Ước mơ xây một ngôi Nhà Nguyện

cho Giáo Dân vùng Dã Sơn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bao Giờ Cho Ðến Tháng Năm?... Ước mơ xây một ngôi Nhà Nguyện cho Giáo Dân vùng Dã Sơn.

Nghệ An, Việt Nam (8/02/2008) - "Bao giờ cho đến tháng năm, nấu nồi cơm nếp vừa nắm vừa ăn?". Ðây là câu ca dao mà người xưa dùng để diễn tả niềm mơ ước về một điều nằm trong tầm tay nhưng dường như lại... rất khó đạt được. Bi đát hơn nữa, câu ca dao đó ra đời trong một nền nông nghiệp lúa nước, nơi mà chuyện ăn uống những thứ nông sản lẽ ra không bao giờ cần bận tâm đến. Thế nhưng do thời thế hoàn cảnh nên những nhu cầu căn bản nhất, nằm trong tầm tay của mình lại trở thành một điều chờ mong. Có thể nói, điều đó chẳng khác gì niềm mơ ước về một nhu cầu rất căn bản liên quan đến đời sống tinh thần của các tín hữu vùng Dã Sơn.

Hai tiếng "Dã Sơn" đủ cho chúng ta hiểu về sự hoang dã, quạnh hiu và đồi đá cằn cỗi của một vùng đất nằm ở cực tây xã Ðô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chính vì một nơi núi đồi hoang vu, nên năm 1980, chính quyền địa phương đã có chính sách di dời dân cư, để vừa đỡ chật chội những chỗ đã đông người sinh sống, vừa hy vọng tận dụng hết được vùng đất đang còn bỏ hoang trong địa bàn của xã. Trong số hơn 40 gia đình di chuyển từ 5 xóm trong xã lên đây, có 4 gia đình là người Công giáo từ các họ Gia Mỹ, Thọ Vực (2 gia đình) và Phú Tăng thuộc giáo xứ Phú Vinh, hạt Ðông Tháp. Nhưng vì số tín hữu quá ít, nên họ không thể có một tổ chức riêng, và vì vậy cả bốn gia đình đều phải liên lạc với họ đạo cũ để tham dự những sinh hoạt tôn giáo.

Từ các họ đạo cũ lên đến vùng kinh tế mới này, nơi gần nhất là 2 km và nơi xa nhất là 5 km. Với khoảng cách đó đối với những nơi thành thị hay những vùng đường sá được trải nhựa, mở rộng, cũng như có phương tiện đi lại thì chuyện chẳng có gì phải nói. Nhưng đây là một nơi mà nắng thì đường bụi bặm mịt mù, mưa thì lầy lội, trơn dính; con đường chính lại là bờ ngăn ở vùng gần hạ lưu của kênh Vách Bắc - một con kênh dùng để tiêu rút nước lụt của khoảng một nửa diện tích huyện Yên Thành, nên có sửa sang, bồi đắp thì chỉ sau một mùa mưa bão lại bị hư hỏng, trôi bể.

Thêm vào đó, những người dân di cư lên đây thường là những gia đình nghèo hoặc đông con cái, muốm tìm đến vùng đất mới, rộng rãi với hy vọng thay đổi số kiếp hoặc để trong tương lai có chỗ cho con cái làm nhà làm cửa. Vì thế, cách đây khoảng dăm bảy năm, tìm vài ba chiếc xe đạp trong xóm cũng là chuyện không dễ. Do vậy, chuyện những gia đình Công giáo nơi đây đi lại để sinh hoạt niềm tin: dự lễ Chúa nhật, trẻ em học kinh bổn để lãnh nhận các bí tích là chuyện hết sức cơ cực.

Lại nữa, ở các xứ vùng thôn quê của giáo phận Vinh, việc học giáo lý thường được tổ chức vào ban đêm, nên với các trẻ em Công giáo ở Dã Sơn nói đến chuyện học giáo lý là chúng có cảm giác khiếp sợ. Vì chúng không chỉ đi bộ xa xôi, mưa lội, trơn trượt, rét mướt mà còn phải băng qua đồng ruộng, nghĩa trang, một không gian rộng lớn, tăm tối, chỉ nghe tiếng gió rít và ếch nhái, dế chim kêu vọng. Nhiều em đã chấp nhận bị bố mẹ nạt nộ, đánh đòn còn hơn đi học giáo lý. Do đó, không ít em ở xóm đồi hoang này, cho đến khi lập gia đình mới lãnh nhận bí tích Xưng Tội, Thánh Thể và Thêm Sức.

Như đã nói ở trên, phần nhiều người dân nơi đây do nghèo đói nên muốn đi đến vùng kinh tế mới để làm ăn. Nhưng "cái khó bó cái khôn". Lên vùng kinh tế mới mà không có vốn đầu tư nên nghèo vẫn hoàn nghèo; và thực ra nói là vùng kinh tế mới, nhưng mỗi người nơi đây cũng chỉ được vài ba sào đồi ruộng (một sào 500 m2). Mà đất đai thì nhiễm phèn, bạc màu, nên quanh năm vẫn cứ thiếu ăn. Vì thế, nhiều gia đình đã để mặc đồng ruộng cho con cái để lên rừng xuống biển, ra bắc vào nam để làm thuê làm mướn kiếm ăn. Những gia đình Công giáo nơi đây cũng không ngoại lệ.

Nhưng khi cha mẹ đi làm ăn phương xa, ở nhà phải đói khổ, nên càng có lý do cho các con em gia đình Công giáo chểnh mảng trong việc học hành giáo lý, kinh hạt và ngay cả việc học văn hóa (cho đến lúc này, các gia đình Công giáo nơi đây mới có một em học hết cấp 3). Thiếu lời nhắc nhở của cha mẹ, xa bóng dáng nhà thờ, thiếu tiếng chuông mời gọi, không có phong trào sinh hoạt tôn giáo để cuốn hút, các con em gia đình Công giáo Dã Sơn sống chẳng khác gì những người trẻ trong gia đình lương dân. Chuyện nói có lẽ chẳng ai tin nhưng là sự thật, đó là một số thiếu niên Công giáo nơi đây không biết đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng!

Trước tình hình đó, từ thời cha già Ðề, cha Jos. Cao Ðình Cai, cha G.B. Ðinh Công Ðoàn và hiện nay là cha Gioan Trần Quốc Long, các ngài đều sẵn sàng hy sinh vượt qua đồng ruộng để lên thăm hỏi, động viên và làm mục vụ cho các tín hữu nơi đây. Nhưng thực sự là không một nhà nơi đây nào thuận tiện cho việc dâng lễ và tập trung để học tập giáo lý. Vì vậy, các ngài cũng chỉ thực hiện được đôi ba lần mà thôi. Tinh thần mục tử thì có đó, nhưng chưa có cơ sở vật chất thuận tiện tối thiểu, cũng như có những khó khăn khác nữa... nên các ngài cũng đành phải chịu vậy!

Thực ra, từ lâu, các tín hữu nơi đây đã làm đơn xin chính quyền cho thành lập giáo họ để tiện việc sinh hoạt niềm tin của mình. Nhưng vì số tín hữu quá ít nên chính quyền thấy chưa tiện. Vì thực tế là, khi thành lập một tổ chức, không phải chỉ cần có tinh thần mà còn cần điều kiện vật chất tối thiểu; mà số tín hữu thì ít, đời sống còn nghèo, nên cho thành lập mà không phát triển được thì cũng không hay. Do đó, chính quyền chỉ còn biết trả lời để chờ thêm thời gian nữa.

Gần đây, đời sống của người tín hữu có đỡ hơn một chút (đỡ hơn ở đây là chỉ so với đời sống của chính họ trong năm, bảy năm trước, chứ hầu hết vẫn còn mơ ước "ăn no mặc ấm" chứ chưa dám mơ "ăn ngon mặc đẹp", vẫn là nơi đói nghèo nhất trong xứ, trong xã, vẫn còn người chưa có xe đạp để đi lễ); và hơn hết là số tín hữu đã tăng lên đáng kể. Cùng với vài gia đình Công giáo mới lên sau này, hiện nay nơi đây đã có 20 gia đình với 150 nhân danh, đặc biệt trong đó có hai gia đình lương dân trở lại và sống đạo rất sốt sắng. Với những điều kiện đó, các tín hữu lại làm đơn và đã được các cấp chính quyền chấp nhận cho thành lập giáo họ.

Khi chưa được phép thì cầu mong cho được phép. Bây giờ chính quyền không những cho phép mà còn cấp cho 2 sào đất (1,000m2) để làm nhà nguyện, thì các tín hữu lại không có khả năng để dựng lên một ngôi nhà cỡ cấp 4! Do đó, đã mấy tháng nay, mảnh đất được chính quyền cấp để làm nơi đọc kinh cầu nguyện, học tập giáo lý đang là chỗ cho đám trẻ chăn trâu, đá bóng, chọi gà...!

Sau khi tình cờ biết được mảnh đất mà chính quyền cấp cho bà con giáo dân Dã Sơn để làm nhà nguyện, chúng tôi định đi thăm cha quản xứ. Nhưng cơn mưa bất chợt đã khiến con đường cản bước chúng tôi. Tuy nhiên, nhờ số điện thoại: 038.3681457, chúng tôi đã gặp được Ngài. Trong cuộc trò chuyện, cha quản xứ Gioan Trần Quốc Long cho biết: "Về tiền bạc thì chắc chắn giáo dân Dã Sơn không thể có. Nếu có bắt họ đóng góp mỗi gia đình dăm ba trăm ngàn chắc là họ cũng vui mừng đi làm thuê hay vay mượn để đóng. Nhưng quả thực làm sao tôi cam lòng làm điều đó. Tôi có kêu gọi trong giáo xứ, nhưng họ nói chúng con cũng đi làm thuê kiếm sống, chúng con sẵn sàng bỏ công ra giúp đỡ, chứ tiền bạc thì không có. Tôi cũng đã liên lạc với một số người nơi khác, nhưng chưa thấy ai trả lời. Nếu làm cho họ căn nhà nguyện vài ba chục triệu thì tôi cố gắng một thời gian nữa hy vọng cũng được. Nhưng làm như vậy thì thực sự không ra cái gì, nhất là ngay lúc giá cả vật tư tăng cao như thế này. Lại nữa, mai mốt, biết đâu nhờ ơn Chúa, có những người rộng lòng thương giúp đỡ cho họ. Ðến lúc đó, để lại căn nhà vài ba chục triệu đó cũng dở, mà phá đi thì lãng phí quá. Ước mơ của tôi là đã mất công làm thì làm cho họ một ngôi nhà nguyện độ 10,000 USD gì đó. Quả thật, tôi rất thương họ, bởi gần 30 năm nay họ bị thua thiệt nhiều mặt, nhưng có lẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Xin anh em cũng thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi với!".

Ðược đặt chân đến tận mảnh đất Dã Sơn và nghe thêm những lời tâm sự của cha xứ, tôi quả thật rất chạnh lòng cho các tín hữu ở đây. Giữa lúc đang túng thiếu mọi bề, nhưng khi dò hỏi, thì mong muốn sâu xa nhất của họ vẫn là có được ngôi nhà nguyện để cho chính mình và con cái sớm tối có chỗ sinh hoạt niềm tin. Một ước mơ nói lớn thì cũng lớn thật, nhưng so với một tập thể, so với những giá trị tinh thần, so với lợi ích cho việc vinh danh Chúa và mở mang Giáo Hội thì lại không đáng bao nhiêu. Tuy thế, mơ ước đó không biết bao giờ mới trở thành hiện thực? Có lẽ tôi lại phải hát lên câu ca dao để chia sẻ niềm mong đợi đó với các anh chị em trong gia đình Giáo Hội ở chốn xa xăm này rằng:

"Bao giờ cho đến tháng năm,

Ðể Dã Sơn có... một căn nhà thờ!?"

 

Anthony Hoàng

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page