Ðức Thánh cha Beneđitô XVI thúc giục

tìm giải pháp hòa bình cho các vùng bị khủng hoảng

và kêu gọi chấm dứt bất công và thù hận

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Thánh cha Beneđitô XVI thúc giục tìm giải pháp hòa bình cho các vùng bị khủng hoảng, và kêu gọi chấm dứt bất công và thù hận.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma

Vatican (UCAN ZY04690.1490 Ngày 24-3-2008) - Ðây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI kêu gọi tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Tây Tạng "làm thế nào để bảo vệ hòa bình và lợi ích chung" hôm Chúa nhật Phục sinh.

Ngài kêu gọi tìm các giải pháp hòa bình tương tự trong các vùng bị khủng hoảng nặng khác như ở Darfur (Sudan) và Somalia ở châu Phi; Ðất Thánh, Iraq và Libăng ở Tây Á.

Ðức Giáo hoàng người Ðức, đang hoàn thành thông điệp về xã hội đầu tiên của ngài, đã đưa ra những lời kêu gọi đặc biệt này sau khi trình bày bài phân tích chung rất rộng về các vấn đề mà con người ngày nay đang đối mặt.

Ngài trình bày chung thông điệp của Chúa Giêsu và Ðức Kitô Phục sinh như là giải pháp giải trừ "các tai họa của nhân loại", cụ thể là "tính ích kỷ, bất công, hận thù và bạo lực" tồn tại nơi cá nhân, phe phái và dân tộc.

Những tai họa này, "công khai và sôi sục ở mọi ngóc ngách trên hành tinh này", "thường không được chú ý đến và đôi khi bị cố tình giấu giếm", ngài nhận xét. Tuy nhiên, các tai họa gây ra "những vết thương tra tấn tâm hồn và thể xác của vô số anh chị em chúng ta".

Ðức Thánh cha nói những vết thương này "đang đợi được chăm sóc và chữa lành" bởi Ðức Kitô Phục sinh và "sự đoàn kết" của những người theo chân Ðức Kitô, "nhân danh Ngài thi hành đức ái, tích cực cam kết với công lý, và phổ biến các dấu hiệu hy vọng tỏa sáng trong các vùng bị xung đột vấy máu và bất kỳ nơi nào phẩm giá con người vẫn còn bị coi khinh và bị chà đạp".

Ngài hy vọng "các nghĩa cử ôn hòa và vị tha sẽ ngày một nhiều" ở những nơi xảy ra xung đột và nhân phẩm bị chà đạp".

Những lời kêu gọi này được đưa ra ở cuối thông điệp Urbi et Orbi Phục sinh của Ðức Thánh cha gửi thành phố Rôma (urbi) và gửi thế giới (orbi). Ngài đọc thông điệp này tại khán đài có mái che nơi ngài dâng Thánh lễ cho hàng chục ngàn khách hành hương đến từ khắp thế giới trước đó tại quảng trường Thánh Phêrô.

Khách hành hương đứng dưới những chiếc dù có nhiều màu sắc che mưa và gió lạnh trong quảng trường. Nhưng còn có hơn 100 mạng lưới truyền thông chuyển tải lời ngài nói đến khán thính giả toàn cầu ước tính khoảng hai tỷ người.

Ðức Thánh cha Bênêđictô đã chúc mừng Phục sinh bằng 63 thứ tiếng trong đó có tiếng Bengali, Campuchia, Hàn Quốc, Hindi, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nhật Bản, Philippines, Sinhal, Tamil, Thái Lan, Trung Quốc, Urdu và Việt Nam.

Thông điệp Phục sinh của ngài kết thúc một Tuần Thánh bận rộn mà ngài đã chủ sự tất cả các nghi lễ chính trong suốt tuần. Về nghi thức đi đàng Thánh giá tại đại hý trường Rôma hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, cũng được phát thanh và truyền hình trên khắp thế giới, Ðức Thánh cha đã chỉ định Ðức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun của Hồng Kông viết lời suy niệm.

Những lời suy niệm của Ðức Hồng y người Trung Quốc không những công nhận sự chịu đựng đau khổ của Giáo hội ở Trung Quốc, ở châu Á và trên khắp thế giới, mà còn đặt kỳ vọng ở tương lai. Những lời suy niệm của ngài được đánh giá rất cao ở Rôma và hiện nay có thể xem trên website của Vatican (www.vatican.va), mặc dù hiện chỉ có bản tiếng Ý, kèm theo minh họa cho từng chặng đàng Thánh giá bằng tiếng Trung Quốc. Nghi thức cảm động này cũng diễn ra giữa lúc trời mưa gió lạnh lẽo.

Chương trình mời một linh mục người Trung Quốc là cha Dominic Liu trao thánh giá cho Ðức Thánh cha Bênêđictô trong ba chặng đàng cuối. Nhưng do thời tiết, nên Ðức Thánh cha, bước sang tuổi 81 vào tháng tới, không vác thánh giá được. Thay vì thế, ngài đứng chủ sự dưới một mái vòm trên Ðồi Palatinô hướng ra đại hý trường và nói vắn tắt vào lúc kết thúc.

Vào tối hôm sau, trong đêm canh thức Phục sinh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngài rửa tội cho bảy người lớn trong đó có một phụ nữ Trung Quốc và Magdi Allam, gốc người Hồi giáo ở Ai cập nhưng hiện đang sống tại Ý và đã kết hôn với một người Công giáo.

Quyết định rửa tội cho Allam trong nghi thức trọng thể nhất của Giáo hội khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi nhà báo nổi tiếng này đang được cảnh sát bảo vệ chặt chẽ do ông bị những kẻ cực đoan Hồi giáo đe dọa.

Allam, làm phó ban biên tập của tờ Corriere della Sera, một tờ nhật báo hàng đầu ở Ý, là một người chỉ trích thẳng thắn trào lưu chính thống Hồi giáo. Ông đã bảo vệ Ðức Bênêđictô khi người Hồi giáo công kích Ðức Thánh cha về bài diễn văn của ngài tại Regensburg, Ðức, hôm 13-9-2006, do ngài trích dẫn lời nhận xét của một hoàng đế Byzantine về Tiên tri Muhammad.

Viết trong bài luận văn hôm Chúa nhật Phục sinh, Allam hầu như cho rằng việc ông theo đạo là do cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh cha Bênêđictô, và ông gọi việc Ðức Thánh cha quyết định rửa tội cho ông là "lịch sử và can đảm".

Ðây là lần đầu tiên người ra thấy một Ðức Giáo hoàng công khai rửa tội cho một người Hồi giáo.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page