Thánh lễ đầu tiên tại Sa Pa sau 54 năm

củng cố đức tin của người Công giáo miền bắc

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh lễ đầu tiên tại Sa Pa sau 54 năm củng cố đức tin của người Công giáo miền bắc.

Ðiện Biên, Việt Nam (UCAN VT04682.1489 Ngày 20-3-2008) - Người Công giáo sống trên chiến trường trước đây hy vọng có được tương lai tươi sáng sau khi tham dự Thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện ở đây kể từ khi lực lượng cộng sản đánh bại thực dân Pháp cách đây 54 năm.

Khoảng 150 người Công giáo đứng chật ních nhà nguyện rộng 52 mét vuông mới xây xong để tham dự Thánh lễ tối Chúa nhật do linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình cử hành hôm 9-3. Cha Bình, 37 tuổi, chánh xứ Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cao, đã lái chiếc xe hơi cũ kỹ của ngài vượt qua 280 km đường đèo núi để đến đây làm lễ.

Những người trẻ hát thánh ca và giáo dân gẫm 15 sự thương khó trước khi cha Bình làm phép ngôi nhà nguyện mới xây xong tại xã Noọng Hẹt trên cánh đồng Mường Thanh của chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa. Chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam hoàn toàn chấm dứt vào ngày 7-5-1954, khi lực lượng cộng sản chiến thắng trên chiến trường này thuộc tỉnh Ðiện Biên, giáp biên giới với Lào, cách Hà Nội 500 km về phía tây bắc.

Ngày hôm sau, cha Bình giải tội cho 60 người, ban bí tích cho các bệnh nhân và người già, và làm phép một số nhà mới của người Công giáo địa phương.

Anh Phanxicô Nguyễn Bá Huân cho UCA News biết, cộng đoàn Công giáo ở đây đã lo kinh phí xây nhà nguyện hết 30 triệu đồng và xây nhà nguyện trong một tuần.

"Ðây là lần đầu tiên cộng đoàn Công giáo chúng tôi di dân tới lập nghiệp trên quê hương Ðiện Biên mới này được tham dự thánh lễ Chúa Nhật Mùa Chay và bà con giáo dân có cơ hội được xưng tội rước lễ sau nhiều năm và được linh mục giải thích cho hiểu mọi điều về mùa Chay Thánh và Tuần Thánh sắp tới", anh Huân, 42 tuổi, nói với UCA News. "Tạ ơn Chúa đã không bỏ rơi đoàn chiên bé nhỏ này".

Nhiều người đã không có cơ hội đi xưng tội từ 10 đến 50 năm, anh cho biết thêm.

Người bố của ba người con lưu ý người Công giáo không gặp trở ngài nào từ phía chính quyền, họ có tới và đứng bên ngoài nhà nguyện nhưng không can thiệp. Anh hy vọng các sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng mình sẽ được xem là chuyện bình thường sau này.

Anh lưu ý, trước đây chính quyền xã buộc tội anh tụ tập người dân tại nhà anh để tham dự Thánh lễ do cha Bình cử hành. Các giáo dân khác cầu nguyện cho anh bên ngoài trụ sở xã khi anh bị thẩm vấn ở đó, anh cho biết thêm.

Anh Huân nói với chính quyền xã rằng người Công giáo tụ tập tại nhà anh để sinh hoạt tôn giáo vốn là "các nhu cầu thích đáng", theo pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo mà Nhà nước ban hành ngày 15-11-2004.

Ðức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương của Hưng Hóa viếng thăm người Công giáo địa phương lần đầu tiên tại nhà anh Huân năm 2005, và sau đó vào tháng 3-2007 ngài đã đệ đơn xin chính quyền địa phương cho phép người Công giáo địa phương được tụ tập tại nhà này, anh Huân kể lại. Họ tập trung tại đó để đọc kinh vào các ngày Chúa nhật bắt đầu vào tháng 11-2007.

Anh Ðaminh Nguyễn Văn Dương, một đại diện của cộng đoàn, nói với UCA News rằng nhiều người Công giáo từ tỉnh Nam Ðịnh bị cưỡng ép chuyển đến vùng xa xôi này năm 1975, theo chính sách kinh tế mới của nhà nước. Một số người đến đây sớm hơn, vào năm 1954, những người khác đến đây vào thập niên 1990.

Anh Dương, 42 tuổi, cho biết trước đây các linh mục không được phép viếng thăm họ. Những người trẻ trở về Nam Ðịnh, cách đó 600 km, để dự lễ Giáng sinh, Phục sinh và các lễ khác. Những người già và trẻ em không thể đi xa như thế được, anh nói thêm.

Cha Bình phát biểu với UCA News, do không có linh mục trong một thời gian lâu như thế, nhiều người Công giáo địa phương không nhớ cách rước lễ hay xưng tội. Một số người kết hôn nhưng không được làm phép hôn phối, thiếu nhi không được học giáo lý, và người già không được lãnh nhận các nghi thức sau cùng, ngài nói.

Vị linh mục, coi xứ Sa Pa có 2,100 giáo dân từ khi chịu chức linh mục vào ngày 14-2-2006, hứa sẽ viếng thăm và tổ chức các sinh hoạt mục vụ cho cộng đoàn Noọng Hẹt hàng tháng. Mặc dù chính quyền tỉnh chưa trả lời đơn của Ðức cha Chương, cha Bình lưu ý, nhưng ngài quyết định viếng thăm mục vụ người Công giáo địa phương. Ngài giải thích, theo pháp lệnh tôn giáo nếu chính quyền không trả lời đơn thư của một tổ chức tôn giáo trong vòng một tháng kể từ khi nhận đơn, thì coi như đơn này đã được chấp thuận.

Trong chuyến viếng thăm trước của cha Bình hôm 30-1 trước Tết, vị linh mục muốn gặp các giới chức địa phương và tặng quà nhưng họ từ chối tiếp ngài. Ngài dâng lễ tại nhà anh Huân và khoảng 100 người Công giáo địa phương đã tham dự Thánh lễ.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page