Ðức Thánh cha Beneđitô XVI kêu gọi

đối thoại hòa bình và khoan dung ở Tây Tạng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha Beneđitô XVI kêu gọi đối thoại hòa bình và khoan dung ở Tây Tạng.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN ZY04680.1489 Ngày 20-3-2008) - Trong lời bình luận công khai đầu tiên về tình cảnh gây xúc động ở Tây Tạng, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI bày tỏ đau buồn khi nói "rất nhiều người" đã phải chịu cảnh đau khổ, và ngài kêu gọi "đối thoại và khoan dung" như là cách giải quyết tiến bộ.

"Tôi hết sức lo lắng khi theo dõi tin tức từ Tây Tạng trong những ngày này. Là một người cha, lòng tôi cảm thấy đau khổ và u buồn trước cảnh khốn khổ của rất nhiều người", ngài nói với hàng ngàn khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tụ tập tại Vatican hôm 19-3-2008 để tham dự cuộc biệt kiến công khai vào mỗi thứ Tư.

"Cầu xin mầu nhiệm chịu nạn và chịu chết của Ðức Giêsu, mầu nhiệm mà chúng ta đang tưởng niệm trong Tuần Thánh này, giúp chúng ta đặc biệt cảm thông với tình cảnh của họ", ngài nói thêm.

Ngài khẳng định: "Vấn đề không thể giải quyết bằng bạo lực, vốn chỉ gây thêm trầm trọng mà thôi".

Ðức Thánh cha mời gọi tất cả những người có mặt cùng ngài cầu nguyện rằng: "Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng - nguồn ánh sáng - soi sáng lòng trí mọi người và giúp mỗi người can đảm chọn con đường đối thoại và khoan dung".

Ngài không hề nhắc đến Trung Quốc trong lời kêu gọi của ngài, nhưng rõ ràng thông điệp của ngài được gửi đến trước hết là các giới chức ở Bắc Kinh, những người cai quản Khu Tự trị Tây Tạng.

Trước khi bình luận về Tây Tạng, Ðức Bênêđictô nhận xét chung hơn về sự đau khổ trên khắp trái đất khi ngài suy gẫm Tuần Thánh và cuộc tử nạn của Ðức Giêsu. Ngài nói: "Trong lời cầu nguyện chúng ta nêu lên những sự kiện và tình cảnh xúc động gây đau khổ cho anh em chúng ta trên khắp thế giới trong những ngày này. Nhưng chúng ta biết hận thù, chia rẽ, và bạo lực không bao giờ đem lại quyết định cuối cùng trong các biến cố lịch sử".

Ðức Thánh cha và các cố vấn thâm niên của ngài đã theo dõi sát sao các sự kiện ở Tây Tạng từ khi các cuộc phản đối sự cai trị của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 10-3-2008. Ðài phát thanh Vatican và tờ L'Osservatore Romano của Vatican đưa tin cập nhật hàng ngày về các cuộc phản đối này, tin về các cuộc giết hại, số người bị thương, bị bắt và việc tàn phá tài sản cũng như những tuyên bố trái ngược của các lãnh đạo Trung Quốc và Tây Tạng.

Hôm Chúa nhật Lễ Lá, La Repubblica, tờ nhật báo tiếng Ý rất được ưa chuộng, đăng tải lời người phát ngôn của Ðức Ðạt lai Lạt ma kêu gọi Ðức Thánh cha: "Ðức Ðạt lai Lạt ma sẽ biết ơn Ðức Bênêđictô nếu ngài bày tỏ tình đoàn kết với các Phật tử (ở Tây Tạng)".

Tuy nhiên, Ðức Thánh cha quyết định không nói về Tây Tạng vào hôm đó. Có thể ngài muốn biết rõ hơn về những điều đang xảy ra trước khi nói, nhưng sự im lặng của ngài đã bị chỉ trích theo một vài góc độ.

Ðức Thánh cha Bênêđictô đã hội kiến với Ðức Ðạt lai Lạt ma, biệt kiến riêng ngài hôm 13-10-2006, mặc cho Bắc Kinh phản đối. Hai ngài đã thảo luận về các vấn đề tôn giáo.

Nhưng tháng 12 năm 2007 Ðức Giáo hoàng người Ðức đã làm phật lòng người dân Tây Tạng khi ngài không tiếp đón lãnh đạo tinh thần của họ, đang viếng thăm Rôma. Các nhà phân tích quan hệ Trung Quốc - Vatican cho rằng điều này là do Ðức Bênêđictô mong muốn thúc đẩy quan hệ thân mật hơn với Bắc Kinh với hy vọng cải thiện tình hình của người Công giáo ở Trung Quốc đại lục. Các nguồn tin khác thì nói rằng hai lãnh đạo tôn giáo không gặp nhau là do không có gì mới để thảo luận từ khi hội kiến vào năm 2006.

Vị tiền nhiệm của đức đương kim Giáo hoàng là Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II, đã tiếp kiến Ðức Ðạt lai Lạt ma nhiều lần trong suốt 26 năm làm giáo hoàng, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Lãnh đạo Tây Tạng đã tham dự cuộc họp tại Assisi lịch sử vào tháng 10-1986, được Ðức Thánh cha triệu tập để cầu cho hòa bình thế giới.

Khi Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II qua đời, Ðức Ðạt lai Lạt ma đã nói về "tình bạn thân thiết" của họ trong một thông điệp ngài gửi cho Vatican. "Tôi hết sức cảm kích trước sứ mệnh mang lại hòa bình cho thế giới của Ðức Giáo hoàng", lãnh đạo Phật giáo nói.

Ngài viết: "Ðức Thánh cha rất cảm thông với vấn đề của Tây Tạng. Dĩ nhiên, là người đứng đầu một tổ chức đang cố thiết lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hết sức quan tâm đến tình trạng của hàng triệu Kitô hữu ở Trung Quốc, ngài không thể công khai hay chính thức thể hiện điều này".

"Nhưng ngay từ khi bắt đầu làm bạn, ngài đã cho một mình tôi biết ngài hiểu rõ vấn đề của Tây Tạng vì chính ngài cũng đã kinh qua chế độ cộng sản ở Ba Lan. Ðiều này mang lại cho tôi nhiều khích lệ", Ðức Ðạt lai Lạt ma kết luận.

Ðức Ðạt lai Lạt ma đã sống lưu vong ở Ấn Ðộ từ khi trốn khỏi Tây Tạng cùng với các tín đồ năm 1959, sau khi binh lính đàn áp một cuộc nổi dậy chống chính quyền Trung Quốc.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page