Phỏng Vấn Cha Phêrô Nguyễn Kim Long

Trước Ðêm Nhạc Kỉ Niệm 50 Năm Viết Thánh Ca

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng Vấn Cha Phêrô Nguyễn Kim Long Trước Ðêm Nhạc Kỉ Niệm 50 Năm Viết Thánh Ca.

Hà Nội, Việt Nam (18/12/2007) - Hẳn chúng ta không lạ gì Linh mục nhạc sư Kim Long, một cây đại thụ trong làng thánh nhạc Công Giáo Việt Nam hiện nay. Những bài thánh ca của cha được phổ biến khắp nơi, không một cuốn sách thánh ca nào lại không có bài hát của cha, và gần như nghi thức phụng vụ nào cũng đều có bài cha sáng tác... Thời gian thấm thoắt, cha đã trung thành theo đuổi con đường phục vụ thánh ca được 50 năm. Trong những ngày chuẩn bị cho đêm hoan ca với chủ đề "ca lên đi mừng Chúa Giáng Sinh" mừng kỉ niệm 50 năm viết thánh ca của ngài diễn ra tại thủ đô Hà nội, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ để nghe ngài nói chuyện về đêm diễn này.

Kính mời qúy độc giả cùng theo dõi:


Linh mục nhạc sư Kim Long (trái) và Thầy Gioan Ðình Sơn (Phải).


Chủng sinh Ðình Sơn (BÐS): Kính chào cha Phêrô! Thưa cha, đêm Thánh ca của cha lần đầu tiên được trình diễn tại thủ đô Hà nội, xin cha cho qúy độc giả biết đôi điều cảm nhận về sự kiện đặc biệt này?

Cha Kim Long (CKL): Tôi rất vui vì Ban thánh nhạc Tổng giáo phận Hà nội tổ chức đêm thánh ca của Kim Long ngay tại thủ đô này. Nhưng phải nói đây không phải là dịp để suy tôn cá nhân vì cá nhân chẳng là gì cả, tất cả đều nhắm đến việc phụng sự Thiên Chúa cách hữu hiệu hơn. Thật tình mà nói thì sự chuẩn bị cho đêm thánh ca này hơn vội vã nên chưa đạt được những gì mà chúng tôi mong muốn, song cũng là dịp để bày tỏ những nỗ lực của mỗi thành phần trong chúng ta.

BÐS: Xin cha cho chúng con biết rõ về mục đích mà đêm thánh ca này nhắm tới?

CKL: Vì ước muốn cổ võ nền thánh nhạc trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, nên Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt muốn có một đêm thánh ca đặc biệt tại thủ đô Hà nội. Ðây cũng là dịp cho các ca đoàn gặp gỡ, giao lưu với nhau để khuyến khích nhau hát thánh ca cho tốt, cho đẹp. Ngoài ra, ngài còn muốn nhờ dịp này giúp các ca đoàn ý thức được tầm quan trọng của việc hát thánh ca, mỗi người sẽ thấy mình cần phải học hỏi và tập luyện nhiều hơn nữa để việc hát thánh ca ngày một hoàn thiện.

BÐS: Thưa cha, việc tổ chức một buổi hoan ca thôi cũng không giản đơn, huống chi đây lại là một buổi trình diễn thánh ca có quy mô lớn, xin cha cho qúy độc giả thấy được những khó khăn và thuận lợi khi chuẩn bị cho đêm nhạc này?

CKL: Sự thật thì khó khăn chồng chất, chỉ có một thuận lợi duy nhất là tôi đã dạy tại Ðại chủng viện 11 năm nay, nên có điểm tựa chính là Ðại chủng viện, gần nữa thì có Dòng mến thánh giá vì mỗi khi ra đây tôi đều có dịp gặp gỡ và giảng dạy tại đó. Vì khó khăn nhiều nên thời gian này tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của qúy cha trong Ðại chủng viện, các ngài đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi, nhất là thu xếp thời gian cho các thầy tập hát phục vụ đêm diễn này.

Về khó khăn trước tiên đối với tôi là cha trưởng ban tổ chức ở xa nên việc liên lạc không đơn giản...Thôi thì có được bao nhiêu thì mình dùng bấy nhiêu, có được khả năng nào thì mình chấp nhận như vậy, tôi vẫn nói với học trò của mình là: thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.

BÐS: Xin cha cho chúng con biết thêm về những đơn vị tham dự chính thức trong đêm thánh nhạc lần này?

CKL: Gần tôi nhất là Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà nội, Dòng Mến Thánh giá, Dòng Phaolô và ca đoàn các giáo xứ: nhà thờ Chính toà, Hàm long, Thái hà, Nam định và hai ca sĩ ở Hà nội. Xa hơn thì có một ca đoàn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện ra phục vụ, đó là ca đoàn Vượt qua của nhà thờ Chính toà, và thêm 3-4 ca sĩ trong Nam cộng tác cho đêm hoan ca thêm nhiều màu sắc.

BÐS: Trong 50 năm sáng tác cha đã để lại cho thế hệ hậu duệ một kho tàng thánh ca vĩ đại, xin cha giới thiệu đôi nét về kho tàng đó và cho chúng con biết bài thánh ca nào đã để lại tình cảm sâu đậm nhất với cha?

CKL: Viết thánh ca đối với tôi được coi là nhu cầu vì mỗi khi đọc Thánh Kinh hay một cuốn sách đạo đức, tài liệu nào đánh động lòng mình thì tôi đi cầu nguyện với y tưởng đó và bài thánh ca được hình thành. Vì vậy, tôi không chủ trương phải viết bao nhiêu bài nên chưa một lần ngồi đếm những bài thánh ca mình sáng tác.

Tuy nhiên, dịp kỉ niệm 50 năm viết thánh ca được tổ chức ở thành phố Saigòn vừa rồi thì người ta đã ước chừng trên 3,000 bài. Tôi nghĩ một người mà cộng tác và đóng góp vào kho tàng thánh nhạc của giáo hội Việt nam được như vậy thì kể cũng khá chân tình và cố gắng rồi. Từ khi tập tễnh viết bài thánh ca đầu tiên cách đây 50 năm, rồi được khuyến khích sang Rôma học, khi về việt nam ngoài chức linh mục ra thì việc viết thánh ca đối với tôi có thể coi là tất cả cuộc đời.

Thầy hỏi tôi bài thánh ca nào sâu đậm nhất thì cũng khó trả lời, đứa con tinh thần nào của mình cũng đều qúy vì khi viết một tác phẩm đều có những dấu ấn riêng. Ví dụ chuẩn bị làm linh mục, lúc đó tôi rất e ngại trước sứ mạng cao cả nên tôi đã viết "lạy cha, nếu có thể...", khi nhìn lại cuộc sống của mình, thấy mình chưa đáp ứng được những mong muốn của Chúa thì tôi viết "Chúa không lầm".... Nếu bây giờ hỏi trong mấy người con này, người con nào mình qúy nhất thì cha mẹ khó có thể trả lời...

BÐS: Với tư cách là phó trưởng Ban Thánh nhạc toàn quốc, cha muốn nói gì với những người phụ trách thánh nhạc hiện nay, đặc biệt là ban thánh nhạc Tổng giáo phận Hà nội?

CKL: Sinh hoạt thánh nhạc đều có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Nỗi trăn trở nhất của chúng tôi hiện nay là còn thiếu nhiều chuyên môn, nhân sự còn mỏng. Thực tế mỗi giáo phận cần có một đại diện về thánh nhạc, song những người đại diện hiện nay nhiều khi chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn. Tôi ước mong ban thánh nhạc của mỗi giáo phận đầu tư nhiều cho vấn đề nhân sự, dĩ nhiên với nhiều cấp độ.

- Như ở trong Hiến Chế Phụng Vụ nói là cần đầu tư cả những bậc thầy về âm nhạc.

- Ðức Piô X cũng đòi hỏi, thánh nhạc phải là một thứ nghệ thuật đích thật, mà nghệ thuật nào cũng có những quy tắc riêng của nó...

Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là chúng ta phải để ý từ cấp ca đoàn giáo xứ sao cho họ phải được huấn luyện kĩ càng. Cao hơn nữa là các ca trưởng cần được cải thiện về chuyên môn...

Trong thành phố Saigòn, ban thánh nhạc đã cộng tác với trung tâm mục vụ mở những lớp nhạc để huấn luyện ca trưởng với 5 môn học: kí xướng âm, thanh nhạc, âm nhạc trong Phụng vụ, phân tích hoà âm và điều khiển ca đoàn. Cần phải học hỏi và đầu tư nhiều thì nền thánh nhạc mới vững được. Ðôi khi chúng ta chỉ phong trào ào đi một cái, hát cho đông, cho vui thì sau đó dễ bị sẹp xuống nhanh. Vì vậy, khi nào chúng ta đầu tư được nhân sự thì phong trào thánh nhạc mới đạt được kết quả tốt đẹp.

BÐS: Giáng sinh và năm mới đang bên thềm, xin cha ngỏ lời với qúy độc giả nhân dịp đặc biệt này...

CKL: Giáng sinh luôn là mùa của niềm vui, tôi nhớ một câu nói cuả thánh Augustinô: "người ta vui người ta hát, và người ta vui nhất là khi người ta yêu". Ước mong mùa Giáng Sinh năm nay qúy vị cảm thấy được tình yêu của Thiên Chúa Nhập Thể, cảm nghiệm được tình yêu rồi thì chúng ta sẽ cất lên lời ca ngợi Thiên Chúa.

Trước thềm năm mới Kỉ Sửu, ta hãy lợi dụng thời gian đặc biệt này để ca ngợi Thiên Chúa và đem niềm vui đến với mọi người.

 

Chúng con xin trân thành cảm ơn cha và kính chúc đêm "ca lên đi mừng Chúa giáng sinh" tại thủ đô Hà nội được thành công tốt đẹp, kính chúc cha luôn dồi dào sức khoẻ, vui tươi để cha tiếp tục cống hiến cho giáo hội những đứa con tinh thần khỏe, đẹp.

Cuối cùng, chúng con xin mượn lời của Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tich Uỷ Ban Văn Hoá thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam để kết thúc bài viết này: "...Nửa thế kỉ trôi qua với một Kim Long Mục tử tốt lành, một Kim Long thầy dậy nhiệt tình, một Kim Long chan hoà cuộc sống và một Kim Long đang yêu..."

 

Gioan Ðình Sơn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page