho phép đại chủng viện thứ ba được tuyển sinh hàng năm mà không giới hạn số lượng chủng sinh được xem là dấu hiệu nhà nước nới lỏng chính sách tôn giáo.

"Từ năm nay (2008) trở đi chúng tôi sẽ chính thức được tuyển sinh hàng năm", linh mục Phêrô Phạm Ngọc Phi, giám đốc Ðại Chủng viện Sao Biển, phát biểu với UCA News hôm 16-3-2008. Chủng viện nằm ở Nha Trang, cách Hà Nội 1,280 km về phía nam, được nhà nước cho phép tuyển sinh hàng năm hôm 28-9-2007, ngài nói thêm.

"Ðây có thể được xem là dấu hiệu nhà nước đang có sự cởi mở về việc đào tạo linh mục của Giáo hội, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006", cha Phi nói.

Ðại chủng viện của ngài được phép tuyển sinh giống như hai đại chủng viện ở Hà Nội và Saigòn. Ðại chủng viện ở Hà Nội được phép tuyển sinh hàng năm vào năm 2005 và đại chủng viện ở Saigòn vào năm 2007. Cả nước có sáu đại chủng viện đào tạo linh mục cho 26 giáo phận.

Từ khi mở cửa lại vào ngày 31-12-1991, Ðại Chủng viện Sao Biển được phép thu nhận 30 chủng sinh từ các giáo phận Ban Mê Thuộc, Nha Trang và Quy Nhơn, hai năm một lần, mỗi giáo phận 10 chủng sinh, cha Phi cho biết. Chủng viện trình danh sách 40-50 ứng sinh, trong đó nhà nước chỉ chấp nhận 30 người, ngài nói thêm.

Gần đây, chính quyền không hạn chế số lượng chủng sinh, vì thế tháng 9 năm ngoái (2007) chủng viện đã nhận 44 chủng sinh đến từ ba giáo phận trên, ngài nói thêm. Năm học ở chủng viện bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 6.

Cha Phi, 62 tuổi, cho biết chủng viện dự định nhận 20 chủng sinh đến từ Ban Mê Thuột và 11 chủng sinh Nha Trang trong năm học mới. Ngài chưa nắm được số chủng sinh đến từ Quy Nhơn.

Cha giám đốc, lấy bằng tiến sĩ giáo luật ở Rôma, nói chủng viện cần tuyển sinh hàng năm để có thể cung cấp thêm nhiều linh mục trẻ cho ba giáo phận này, vì ở đây nhiều linh mục đã tới tuổi nghỉ hưu vẫn còn phải coi xứ.

Lưu ý ngoài coi xứ ra việc coi sóc mục vụ còn có những hoạt động khác, nhà đào tạo chủng viện nói Giáo hội còn cần nhiều linh mục làm việc cho 15 ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các tổ chức khác của Giáo hội, đặc biệt là tổ chức các hoạt động cho người nghèo, di dân và người nước ngoài.

Cha Phi từng dạy tại Sao Biển từ tháng 5-1975, khi Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa của Nha Trang thành lập chủng viện này, đến tháng 6-1979, thì chủng viện bị nhà nước đóng cửa. Lúc đó chủng viện có một tòa nhà khác. Tòa nhà chủng viện hiện nay đã xây cách đây 15 năm chỉ có thể chứa 250 chủng sinh và giáo sư, và không được tu sửa thích đáng, ngài nói.

Theo cha giám đốc, chủng viện hiện có 195 chủng sinh trong đó có 84 chủng sinh lớn tuổi không có cơ hội học tập tại các chủng viện trước đó nhưng được đào tạo tại các cơ sở khác của Giáo hội. Các chủng sinh này, đến từ chín giáo phận trên cả nước, hiện đang tham dự khóa bồi dưỡng thần học hai năm bắt đầu hồi tháng 9 năm 2007.

Chủng viện có 28 giáo sư và một số giáo sư thính giảng, và một số linh mục triều được cho đi du học ở Mỹ, Pháp, Philippines, Úc và Ý, ngài nói thêm.

Cha Phi còn cho biết ngài đang làm việc với Ðại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rôma, liên kết chủng viện làm phân khoa thần học của đại học này. Lúc đó các chương trình thần học và triết học tại chủng viện có thể được cải thiện và các sinh viên tốt nghiệp của chủng viện có thể được nhận vào các trường học trên toàn thế giới, ngài nói thêm.

Tuy nhiên, cha giám đốc lo trong tương lai số ơn gọi có thể giảm. Ngài lo lắng nhiều gia đình Công giáo chỉ muốn có một đứa con và sẽ không muốn đứa con trai duy nhất của mình đi tu, trong khi những người trẻ, đa số bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hưởng thụ, lại không muốn đi tu.

Một nguồn tin trong giáo phận nói với UCA News rằng 27 ứng sinh chủng viện của giáo phận Nha Trang đã đến sống tại tòa giám mục ở thành phố Nha Trang hồi năm 2007. Các ứng sinh này sẽ có ba năm học giáo lý, tu đức, âm nhạc, tiếng Anh và tiếng Việt trước khi vào chủng viện, ngoài ra còn có 80 ứng sinh khác đang còn học tại các đại học cao đẳng trong thành phố.

Trong 17 năm qua, đại chủng viện đã đào tạo được 182 chủng sinh tốt nghiệp chính quy và 112 chủng sinh tốt nghiệp các khóa bồi dưỡng.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page