Sau một nửa thế kỷ

giáo xứ Tam Tòa (giáo phận Vinh)

đang hy vọng được tái thiết

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sau một nửa thế kỷ, giáo xứ Tam Tòa (giáo phận Vinh) đang hy vọng được tái thiết.

Tam Tòa, Giáo Phận Vinh, Việt Nam (13/02/2008) - Ngày 13.02.2008, nhằm mùng 7 tết Mậu Tý, ngày mà theo truyền thống dân tộc, người ta hạ cây nêu vì đã hoàn toàn xua đuổi thế lực sự dữ ra khỏi lãnh thổ của mình, và là thời gian đầu mùa xuân, cây cối thiên nhiên sau những ngày úa tàn trong mùa đông giá lạnh đã đâm chồi nảy lộc, trào bật sự sống, thì tại nơi hoang tàn đổ nát của nhà thờ Tam Tòa, một sự sống niềm tin cũng đã được phục hồi.

 

1. Những Bước Thăng Trầm Và Nửa Thế Kỷ Tàn Úa Của Tam Tòa*


Tam Tòa là một trong những họ giáo cổ xưa nhất của vùng đất Nam Quảng Bình. Sau chiến tranh, nhà thờ Tam Tòa cùng chung số phận, chỉ còn trơ lại tháp chuông.


Tam Tòa là một trong những họ giáo cổ xưa nhất của vùng đất Nam Quảng Bình. Theo sử liệu, giáo xứ Tam Tòa được thành lập từ năm 1631 với cái tên xứ đạo Ðồng Hới. Nhưng năm 1774, sau khi lực lượng của chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng lũy Thầy, các tín hữu Ðồng Hới đã di chuyển đến ở một nơi cách thành Ðông Hải độ 3 cây số về phía Nam. Tại đây họ đã lập nên họ giáo Sáo Bùn.

Năm 1887, sau khi được phép của chính quyền bảo hộ, các tín hữu họ giáo Sáo Bùn đã về sinh sống tại làng Mỹ Lệ, nơi cách đó hơn hai thế kỷ trước cha ông họ đã lập nên giáo xứ Ðồng Hới. Nhưng lần này họ có tên là xứ đạo Tam Tòa, vì nơi đây có miếu Tam Tòa hư hỏng, bỏ hoang từ lâu. Và ngôi thánh đường Tam Tòa đầu tiên được linh mục Clause Bonin (cố Ninh) xây dựng và khánh thành vào ngày 08.12.1887. Sau đó, vào năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) đã tái thiết ngôi thánh đường này.

Ðời sống các tín hữu đang ổn định và phát triển, thì năm 1954, sau hiệp định Genève chia cắt đất nước, hầu hết giáo dân Tam Tòa đã di cư vào Ðà Nẵng. Từ đây, không chỉ giáo xứ Tam Tòa mà cả các giáo xứ nằm trong địa hạt từ Sông Gianh đến sông Bến Hải hoàn toàn cách ly với giáo phận Huế. Dẫu thế, các tín hữu hạt Nam Quảng Bình nói chung và Tam Tòa nói riêng cũng được chính quyền miền Bắc lúc đó cho phép hai cha Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể về chăm sóc. Nhưng năm 1964, chiến tranh bộc phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa. Trước đó, năm 1962 cha Thể đã qua đời tại Trung Quán nên từ đó giáo hạt Nam Quảng Bình không còn bóng dáng vị chủ chăn nào nữa.

Ðầu năm 1968, máy bay Mỹ oanh kích. Thị xã Ðồng Hới bị san bằng, nhà thờ Tam Tòa cùng chung số phận, chỉ còn trơ lại tháp chuông.

Ngày 26.03.1997, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình ra quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích tội ác chiến tranh.

Không còn chủ chăn và thánh đường, đoàn chiên Tam Tòa bơ vơ, tản mác khắp nơi. Cho đến sau khi Tòa Tổng giám mục Huế chuyển giao giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh vào ngày 15.05.2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng được cử về quản xứ Sen Bàng và các xứ còn lại từ Ðồng Hới trở vào, bấy giờ, các tín hữu Tam Tòa mới tìm lại với nhau; và ước tính hiện nay có khoảng 1,000 tín hữu. Nhưng vì không có nhà thờ nên mọi sinh hoạt tạm thời được tổ chức tại một nhà giáo dân, trên đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ hơn 100 mét về phía Tây Bắc.

 

2. Ðầu Xuân, Sức Sống Niềm Tin Trào Dâng

Nhanh như tin thắng trận. Khi được biết ngày mùng 7 tết, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, vị chủ chăn giáo phận Vinh kế nhiệm các tông đồ đến dâng thánh lễ tại Tam Tòa, các tín hữu không chỉ trong phần đất Nam Quảng Bình mà cả nhiều xứ khác bên kia sông Gianh đã báo tin cho nhau. Vì vậy, ngay sáng sớm ngày hạ nêu, mặc dù thời tiết đang rét đậm rét hại, nhưng khắp mọi nẻo đường các tín hữu đổ về phường Ðồng Mỹ, Thành phố Ðồng Hới, tìm đến nơi nền nhà thờ và tháp chuông trơ trọi để chuẩn bị hiệp dâng thánh lễ.


Trên con đường Nguyễn Du dọc theo dòng sông Nhật Lệ, một đoàn rước trang nghiêm và sốt sắng được diễn ra. Với tượng Chúa chịu nạn đi đầu được hai tín hữu nghinh kiệu, theo sau là các tín hữu, tu sĩ nam nữ và sau cùng là 17 linh mục và Ðức giám mục trong phẩm phục chủ chăn, vừa đi vừa ban phép lành cho các tín hữu đứng dọc hai bên đường.


Khoảng 11 giờ trưa, một sự kiện hơn nửa thế kỷ qua chưa bao giờ có: trên con đường Nguyễn Du dọc theo dòng sông Nhật Lệ, một đoàn rước trang nghiêm và sốt sắng được diễn ra. Với tượng Chúa chịu nạn đi đầu được hai tín hữu nghinh kiệu, theo sau là các tín hữu, tu sĩ nam nữ và sau cùng là 17 linh mục và Ðức giám mục trong phẩm phục chủ chăn, vừa đi vừa ban phép lành cho các tín hữu đứng dọc hai bên đường. (Thực ra, trước đó, ngày 08.12.2007, 13 linh mục cùng khoảng 1,000 tín hữu cũng đã có đi rước và dâng thánh lễ đầu tiên tại nền nhà thờ Tam Tòa. Nhưng nếu nói có sự hiện diện của Ðức giám mục giáo phận, thì nay là lần đầu tiên sau hơn nửa thể kỷ).

Bước vào thánh lễ, Ðức cha Phaolô mở đầu với lời chào chúc tới cộng đoàn. Ngài nói: "Hôm nay đang là ngày đầu xuân, tôi và quý cha đến đây để dâng thánh lễ cầu bình an cho giáo xứ Tam Tòa của anh chị em nói riêng và cho hết mọi người hiện diện, cho Thành phố Ðồng Hới, cũng như toàn đất nước nói chung. Xin Chúa là nguồn mạch bình an, ban cho tâm hồn chúng ta được bình an, gia đình chúng ta được bình an, giáo xứ chúng ta được bình an, thành phố và đất nước chúng ta được bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu chuộng hòa bình và biết đoàn kết với nhau để xây dựng hòa bình."

Thánh lễ diễn ra trên nền nhà thờ hoang tàn đổ nát, không bạt che, không ghế ngồi, nhưng gần 2,000 tín hữu tham dự hết sức trật tự và sốt sắng. Sự sốt mến và khao khát đời sống đức tin như thấu tới trời cao, nên thời tiết cũng hết sức thuận lợi: không mưa và ấm áp hơn. Trật tự nhất là lúc cha Tổng đại diện Fx. Võ Thanh Tâm giảng lễ. Bởi vì sau hơn nửa thế kỷ, các vị cấp cao trong giáo phận "không có cách nào đến đây được", nên mọi người đang chờ đợi xem cha Phanxicô Xaviê, thay lời cho Ðức cha vì lý do sức khỏe, sẽ nói gì?

Sau khi nhắc lại mục đích sự hiện diện của Ðức giám mục giáo phận và các linh mục như lời Ðức cha nói đầu lễ, cha Tổng Ðại diện nói rằng: "Hòa bình là một ơn cao trọng. Thử hỏi, ai trong chúng ta lại không tha thiết với hòa bình? Bình an là thứ quý nhất trên đời. Có bình an ta mới thấy đời tươi, không có nó đời ta ngậm tràn đau đớn. Nếu không có bình an thì chỉ có loạn ly, phân cách, chia rẽ. Nhà nào không có bình an thì vợ chồng lục đục; con cái bước vào gia đình đó như bước vào ổ kiến lửa. Chỉ có Chúa mới có bình an: 'Thiên Chúa là nguồn mạch bình an'. Vì vậy, hãy cầu xin Chúa ban bình an cho chúng ta.

Bình an với Chúa là không phạm tội, vì khi chúng ta phạm tội là chúng ta đặt mình vào hàng ngũ thù địch với Chúa. Mà nếu thù địch với Chúa thì ăn không yên ổn, ở không vững vàng, luôn luôn nghe tiếng lương tâm kết án chúng ta. Bình an với anh em là yêu thương anh em".


Thánh lễ diễn ra trên nền nhà thờ hoang tàn đổ nát, không bạt che, không ghế ngồi, nhưng gần 2,000 tín hữu tham dự hết sức trật tự và sốt sắng.


Cha Tổng Ðại diện cũng cho thấy, bên cạnh sự bình an trong tâm hồn, con người còn cần sự bình an bên ngoài. Cụ thể nhất, chính quyền đã để cho cộng đoàn dâng thánh lễ ngay trên nền nhà thờ của giáo xứ, đó là một sự bảo đảm an toàn: "Chúng tôi cũng xin cảm ơn chính quyền. Chắc hẳn quý vị cũng biết, không có chi bực bội cho bằng người học sinh mà không có trường học, người ốm đau mà không có bệnh viện, người có tín ngưỡng mà không có nhà thờ. Thậm chí, người có tín ngưỡng mà không có nhà thờ còn đau khổ, bực tức gấp trăm ngàn lần anh đau ốm không có nhà thương. Cho nên khi chính quyền sắp xếp cho làm lễ nơi nền nhà thờ đây, chúng tôi xin cảm ơn. Với từng này giáo hữu, chắc chắn không thể có nhà tư nhân nào chứa được. Và nếu lỡ số lượng người này dồn vào một nhà nào đó mà xảy ra chuyện gì: như sập nhà, tai nạn..., thì ai chịu trách nhiệm? Do đó, chính quyền để chúng tôi cử hành thánh lễ nơi nền nhà thờ của chúng tôi là đúng!"

Cha Tổng Ðại diện cũng cho biết, Ðức cha và các linh mục có trách nhiệm trong giáo phận đã lên tiếng trước việc chính quyền quyết định rào nhà thờ Tam Tòa để làm di tích tố cáo tội ác chiến tranh: "Thấy chính quyền rào lại nơi đây để làm di tích tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, nhiều người nói rằng Tòa giám mục không có ý kiến. Không phải thế. Chúng tôi đã nói nhiều lần, nói bỏng cả cổ. Chúng tôi nói rằng: Ðất đây là đất của Giáo Hội và để phục vụ cho Giáo Hội. Còn việc lưu niệm thì làm một tấm bia bằng thạch cao hay đá gì đó, rồi bỏ vào lồng kính mà bảo vệ. Khắp thế giới đều làm như vậy. Nếu lấy cái tháp nhà thờ này để làm di tích, thì mai mốt đây gió bão làm sụp đổ đi, lúc đó sẽ lấy gì để tố cáo tội ác chiến tranh?"

Cha Tổng nói thêm: Nơi mảnh đất Tam Tòa này đã làm phát sinh những nhân vật vĩ đại như Ðức cha phó Nha Trang Giuse Võ Ðức Minh, nhà thơ Hàn Mạc Tử; và nhất là nhiều vị tử đạo khác. Với trang sử hào hùng, tuyệt đẹp đó, cha Tổng Ðại diện như mong ước ngôi nhà thờ sớm được phép tái thiết để trở thành một trung tâm của văn hóa đạo và đời.

Trước lúc thánh lễ kết thúc, với tư cách là người đứng đầu giáo phận, sau khi vị đại diện giáo xứ có lời tri ân cộng đoàn, Ðức cha cũng đã nói lên lời cảm ơn tới mọi người. Nhất là ngài cảm ơn chính quyền đã giữ trật tự cho các tín hữu được tham dự thánh lễ một cách bình an!

Người Viêt Nam nói: "Ðầu xuôi, đuôi lọt". Hy vọng, sau hơn nửa thế kỷ, lần đầu tiên có thánh lễ của vị chủ chăn giáo phận diễn ra một cách tốt đẹp, thì những lần sau cũng sẽ tốt đẹp.

Cây cổ thụ Tam Tòa trụi lá sau bao nhiêu năm trời, nhiều người cứ tưởng nó đã chết. Nhưng không, vì là cây cổ thụ, nên cành lá có thể trụi xuống, nhưng rễ bám của nó thật sâu và thật vững, sức sống của nó thật mạnh mẽ và phong phú. Nó không chết. Nó chỉ trụi lá trong mùa thu và tạm ẩn mình trong mùa đông giá lạnh. Nay mùa xuân đến, những chồi non của nó đã hé nở. Chúng ta hãy trân trọng và bảo vệ những cánh lộc non yếu này, để mai này nó sẽ lớn lên và khi mùa hè đến, nó sẽ che mát cho chúng ta, che mát cho cả những lữ khách trên mảnh đất cát trắng Quảng Bình...

 

Chú thích:

(*) Theo bài "Kỷ Niệm 120 năm giáo xứ Tam Tòa Ðồng Hới và giáo hạt Nam Quảng Bình" của tác giả Dương Kim Sinh.

 

Giáo Phận Vinh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page