Ánh Sáng Cuối Ðường Hầm

(Nhật ký của Ðức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ánh Sáng Cuối Ðường Hầm.

(Nhật ký của Ðức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang)

Thái Bình, Việt Nam (21/01/2008) - Như tôi đã viết sau buổi gặp gỡ đầu tiên với vị cán bộ Trung ương, tôi cũng hơi thất vọng nhưng vẫn còn tin tưởng mà nói rằng: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên".

Tôi trở về Thái Bình định viết thêm một bài hồi ức sâu rộng hơn về đất đai của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, nhan đề là: Lại đất đai, biết rồi, khổ lắm nói mãi. Tôi đã xếp đặt khung sườn của bài này từ đầu đến cuối, song vì bận công việc của giáo phận: phải đi làm lễ ở một giáo xứ đông người suốt buổi sáng Chúa Nhật ngày 20/1/2008, buổi chiều phải tiếp đón gia đình từ Mỹ về tết và thăm nhà thờ Chính Tòa Thái Bình, rồi lại đưa họ lên Hà Nội.

Ngay đầu giờ chiều hôm đó, tôi được Cha Văn Phòng báo tin: Bộ Công an và Ban Tôn giáo chính phủ muốn mời tôi tới chúc tết và bàn một số việc vào sáng thứ Hai ngày 21/1/2008. Tôi cho đây là một điềm lành, nên đã dành trọn buổi sáng để đi tới các cơ quan nói trên mặc cho gió mùa đông bắc tràn về gây mưa phùn và gió lạnh.

Trước hết, tôi được mời tới Bộ Công an, được đón tiếp trọng thể và thân tình bởi ông Cục trưởng cục an ninh xã hội (chắc cũng giữ vai trò trách nhiệm trong những vấn đề tôn giáo). Ông là người miền Bắc có cái tên rất mộc mạc, đơn giản. Chúng tôi đã chúc mừng lẫn nhau nhân dịp tết cổ truyền Mậu Tý. Sau đó, tự tôi đề cập trước đến tình hình tranh chấp đất đai ở Hà Nội nói riêng và các nơi khác nói chung. Song đặc biệt nói tới vụ đất đai ở Tòa Khâm Sứ cũ. Tôi đề nghị nên theo những giải pháp tôi đã đưa ra trong những bài viết và có lẽ nhiều người trong cũng như ngoài nước đã đọc, với tư cách cá nhân của một người quan tâm đến lợi ích Giáo Hội và đất nước.

Cụ thể, tôi nêu ra nguyên tắc: không nên đổ thêm dầu vào lửa như các công văn của phía chính quyền đã ra, kể cả các bài viết ít tinh thần xây dựng; trong những điểm nóng bỏng như vậy, cần rút củi lửa chứ không nên tiếp thêm. Ðặc biệt ở Tòa Khâm Sứ cũ, đầu mối hiện tại gây ra mất trật tự an ninh là do một phía đóng cổng khóa chặt khu đất Khâm Sứ, giáo dân không được tới cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ, nên đã tụ tập đông đúc trước hàng rào sắt để cắm hoa, cắm nến và đứng tràn xuống lòng đường gây ách tắc giao thông. Tôi đề nghị: cứ mở cửa cho mọi người được ra vào, kể cả các tín hữu, cho họ được đến trước tượng Ðức Mẹ để cầu xin, dâng hoa mà không bị ai làm khó dễ, như vậy sẽ bảo đảm được trật tự giao thông bên ngoài, khiến quang cảnh trở nên bình thường êm đẹp.

Việc họ cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ diễn ra hàng 100 năm nay, như tôi đã trình bày, không ai ngăn cản họ, sau này, bị cưỡng bách, Ðức Hồng y Căn mới đưa tượng ra khỏi khu vực, nay đặt lại, theo tôi nghĩ không có gì là quá đáng, mà lại rất hợp tình hợp lý. Cũng có thể chỉ giới hạn trong việc cầu nguyện riêng tư và vào những giờ nhất định như ở các nhà thờ nhà nguyện. Ví dụ: trưa, chiều, tối v.v# không có những cuộc rước, cầu nguyện lớn lao, hoành tráng làm cho các vị chính quyền địa phương bức xúc, lo lắng v.v... Nhất là trong những ngày đầu xuân sắp tới, nhu cầu đọc kinh cầu nguyện của các tín hữu cũng giống như anh chị em ở các tôn giáo bạn đi chùa, viếng đền, cầu kinh trước các tượng Chúa, tượng Phật v.v... là một việc bình thường và có văn hóa trong dịp đầu xuân.

Nghe tôi trình bày, ông Cục trưởng thấy xiêu xiêu lòng, mặc dù ông còn lo lắng về sự hiện diện của giáo dân trong khu vực Tòa Khâm Sứ cũ có thể dẫn tới cuộc biểu tình rầm rộ, ăn vạ nằm lì; hoặc để tượng Ðức Mẹ Sầu Bi nói lên tính chất bi thảm, dính líu tới những tư tưởng phản động này khác. Tôi có trấn an ông rằng: người tín hữu Công giáo rất là bình an và thoải mái như ông đã từng chứng kiến. Họ bị cấm đoán xúc phạm hơn một tháng nay, nhưng vẫn bình tĩnh an vui cầu nguyện sốt sắng cho mình và cho mọi người, kể cả anh chị em đối kháng. Nên tôi bảo đảm: các người Công giáo sẽ đến cầu nguyện trong an bình và trật tự, hết giờ họ trở về gia đình, xã hội, vì còn bổn phận khác phải chu toàn giống như sau các giờ kinh lễ như lệ thường. Còn tượng Ðức Mẹ, tôi có thể điều đình với Ðức Tổng cho đem bức tượng Ðức Mẹ vốn có để duy trì nguyên trạng, như bài trước tôi đã đề cập.

Còn ở nhà dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, tình hình có phức tạp hơn vì lý do kinh tế dính líu vào đó. Ðằng khác, do những chủ trương bất nhất, các văn bản mâu thuẫn, rồi những hành động thách thức của các công ty khiến cho bà con giáo hữu bức xúc. Lại nữa, do sự can thiệp có vẻ thiên lệch hoặc thô bạo của một số anh em giữ trật tự an ninh ở khu đó, khiến cho dẫn tới sự phản đối an bình của giáo dân, nhất là phải canh giữ để phía bên kia khỏi lấn át, tạo nên những tình trạng mới. Bây giờ là lúc các công ty có trách nhiệm cam kết ngưng các công việc để tình trạng được như cũ, như vậy, phía giáo dân mới an tâm ra về và dùng những hình thức cầu nguyện êm đềm ở những nơi thích hợp.

Sau khi nghe tôi trình bày, ông Cục trưởng đã đồng ý can thiệp để tình trạng nhà dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà được diễn ra với sự tự chế của hai bên, nhất là phía các công ty dừng ngay việc xây dựng, thì chắc các tín hữu có thiện chí đáp trả. Còn về đất đai Tòa Khâm Sứ cũ, ông hứa sẽ cố gắng làm việc với chính quyền các cấp như: Thành phố, Quận, Phường v.v... để được như lời đề nghị. Song ông cũng lắc đầu mà nói: không biết anh em ở địa phương họ có đồng ý không, bởi vì... họ cũng khó lắm.

Sau khi các biện pháp đó được thực hiện, tôi đề nghị đôi bên ngồi lại bàn bạc trong tinh thần hòa giải kiên nhẫn. (Các Hiệp định đâu có giải quyết xong trong một ngày, mà dần dần trong nhiều năm mới dần dần đạt được thành công). Các cuộc họp đó sẽ đưa đến các giải pháp tương lai cho đất Tòa Khâm Sứ cũ, dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Ðông, số 11 Phố Nguyễn Du - Thành phố HCM v.v... là những điểm nóng cần giải quyết trước, còn những nơi lớn lao như: Lavang, Viện Ðại Học Pio Ðà Lạt v.v... có thể dần dần sẽ được giải quyết. Sau cùng, tôi ra về vui vẻ và tin tưởng vào tương lai sẽ tốt đẹp.

Rời trụ sở Bộ Công an, tôi tới trụ sở Ban Tôn giáo chính phủ để gặp và làm việc với ông Nguyễn Thế Doanh - Trưởng ban tôn giáo. Bắt đầu cũng những lời chúc tụng nhân dịp đầu năm mới sắp tới. Rồi chúng tôi cũng đề cập ngay tới việc đất đai đang bị tranh chấp. Tôi cũng đề nghị như nói trên với Bộ Công an.

Các vị cán bộ tại Ban Tôn giáo cũng hưởng ứng việc làm cho tình hình được dịu bớt và đi đến chỗ tốt đẹp hơn. Về tương lai mảnh đất đó, ông Trưởng ban cho biết: ý Thủ tướng muốn dành mảnh đất đó cho công việc xã hội, để xây câu lạc bộ cho những người cao tuổi, hay công viên vườn cây đất cảnh v.v.. Có thể theo đề nghị của tôi mấy năm trước: để thiết lập một bệnh viện nhi đồng dành cho các gia đình có con em nghèo khó. Nhưng chúng tôi vừa nhận được văn thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt nam xin cấp mảnh đất này xây dựng trụ sở cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Chúng tôi đang xem xét cân nhắc và bàn với Hội Ðồng Giám Mục cũng như Tòa Tổng Giám Mục xem giải pháp nào tốt đẹp hơn. Nhân đây tôi tuyên bố với Bộ Công an và Ban Tôn giáo rằng: tôi không phải là người trung gian chính thức giữa đôi bên, mà chỉ được cụ Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt ủy quyền miệng cho tôi đi thu xếp công việc này mà thôi. Nên khi có giải pháp đề nghị nào xin các vị có thể trực tiếp giao thiệp với Tòa Tổng Giám Mục, còn về phía tôi có thể giúp được gì tôi xin sẵn lòng.

Tôi tranh thủ mấy phút sau cuộc họp ở Ban Tôn giáo, về Tòa Tổng Giám Mục gặp Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài tiếp tôi ở tầng dưới và khen ngợi các bài mới viết của tôi, nhất là tâm đắc với lý luận: đưa Ðức Mẹ về đất Tòa Khâm Sứ cũ để giữ nguyên trạng như chính các vị chính quyền đòi hỏi.

Ngài cũng tán thành đề nghị của tôi với chính quyền như mở cửa rào sắt cho giáo dân vào cầu nguyện tự do tại hang đá Ðức Mẹ nơi đất Tòa Khâm Sứ cũ, không tổ chức các cuộc rước đoàn thể vào cầu nguyện như đã làm; riêng việc thay tượng khác, ngài cho biết cũng có thể thực hiện được, nhưng để nghiên cứu xem làm với hình thức nào.

Nói tóm lại, ngài rất vui mừng vì thấy vai trò của tôi "đóng" đã thành công... và chờ đợi chính quyền đáp ứng. Tôi nói đùa với ngài: Bây giờ con xin rút lui để chính quyền trực tiếp giao tiếp với ngài và quyết định mọi sự, nhưng có đòi được số tiền nhà in Teresa, hiệu sách Maria và bệnh viện lao Quần Ngựa thì phải chia cho kẻ hèn này một nửa vì có công phanh phui sự việc!!

Ngài gật đầu cười lớn tiếng và tiễn chân tôi ra về lúc trời đã xế trưa. Trời còn mưa, gió còn lạnh. Chiếc xe chở tôi đi giữa dòng người đông đúc, nhưng lòng tôi cảm thấy đôi chút thỏa mái và đã thấy hé chút ánh sáng dưới đường hầm.

Tôi ước mong được bắt tay chúc mừng các vị cán bộ, nhân viên các cấp một năm mới bình an, hạnh phúc cho mình và gia đình; và bắt tay thân thiết chào mừng anh chị em Hà Thành được vui mừng thoải mái đến với Ðức Mẹ trong dịp xuân Mậu Tý để cầu nguyện cho Giáo Hội, quê hương đất nước, gia đình và bản thân: "Càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và loài người", như năm thánh Hồng Ðào giáo phận Thái Bình chúng tôi đang chủ trương thực hiện.

 

Thái Bình 21/1/2008

 

+ F.X. Nguyễn Văn Sang

Giám Mục Thái Bình

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page