Chia sẻ Lập trường của Tòa Thánh về Môi Sinh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chia sẻ Lập trường của Tòa Thánh về Môi Sinh.

(Radio Veritas Asia 24/02/2008) - Quý vị và các bạn thân mến. Hôm thứ Tư, ngày 13 tháng 2 năm 2008, phát biểu trong Phiên Họp Khóang Ðại thứ 62 của Liên Hiệp Quốc tại Trụ Sở New York, Hoa Kỳ, Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tân tiến, có nền kỹ nghệ phát triển, hãy chia sẻ với các quốc gia đang trên đường phát triển "những kỹ thuật sạch" nhắm bảo vệ môi sinh. Ngài cũng nhắc đến những cố gắng của Tòa Thánh nhắm phục vụ môi sinh và những phát biểu của Ðức Bênêđitô XVI về vấn đề này.

Theo Ðức Tổng Giám Mục, công cuộc "phát triển bền vững" (durable) là chìa khóa của chương trình hành động biết lưu ý một cách hài hòa đến việc bào vệ môi sinh, đến những thay đổi khí hậu, những phát triển kinh tế và những nhu cầu căn bản của con người.

Ðức Tổng Giám Mục đã khuyến khích việc sử dụng những "kỹ thuật sạch" như là yếu tố quan trọng kết thành công cuộc phát triển bền vững. Theo Ðức Tổng Giám Mục, để giúp cho các quốc gia trên đường kỹ nghệ hóa tránh được những sai lầm mà các quốc gia khác đã phạm trong quá khứ, thì những quốc gia kỹ nghệ hóa cần chia sẻ những kỹ thuật tân tiến nhất và sạch nhất.

Ðức Tổng Giám Mục Migliore cho rằng "thách thức của những thay đổi khí hậu vừa có tính cách cá nhân, vừa có tính cách địa phương, quốc gia và quốc tế. Trên nhiều lãnh vực, cần có những giải pháp được kết hòa với nhau.

Ðức Tổng Giám Mục cũng đã nhấn mạnh trước 115 phái đòan của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về sự dấn thân và những lời kêu gọi của Ðức Bênêđitô XVI trong lãnh vực bảo vệ tòan bộ vũ trụ tạo vật của Thiên Chúa. Trên bình diện thực hành cụ thể, Ðức Tổng Giám Mục cho biết rằng Tòa Thánh đã áp dụng những biện pháp nhắm giãm bớt và đền bù cho việc làm phát sinh thêm "chất carbon" trong Quốc Gia Thành Phố Vatican, chẳng hạn như việc sử dùng những bản thu nhận năng lượng mặt trời, việc trồng cây xanh. Tòa Thánh cũng đã tham dự vào việc "trồng lại rừng" bên Hungari, nhằm phục hồi môi sinh và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Ðây là việc làm cho Quốc Gia Thành Phố Vatican trở thành quốc gia có đóng góp vào việc "không gây thêm" chất thải carbon.

Tiếp sau đây, là vài đọan trích tiêu biểu từ bài diễn văn của Ðức Tổng Giám Mục Migliore trong Phiên Họp Khóag Ðại thứ 62 của Liên Hiệp Quốc tại Trụ Sở New York, Hoa Kỳ. Trước hết, là đọan trích nói lên nhận định rằng:

"Nhiều cá nhân và cộng đòan đã bắt đầu thay đổi kiểu cách sống của mình, với ý thức rằng nếp sống cá nhân và tập thể đều có ảnh hưởng trên khí hậu và trên tòan bộ tình trạng sức khỏe của môi sinh. Những thay đổi trong nếp sống đôi khi xem ra như "không đáng gì"; tuy nhiên những sáng kiến nhỏ nhắm "giảm bớt" hoặc "đền bù" cho việc gây thêm chất carbon, --- chẳng hạn như việc bớt không dùng các phương tiện xe cộ di chuyển, hoặc cố gắng mỗi ngày bớt đi mức tiêu thụ năng lượng, như bớt dùng điện lực, --- những sáng kiến nhỏ này góp phần làm giảm tình trạng tiêu hao môi sinh, và cho thấy một cách cụ thể con người dấn thân chăm sóc môi sinh.

"Việc duy trì môi sinh, việc phát triển kinh tế, việc thay đổi khí hậu, là những việc có liên hệ với nhau; chúng có thể yêu cầu chúng ta xét lại những ưu tiên và những quan tâm. Chúng đòi buộc từng cá nhân cũng như từng quốc gia nghiêm chỉnh lãnh lấy phần trách nhiệm của mình để tìm gặp và áp dụng phương cách hành xử quân bình nhất có thể trước thách thức bảo tồn môi sinh."

Việc sử dụng những "kỹ thuật sạch" là một yếu tố quan trọng của công cuộc phát triển bền vững, Ðể giúp những quốc gia đang phát triển tránh được những sai lầm đã phạm trong quá khứ, thì những quốc gia đã phát triển kỹ nghệ cần chia sẻ cho những quốc gia đang trên đường phát triển những kỹ thuật tân tiến hơn và sạch hơn... Việc đóng góp chung những tài nguyên làm cho những sáng kiến nhắm bớt gây hại cho môi sinh có thể được nhiều nơi thi hành, và như thế giúp cho những ai có ít phương tiện cũng có thể vừa theo đuổi công cuộc phát triển vừa vẫn bảo tồn môi sinh. Hơn nữa, cần phát triển những thị trường buôn bán những "sản phẩm xanh" và không cổ võ sản xuất những món hàng có tác dụng gây hại cho môi sinh. Những kẻ tiêu dùng phải ý thức rằng họ có ảnh hưởng trực tiếp trên tình trạng sức khỏe của môi sinh. Như thế, qua sự tùy thuộc lẫn nhau, qua liên đới và trách nhiệm, các cá nhân và các quốc gia càng ngày càng có thể "cân bằng" một bên là những nhu cầu của công cuộc phát triển bền vững với bên kia là những nhu cầu của việc quản lý tốt thiên nhiên trên mọi cấp bực."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page