Sáng mắt tâm hồn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sáng mắt tâm hồn.

Hà Nội, Việt Nam (2/03/2008) - Ngày 2.3.2008, Chúa nhật thứ IV mùa chay, bài Tin Mừng trong thánh lễ kể lại trình thuật Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian đã làm phép lạ cho người mù bẩm sinh thấy và tin theo Chúa. Trong trình thuật, thánh sử Gioan đã làm nổi bật sự tương phản tàn nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của các ông Pharisêu.


Những người dân nghèo sống trong những túp lều nhỏ trên sông Hồng ở thủ đô Hà Nội.


Ðôi mắt thân xác của người này mù, nhưng mắt tâm hồn ông ta lại sáng. Ông nhận ra Ðức Giêsu là Chúa. Ngược lại, các ông Pharisêu có đôi mắt thân xác sáng, nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối. Họ bảo Ðức Giêsu là một người tội lỗi! (x. Ga 9,24) Hỏi rằng, có sự mù tối nào lại tối tăm hơn sự mù lòa của những đôi mắt sáng ấy? Như thế, lời nguyện cầu "Lạy Thày xin cho con được thấy" luôn là một lời cầu vô cùng quan trọng.

Sau bữa điểm tâm sáng, với Lời Chúa làm hành trang, anh em chủng sinh đại chủng viện Hà Nội hăng hái ra đi để tập nhìn hình ảnh Chúa Giêsu đang hiện diện nơi bao người nghèo đói, đau khổ. Ðể rồi có thể cảm thông và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh khổ đau ấy. Với sợ giúp đỡ của một số ân nhân, nhóm chủng sinh chúng tôi đã đem những chiếc chăn ấm đến tặng cho một số người vô gia cư rét run đang lấy gầm cầu, bờ đê làm "nhà" của mình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết họ là những người có hoàn cảnh gia đình éo le, không thể sống được tại quê và phải mò lên thủ đô làm nghề bốc vác và thu lượm phế liệu để kiếm bát cơm, manh áo sống qua ngày. Gia tài của anh Ðức và anh Hiền (hai người đang sống ở gầm cầu Chương Dương, Hà Nội) chỉ vẻn vẹn có bộ quần áo khoác trên người cộng thêm manh chiếu rách nằm ngủ. Bầu trời của các anh chính là mảng bê tông gầm cầu xám xịt. Tương lai cuộc đời nghẽn lối!

Khi chúng tôi trò chuyện cùng hai anh thì dòng người với đủ loại xe cộ vẫn tấp nập, hối hả lao đi trên đường phố. Không biết có mấy ai nhìn thấy nỗi khổ đau và chạnh lòng thương những con người đang lay lắt dưới gầm cầu. Thế mới hay, mắt là để nhìn. Nhưng cái nhìn của mắt không như chiếc máy ảnh. Mắt nhìn là để hiểu, để thông cảm và cũng để chê bai. Nhìn rồi để yêu thương hay khinh bỉ lại là phạm vi của tâm hồn. Tâm hồn có trách nhiệm về cái nhìn. Chính Chúa Giêsu đã quở trách: Họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy vì tâm hồn họ ra chai đá mất rồi (x. Mt 13,14-15).

Sau khi chia sẻ với những con người không nhà không cửa, chúng tôi đi tiếp tới xóm nghèo trên sông Hồng. Họ ở những túp lều sơ sài rách nát không biết có được gọi là nhà hay không? Dòng sông Hồng chảy nặng phù sa màu mỡ tốt tươi trong thi ca, nhưng trong đời thường, thì những con người sống ngay trên dòng sông ấy lại đang cảm nghiệm sao đất bạc màu xơ xác quá! Những túp lều bồng bềnh trên dòng nước diễn tả thật sống động cảnh đời lênh đênh năm chìm bày nổi của những gia chủ. Nghèo nàn và tiêu điều đến thế là cùng. Và thật là mỉa mai, không hiểu sao trên bức vách rách nát của nhà chị Hoa lại có tấm bạt in dòng chữ lớn: "Lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp chuyên ngành du lịch và khách sạn của trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội"! Nhưng dù sao thì cuộc sống của những gia đình trên sông Hồng vẫn khá hơn một bậc so với những mảnh đời lay lắt dưới gầm cầu, bên vệ đê không nhà không cửa. Tuy nhiên, những con người ở đây quá nghèo về vật chất nhưng đời sống tình cảm của họ lại không thể nói là nghèo được. Nhà nào cũng niềm nở tiếp đón anh em chủng sinh. Những câu chuyện, những chén trà, những cái bắt tay chan chứa tình người. Bên cạnh đó, chúng tôi may mắn được chứng kiến tình liên đới của người dân xóm nghèo đang cùng chung tay làm bè và hạ thủy "ngôi nhà" mới cho gia đình chị Mai. Thời gian trôi mau, cố nấn ná thêm đôi chút, rồi cũng đến giờ chúng tôi phải chia tay những con người nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm này để trở về đại chủng viện. Trên đường về, lòng tôi cứ trăn trở: Liệu những nhà cầm quyền có nhìn thấy và cảm thông với những mảnh đời nghèo đói này không?


Bên cạnh những tòa nhà cao ở thủ đô Hà Nội là những góc xó triền cầu trở thành những nơi trú ẩn, ngủ nghỉ và sống qua cơn nghèo của những người dân chất phác của Hà Nội.


Trưa cùng ngày, tranh thủ lướt qua trang Web Tuổi Trẻ Online, trong mục thời sự và suy nghĩ, tôi đọc được tin: Ông Trần Xuân Ðính bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) bắt tạm giam tại sân bay Nội Bài chiều 27.2.2008. Ông Ðính là chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty Cosevco và là bí thư Ðảng ủy của Cosevco, Ðảng ủy đơn vị này trực thuộc Thành ủy Ðà Nẵng. Theo Tuổi Trẻ, dưới thời ông Trần Xuân Ðính còn làm tổng giám đốc, Cosevco đã mắc hàng loạt sai phạm kinh tế, gây thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể năm 2003: lỗ 68 tỉ đồng, 2004 lỗ 14 tỉ đồng, năm 2005 lỗ 138 tỉ đồng. Ðến cuối năm 2005, Cosevco phải "cõng" trên lưng một khoản nợ khổng lồ lên đến 4.143 tỉ đồng. Thay vì phải làm cho đồng tiền của Nhà nước ở Cosevco sinh sôi nảy nở, những người được Nhà nước giao trách nhiệm này lại tranh thủ đục khoét, biến nơi này thành cỗ máy tiêu tiền. Có nhiều nguyên nhân gây nên lạm phát và đời sống cơ cực của người dân Việt Nam hiện nay, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do các công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ gây nên. Hàng ngàn tỉ đồng của người dân thắt lưng buộc bụng đóng thuế cho Nhà nước đã bị những con sâu đục khoét. Nếu mỗi người hộ gia đình ở xóm nghèo sông Hồng chỉ dám ước mơ có dăm bảy triệu lấy vốn làm ăn, thì hàng ngàn tỷ đồng do ông Bí thư Trần Xuân Ðính gây thất thoát đã dập tắt ước mơ tạo lập cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình nghèo. Một con số khủng khiếp. Một sự thật quá cay đắng và xót xa. Chính những vị quan tham này đã khiến cho giấc mơ một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ngày càng trở nên mù mịt. Những vị quan tham dường như đã không nhìn thấy, không thấu hiểu nỗi cơ cực nghèo đói của hàng triệu người dân Việt Nam.

Thế mới hay rằng: mắt nhìn được ngoại vật, nhưng lại không nhìn được chính nó. Vì thế, khi mặt mình bẩn, người ta không tự nhìn thấy mà cần phải có gương soi hay phải có người khác chỉ cho mới thấy. Cứ theo tâm lí tự nhiên, tự mình người ta chỉ thấy điểm tốt hơn là điểm xấu nơi mình. Và nếu có nhìn ra điểm xấu của bản thân thì tự mình khó lòng mà tự trừng phạt thích đáng vì nó đau lắm. Nó đau làm người ta ngại, làm người ta chùn tay. Muốn thích đáng, cần phải có người khác xử lí. Cũng vậy, trong đời sống tôn giáo, khi tâm hồn vương tội lỗi, khó lòng mà người ta tự nhận thức đúng mức những xấu xa của mình. Ðể thấy rõ, người ta cần phải lắng đọng tâm hồn soi mình vào tấm gương là những lời răn dạy của các Ðấng sáng lập, của Chúa, của Phật. Trong đời sống chính trị, để nhìn nhận đúng tầm mức và xử lí thích đáng những khuyết điểm của một đảng phái, phải chăng cũng rất cần một đảng phái đối lập lên tiếng?

Sống là nhìn, là quan sát. Chịu khó quan sát sẽ thấy được nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Mắt thể lí chỉ cung cấp cho con người khả năng nhìn (sight), còn mắt tâm hồn mới giúp con người biết xót thương vì thấy và hiểu thấu (insight). Xin cho chúng ta biết nhìn thấy những nghĩa vụ, bổn phận mình phải làm cho người khác, cho Giáo hội và xã hội, hơn là chỉ nhìn thấy những đòi hỏi, quyền lợi của mình, những điều tha nhân phải phục vụ mình. Từ đó, chúng ta biết đem nắng ấm cho cuộc đời bằng đôi tay mở rộng phục vụ với con tim đầy ắp tình người, bằng những bàn chân dấn thân mở lối gieo hy vọng cho những người thất vọng. Xin cho mỗi người chúng ta biết nhìn nhau bằng những con mắt xót thương để thấy được những nhu cầu của nhau và biết đối xử với nhau bằng cả tấm lòng nhân ái.

 

Nguyễn Xuân Trường

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page