Chuyện người Mông theo Ðạo

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chuyện người Mông theo Ðạo.

Sơn La, Việt Nam (19/01/2008) - "Cô giáo đừng nói nhé, nó biết nó sẽ bảo bản tao là phỉ đấy". Là một giáo dân, lại là giáo viên đang dạy học tại một bản người Mông ở Sơn La, lẽ dĩ nhiên tôi rất chú ý đến tin tức về người Mông theo Ðạo. Tôi nghe nói ở một bản nọ, cả bản theo Ðạo... Tôi lại nghe nói, có cha bị khiển trách vì quá chú ý đến người Mông, trong khi họ chỉ giữ Ðạo khi được cho tiền thôi...


Những người Mông thật thà chất phác, họ không bao giờ biết nói dối, đặc biệt là khi họ đã tin tưởng vào ai, vào điều gì thì họ cực kỳ kiên định.


Có lẽ nào những người Mông thật thà chất phác, họ không bao giờ biết nói dối, đặc biệt là khi họ đã tin tưởng vào ai, vào điều gì thì họ cực kỳ kiên định, lại dễ dàng thay đổi niềm tin vì lợi lộc vật chất hay gặp một chút khó khăn nào đó sao? Ai chứ tôi thì tôi không tin như thế, tôi định bụng sẽ tìm đến một bản Công Giáo người Mông để tìm hiểu, nhưng điều đó thật không dễ.

Bản tôi dạy học nằm trong khu vực nóng về tôn giáo, mấy năm trước Nhà nước khá vất vả để thuyết phục người dân bỏ Ðạo. Tôi không được biết tôn giáo họ theo là tôn giáo nào, nhưng cũng như đại đa số những công chức khác, đặc biệt là giáo viên thì được nghe nói là một tổng hợp những điều mê tín đến nực cười. Ví dụ như họ rủ nhau lên núi nhảy từ trên đó xuống để được về trời, họ không làm ăn gì mà chỉ ngồi đợi tận thế...

Tôi vẫn giữ vững niềm tin đó cho tới một hôm, người mẹ của cô học trò tôi qúy nhất lớp đến mời tôi ăn cưới. Chị ta cứ dán mắt vào cỗ tràng hạt tôi treo trên đầu giường. Khi chỉ có tôi và chị trong phòng, tôi chỉ vào ảnh Ðức Mẹ và hỏi:

- Chị có biết ai đây không?

- Cái người này là mẹ cái người nhỏ này

Vừa nói chị vừa chỉ vào tượng Chúa Giêsu nhỏ trên Thánh Giá. Tôi đưa tràng hạt cho chị và hỏi tiếp:

- Chị biết cài này là cái gì không?

- Cái này là cái người của Mẹ hay đeo.

Chị trả lời rồi nhìn tôi rất mừng rỡ và hỏi tiếp:

- Cô giáo cho tao nhé?

Tim tôi như vỡ òa, đây chắc chắn là người Mông Công Giáo rồi. Tôi nói:

- Chị theo Ðạo à? Tôi cũng theo Ðạo đấy!

Thế rồi chị kể cho tôi nghe về bản của chị, cả bản là người Công giáo ở Lao Cai, bị chính quyền cấm dữ dội quá rủ nhau vượt rừng núi kéo vào đây sinh sống để giữ Ðạo. Chị sung sướng kể lại chị đã được hai lần về nhà thờ Lao Cai, một lần đến nhà thờ Sapa. Ðang sống yên ổn, mấy năm trước bộ đội biên phòng đến cấm theo Ðạo, rồi họ đặt luôn một đồn ở giữa bản. Cái trùm bảo rằng "Chúng ta không đi đâu nữa, đi đến đâu rồi cũng thế thôi". Thế rồi ông trùm rủ một số gia đình vào rừng sâu lập một bản riêng, giữ Ðạo âm thầm. Chị nói rằng cả bản đều sợ bộ đội biên phòng, nó đánh, nó phá nhà, nó bắt... Chị nói: "Chúng tao sợ cái bộ đội biên phòng lắm, nó ác lắm. Nó biết tao theo Ðạo thì nó đóng đinh vào tay đây này". Chị vừa nói vừa chỉ vào giữa mu bàn tay - "toàn đinh mười thôi".

Tôi an ủi: "Tao không nói đâu, tao thương người Mông ta lắm!"

Chị nói như van nài: "Cô giáo đừng nói nhé, nó biết nó sẽ bảo bản tao là phỉ đấy."

Tôi giật mình kinh hoàng, nét mặt chị cũng hoảng hốt không kém. Tôi nói: "Chị yên tâm đi, cô giáo là người Ðạo mà."

- "Cô giáo nên (lên) nhà tao chơi đi?" Chị nói tiếp:

- "Tao nấu bánh dày cho cô giáo ăn, tao cho cô giáo bao gạo nếp nhà tao."

Tôi đành khước từ vì mai được nghỉ về nhà. Nhà tôi ở thị trấn huyện, nơi đây có cộng đoàn Công Giáo sinh hoạt sôi nổi. Tôi nhớ rằng mấy năm trước, khi đang xây dựng cộng đoàn, biết được ai là người có Ðạo thì vui mừng như người thân xa lâu ngày gặp lại. Nhưng tôi không tưởng tượng được, tôi lại được cho cả một bao gạo nếp nương vì là người có Ðạo. Nếu không hiểu hết nỗi cơ cực của đồng bào ở đây, chắc chắn không ai tưởng tượng được bao gạo nếp qúy thế nào đối với họ. Cả năm họ ăn mèn mén, sắn... để giành bao gạo nếp đến tết ăn. Thế mà họ nhã ý cho tôi tất cả phần ăn Tết mà họ đã để giành cả năm.

Chị bảo: "Tao sẽ ra nhà cô giáo nhé, tao ra để đọc kinh nhé?"

Tôi chần chừ: "Khi nào tôi nói thì chị mới ra nhé."

Ðêm đó tôi nằm mơ thấy một đoàn đông nghịt người Mông, từ trẻ nhỏ đến người già, những gương mặt khắc khổ vây lấy tôi xin tràng hạt, họ xô đẩy chen lấn nhau để xin tràng hạt. Tôi giật mình tỉnh dạy và khóc nức nở. Tôi khóc vì biết rằng mấy đứa học trò bấy lâu nay tôi dạy dỗ lại là con nhà có Ðạo mà tôi không biết. Tôi khóc vì không biết sao người Mông khổ thế. Tôi khóc vì tôi hiểu "Cô giáo đừng nói nhé, nó biết nó sẽ bảo bản tao là phỉ đấy" là thế nào.

 

Cô Giáo Vùng Cao,

19.01.2008

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page