Người dự tòng Campuchia vượt qua thử thách

trên đường tiến tới lãnh nhận Bí tích Rửa tội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Người dự tòng Campuchia vượt qua thử thách trên đường tiến tới lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Phnom Penh (UCAN CA04582.1489 Ngày 18-3-2008) - Người dự tòng ở Campuchia thường gặp những thử thách như bị gia đình phản đối, cộng đồng tẩy chay và chính quyền gây khó dễ.

Gần đây UCA News đã nói chuyện với những người dự tòng trong giáo xứ Thánh Giuse thuộc Phsar Thoich, Phnom Penh, về hành trình gia nhập Giáo hội của họ.

Em Sokhorn, sinh ra trong một gia đình Phật giáo và có bảy anh chị em, thừa nhận cải đạo "không phải dễ". Em được gia đình chấp thuận, nhưng bạn bè trong làng không tán thành và thậm chí còn tẩy chay em nữa.

Cô gái 22 tuổi này cho biết điều lôi cuốn em là cách sống của người Công giáo. Em kể người ta nói các Kitô hữu gây xáo trộn trong xã hội Campuchia, nhưng em tự hỏi: "Người Kitô hữu xấu vậy sao?" Ghi nhận câu hỏi trong đầu, em đã gia nhập một nhóm giáo lý, suy nghĩ kỹ và cuối cùng chấp nhận "một con đường mới". Giờ đây em cảm thấy chắc chắn về con đường mình đã lựa chọn. "Em sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong lễ Phục sinh này", em nói.

Ðức Giám mục thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Emile Destombes, MEP., đại diện tông tòa của Phnom Penh, sẽ rửa tội cho Sokhorn và 146 dự tòng khác đến từ khắp cả nước trong Thánh lễ Vọng Phục sinh đêm 22-3-2008.

Chị Gnim Sok Eang, 35 tuổi, có một thời gian gay go hơn. Chị kể về những người dân làng đe dọa và phân biệt đối xử với chị. Họ buộc tội chị bỏ văn hóa Khmer, tin vào một tôn giáo ngoại lai và thậm chí là phản bội đất nước, chị giải thích, và cũng bị chồng ngược đãi.

"Chồng tôi thường ngăn không cho tôi tham gia nhóm dự tòng", chị kể, đôi khi ông ta còn đánh đập chị. Nhưng chị đã quyết tâm. Chị khẳng định: "Không ai có thể ngăn cản tôi. Tôi thích sống Tin mừng của Ðức Kitô".

Chị Eang thừa nhận cuộc sống của chị đã thay đổi hoàn toàn từ khi xin học đạo. "Không phải dễ, nhưng tôi tin", chị nói.

Anh Dung Savong, một giáo lý viên của giáo xứ Thánh Giuse, nói với UCA News: "Giáo hội có điều kiện dành cho người mới theo đạo. Họ có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội sau ba năm học giáo lý. Và họ phải ít nhất là 18 tuổi".

Chương trình này dài, Ðức cha Destombes nói với UCA News, nhằm giúp người dự tòng hiểu giáo lý sâu hơn và để họ có được đức tin vững vàng trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nếu họ có đức tin vững vàng, họ sẽ là những nhân chứng tốt, ngài nói thêm và lưu ý rằng Giáo hội không "ép buộc" người khác cải đạo.

Trong khi đó, anh Savong cũng cho biết "những người mới theo đạo gặp nhiều thử thách, như bị gia đình, bạn bè và dân làng chỉ trích". Anh kể chuyện một người dự tòng trẻ tuổi bị dọa tước quyền thừa kế nếu tiếp tục theo học đạo hay rửa tội. Anh nói: "Nhưng chị ấy yêu mến Chúa Giêsu, và sự làm chứng nhân của người Công giáo, và chị thực sự muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội".

Anh Savong động viên các dự tòng suy nghĩ kỹ thông qua các đoạn Kinh thánh có liên quan. Anh trích dẫn lời Chúa Giêsu nói trong Tin mừng của Thánh Luca: "Từ nay trở đi một gia đình có năm người sẽ bị chia rẽ, ba người chống lại hai và hai người chống lại ba".

Giáo lý viên này còn cung cấp các sách đạo khác giúp người dự tòng hiểu rằng cách sống mới này không phải dễ. Họ phải cởi mở tâm hồn, cầu nguyện cùng Chúa, biết yêu thương và chịu đau khổ, anh nói.

Linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, Francois Ponchaud, MEP., 69 tuổi, giám đốc Trung tâm Văn hóa Công giáo Campuchia, nói với UCA News rằng người Khmer theo đạo Công giáo rất khó bởi phong tục và văn hóa Khmer khắt khe. Phật giáo được xem là một phần trong bản sắc của người dân tộc Khmer, vốn chiếm hơn 90% dân số Campuchia.

Vị linh mục, lần đầu tiên đến Campuchia làm thừa sai vào thập niên 1960, thấy rằng trước năm 1970 có ít người Khmer muốn theo đạo Công giáo, bởi họ nghĩ Công giáo là "tôn giáo của người nước ngoài". Khoảng 90% số người Công giáo ở Campuchia lúc đó là người gốc Việt.

Năm 1970, chính quyền quân sự do Lon Nol, người lên nắm quyền trong một vụ đảo chính, đứng đầu đã trục xuất tất cả những người gốc Việt ra khỏi Campuchia. 5 năm sau, khi Pol Pot và Khmer Ðỏ lên nắm quyền, tất cả các thừa sai hải ngoại đều bị trục xuất. Không còn linh mục hay nữ tu người Campuchia nào sống sót sau bốn năm cầm quyền tàn bạo của Khmer Ðỏ.

Tuy nhiên, nhờ Giáo hội được "phục hồi" vào đầu thập niên 1990 mà mọi thứ đã thay đổi, cha Ponchaud cho biết, và mới có những người mới theo đạo.

Hiện nay, Giáo hội có khoảng 19,000 người Công giáo trong 12 triệu dân Campuchia. Hạt đại diện tông tòa Phnom Penh, và hai hạt phủ doãn Battambang và Kompong Cham trông coi cả quốc gia này.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page