Nhân viên Giáo hội Việt Nam được thúc giục

phục vụ người nghèo như nhiệm vụ cơ bản

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nhân viên Giáo hội Việt Nam được thúc giục phục vụ người nghèo như nhiệm vụ cơ bản.

Long Khánh, Việt Nam (UCAN VT04668.1489 Ngày 20-3-2008) - Các lãnh đạo Giáo hội tham dự hội thảo toàn quốc tại đây kêu gọi các nhân viên Giáo hội thực hiện các hoạt động bác ái xã hội như là cách truyền giáo hữu hiệu.

"Bác ái xã hội theo quan điểm của Giáo hội là chính đời sống của Giáo hội, bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu", Ðức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan của Phan Thiết nói. Làm bác ái xã hội là "bản chất và nhiệm vụ của Giáo hội".

Ðức cha Hoan, 76 tuổi, cựu chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội của các giám mục, phát biểu tại hội thảo toàn quốc với chủ đề Học thuyết xã hội Công giáo và họat động bác ái xã hội. Ủy ban Bác ái Xã hội tổ chức hội thảo từ ngày 12-13/3/2008 tại trung tâm mục vụ trong khuôn viên tòa giám mục Xuân Lộc ở thị xã Long Khánh, tỉnh Ðồng Nai, cách Hà Nội 1.630 km về phía nam.

Ðức cha Hoan, cùng ba giám mục khác và 80 linh mục, tu sĩ và giáo dân từ khắp cả nước đã đến tham dự hội thảo. Misereor, tổ chức phát triển hải ngoại của Giáo hội Công giáo Ðức, tài trợ cho hội thảo này.

Theo Ðức cha Hoan, giáo sĩ và tu sĩ địa phương không ưu tiên cho vấn đề bác ái yêu thương tha nhân trong khi cố giữ các lời khấn khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo trong đời sống hàng ngày. Ngài thừa nhận mãi cho đến khi đọc bức thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu), được Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI ban hành ngày 25-12-2005, ngài mới nhận ra mình chưa quan tâm đúng mức vấn đề bác ái.

Ðức cha Hoan nói những người ngoại giáo và ngay cả người vô thần cũng quyên góp và phân phát quà cho người nghèo. "Chúng ta đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho người nghèo thông qua việc làm bác ái xã hội của chúng ta".

Ngài khuyên các nhân viên xã hội của Giáo hội không nên động viên những người được giúp đỡ cải đạo theo Công giáo. Ngài kể ngài đã tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân phong người dân tộc thiểu số trong giáo phận của ngài nhưng không nói với họ điều gì về Công giáo. Không người nào trong số họ theo đạo trong tám năm đầu. Chỉ một người đến xin được rửa tội trong năm thứ chín, nhưng hai năm sau đó lại có 200 người khác muốn theo đạo, đức cha nói thêm.

Ngài giải thích: "Chúng ta không cần bộc lộ tôn giáo của mình cho người khác biết, bởi làm bác ái có nghĩa là truyền giáo".

Tuy nhiên, Ðức cha Hoan còn kêu gọi các tham dự viên hội thảo tổ chức hoạt động bác ái cách có tổ chức và hệ thống như hoạt động truyền giáo và mục vụ. Ngài nói thêm: "Giáo dân cần được khuyến khích tham gia các hoạt động bác ái của Giáo hội".

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, thư ký của ủy ban, phát biểu với UCA News rằng hội thảo nhằm cung cấp cho các nhân viên xã hội cấp giáo phận những giáo huấn xã hội cơ bản của Giáo hội. Các linh mục đứng đầu các ủy ban bác ái xã hội cấp giáo phận thiếu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này, ngài nói.

Ðức Giám mục Micae Hoàng Ðức Oanh của Kon Tum tóm tắt cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, do nhà xuất bản Libereria Editrice Vaticana phát hành năm 2004. Các tham dự viên được phát bản dịch tiếng Việt của cuốn sách 2 chương này. Họ cũng được phát cuốn Deus Caritas Est và các giáo huấn xã hội khác.

Trong hội thảo dài hai ngày, các thuyết trình viên nói về nhân phẩm và nhân quyền, liên đới xã hội, bảo vệ môi trường và những mẫu thức làm công tác bác ái.

Các tham dự viên còn học cách vẽ bản đồ các vấn đề xã hội và giúp người dân giảm bớt những thiệt hại do bão lụt gây ra. Một số hoạt động phòng chống HIV/AIDS do người Công giáo tổ chức cũng được giới thiệu.

Sau khi Ðức Giám mục Ðaminh Nguyễn Chu Trinh của Xuân Lộc, chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội, nói với các tham dự viên rằng ngài đã trình đơn xin Nhà nước cho thành lập lại Caritas Việt Nam, họ đã thảo luận về các hoạt động và nhiệm vụ của tổ chức Giáo hội này.

Các giám mục miền Nam thành lập Caritas Việt Nam năm 1965 nhằm trợ giúp nhân đạo cho người nghèo và nạn nhân các vụ thiên tai và chiến tranh. Tổ chức đã bị Nhà nước đóng cửa tháng 6-1976, một năm sau khi đất nước thống nhất.

Các tham dự viên hy vọng Nhà nước sẽ công nhận Caritas Việt Nam, giúp Giáo hội có thể làm việc với các tổ chức nước ngoài hữu hiệu hơn và hội nhập cộng đồng quốc tế.

Cha Sơn lưu ý các ủy ban bác ái xã hội cấp giáo phận thiếu nhân viên chuyên môn và một số ủy ban không có nhân viên. Một vài giáo phận vẫn chưa thành lập ủy ban bác ái xã hội.

Ðức cha Trinh nói với các tham dự viên rằng ngài sẽ trình bày những ý kiến của hội thảo lên các giám mục trong cuộc họp từ ngày 25-28/3/2008 tại thành phố Vũng Tàu, cách Hà Nội 1,800 km về phía đông nam.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page