Vài Suy Nghĩ về

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và Môi Sinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Suy Nghĩ về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo và Môi Sinh.

(Radio Veritas Asia 4/03/2008) - Việc phát hành ấn bản chính thức của tập sách "Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội" vào năm 2004, có thể được xem như là Cột Mốc ghi dấu kết thúc của một giai đoạn phát triển học thuyết xã hội của Giáo Hội, từ Ðức Lêô XIII đến nay. Những năm đầu của thế kỷ thứ XXI, là những năm thẩm định lại nội dung của Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội đã được khai triển. Nhiều bộ sách tổng hợp về Học Thuyết Xã Hội của giáo hội công giáo đã được xuất bản trong thời kỳ này.

Chẳng hạn như bộ Tự Ðiển Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, xuất bản tại Roma, năm 2006, do Trung Tâm Nghiên Cứu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội của Ðại Học Công Giáo Thánh Tâm, chủ trương biên soạn. Và còn nhiều bộ sách khác nữa, chẳng hạn như tập sách của Giáo Sư Giorgio Campanini, chuyên viên về chính trị học theo tinh thần kitô giáo. Tập sách có tựa đề như sau: Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội: những thành quả đạt được và những thách thức mới, xuất bản năm 2007, Roma, nhà xuất bản EDB.

Giáo Sư Giorgio Campanini đã dành trọn chương thứ Sáu của tập sách, để nói về "những thách thức mới", còn được chính giáo sư gọi bằng một cụm từ khác nữa là "Những Biên Cương Mới của Học Thuyết Xã Hội". Và một trong những thách thức mới, hay biên cương mới, là vấn đề "Môi Sinh".

Giờ đây mời quý vị và các bạn theo dõi những suy tư của giáo sư Giorgio Campanini về đề tài Môi Sinh trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, vào khởi đầu ngàn năm thứ ba, trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Theo cái nhìn truyền thống về Học Thuyết Xă Hội của Giáo Hội, thì khi nói về việc hưởng dùng những tài nguyên của trái đất, thì người ta chú ý nhiều --- nếu không muốn nói là "chỉ chú ý" --- đến những tài nguyên, những của cải, những sản phẩm do con người làm ra qua sức lao động. Nội dung cổ điển và chính yếu của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội là trình bày giải pháp (hay những giải pháp) để vượt qua sự tranh chấp giữa hai cực Lao Ðộng và Tư Bản. Trọn cả dòng suy tư trong học thuyết xã hội của giáo hội công giáo dường như bị cuốn hút bởi "hai cực": "Tư Bản và Lao Ðộng", "Con Người và Tiền Vốn".

Giờ đây, trong giai đoạn mới, xuất hiện một "phân cực mới", với tên gọi mới là "môi sinh", là "thiên nhiên". Và cũng từ đây, suy tư của Học thuyết xã hội của giáo hội không còn được trình bày theo hai phân cực "Tư Bản và Lao Ðộng", nhưng theo ba phân cực " Tư Bản, Lao Ðộng và Môi Sinh".

Việc hưởng dùng một cách đúng những tài nguyên thiên nhiên không còn được xác định theo "hai tiêu chuẩn": "Tư Bản và Lao Ðộng" nữa, mà phải theo "ba tiêu chuẩn": Tư Bản - Lao Ðộng - Môi Sinh".

Những tài nguyên trên trái đất này --- và chúng ta có thể nói cách toàn bộ hơn "những tài nguyên của vũ trụ" --- trong cái nhìn truyền thống cổ điển ---- được hiểu như là vô cùng tận và "nhưng không", như không khí, nước, ánh sáng mặt trời, vân vân... Con người dùng tư bản và sức lao động để khai thác và hưởng dùng mà không quan tâm gì đến những giới hạn, không lo lắng gì đến sự cùng tận của những tài nguyên này.

Có thề nói rằng trong giai đoạn mới này quan niệm cổ điển từ lâu trước đến nay không còn có thể đem ra thi hành được nữa.

Những tài nguyên mà ta cho là "vô cùng tận" và "nhưng không" giờ đây lên tiếng báo động là chúng sắp cạn dần dần, và càng ngày càng "mắc mỏ".

Khi còn nhỏ và sống tại nhà quê, tôi không bao giờ hiểu và tưởng tượng ra được nước uống có thể mắc hơn xăng!

Trước kia, để vượt qua thế tranh chấp giữa "Tư Bản và Lao Ðộng", người ta từ từ tạo ra hai "cơ cấu" bênh vực, một cho phe tư bản và một cho phe lao động; đó là "nghiệp đoàn" cho giới chủ và "công đoàn" cho giới lao động.

Trong giai đoạn mới của học thuyết xã hội của Giáo Hội thời bước vào ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên kitô, thì cần có thêm cơ cấu thứ ba, để bênh vực cho môi sinh, cho thiên nhiên.

Dĩ nhiên, cơ cấu thứ ba này chưa được tổ chức chặt chẽ giống như cơ cấu công đoàn lao động, hay như "nghiệp đoàn" của giới tư bản chủ nhân. Tại nhiều quốc gia, chúng ta đang chứng kiến cảnh Công quyền hay Nhà Nước đứng ra đóng vai trò "bảo vệ môi sinh". (Các "Bộ Tài Nguyên và Môi Sinh" nơi các chính phủ).

Thái độ của con người trong giai đoạn mới này cần thay đổi cho phù hợp với cái nhìn mới: con người không còn chỉ có hai thái độ: biến đổi (khai thác) và hưởng dùng, nhưng cần phải tập luyện cho mình có thêm thái độ thứ ba là "bảo dưỡng", ngõ hầu công cuộc phát triển được "vững bền".

Con người không phải chỉ là "ông chủ" của thiên nhiên, không phải chỉ lo khai thác, biến đổi và hưởng dùng, nhưng còn là người bạn của thiên nhiên, biết chăm sóc, bảo dưỡng thiên nhiên, làm đẹp thêm những gì Ðấng tạo hoá đã nhìn thấy là "đẹp", như những trang đầu tiên của Kinh Thánh nhắc: "Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp!".

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page