Vài Nhận Ðịnh của ÐTC Bênêđitô XVI về Môi Sinh

trích từ Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2008

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Nhận Ðịnh của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Môi Sinh trích từ Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2008.

(Radio Veritas Asia 05/03/2008) - Nơi số 7 của Sứ Ðiệp Hoà Bình năm 2008, ÐTC Bênêđitô XVI đã so sánh Trái Ðất như là Căn Nhà để nhân loại cư ngụ trong tinh thần sáng tạo và trách nhiệm. ÐTC đã viết như sau:

Gia đình cần một mái nhà, một môi trường theo mức độ của mình, trong đó có thể thiết lập quan hệ giữa các phần tử với nhau. Ðối với gia đình nhân loại, căn nhà ấy chính là trái đất, là môi trường mà Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta để chúng ta cư ngụ trong tinh thần sáng tạo và trách nhiệm. Chúng ta cần phải chăm sóc môi sinh: môi sinh được ủy thác cho con người bảo vệ và giữ gìn trong một tinh thần tự do trách nhiệm, luôn để ý tới công ích của mọi người như một tiêu chuẩn để thẩm định. Dĩ nhiên con người có giá trị tối thượng so với toàn thể thiên nhiên. Tôn trọng môi sinh không có nghĩa là coi thiên nhiên vật chất hay động vật là quan trọng hơn con người. Ðúng hơn, điều ấy có nghĩa là mỗi người không thể coi thiên nhiên một cách ích kỷ như thể nó hoàn toàn nhắm phục vụ cho tư lợi của mình, vì các thế hệ mai sau cũng có quyền được hưởng những lợi ích của thiên nhiên, và khi làm như thế, họ thi hành cùng một tinh thần tự do trách nhiệm mà chúng ta đang đòi hỏi cho mình. Cũng không được quên những người nghèo, trong nhiều trường hợp, họ bị gạt ra ngoài, không được hưởng những tài nguyên thiên nhiên được dành cho tất cả mọi người. Ngày nay, nhân loại lo lắng cho tương lai sự quân bình môi sinh. Về vấn đề này, nên thẩm định một cách khôn ngoan, trong một cuộc đối thoại giữa các chuyên gia và những người khôn ngoan, không đưa ra những phán đoán có tính chất ý thức hệ để đi tới những kết luận hấp tấp và nhất là bằng cách cùng nhau tìm kiếm một kiểu mẫu phát triển dài hạn, bảo đảm an sinh của mọi người, trong niềm tôn trọng sự quân bình môi sinh. Nếu việc bảo vệ môi sinh có những giá phải trả, thì cần phải chia đồng đều cái giá ấy, để ý đến những khác biệt trong sự phát triển tại các nước và tình liên đới đối với các thế hệ tương lai. Hành động khôn ngoan thận trong không có nghĩa là không lãnh nhận trách nhiệm và hoãn lại các quyết định; đúng hơn có nghĩa là dấn thân cùng nhau đưa ra các quyết định, sau khi đã cứu xét trong tinh thần trách nhiệm những con đường phải theo, với mục đích củng cố liên minh giữa con người và môi sinh, liên minh ấy phải phản ánh tình thương sáng tạo của Thiên Chúa, Ðấng từ đó chúng ta xuất phát và chúng ta đang tiến về cùng Ngài.

Nơi Số 8, ÐTC xác định như sau:

Ðiều cơ bản là phải "coi" trái đất như "căn nhà chung của chúng ta", và để nó phục vụ tất cả mọi người, khi quản lý trái đất, cần chọn con đường đối thoại thay vì đơn phương đưa ra những chọn lựa. Nếu cần, ta có thể gia tăng những tổ chức trên bình diện quốc tế, để chu toàn việc quản lý căn nhà chung của chúng ta một cách hòa hợp; tuy nhiên, trước tiên cần làm chín mùi trong lương tâm con người xác tín theo đó chúng ta phải cùng nhau cộng tác trong tinh thần trách nhiệm. Những vấn đề xuất hiện nơi chân trời thật là phức tạp và cấp thiết. Ðể đương đầu hữu hiệu với tình trạng ấy, nên hành động phối hợp. Có một lãnh lực cần gia tăng đối thoại giữa các dân nước, đó là việc quản lý các nguồn năng lượng của trái đất . Về vấn đề này, các nước tân tiến về kỹ thuật đứng trước hai điều cấp thiết: một đàng cần phải loại bỏ thói quen tiêu thụ thái quá do kiểu mẫu phát triển hiện nay, và đàng khác, cần phải đầu tư thích đáng để có những nguồn năng lượng khác nhau, và để cải tiến việc sử dụng năng lượng. Các nước đang vượt lên cần nhiều năng lượng, nhưng nhiều khi việc thỏa mãn nhu cầu ấy gây thiệt hại cho các nước nghèo, vì các nước này không đủ các cơ cấu hạ tầng, cả về phương diện kỹ thuật, họ đành phải bán với giá hạ các nguồn năng lượng mà họ sở hữu. Ðôi khi, tự do chính trị của họ cũng bị thương tổn vì những hình thức bảo hộ hoặc ít là họ phải chịu những điều kiện thật là nhục nhã.

Nơi hai Số 9 và 10, ÐTC nhắc mọi người nhớ rằng:

Gia đình cảm nghiệm an bình đích thực khi mỗi phần tử không bị thiếu những gì cần thiết và khi tài sản của gia đình (...) được quản lý tốt, trong tình liên đới, không thái quá cũng không phí phạm. Ðể có an bình trong gia đình, một đàng cần có một sự cởi mở đối với gia sản siêu việt các giá trị và đàng khác, (...) cũng cần phải có một sự quản lý tốt các của cải vật chất cũng như quan hệ giữa con người với nhau....

(Số 10) ... Ngày nay, gia đình nhân loại liên kết với nhau chặt chẽ hơn do sự hoàn cầu hóa; ngoài một nền tảng các giá trị chung, gia đình cũng cần có một nền kinh tế có thể thực sự đáp ứng các đòi hỏi của công ích trên bình diện hoàn vũ. Về vấn đề này, sự tham chiếu gia đình tự nhiên cũng đặc biệt có ý nghĩa... Ðồng thời cần thi hành tất cả những gì cần thiết để đảm bảo việc sử dụng khôn ngoan các nguồn tài nguyên và phân phối công bằng. Ðặc biệt, những viện trợ dành cho các nước nghèo phải đáp ứng các tiêu chuẩn một nền kinh tế hợp lý lành mạnh, tránh những phung phí rốt cuộc chỉ đưa tới sự duy trì những guồng máy bàn giấy tốn phí. Cũng cần để ý tới đòi hỏi luân lý, cần làm sao để việc tổ chức kinh tế không phải chỉ theo những luật lệ nghiêm ngặt về việc kiếm lợi trước mắt, nhưng có thể là vô nhân đạo.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page