Các dự án y tế của Giáo hội
giúp đỡ các nữ Kitô hữu bị gạt ra bên lề xã hội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các dự án y tế của Giáo hội giúp đỡ các nữ Kitô hữu bị gạt ra bên lề xã hội.
Lahore, Pakistan (UCAN PA04599.1487 Ngày 7-3-2008) - Ðã cuối ngày nhưng một nhóm nữ Kitô hữu lại muốn kéo dài giờ giữ chay hàng ngày trong mùa Chay để nghe một bài nói chuyện về AIDS.
Cuộc nói chuyện nhân "Ngày Thầy thuốc" nằm trong dự án chăm sóc sức khỏe phụ nữ do Ban Chuyên trách Phụ nữ của Giáo hội Pakistan tổ chức trong bốn khu nhà ổ chuộc ở Lahore từ tháng 7 năm 2007. Cuộc nói chuyện này diễn ra tại nhà thờ Thánh Gioan ở Model Colony, Lahore, cách Islamabad 270 km về phía đông nam.
Giáo hội Pakistan và Giáo hội Công giáo Pakistan tổ chức một số chương trình chăm sóc sức khỏe với quy mô nhỏ cho phụ nữ ở quốc gia đa số Hồi giáo Pakistan.
Trong chương trình ở Model Colony, 30 phụ nữ Tin lành, đa số đã có gia đình, chăm chú lắng nghe Shama Sadique. Nhân viên y tế này thường xuyên viếng thăm nhà họ, nêu lên những đề xuất bàn về các chương trình chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho họ.
Giống như nhiều nữ Kitô hữu trong quốc gia này, các phụ nữ này giữ chay trong mùa Chay giống như người Hồi giáo giữ chay hàng ngày trong tháng chay Ramadan, họ nhịn ăn uống từ sáng sớm đến chiều tối suốt tháng này.
Vào tối ngày 16-2-2008, các phụ nữ này tiếp tục giữ chay để nghe một bài thuyết trình về các biện pháp phòng ngừa và các triệu chứng lây nhiễm HIV, virút thường dẫn sang AIDS.
"Hãy nhớ rằng bệnh này không có thuốc điều trị nhưng có thể phòng ngừa được", Sadique nói với các phụ nữ khi chị nói về các biện pháp phòng ngừa và những việc cần làm khi phát hiện chồng họ bị HIV dương tính.
Cuối buổi nói chuyện, đề nghị tất cả các phụ nữ này để cho bác sĩ khám tại nhà ở của mục sư, bênh cạnh nhà thờ, sau khi ăn uống xong. Một căn phòng trong căn nhà này được dành cho một nữ bác sĩ đến thăm viếng và khám bệnh hai tháng một lần, được các phụ nữ này gọi là "Ngày Thầy thuốc".
Theo mục sư Samuel Barkat, có 81 gia đình Kitô hữu đăng ký với nhà thờ của ông, đa số trưởng gia đình là nhân viên vệ sinh được gọi là "lao công". Nhiều Kitô hữu nghèo và không được ăn học chỉ có thể xin làm lao công và công nhân lò gạch, khiến họ bị xem là tầng lớp thấp nhất trong xã hội.
Mục sư Barkat nói với UCA News: "Cả Kitô hữu và người Hồi giáo đều đến khám chữa bệnh, gần như là miễn phí". Nhóm Giáo hội này thường lấy lệ phí là 10 rupi (0.16 Mỹ kim) nhưng khám và phát thuốc miễn phí cho những người không có khả năng trả số tiền ít ỏi này.
Theo mục sư, có nhiều phụ nữ đến khám khi bác sĩ viếng thăm là dấu hiệu tốt của một dự án vốn gặp nhiều thử thách. "Người dân mong muốn nhân viên y tế này đem thuốc đến', ông nói với UCA News, ám chỉ người ta thường hiểu nhầm nhân viên y tế và bác sĩ là một và giống nhau.
Theo Ayra Inderyas, thư ký Ban Chuyên trách Phụ nữ của giáo phận Lahore thuộc Giáo hội Pakistan, trường hợp này giống như ở các vùng nghèo khác. Phụ nữ không hiểu được rằng một nhân viên y tế, hay một y tá đã được đào tạo, không thể kê đơn thuốc. Bà đề nghị các Ngày Thầy thuốc "cần được tăng thêm".
Inderyas nói thêm nhóm Giáo hội Tin lành này đã cung cấp các ống nghe, dụng cụ đo huyết áp và trang bị sơ cấp cứu cho các nhân viên y tế. Ðường kế để theo dõi lượng đường trong máu và nebulizer, được dùng để cung cấp thuốc nước dưới dạng hơi để bệnh nhân hít vào, cũng sẽ sớm được phát cho họ, bà cho biết thêm.
Các nhân viên y tế giống như Sadique cũng có những quan ngại khác. "Suy dinh dưỡng là một vấn đề cơ bản nơi các gia đình nghèo, vốn dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như viêm gan và bệnh vàng da, rất phổ biến trong các vùng như thế", bà nói với UCA News, nước ô nhiễm cũng là mối nguy hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, Caritas Pakistan Multan mở ba trung tâm y tế dành cho phụ nữ trong giáo phận Công giáo Multan. "Chúng tôi tập trung chăm sóc bà mẹ và trẻ em cũng như phòng ngừa bệnh", Izhaque Dulanda, người điều phối chương trình sức khỏe của Caritas nói với UCA News. Ông cho biết các bác sĩ thường xuyên viếng thăm các trung tâm này một đến hai lần một tuần.
Tuy nhiên, trái ngược với chương trình của Giáo hội Tin lành ở Lahore, vốn đẩy mạnh việc dùng bao cao su để ngăn ngừa HIV và kế hoạch hóa gia đình, chương trình của Công giáo không tán thành việc dùng bao cao su và các biện pháp tránh thai khác.
Ông lưu ý: "Các giám mục quyết liệt lên án các phương pháp kế hoạch hóa nhân tạo trong đó có việc dùng bao cao su hay phá thai". Thay vì thế Giáo hội đề nghị các đôi vợ chồng dùng các phương pháp kế hoạch gia đình theo tự nhiên dựa trên chu kỳ kinh nguyệt.
UCA News