Văn thư giải trình các cáo buộc
đối với giáo xứ Thái Hà
của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Văn thư giải trình các cáo buộc đối với giáo xứ Thái Hà của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội.
Tổng Giáo Phận Hà Nội
Giáo xứ Thái Hà
VT/02 BT-CX
Ngày 15.01.2008
Văn Thư Giải Trình
Các Cáo Buộc Ðối Với Giáo Xứ Thái Hà
Trong Công Văn Số 273/UBND-VX Của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội
Kính gửi:
- Ðức Giám Mục Ðà Lạt, Chủ tịch Hội Ðồng Giám MụcViệt Nam
- Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám MụcViệt Nam
- Ðức Giám Mục Bùi Chu, Chủ tịch Ủy Ban Tu Sĩ Hội Ðồng Giám MụcViệt Nam
- Cha Giám Tỉnh và Cha Phó Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Kính thưa quý Ðức Cha và Quý Cha Giám Tỉnh
Ngày 12.01.2008, Giáo xứ Thái Hà chúng con nhận được công văn số 273/UBND-XV, (gọi tắt là CV 273), do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ký ngày 11.01.2008.
Khi đọc CV 273 chúng con không thể hiểu được tại sao bà Ngô Thị Thanh Hằng, một Phó Chủ tịch phụ trách khối Văn hoá - Xã hội của một Hà Nội nghìn năm văn hiến mà lại cho ra đời một công văn với một thứ ngôn ngữ và nội dung có tính cách thiếu văn hoá, thiên lệch và quy chụp như công văn này.
Chúng con không bàn đến chuyện CV 273 quy chụp cho Ðức Tổng Giám Mục đã gửi thư tới các giáo phận khác kêu gọi giáo sỹ và giáo dân của giáo phận khác tham gia việc đòi lại đất tại 42 phố Nhà Chung khi CV 273 viết rằng: "Ngài tổng giám mục đã gửi thư không chỉ (...) mà còn cho gửi tới các giáo phận khác kêu gọi giáo sỹ và giáo dân tham gia việc đòi lại đất tại 42 phố Nhà Chung" (tr.1). Vì một giám mục của giáo phận này mà gửi thư cho giáo phận khác đồng thời kêu gọi giáo sỹ, giáo dân giáo phận khác tham gia vào chuyện gì đó của giáo phận này là điều không được phép theo giáo luật. Chẳng có đức giám mục nào lại dám đi làm thế và cũng chẳng một đức giám mục nào lại chấp nhận cho giám mục khác xen vào giáo phận của mình như vậy.
Chúng con không bàn đến việc quy chụp Toà Tổng Giám Mục "phân phát tờ rơi với nội dung có tính chất xuyên tạc chính quyền" (tr.1). Một chuyện không hề có. Không hề có tờ rơi cho nên không hề có chuyện phân phát tờ rơi và vì thế cũng không hề có chuyện xuyên tạc chính quyền. Những đầu óc bình thường thì không bao giờ có thể nghĩ một Toà Tổng Giám Mục lại đi làm những việc này.
Chúng con không bàn đến sự kiện CV 273 có ý chia rẽ giữa Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà với Ðức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, khi CV 273 có nơi nhận chính là "Ngài Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam" (tr.1).
Chúng con không bàn tới sự kiện CV 273 gián tiếp cho rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam vi phạm pháp luật và yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp hành pháp luật và hợp tác với chính quyền - Một yêu cầu vượt quá thẩm quyền của một Ủy Ban Nhân Dân cấp thành phố - khi CV 273 này viết: "Việc chấp hành pháp luật và sự hợp tác của Hội đồng giám mục Việt Nam, Toà Tổng giám mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà với chính quyền sở tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành phố báo cáo với Chính phủ..."
Chúng con không bàn đến chuyện hài hước là mối quan tâm của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội yêu cầu Giáo xứ chúng con thực hiện theo đúng quy định Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt không tập trung đông người trong việc tổ chức khánh thành ngôi nhà mới của Giáo xứ - Tu viện chúng con mà CV 273 gọi là "nhà nguyện 7 tầng" - một cách dùng từ gọi tên chứng tỏ bà Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố phụ trách khối Văn hoá - Xã hội có trình độ hiểu biết và văn hoá cỡ nào!
Vì phần nhiều nội dung trong công văn này quy kết cho Giáo xứ Thái Hà chúng con những "vi phạm" này khác, cho nên chúng con thấy cần phải lên tiếng giải trình đồng thời bác bỏ những quy kết có chủ ý và vô căn cứ này đối với Giáo xứ chúng con.
I. Về Nội Dung Quy Kết Thứ Nhất
"Ðối với Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra vi phạm pháp luật về luật đất đai, trật tự xây dựng, giao thông công cộng: Giáo xứ Thái Hà đã huy động giáo dân tự ý lấn chiếm đất xây dựng nhà không phép trên đất hiện do Công ty Ðiện lực Hà Nội và Công ty cổ phần vật tư xi măng quản lý thuộc địa bàn phường Quang Trung; chưa xin phép chính quyền đã tự ý đục tường, xây cổng ra ngách 49 ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng thuộc địa phận phường Ô Chợ Dừa." (tr.1-2).
Vấn đề hiện tại ở Thái Hà trong hơn một tuần vừa qua đang liên quan đến Công ty Cổ Phần May Chiến Thắng, chứ không liên quan đến Công ty Vật tư Xi măng và Công ty Ðiện lực. Vậy mà ở đây, bà Ngô Thị Thanh Hằng lại khơi dậy vụ tranh chấp giữa Giáo xứ với Công ty Vật tư Xi măng và Công ty Ðiện lực Hà Nội. Ðiều này khiến chúng con lấy làm khó hiểu và chúng con không thể không nghĩ rằng có một số người thiếu thiện chí đang cố tình làm phức tạp hoá thêm vấn đề diễn ra ở Thái Hà và khơi thêm bức xúc cho cộng đồng giáo dân trong Giáo xứ. Vì theo lẽ thông thường, trong hoàn cảnh tương tự, thì người có thiện chí, người cầm quyền trị nước khôn ngoan, sẽ là người biết khoanh vùng xứ lý vấn đề và xử lý dứt điểm từng sự việc, chứ không phải là người mở rộng và đào sâu vấn đề đang gây nóng bỏng.
Chúng con xin thưa với Quý Ðức Cha và Quý Cha rằng chúng con không vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng và giao thông công cộng như CV 273 quy kết. Chúng con xin giải trình để quý Ðức Cha và Quý Cha chia sẻ và cầu nguyện cho chúng con:
Như quý Ðức Cha và Quý Cha biết, Giáo xứ và Tu viện chúng con trước đây toạ lạc trên khu đất hơn 60,000 mét vuông và hiện nay chính thức chúng con chỉ còn được quản lý khoảng hơn 2,700 m2 dùng làm nhà thờ, nhà xứ và tu viện cho khoảng một chục nghìn người đến sinh hoạt tôn giáo thường xuyên tại Giáo xứ chúng con. Trong khi đó Công ty Vật tư Xi măng và Công ty Ðiện lực lại chiếm dụng và mua bán trái phép phần đất gần 1,500 m2 của Giáo xứ nằm ngay tại đầu nhà thờ. Từ 15 năm nay chúng con đã làm đơn yêu cầu hai công ty trả lại phần đất này, thế nhưng các cơ quan liên hệ đã không giải quyết cho Giáo xứ chúng con theo lẽ công bằng.
Trong khi đó hai cơ quan chiếm dụng lại để khu đất này thành chỗ buôn bán vật liệu xây dựng, gây cản trở giao thông ở nơi tập trung đông người là nhà thờ Giáo xứ chúng con. Hơn nữa, hai cơ quan này còn xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của giáo dân xa gần khi bỏ hoang hoá ngôi nhà nguyện vốn có nằm trong khu đất trở thành nơi tập trung của các đối tượng nghiện ngập ma tuý và trộm cắp, giật dọc làm mất an ninh trật tự trong khu vực. Ðiều này nhân dân và chính quyền phường Quang Trung biết rõ.
Bức xúc trước hiện tượng trên đây, Giáo xứ đã quyết tâm dẹp ổ tệ nạn đang diễn ra trên phần đất bị chiếm dụng đồng thời sử dụng phần đất này làm bãi giữ xe cho tín hữu. Mặt khác Giáo xứ cũng sửa chữa ngôi nhà nguyện rách nát, gần sập nằm trong khu đất và mở một cửa thoát hiểm nhỏ - chứ không phải làm cổng đi lại ở phía sau - nhà nguyện và bãi giữ xe để đề phòng bất trắc, nhất là trong những ngày tập trung nhiều nghìn người. Tất cả những việc làm này đều có tính cách khẩn cấp hợp lý, hợp tình và phù hợp với đạo lý con người lại nằm trong khuôn khổ của pháp luật.
Ngày 19.12.2007, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục Phụ tá Bùi Chu, đã thay mặt Ðức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, đến làm lễ thánh hiến nhà nguyện mới được đại tu vốn trước đây bị để rách nát và trở thành hang ổ tệ nạn, chấm dứt một giai đọan mất an ninh trật tự và an lòng nhân dân trong khu vực Giáo xứ.
Các ban ngành các cấp từ phường đến thành phố cũng đã chứng kiến những việc làm chính đáng, tốt đẹp và hợp lẽ công bằng trên đây của Giáo xứ chúng con, đồng thời không có một nhân viên nào của công ty Vật tư Xi măng và công ty Ðiện lực dám hiện diện để phản đối. Không một biên bản gọi là vi phạm nào được lập. Vậy mà giờ đây CV 273 lại đi kết án Giáo xứ chúng con thì chúng con lấy làm khó hiểu và thêm bức xúc.
II. Về Nội Dung Quy Kết Thứ Hai
"(Giáo xứ Thái Hà) đã để một số giáo dân phá đổ tường rào bảo vệ, phá hoại tài sản của công ty cổ phần may Chiến Thắng vào đêm 5/1/2008. Từ ngày 6/1/2008 cho đến nay, Giáo xứ Thái Hà tiếp tục để cho giáo dân, giáo sỹ treo hàng chục ảnh Ðức mẹ và thánh giá vào hàng rào bảo vệ của công ty cổ phần may Chiến Thắng, tụ tập đông người ngoài cơ sở thờ tự, gây mất trật tự giao thông công cộng...".
1. Về quy kết "phá đổ tường rào bảo vệ, phá hoạt tài sản của công ty cổ phần may Chiến Thắng vào đêm 5/1/2008"
Giáo xứ Thái Hà chúng con luôn nỗ lực cố gắng bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và công bằng xã hội theo chủ trương xây dựng một xã hội công bằng và văn minh của đất nước hiện nay. Chúng con hoàn toàn không có ý phá đổ tường rào và không phá hoại tài sản của cá nhân hay tập thể nào như Cv 273 cáo buộc.
Chúng con xin trình bày hoàn cảnh sự việc như sau: Chiều tối ngày 5/1/2008, trong khi các linh mục và giáo dân trong Giáo xứ sang Nhà Thờ Chính Toà Hà Nội tham dự thánh lễ và cầu nguyện ở Toà Khâm Sứ, thì ở nhà Công ty may Chiến Thắng đã cho xây dựng bức tường bao dày 20 cm trên mặt đường phía sau khu đất của Nhà thờ Thái Hà.
Khi các linh mục và giáo dân từ Nhà Thờ Chính Toà trở về thì phát hiện ra việc làm sai trái của Công ty Chiến Thắng, Giáo xứ đã gọi điện báo cho phường Quang Trung, đồng thời yêu cầu Công ty may Chiến Thắng chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật, phá vỡ cam kết giữ nguyên trạng giữa Giáo xứ với Công ty và chính quyền.
Tối chủ nhật 05.01.2008, lãnh đạo phường Quang Trung cũng đã đề nghị giáo dân ra về và cam kết với giáo dân rằng sẽ buộc Công ty Chiến Thắng chấm dứt việc xây dựng vi phạm này.
Tin tưởng vào những lời cam kết trên đây, linh mục và giáo dân trở về nhà.
Sáng chủ nhật 6/1/2008, trong khi các linh mục trong Giáo xứ chúng con hầu hết đi làm mục vụ và từ thiện ở tỉnh xa, thì ở nhà giáo dân lại nghe thấy tiếng xe cảnh sát náo loạn trong khu vực. Tò mò, một số giáo dân kéo ra xem có chuyện gì thì hoá ra Công ty may Chiến Thắng đang xây dựng tường bao với hàng rào thép gai bảo vệ bên ngoài trước sự hiện diện của công an, thanh tra xây dựng, dân phòng và cảnh sát 113 trang bị đầy đủ để tác chiến.
Giáo dân trong Giáo xứ lập tức xin chính quyền địa phương can thiệp nhằm ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép của Công ty Chiến Thắng. Nhưng chính quyền địa phương không đáp ứng đề nghị của giáo dân trong Giáo xứ chúng con. Giáo dân chúng con thấy tỏ tường rằng các lực lượng này còn bảo vệ cho Công ty may Chiến Thắng xây tường rào.
Bức xúc trước sự kiện các cam kết hồi đầu tháng 12 và cam kết tối ngày 5/1/2008 đã không được thực hiện, bức xúc trước sự kiện một số cán bộ trong chính quyền dùng các cơ quan quyền lực để bảo vệ cho những hành động vi phạm pháp luật của công ty may Chiến Thắng, giữa buổi sáng ngày 06.01.2008, trước mặt đại diện chính quyền, công an và thanh tra xây dựng, giáo dân trong giáo xứ đã tự động bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ pháp luật bằng cách ngăn chặn Công ty Chiến Thắng xây trộm một đoạn tường bao khoảng hơn chục mét.
Sự kiện trên đây xảy ra vào ban ngày, hình ảnh chụp được còn cho thấy cả ánh nắng vàng rất đẹp, chứ không phải xảy ra đêm 5/1/2008 như bà Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng mơ ngủ ghi trong CV 273.
Ðấy là bối cảnh và các sự kiện xảy ra mà Giáo xứ chúng con xin trình bày lại để thấy rằng chúng con không "phá đổ tường rào bảo vệ, phá hoạt trài sản" như CV 273 quy kết.
Chúng con cũng lấy làm khó hiểu và chúng con rất bức xúc khi thấy trong khi quy kết cho chúng con "vi phạm" đủ thứ này khác, thì CV 273 không đề cập gì đến những vi phạm có thật của Công ty may Chiến Thắng và những hành vi dung túng công ty này của một số cán bộ hành quyền.
2. "Giáo xứ Thái Hà tiếp tục để cho giáo dân, giáo sỹ treo hàng chục ảnh Ðức mẹ và thánh giá vào hàng rào bảo vệ của công ty cổ phần may Chiến Thắng, tụ tập đông người ngoài cơ sở thờ tự, gây mất trật tự giao thông công cộng...".
Về vấn đề này Giáo xứ chúng con xin thưa như sau: Thứ nhất khu nhà đất mà Công ty may Chiến Thắng đang chiếm dụng là khu nhà đất thuộc Giáo xứ Thái Hà chúng con. Giáo xứ chúng con có đủ bằng chứng thực tế và pháp lý về điều này. Giáo xứ chúng con chưa bao giờ hiến tặng, chưa bao giờ cho mượn đồng thời nhà nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu, trưng mua theo diện cải tạo xã hội chủ nghĩa khu nhà đất này của chúng con.
Từ gần 50 năm nay Xí nghiệp Dệt Thảm len tạm chiếm làm nơi sản xuất và từ hơn 10 năm nay Giáo xứ chúng con đang xin giao lại khu đất này để chúng con sử dụng vào mục đích thờ tự. Các đơn thư hầu như chỉ rơi vào im lặng hoặc nếu có trả lời thì cũng là phủ nhận quyền quản lý và sử dụng của Giáo xứ chúng con. Sự cố tình phủ nhận ấy còn thể hiện qua việc chuyển đổi chủ thể sử dụng từ Xí nghiệp Dệt Thảm len sang Công ty may Chiến Thắng mà không hề bàn thảo với Nhà thờ Thái Hà chúng con theo luật định. Trong khi đó, cơ quan chiếm dụng là Công ty may Chiến Thắng hiện nay lại có hành vi khiêu khích hòng chiếm mãi khu nhà đất của Giáo xứ của chúng con như: Ðập phá nhà cửa, làm đường nội vi, san lấp mặt bằng khu đất.
Giáo xứ chúng con bây giờ chỉ còn biết trông cậy Chúa và Ðức Mẹ và giáo dân chúng con đã phải mang ảnh thánh ra treo ở tường rào khu nhà đất của mình đang bị xâm chiếm cách bất hợp pháp để cầu nguyện cách ôn hoà và hợp pháp với nguyện ước cho công lý được tôn trọng và thực hiện.
Giáo xứ chúng con không cho rằng việc treo ảnh thánh và cầu nguyện như thế là bất hợp pháp như CV 273 quy kết dựa theo khoản 2 điều 11 trích dẫn trong Pháp lệnh Tín ngưỡng -Tôn giáo ban hành ngày 29.06.2004 của UBTV Quốc Hội và trong điều 26 Nghị định 22/2005/NÐ-CP ngày 01.03.2005 của Chính phủ.
Vì toàn bộ nội dung của Pháp lệnh Tôn giáo -Tín ngưỡng cũng như Nghị định 22 không hề cấm cản việc treo ảnh thánh hay đặt tượng đài ở khu vực nhà đất của mình. Còn vấn đề cầu nguyện thì ngay trong khoản 2, điều 11 Pháp lệnh Tín ngưỡng -Tôn giáo và điều 26 của Nghị định 22/2005/NÐ-CP mà CV 273 lấy làm cơ sở để kết tội chúng con - cũng chỉ nói trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo ngoài phạm vi phụ trách, thì mới phải đăng ký. Trong khi đó, tại Giáo xứ Thái Hà, những ngày vừa qua chúng con chỉ cầu nguyện chứ không không hề cử hành bất kỳ một lễ nghi tôn giáo nào tại hiện trường. Chúng con cầu nguyện ngay bên lề đường giống như anh chị em giáo dân chúng con vẫn cầu nguyện bên Toà Khâm Sứ trong khuôn khổ của pháp luật. Xảy ra tình cảnh như vậy cũng chỉ là bất đắc dĩ vì chúng con không được cầu nguyện trong khu nhà đất của mình đang bị công ty Chiến Thắng tạm chiếm. Do đó, CV 273 coi việc giáo dân và giáo sĩ chúng con treo hàng chục ảnh Ðức Mẹ và các thánh giá nhỏ trên hiện trường là vi phạm các qui định về tôn giáo cũng là một qui kết thiếu cơ sở thực tế và pháp lý.
Giáo dân trong Giáo xứ chúng con đồng tâm nhất trí cầu nguyện sốt sắng, rất có trật tự, có giờ giấc vào lúc 6 h sáng và 19 h là những thời điểm mà dường như con đường cụt chạy ven khu đất không có người qua lại. Chương trình và nội dung cầu nguyện được phổ biến rộng rãi, công khai và minh bạch. Số giáo dân canh thức ngày đêm tại hiện trường cũng rất ý tứ, họ quét dọn vệ sinh đường xá, họ trò chuyện vui vẻ với những người xung quanh đôi khi với cả các công an đang làm nhiệm vụ đến nỗi các nhân viên của công ty gần đó còn tranh thủ ra chia vui. Tóm lại là giáo dân Giáo xứ chúng con không làm mất an ninh trật tự hay cản trở giao thông. Ðiều này ai đến thị sát hiện trường cũng thấy. Ngay chính các cán bộ công an cao cấp của thành phố khi đến xem hiện trường cũng thấy điều này và họ cũng đã công nhận với chúng con và chúng con lấy làm tiếc rằng một số cán bộ của Ủy Ban Nhân Dân đã không có tinh thần khách quan như một số cán bộ công an.
3. Về quy kết: "Gây bức xúc trong quần chúng nhân dân cũng như trong bà con giáo dân trên địa bàn" (tr.2).
Giáo xứ chúng con xin thưa rằng chúng con không gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Chúng con chưa thấy người dân nào phản đối việc cầu nguyện trong hoà bình và trật tự của chúng con. Trái lại nhiều người không phải giáo dân đã đến chia sẻ với chúng con, ủng hộ chúng con cách này cách khác. Có người còn chỉ nước cho chúng con mời các phóng viên báo chí đến đưa vụ tham nhũng đất thờ tự này lên các phương tiện truyền thông.
Còn chuyện CV 273 quy kết cho chúng con gây bức xúc trong bà con giáo dân thì thật đúng là lại một chuyện cười thế kỷ! Chúng con không thể bàn được quy kết này! Chúng con chỉ xin thưa rằng nguyên nhân gây bức xúc, theo như chúng con biết, bao gồm các yếu tố sau đây:
- Một là các hành vi có tính cách khiêu khích của Công ty Cổ Phần may Chiến Thắng, khi công ty này nhiều lần cố tình xây dựng trái phép trên đất thờ tự của Giáo xứ.
- Hai là sự hiện diện của cảnh sát, công an, bảo vệ, dân phòng và các cán bộ khác tại hiện trường, đặc biệt là một số cán bộ đã nặng lời chửi bới, đe doạ bỏ tù giáo dân đồng thời bảo vệ cho Công ty may Chiến Thắng xây dựng bên trong khu đất.
- Ba là sự ứng xử có tính cách thiên lệch của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội khi ra những văn bản thiếu nhất quán, có ý bao che cho công ty may Chiến Thắng. Ðây chính là sự kiện thêm dầu vào lửa.
Ðể Quý Ðức Cha và Quý Cha hiểu rõ hơn, chúng con xin trình bày vắn tắt quá trình này:
Tối ngày 07.01.2008 một phái đoàn do ông Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận Ðống Ða và một phái đoàn do ông Phó Giám đốc Công an Thành Phố Hà Nội đã vào gặp giáo dân và các linh mục ở nhà thờ Thái Hà, cả hai phái đoàn đều truyền đạt ý kiến của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố rằng: "Công ty may Chiến Thắng sẽ không được làm cái gì nữa. Phải giữ nguyên hiện trạng khu nhà đất!".
Vậy mà sáng sớm hôm sau, ngày 8/1/2008, Giáo xứ Thái Hà chúng con nhận được công văn 122/UBND-ÐC của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội do ông phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký ngày 08/1/2008, quyết định: "Ủy Ban Nhân Dân Thành phố đã chỉ đạo Công ty Cổ phần May Chiến Thắng dừng toàn bộ việc thi công xây dựng mới và cải tạo lớn (trừ việc xây dựng tường rào bảo vệ)". Như vậy hiển nhiên là Ủy Ban Nhân Dân cho công ty Chiến Thắng được "xây dựng cũ và cải tạo nhỏ đồng thời được xây dựng tường rào bảo vệ".
Tới ngày 10/1/2008, vì thấy giáo dân quyết tâm không cho Công ty May Chiến Thắng tiếp tục vi phạm pháp luật, Ủy Ban Nhân Dân thành phố mới lại ra một công văn mới, số 219/UBND-ÐCNN, ngày 10/1/2008 do ông Phó Chánh văn phòng Ðỗ Ðình Hồng ký, yêu cầu "dừng việc xây dựng tường rào bảo vệ".
Nội dung quyết định này bước đầu là điều đáng mừng với Giáo xứ. Tuy nhiên vấn đề là: Công văn 122/UBND-ÐCNN, cho phép Công ty Chiến Thắng xây dựng nhỏ và xây tường rào, thì người ký là ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, còn công văn số 219/UBND-ÐCNN, huỷ việc cho công ty Chiến Thắng tiếp tục xây dựng, thì người ký lại là ông Ðỗ Ðình Hồng, Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.
Giữa hai công văn ấy, công văn nào có giá trị hơn về pháp lý? Theo như chúng con biết: Về mặt pháp lý, trong cùng một vấn đề liên quan, thì nội dung công văn sau thay thế hoặc huỷ bỏ nội dung công văn trước. Như vậy quyết định của ông Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố huỷ bỏ hay thay thế quyết định của ông Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố. Tuy nhiên, theo hệ cấp pháp lý, quyết định của Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân có vượt qua được quyết định của Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân không? Nếu nội dung quyết định của cấp dưới đi ngược với nội dung quyết định của cấp trên thì có hiệu lực thi hành không? Nếu có thì ở Hà Nội trong việc hành quyền có chuyện ông Phó chánh Văn phòng lại "lớn" hơn ông Phó Chủ tịch sao? Bây giờ Giáo xứ chúng con phải tin ông Phó nào, Phó Chủ tịch hay Phó Chánh Văn phòng?
Từ những sự kiện trên đây, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo xứ chúng con càng thêm thiếu tin tưởng và thêm bức xúc. Mấy ngày nay, khi chúng con nhận được CV 273 thì giáo dân trong Giáo xứ lại càng bức xúc hơn nữa. Cái cách hành xử sai lầm gây phẫn uất cho dân rồi lại đi đổ tội cho người dân thật chỉ làm cho tình hình thêm tệ hại.
Kính thưa Quý Ðức Cha và Quý Cha
Trên đây là một số những giải trình của chúng con trước những điều kết án bất công và thiếu cơ sở của CV 273 nhằm vào Giáo xứ Thái Hà chúng con. Giáo xứ chúng con hy vọng còn nhiều cán bộ có thiện chí, sáng suốt và công tâm trong bộ máy chính quyền. Giáo xứ chúng con mong mỏi chính quyền các cấp trong vai trò là cha là mẹ của dân yêu cầu công ty Chiến Thắng trả lại nhà đất nội tự của Giáo xứ chúng con theo lẽ công bằng theo đúng tinh thần của cả nước thời mở cửa và hội nhập hiện nay là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Chúng con xin quý Ðức Cha và Quý Cha thương cầu nguyện cho chúng con và giúp đỡ chúng con.
Xin Chúa cho Quý Ðức Cha và Quý Cha được mạnh khoẻ và bình an.
Ðại diện các linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà
Linh mục Giuse Trịnh Ngọc Hiên
Bề trên - Chính xứ