Giải thưởng mang tên Chân phước Têrêsa Kolkata
được trao cho các nhân viên hoạt động AIDS toàn cầu
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giải thưởng mang tên Chân phước Têrêsa thành Kolkata được trao cho các nhân viên hoạt động AIDS toàn cầu.
New Delhi (UCAN IA04552.1486 Ngày 29-2-2008) - Giải thưởng quốc tế đầu tiên của Giáo hội Ấn Ðộ dành cho công tác nhân đạo đã tôn vinh hai người nỗ lực xoa dịu nỗi đau của những người đang sống chung với HIV/AIDS.
Peter Piot, đứng đầu Chương trình HIV/AIDS của Liên hiệp quốc (UNAIDS), và Mark Dybul, người điều phối chương trình AIDS toàn cầu của Mỹ, đã được trao Giải Nhân đạo quốc tế Chân phước Mẹ Têrêsa đầu tiên hôm 26-2-2008.
Ủy ban Sức khỏe của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ (CBCI) đã lập giải thưởng này, và dự định sẽ trao giải hàng năm, để công nhận các cá thể có nhiều đóng góp trong việc đẩy mạnh nhân đạo, đặc biệt là nơi người nghèo trên thế giới.
Giải thưởng mang tên Chân phước Têrêsa thành Kolkata, người đã làm việc vì "người nghèo nhất trong số người nghèo" và đã được quốc tế công nhận và được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979. Ngài qua đời năm 1997.
Ðức Hồng y Telesphore Toppo của Ranchi, cựu chủ tịch CBCI, đã trao giải thưởng đầu tiên này tại một nghi lễ ở New Delhi trước mặt khoảng 100 người được vinh dự mời tham dự. Ngài nói hai người đồng nhận giải thưởng này đã có những đóng góp "mở đường" trong việc giúp những người bị AIDS.
Giải thưởng gồm một bằng khen và một chiếc cúp, linh mục Alex Vadakumthala cho UCA News biết. Giải này không có tiền, vị linh mục thư ký ủy ban sức khỏe của CBCI nói thêm.
Theo thông cáo báo chí phát hành hôm 26-2-2008 của ủy ban, do Ðức Tổng Giám mục chủ tịch ủy ban Bernard Moras của Bangalore ký tên, hai người nhận giải này "làm việc với nhiệt huyết thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV, đặc biệt là ở các nước đang phát triển". HIV thường chuyển sang AIDS, vốn hầu như luôn gây chết người.
Ông Piot điều hành UNAIDS từ khi mới thành lập năm 1995. Chương trình Liên hiệp quốc này cung cấp thông tin và hỗ trợ dịch vụ. Nhiệm vụ chính của ông Dybul là thực hiện một chương trình khẩn cấp chống AIDS trên toàn thế giới với chi phí 15 tỷ Mỹ kim trong 5 năm.
Theo bằng khen, ông Piot đã "mời gọi các lãnh đạo thế giới xem xét AIDS trong bối cảnh an ninh và phát triển kinh tế xã hội". Dưới sự lãnh đạo của ông, văn phòng của ông đã "tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người sống chung với HIV và gia đình họ".
Ông Piot nhận giải thưởng này như là để công nhận công lao của "cả gia đình Liên hiệp quốc", đặc biệt là các đồng nghiệp của ông tại UNAIDS "những người làm việc cho các giá trị gần gũi với tâm huyết của Mẹ Têrêsa nhất đó là phục vụ những người cần giúp đỡ". Giám đốc UNAIDS khen ngợi công tác nâng cao nhận thức chống HIV của Giáo hội.
Ông Dybul không thể tham dự nghi lễ này, nhưng George Deikun, trưởng phái đoàn đại diện Tổ chức phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) ở New Delhi, thay ông nhận giải thưởng. Văn phòng của ông Dybul làm việc ở Ấn Ðộ thông qua USAID.
Giải thưởng khen ngợi ông Dybul đã có "sự lãnh đạo truyền cảm" trong việc thực hiện kế hoạch của Mỹ giúp hàng triệu người bị AIDS trong thế giới phát triển được chăm sóc và điều trị.
"Các phương pháp có sáng kiến do ông làm mũi nhọn dẫn đầu đã đảm bảo cho người nghèo trong các nước đang phát triển tiếp cận các phương pháp điều trị cứu sống tốt hơn, không phân biệt sắc tộc, giới tính hay màu da", theo bằng khen. Những nỗ lực của ông Dybul đã nâng cao nhận thức và làm tăng thêm chính kiến giải quyết các khía cạnh nhân đạo của đại dịch này với một tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong quá khứ.
Theo ước tính chính thức, Ấn Ðộ có khoảng 2.5 triệu người bị nhiễm HIV, xếp thứ ba sau Nam Phi và Nigeria. Giáo hội Ấn Ðộ quản lý hơn 3,000 bệnh viện và trạm xá giúp những người sống chung với HIV/AIDS. Các chương trình AIDS của ủy ban sức khỏe của CBCI chăm sóc và hỗ trợ thông qua năm trung tâm, cũng như cộng tác với các tổ chức chính phủ và thiện nguyện mở thêm 45 trung tâm như thế, theo cha Vadakumthala.
UCA News