Phụ nữ Á Châu

ngày càng được trao quyền trong Giáo hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phụ nữ Á Châu ngày càng được trao quyền trong Giáo hội.

Chuyên mục UCAN 'Giáo dân ở châu Á' của Virginia Saldanha

Mumbai, Ấn Ðộ (UCAN AS04544.1487 Ngày 3-3-2008) - Châu Á là châu lục phong phú về văn hóa và tôn giáo, cũng như những thực trạng xã hội, chính trị và kinh tế, nhưng phụ nữ ở châu Á có chung một thực tế đó là bị chi phối bởi chế độ gia trưởng. Có 55% phụ nữ trên thế giới sống ở châu Á. Từ khu vực Ðông Á giàu có đến Nam Á nghèo đói, có truyền thống trọng nam khinh nữ nên người nam được ưu tiên trong chăm sóc, dịch vụ và có cơ hội hơn, cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Tôn giáo vẫn còn ảnh hưởng lớn trong đời sống của phụ nữ Á châu, họ vốn là những người thường xuyên đi đền chùa, nhà thờ, thánh đường Hồi giáo,... và trung thành giữ đạo trong những lúc khó khăn và căng thẳng. Họ cầu nguyện và dâng cúng cho các vị thần khác nhau, kể cả thần của các tôn giáo khác. Tuy nhiên, các nền văn hóa và tôn giáo có ảnh hưởng lớn trong khu vực xem phụ nữ là người phụ thuộc vào nam giới. Trào lưu chính thống tôn giáo đã phát triển trong thời gian gần đây và tìm cách chi phối và kiểm soát đời sống của phụ nữ.

Bạo hành phụ nữ là quan ngại lớn nhất đối với phụ nữ ở nhiều nước. Trong gia đình, nhiều phụ nữ bị lạm dụng thể xác và tình dục dưới hình thức đánh đập, hãm hiếp hay loạn luân. Những vấn đề "riêng tư" này thường được giữ kín nhưng nay đang bắt đầu phơi bày.

Người phụ nữ gánh vác công việc nặng gấp đôi trong và ngoài gia đình, do quan niệm truyền thống xem người nữ chủ yếu là làm mẹ/ vợ/ người lo việc nhà. Tuy nhiên, nhu cầu của cuộc sống hiện nay đòi buộc người nữ phải đi làm bên ngoài nữa. Họ bị lao tâm do áp lực căng thẳng của trách nhiệm kép này và thường bị chồng đối xử bạo lực khi không thể chu toàn vai trò ở nhà theo mong muốn của chồng.

Tình trạng không chung thủy đang lan tràn, ở một số nền văn hóa người ta đặt tên cho những phụ nữ bị những quý ông chán cơm thèm phở theo đuổi. Ðàn ông có "vợ bé" ở Thái Lan hay một querida ("người yêu" hay "tình nhân") ở Philippines, cho thấy về mặt văn hóa người ta khéo léo chấp nhận hiện tượng này.

Ở khu vực Nam Á, phụ nữ đối diện nghèo đói. Cùng với não trạng văn hóa trọng nam, phụ nữ không chỉ bị khai thác, mà còn hòa mình vào ủng hộ sự thống trị của nam giới. Tỷ lệ giới tính không cân xứng ở các nước Nam Á (Ấn Ðộ có 933 nữ so với 1,000 nam) cùng với số liệu thống kê các vụ bạo hành phụ nữ nằm trong các vấn đề tồi tệ nhất trên thế giới.

Ở Ðông Nam Á, phụ nữ di cư tìm việc làm trong và ngoài nước với quy mô lớn. Những phụ nữ này phải chịu cảnh bất công, bạo hành, căng thẳng trong cảm xúc và dửng dưng do sống xa gia đình, bị người chủ ngược đãi và quấy rối tình dục.

Giàu có là đặc điểm của Ðông Á ngoại trừ Mông Cổ. Các giá trị của Khổng giáo vốn trọng nam kinh nữ ảnh hưởng lớn đến khu vực này. Tình trạng ly hôn gia tăng do có sự thay đổi trong địa vị của phụ nữ nhưng không có sự thay đổi tương ứng trong thái độ của nam giới. Phụ nữ ở các quốc gia Á châu nghèo hơn di cư đến khu vực này để tìm việc làm.

Ở nhiều vùng châu Á, các nền văn hóa bộ tộc vốn thường tôn trọng phụ nữ như nam giới có ảnh hưởng mạnh mẽ. Sự phát triển của đô thị hóa và hiện đại hóa khiến phụ nữ xa công việc đồng án. Những phụ nữ ngây thơ này thường được đưa lên các thành phố và bị lừa vào con đường mại dâm, làm mất dần phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ.

Trong khi đó, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò phụ trong Giáo hội ở hầu hết các vùng của châu Á - làm các công việc truyền thống như quét dọn, trang trí, nấu ăn, dạy giáo lý, giúp chuẩn bị cho nghi thức phụng vụ,.... Ở Philippines và Hồng Kông, địa vị của phụ nữ trong cương vị lãnh đạo Giáo hội tốt hơn ở các nơi khác của châu Á nhiều. Liên Hội đồng giám mục Á châu (FABC) có năm phụ nữ làm thư ký điều hành - của ba trong chín văn phòng và các ban chuyên trách Giới trẻ và AsIPA.

Với sự phát triển của các Cộng đoàn Kitô Nhỏ (SCC), nhiều phụ nữ đang tích cực tham gia ở cấp cộng đoàn trong tư cách lãnh đạo. "Phụ nữ là huấn luyện viên, trợ giúp và các tham dự viên chuyên cần và đáng tin cậy nhất trong Cộng đoàn Kitô Nhỏ. Tóm lại, phụ nữ xây dựng và duy trì các SCC", theo Cora Mateo của Ban chuyên trách AsIPA, trực thuộc Văn phòng Giáo dân và Gia đình của FABC.

Tuy nhiên, khi bầu hội đồng giáo xứ, thì đàn ông lại là người được bầu chọn. Ðây là do theo truyền thống đàn ông được xem là "người lãnh đạo" và là người đảm trách những công việc ngoài xã hội. Thường thấy ít có đàn ông trong các ban tài chính. Khi phụ nữ bắt đầu tham dự phụng vụ trong vai trò là người đọc sách, ca trưởng, thừa tác viên ngoại thường, tiếp tân và giúp lễ, người ta nhận thấy họ là thành phần đa số đi tham dự. Tuy nhiên, ở một số quốc gia vai trò thừa tác viên ngoại thường và giúp lễ vẫn chưa dành cho phụ nữ.

Các nữ tu làm việc với phụ nữ ở nông thôn và các khu nhà ổ chuột đã đóng góp rất nhiều trong việc trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo các nhóm láng giềng. Phụ nữ thuộc các tín ngưỡng khác nhau tham gia các nhóm này. Các nữ tu đang tham gia công tác mục vụ thông qua các SCC và thường đi tiên phong làm việc trong các vùng truyền giáo xa xôi.

Phụ nữ độc thân, quả phụ và phụ nữ đã ly thân hay ly hôn cảm thấy bị bỏ rơi trong Giáo hội. Cuộc chiến dài lê thê ở Sri Lanka đã khiến nhiều người mất chồng và phải vật lộn với cuộc sống. Tôi nhớ những quả phụ này đã lên tiếng kêu gọi giúp đỡ tại một cuộc họp của các nữ tu. Trong tổng giáo phận Bombay, miền tây Ấn Ðộ, Hy vọng và Sự sống là một phong trào của các quả phụ đầy nghị lực giải phóng nhiều phụ nữ khỏi những trói buộc của cảnh góa chồng truyền thống và truyền cảm hứng thành lập một nhóm quả phụ ở Sri Lanka.

Các phụ nữ ly thân và ly dị cảm thấy bị cộng đoàn xa lánh, vì theo truyền thống trách nhiệm giữ cho gia đình êm thắm được giao cho phụ nữ. Ngoài việc bị tổn thương nặng nề sau khi ly thân hoặc ly hôn, họ còn phải gánh vác trách nhiệm làm người mẹ không chồng. Số phụ nữ độc thân tham gia các hội đoàn thế tục đang ngày càng nhiều, cho họ địa vị như là tu sĩ.

Ở hầu hết các nước đều có một tổ chức phụ nữ cấp quốc gia trong Giáo hội liên kết với Hiệp hội các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (WUCWO). Ban lãnh đạo của tổ chức này chủ yếu gồm các phụ nữ tầng lớp trung lưu chủ yếu làm từ thiện và các chương trình đến với tha nhân truyền thống của phụ nữ. Nhiệm vụ làm việc để biến đổi xã hội thường do Ủy ban Công lý và Hòa bình hay Ủy ban hoặc Văn phòng Phụ nữ đảm trách.

Sáu hội đồng Giáo hội ở châu Á đã thành lập một cơ cấu xử lý các vấn đề của phụ nữ trong từng quốc gia của mình gồm Ấn Ðộ, Bangladesh, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Các cơ cấu này đã dần dần bắt đầu thay đổi thực trạng của phụ nữ thông qua các chương trình kêu gọi nhận thức và huấn luyện. Họ tạo cho phụ nữ một diễn đàn để lên tiếng trong Giáo hội, và còn nối mạng với các nhóm phụ nữ khác bên ngoài Giáo hội.

Ngoài ra, số nữ thần học gia được đào tạo đã tăng ở châu Á từ khi Hội Tông đồ Giáo dân của các Giám mục (BILA) về Phụ nữ lần thứ nhất diễn ra vào năm 1995. Khá ít nữ thần học gia đang giảng dạy tại các trường đại học và trong các chương trình thần học ở châu Á. Nhưng các giáo dân nữ không nhận thấy có lợi về kinh tế khi bỏ thời gian và tiền bạc để học thần học, vì không có nhiều cơ hội kiếm việc làm. Tuy nhiên, có nhiều nhóm nhỏ không chính thức của phụ nữ ở các nước thường xuyên gặp gỡ để suy tư những vấn đề thần học vốn ăn sâu vào thực tế đời sống của phụ nữ châu Á và giáo huấn của Chúa Giêsu.

20 năm sau khi Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II phát hành tông thư Mulieris Dignitatem ("Về Phẩm giá và Ơn gọi của Phụ nữ", 15-8-1988), dường như Giáo hội lại quan tâm xem xét lại địa vị và phẩm giá của phụ nữ trong xã hội và Giáo hội. Trong tháng 2-2008, Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân đã tổ chức một hội nghị quốc tế về Nam giới và Nữ giới: 'Con người' trọn vẹn, và Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ tập trung thảo luận về Trao quyền cho phụ nữ trong Giáo hội và Xã hội tại cuộc họp đại hội đồng từ ngày 13-20/2/2008.

Ở châu Á, phụ nữ không phủ nhận sự khác nhau giữa nam và nữ. Chính vì sự khác nhau này làm cho người phụ nữ trở thành độc nhất vô nhị. Tòan thể cộng đồng nhân loại cần được làm cho phong phú bởi những tài năng vốn có của đàn ông và phụ nữ trong cai quản, ra quyết định, chính trị, phát triển, kinh tế,... Chúng ta thất bại nhiều do thiếu sự cân bằng này, phụ nữ có thể đóng góp vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Các lãnh đạo nam và nữ cần làm việc với nhau trong sự hòa hợp, giống như "những bậc cha mẹ", lấy cuộc sống và nhu cầu gia đình nhân loại làm ưu tiên hàng đầu, để giống như Chúa Giêsu chúng ta có thể đem sự viên mãn của cuộc sống đến cho mọi dân tộc, đặc biệt là phụ nữ, những người sinh ra các thế hệ tương lai. Lúc đó phụ nữ và đàn ông sẽ thể hiện phẩm giá chân thật của mình là những con người được tạo dựng theo giống hình ảnh Thiên Chúa.

- - - - -

Virginia Saldanha sống ở Mumbai, Ấn Ðộ. Bà là thư ký điều hành của Văn phòng giáo dân và gia đình của FABC, và là cựu thư ký điều hành của Ủy ban phụ nữ trong Hội đồng giám mục Công giáo Ấn Ðộ.

 

UCA News

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page