Một vở kịch trong mùa Chay

khẳng định sự bình đẳng

của phụ nữ trong Giáo hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một vở kịch trong mùa Chay khẳng định sự bình đẳng của phụ nữ trong Giáo hội.

Bài của T.S. Thomas

Mangalore, Ấn Ðộ (UCAN IB04647.1489 Ngày 17-3-2008) - Một số phụ nữ ở miền nam Ấn Ðộ nói rằng một vở kịch mùa Chay giúp họ nhận ra rằng các lãnh đạo Giáo hội hiện nay khác xa với Chúa Giêsu trong cách tiếp xúc với phụ nữ.

Hôm 9-3-2008, một ngày sau Ngày Quốc tế Phụ nữ, khoảng 10,000 người đã xem vở kịch dài ba giờ ở Mangalore, cách New Delhi 2,290 km về phía nam. Một đoàn kịch văn hóa do một giáo dân Công giáo đứng đầu đã trình diễn vở Jesu Bhonvaricheo Streeyo (phụ nữ quanh Chúa Giêsu) bằng tiếng Konkani. Vở kịch phản ánh sự chi phối của nam giới trong Giáo hội và nhấn mạnh vai trò bình đẳng của phụ nữ.

Mandd Sobhaan (nhóm sân khấu), tổ chức văn hóa, đã trình diễn vở kịch tại một trường học ở thành phố để giúp một giáo xứ quyên góp quỹ tài trợ cho học sinh nghèo. Trưởng đoàn là Louie Pinto nói với UCA News rằng vở kịch nhấn mạnh đến sự đóng góp của phụ nữ cho xã hội.

Clara D'Cunha, một khán giả, gọi vở kịch "giống như một cuộc hành trình với Chúa Giêsu". Chị nói với UCA News: "Chúng tôi đồng cảm với các phụ nữ trong Kinh thánh, những người đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu".

Vở kịch bắt đầu với tiệc cưới tại Cana, tại đây Ðức Mẹ đã xin Chúa Giêsu "làm một việc gì đó" để giúp chủ tiệc khỏi bị bẽ mặt vì hết rượu. "Mẹ là mẹ con; mẹ có quyền ra lệnh cho con, chứ không phải nài xin con", Ðức Giêsu nói theo kịch bản đã được cải biên. Trong Tin mừng theo Thánh Gioan, Ngài đã đặt vấn đề tại sao chuyện này lại liên quan đến Ngài, nhưng rồi lại làm phép lạ hóa nước thành rượu.

Theo chị D'Cunha, Chúa Giêsu đề cao phẩm giá của phụ nữ bằng cách vâng lời mẹ Ngài. Ngài không bao giờ phân biệt đối xử với phụ nữ, khác với các lãnh đạo Giáo hội hiện nay vốn coi thường phụ nữ và đối xử với họ như là công dân hạng hai, người mẹ của hai người con nói thêm.

Một cảnh khác làm cho D'Cunha cảm động là cảnh Chúa Giêsu chữa lành cho một phụ nữ bị băng huyết trong 12 năm. Chúa Giêsu đề cao vai trò của người phụ nữ đó trong việc sinh nở bằng cách thừa nhận tình trạng thể lý của bà. Việc làm của ngài đi ngược lại phong tục của người Do Thái xem những người đang có kinh là ô uế.

Theo chị D'Cunha, phụ nữ trung thành với Chúa Giêsu hơn đàn ông và tỏ ra can đảm hơn khi theo Ngài cả trên đường đi chịu đóng đinh. Chị cảm thấy được khích lệ khi thấy Maria Mađalêna được miêu tả trong vở kịch như người môn đệ gần gũi của Ðức Giêsu, đứng bên cạnh Ngài cho đến khi Ngài lìa đời. Ðức Giêsu chọn Maria, một người phụ nữ, để mạc khải Mầu nhiệm Phục sinh của Ngài, chân lý nền tảng của Kitô giáo, chị nói.

Vở kịch còn giúp Irene Rebelo, một thành viên của phong trào Gia Ðình Cùng Theo Chúa, hiểu rõ tư cách phụ nữ của mình. Người Công giáo 42 tuổi này nói với UCA News: "Chúa Giêsu yêu thương phụ nữ, và xem phụ nữ như những cộng sự bình đẳng trong việc xây dựng Nước Chúa". Chị cho biết "hiểu được Chúa Giêsu không bao giờ phân biệt đối xử với phụ nữ là niềm an ủi lớn" trong thời điểm bạo hành phụ nữ đang gia tăng. "Nếu Chúa Giêsu ở với chúng ta, ai có thể ngược đãi chúng ta?" chị hỏi.

Lita Monteiro, một phụ nữ Công giáo khác, nói với UCA News rằng chị thích cảnh Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không xem phụ nữ là những người bị xã hội ruồng bỏ nhưng là "những người có phẩm giá bình đẳng", người phụ nữ 34 tuổi nói. Vở kịch về vai trò của phụ nữ trong Kinh thánh đã làm chị ngạc nhiên, chị nói thêm, và giờ đây chị muốn đóng góp cho Giáo hội.

Chị Monteiro nhận thấy quan điểm của các giới chức trong Giáo hội về phụ nữ đang thay đổi dần dần. "Giờ đây, chúng tôi cảm nhận được một vị trí tốt hơn trong Giáo hội", chị khẳng định.

Arun Raj Rodrigues, nam giáo dân, người đã viết kịch bản và đạo diễn vở kịch, nói với UCA News rằng ông chỉ muốn nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong Kinh thánh và đối chiếu với tình hình hiện nay trong Giáo hội. Ông cho biết ông đã thảo luận kịch bản này với một số nhà thần học địa phương.

Vở kịch đã được các linh mục khen ngợi. Linh mục Marc Castelino, một cha xứ, nói với khán giả rằng vở kịch nhằm phục hồi phẩm giá của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội.

Ðức ông Alexander D'Souza, cựu tổng đại diện của giáo phận Mangalore, chức vụ cao thứ hai sau giám mục, giới thiệu vở kịch này và khen ngợi giáo dân đã trình diễn một vở kịch độc đáo trong mùa Chay. Ngài nhấn mạnh cần phục hồi phẩm giá và bình đẳng cho phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ngài nói thêm phụ nữ phải tự hào về vai trò quan trọng của mình trong Kinh thánh và khẳng định phẩm giá của mình.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page