Những biến cố lớn liên quan đến
sinh họat của Giáo Hội Công Giáo
trong năm 2008
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những biến cố lớn liên quan đến sinh họat của Giáo Hội Công Giáo trong năm 2008.
Tin Roma (Apic 3/01/2008) - Hãng tin công giáo Thụy Sĩ (Apic) phổ biến những biến cố quan trọng liên quan đến sinh họat của Giáo Hội Công Giáo trong suốt năm 2008.
- Trước hết, vào thứ Hai mùng 7 tháng Giêng năm 2008, Tổng Công Nghị Dòng Tên, lần thứ 35, được khai mở tại Trụ Sở Chính của Dòng Tên ở Roma. Hai mục tiêu chính là chọn Vị Bề Trên Tổng Quyền mới, thay thế cho Cha Tổng Quyền hiện nay là Cha Peter-Hans Kolvenbach, thi hành chức vụ từ năm 1983 đến 2007 (tức 24 năm) và nay đã 80 tuổi, và vừa được ÐTC chấp thuận cho từ chức Bề Trên Tổng Quyền. Ðây là vị Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đầu tiên được Ðức Giáo Hoàng chấp nhận cho từ chức, bởi vì theo truyền thống của dòng, Vị Bề Trên Tổng Quyền thi hành trách vụ mãn đời. Mục tiêu thứ hai là xác định những đường hướng lớn cho tương lai. Ðược biết thành phần tham dự tổng công hội gồm có những thành viên theo luật định là những bề trên giám tỉnh đương nhiệm, chiếm 1 phần 3 tổng số tham dự viên, và 2 phần 3 tham dự viên còn lại là những thành phần được bầu chọn tham dự. Tổng cộng tất cả là 225 vị. Nhưng chỉ có 217 vị có quyền bỏ phiếu chọn vị Tân Bề Trên Tổng Quyền, còn 8 vị còn lại, do bởi chức vụ đang thi hành, thì không được tham dự vào cuộc bỏ phiếu. Tổng công nghị kéo dài vô hạn định, tùy theo công việc. Tổng công nghị, trong đó cha Tổng Bề Trên Peter-Hans Kolvenbach được chọn, đã kéo dài 54 ngày.
- Biến cố thứ hai là lễ Kỷ Niệm 350 năm thành lập Hội Thừa sai Hải Ngọai Paris (MEP). Cuộc lễ kỷ niệm bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, mùng 6 tháng Giêng năm 2008, và sẽ kéo dài trong vòng một năm, đến lễ Hiển Linh năm 2009, với nhiều sinh họat như triển lãm, thuyết trình, thánh lễ kỷ niệm những biến cố quan trọng trong lịch sử 350 năm của Hội Thừa sai hải Ngọai Paris. Hai vị Giám Mục đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam - lúc đó được gọi là Giám Quản Tông Tòa - Ðức Cha Francois Pallu và Ðức Cha Lambert de la Motte, là hai vị sáng lập Hội Thừa sai hải Ngọai Paris.
- Biến cố thứ ba trong tháng Giêng năm 2008 là kỷ niệm 100 năm thiết lập Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô. Hiện tại, tuần lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô được cử hành hằng năm từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng.
Ngày 22 tháng Giêng năm năm 2008, là ngày kỷ niệm một năm Abbé Pierre qua đời (22 Jan 2007 - 22 Jan 2008).
- Biến cố thứ tư -- sang tháng Hai năm 2008- là lễ Kỷ Niệm 150 năm Ðức Mẹ Hiện Ra tại Lộ Ðức, lần đầu tiên (ngày 11 tháng 2). Hội Ðồng Giám Mục Pháp sẽ họp phiên họp khóang đại từ ngày 1 đến 4 tháng 4, tại Lộ Ðức. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ đến Lộ Ðức, nhưng ngày giờ chưa được công bố.
-Biến cố thứ năm từ ngày 15 đến 20 tháng 4 năm 2008, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ đi thăm Hoa Kỳ, và sẽ đọc Diễn văn tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc ở New-York vào ngày 17 tháng 4 năm 2008.
- Biến cố thứ sáu là từ ngày 15 đến 22 tháng 6 năm 2008, sẽ diễn ra tại Québec, Canada, Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49.
- Biến cố thứ bảy là Năm Thánh kính Thánh Phaolô, do Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI thiết lập, bắt đầu từ ngày 28 tháng 6 năm 2008, áp lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và kéo dài một năm, cho đến 29 tháng sáu năm 2009, để mừng kỷ niệm 2,000 năm thánh Phaolô sinh ra.
- Biến cố thứ tám là Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008.
- Ngày 6 tháng 8, sẽ là ngày kỷ niệm 30 năm Ðức Phaolô VI qua đời. Và cuối tháng 8, -- tức ngày 26 tháng 8 năm 2008, ngày kỷ niệm 30 năm Ðức Gioan Phaolô I được bầu lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma. Triều giáo hoàng của ngài - vị giáo hoàng của Nụ Cười - chỉ kéo dài có 33 ngày. Ngài qua đời ngày 28 tháng 9 năm 1978.
- Biến cố quan trọng cuối năm 2008, là Khóa Họp Thông Thường, lần thứ 12, của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, về chủ đề Lời Chúa. Tài liệu đại cương (lineamenta) giải thích chủ đề của Khóa Họp đã được phổ biến trong giáo hội. Và hiện chúng ta đang chờ Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris), để được hiểu thêm và hiệp thông trong dòng suy tư của Giáo Hội về đề tài này.
(Ðặng Thế Dũng)