Các lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo Indonesia
phản đối bộ phim Hà Lan về Hồi giáo
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo Indonesia phản đối bộ phim Hà Lan về Hồi giáo.
Jakarta (UCAN IJ04662.1489 Ngày 18-3-2008) - Các lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo Indonesia đã viết thư gửi Thủ tướng Hà Lan Jan-Peter Balkenende yêu cầu chính phủ của ông ngăn chặn một bộ phim về Hồi giáo gây tranh cãi sắp được phát hành và phân phối.
"Về bộ phim Fitna của (hạ nghị sĩ) Geert Wilders trong tháng 3-2008, Cộng đồng tôn giáo Indonesia chúng tôi phản đối bộ phim này, vốn công khai phỉ báng đạo Hồi và kinh Koran (Qur'an)", các lãnh đạo tôn giáo khẳng định trong thư ngỏ của họ.
Bức thư chung phát hành hôm 13-3-2008 nói thêm: "Phát hành bộ phim này chắc chắn sẽ xúc phạm người Hồi giáo và tạo thêm căng thẳng trên thế giới, và giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau".
Bức thư được ký bởi chủ tịch Nahdlatul Ulama (NU) là Hasyim Muzadi, chủ tịch Muhammadiyah là Din Syamsuddin, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Indonesia là Ðức Giám mục dòng Capuchin Martinus Dogma Situmorang của Padang, và mục sư Andreas Yewangoe, chủ tịch Cộng đoàn các Giáo hội Tin lành ở Indonesia (PGI, viết tắt theo tiếng Indonesia).
NU và Muhammadiyah lần lượt là hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất nhì ở Indonesia, NU có 40 triệu tín đồ và Muhammadiyah có 30 triệu tín đồ. Indonesia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, chiếm 87% trong số 220 triệu dân.
Các lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo kêu gọi chính phủ Hà Lan nỗ lực hết mình để ngăn chặn việc phát hành và phân phối bộ phim này.
"Chúng tôi hy vọng bức thư sẽ nhận được sự chú ý hoàn toàn của chính phủ Hà Lan vì sự hòa hợp giữa các tín đồ" theo bức thư, được Ðức cha Situmorang đọc trong cuộc họp báo tại trụ sở chính của NU ở đây hôm 13-3-2008.
Họ đã gửi các bản sao bức thư cho tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Indonesia, cũng như đại sứ Hà Lan tại Indonesia.
Các lãnh đạo tôn giáo còn kêu gọi chính phủ Indonesia đưa ra lập trường kiên quyết phản đối việc phân phối bộ phim này ở Indonesia.
Theo tờ nhật báo Kompas ở Jakarta, Muzadi phát biểu tại cuộc họp báo rằng Ðại sứ Hà Lan Nikolaos van Dam ở Indonesia đã viếng thăm và thông báo với ông về bộ phim. Muzadi thừa nhận ông chưa xem bộ phim này, nhưng nói ông được biết bộ phim của Wilders phỉ báng đạo Hồi và kinh Qur'an.
Muzadi cho biết, Wilders đã đặt các câu kinh Qur'an ngoài bối cảnh để kết tội Hồi giáo theo chủ nghĩa khủng bố, áp dụng những hình phạt tàn nhẫn và theo chế độ đa thê. Kể lại việc người Hồi giáo trên thế giới đã phản đối kịch liệt khi một tờ báo Ðan Mạch phát hành các tranh biếm họa phỉ báng Tiên tri Muhammad, Muzadi cảnh báo bộ phim của Wilders sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới.
Muzadi còn cho biết các lãnh đạo tôn giáo đã nhóm họp và phát hành thư ngỏ không chỉ để phản đối bộ phim mà còn để đưa ra cảnh báo trước về những mối nguy hiểm lớn hơn. Ông giải thích người Hồi giáo có thể nghĩ những người theo các tôn giáo khác sản xuất bộ phim này nhằm dồn ép Hồi giáo, trong khi bộ phim do một người vô thần làm.
Ðức cha Situmorang nói với giới báo chí rằng qua phản đối bộ phim ngài hy vọng sẽ giữ được mối hòa hợp liên tôn đã được xây dựng cho đến nay. Bộ phim sẽ làm tổn thương không chỉ người Hồi giáo mà còn tất cả các tín đồ tôn giáo, và sẽ gây thêm căng thẳng, tờ Kompas trích lời đức cha.
Trong khi đó, tổng thư ký của PGI là mục sư Richard Daulay nói với UCA News hôm 14-3-2008 rằng PGI đã nhận được thông tin về bộ phim từ những người trong Giáo hội ở Hà Lan, họ cũng phản đối bộ phim với lý do là nó có thành kiến với tôn giáo.
Mục sư Tin lành nói: "PGI cũng có lập trường phản đối bộ phim như thế. Chúng tôi không muốn thấy sự hòa hợp liên tôn đã được xây dựng tốt đẹp bị bộ phim phá hủy". Ông nói thêm ông đã viết thư cho Hội đồng các Giáo hội Tin lành ở Hà Lan vận động thủ tướng Hà Lan ngăn không cho phát hành và phân phối bộ phim.
Tựa đề phim xuất phát từ chữ Ảrập fitna, một từ được dùng để mô tả "sự bất đồng và chia rẽ giữa con người" hay "sự kiểm tra đức tin trong những lúc thử thách".
UCA News