Vài Lời Giới Thiệu

Kiến Trúc Nhà Thờ Chánh Tòa Lạng Sơn Cao Bằng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Lời Giới Thiệu Kiến Trúc Nhà Thờ Chánh Tòa Lạng Sơn Cao Bằng nhân dịp tiếp đón Ðức Tân Giám Mục Giuse Ðặng Ðức Ngân.

Lạng Sơn, Việt Nam (2/12/2007) -  Vào 3 tháng 12 năm 2007, sẽ diễn ra một biến cố trọng đại của giáo phận nơi địa đầu đất nước - đại lễ tấn phong Giám mục cho Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, tân Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng.


Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn, nơi sẽ diễn ra Thánh lễ tấn phong Giám Mục cho vị Giám mục chính toà thứ 3 của giáo phận nhỏ bé này kể từ khi được nâng lên hàng giáo phận chính toà vào năm1960.


Kiến trúc nhà thờ Chánh Tòa Lạng Sơn Cao Bằng được kết hợp bởi kiểu nhà sàn các dân tộc Miền núi phía Bắc và bộ mái cong kiểu cung đình Việt nam. Có diện tích chiều ngang ba mươi mét và sâu hai mươi lăm mét cả hành lang, có ba lối để lên sàn nhà thờ, nhà thờ có hai mái bộ xếp lên nhau khoảng cách bằng một bức tranh kính mầu, mái trên tượng trưng cho Trời, mái dưới tượng trưng cho Con Người, sàn móng vuông tượng trưng cho Ðất, theo quan niệm Thiên, Ðịa, Nhân, Hoà, nghĩa là con người được hoà giải với Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô qua Mầu Nhiệm Thập giá. Cây tháp chính năm tầng được xây dựng liền với tiền sảnh nhà thờ ngụ ý nói đến Mầu nhiệm Năm Sự Sáng và năm yếu tố tổng hợp, vũ trụ quan Ðông phương: Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ.

Hai hướng Bắc-Nam của nhà thờ xây hai tháp nhỏ có hai tầng, mỗi tháp treo một đèn lồng bằng gỗ thắp sáng; phía bắc ngầm nói đến ý truyền giáo lên tỉnh Cao bằng và Hà Giang, phía nam nói đến công việc truyền giáo cho tỉnh Lạng sơn. Tất cả các mái nhà thờ và mái các tháp, đầu mái hơi cong lên, và được lợp ngói âm dương màu xanh, diễn tả tâm hồn siêu thoát muốn vươn lên tới Chúa và ngầm hiểu về con thuyền của nền Văn hoá Nông nghiệp Việt nam.

 

1. Khu sân chính

Cảnh đẹp thiên nhiên ở đây hài hoà với công trình kiến trúc, từ cổng tam quan chay theo trục lộ Văn Miếu tiếp nối với đường Tổ sơn, tạo cho người xem cảm giác dễ chịu. Ðây là dãy tường thành cao hai mét, được trang trí bằng những hoạ tiết thuyền, chim Lạc Việt, hạt giống, trái tim, và thập giá. Tất cả đều muốn nói lên việc truyền giáo ở Việt nam và tỏ lòng kính nhớ tổ tiên Lạc Hồng.

Từ hướng tam quan theo lối chính đến tiền sảnh nhà thờ, con đường lớn rộng năm mét, dài ba mươi mét, nằm giữa khoảng sân tiếp nối đường kiệu hình bát giác, có những lối đi nhỏ dẫn đến tượng đài Ðức Mẹ và thánh Ða Minh. Phía trước tiền sảnh nhà thờ, có đặt mười hai trống đồng ngầm nhắc mọi người nhớ đến truyền thống đoàn kết tốt đẹp của cha ông.

 

2. Tượng đài Ðức Mẹ và tượng thánh Ða Minh


Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn, nơi sẽ diễn ra Thánh lễ tấn phong Giám Mục cho vị Giám mục chính toà thứ 3 của giáo phận nhỏ bé này kể từ khi được nâng lên hàng giáo phận chính toà vào năm1960.


Từ sân nhà thờ theo hướng Nam, du khách có thể đến xem tượng đài Ðức Mẹ theo những lối mòn qua những ụ đất thấp. Tượng đài được chạm bằng một phiến đá quí màu trắng, cao hai mét sáu mươi, nặng gần một tấn, do các nghệ nhân điêu khác nổi tiếng của vùng Non nước (Ðà nẵng) thực hiện. Tượng được tạc theo hình dáng một phụ nữ người Tầy và đặt trong một hang đá nhỏ với quần thể núi non thấp, hình thác Bản Dốc, một địa danh lừng lẫy của tỉnh Cao bằng.

Ðối diện với tượng đài Ðức Mẹ là tượng đài Thánh Ða-Minh, bổn mạng của nhà thờ. Tượng Thánh nhân cũng được tạc trên một tảng đá quý màu trắng, cao hai mét sáu mươi, nặng gần một tấn do các nghệ nhân nói trên thực hiện. Gương mặt Thánh nhân tươi trẻ mang vóc dáng và hình hài Việt nam, tay phải cầm ngọn đuốc cháy sáng, tay trái mang sách Thánh Kinh. Thánh nhân đứng trên thửa ruộng bậc thang như đứng trên cánh đồng truyền giáo để chiếu sáng Ðức tin và rao giảng Tin mừng, theo lý tưởng dòng tu ngài đã thành lập là Dòng Anh em giảng thuyết (O.P: Ordo Praedicatorum).

 

3. Tiền sảnh nhà thờ

Khi đến tiền sảnh nhà thờ, du khách có thể nhìn xem tác phẩm Nước thanh tẩy chạm vằng đá trắng, rộng ba mét rưỡi, dài mười hai mét trải dài trên mặt sàn cầu thang. Tác phẩm chia làm ba phần: phần một gợi nhớ tầu ông No-ê trên biển khơi lênh láng. Ông No-ê đang ló đầu ra khỏi tầu để xem có thấy chim bồ câu trở về báo hiệu trận lụt sắp qua hay không. Phần hai nhắc lại cảnh ông Mô-sê đưa người Do thái vượt qua Biển đỏ cùng với hành trang và gia súc. Nước rẽ ra sừng sững như từng thành hai bên tả hữu. Phần ba mượn hình ảnh xe nước (cũng gọi là cọn) của dân tộc miền núi. Cọn nước muốn liên tưởng đến phép rửa, nguồn mạch sức sống mới do Chúa Kitô mang lại cho những ai tin và đón nhận Người.

 

4. Giếng rửa tội và tấm bình phong

Giếng rửa tội hình Thánh giá được ghép bằng đá quí đào lấy ngay ở sảnh chính, lòng giếng ghép bằng đá trắng, mặt trên được bao phủ bằng những tảng đá cuội rộng một mét rưỡi, dài ba mét, sâu bảy mươi lăm phân cùng bảy bậc lên xuống. Giếng này mô phỏng giếng làng của dân địa phương.

Bình phong được dùng để che cửa chính nhà thờ theo quan niệm truyền thống cung đình Việt nam, làm cho ngôi nhà thờ được kín đáo theo luật phong thuỷ, đồng thời cũng tỏ lòng kính trọng nơi tôn nghiêm. Ðây là một phiến đá trắng diễn tả biến cố Chúa Giêsu sau khi được ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan.

 

5. Phần nhà thờ.


Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn, nơi sẽ diễn ra Thánh lễ tấn phong Giám Mục cho vị Giám mục chính toà thứ 3 của giáo phận nhỏ bé này kể từ khi được nâng lên hàng giáo phận chính toà vào năm1960.


Những hàng cột vuông vững chắc ngoài hành lang có các bệ đỡ đầu cột, kết hợp với hình Thánh giá nhỏ cùng xà dây như hai cánh tay giang ra để đón những hình người đau khổ chịu đóng đinh. Cửa chính nhà thờ là tấm vách gỗ chạm hai Thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Thánh Phê-rô tay cầm chìa khoá, đang ngước mắt lên trời. Dưới hồi cửa là hình con gà đang gáy. Còn Thánh Phao-lô, tay ôm sách Thánh, nét mặt đăm chiêu. Bên dưới hồi cửa có chạm thanh kiếm sắc và những bông hồng.

Cửa hông mặt tiền nhà thờ, về phía nam là hình Thánh Gio-an và Lu-ca, về phía bắc là hình Thánh Mát-thêu và Mác-cô. Bốn vị này mang khuôn mặt Việt nam, mặc y phục Nùng, tay cầm bút nghiên.

Thánh Mát-thêu mang hình mặt người, vì Tin Mừng thứ nhất bắt đầu từ gia phả Chúa Giêsu theo bản tính loài người. Thánh Mác-cô theo hình mặt sư tử, vì đầu sách Tin Mừng thứ hai nói về Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta là tiếng kêu trong hoang địa có sư tử, cầm thú. Thánh Lu-ca mang hình bò mộng vì đầu sách Tin Mừng thứ ba nói đến tư tế Gia-ca-ri-a dâng chiên bò tế lễ Thiên Chúa. Thánh Gio-an mang hình chim ưng, vì đầu sách Tin Mừng thứ bốn nói về Ngôi Lời Nhập thể chứa đựng Mầu nhiệm siêu việt tựa cánh chim bay cao vút.

Phần còn lại là các cửa ra vào bên hông và cửa sổ. Tất cả những thứ này đều mang hình Thánh giá, hoa hồi và hạt giống.

 

6. Cung Thánh

Cung Thánh được bao bọc bằng gỗ màu gụ gợi ý trầm tư, với rèm trang trí chạm hình thiên thần, cây trường sinh, sồi Mam-rê, bách tùng và những trái đào trường thọ. Kiểu cách này ngụ ý diễn tả sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Ánh sáng nhẹ nhàng phát ra từ những tấm kính mầu là có ý tạo ra một bầu khí êm ả, thích hợp cho sự cầu nguyện riêng tư thầm kín, ngoài những buổi cử hành phụng vụ cộng đồng.

 

7. Bàn thờ

Bàn thờ là một phiến đá quí. Màu trắng nổi bật, dài hai mét năm mươi phân, rộng chín mươi phân, cao chín mươi sáu phân được chạm khắc tinh vi bằng những hoạ tiết như bánh trường sinh, nho, lúa miến, hoa hồi theo nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Bàn thờ được đặt nơi trang trọng nhất trong cung Thánh.

 

8. Giảng đài

Giảng đài đặt tại phía nam gian cung Thánh, làm bằng một phiến đá quí màu xanh, chạm hình cọn nước đang quay, ngụ ý nói Lời Chúa như nước chảy, được kín múc để tưới vào cánh đồng khô cạn là tâm hồn con người. Cọn nước là một phát minh của dân tộc miền núi.

 

9. Nhà Tạm và Hương án Lời Chúa

Nhà Tạm làm bằng gỗ, được thiết kế theo mẫu nhà sàn của các dân tộc vùng núi miền Bắc và đặt ở phía nam cung Thánh. Cửa chính nhà Tạm chạm hình trái tim đang bốc lửa cháy.

Hương án Lời Chúa được thiết kế theo kiểu đình làng Việt nam, đặt tại phía bắc cung Thánh với bốn cột thông thoáng. Giữa cột đình có một ngai nhỏ để sách Thánh Kinh. Ðình làng là nơi qui tụ dân chúng thì hương án Lời Chúa cũng là nơi tập hợp tín hữu lại để nghe Lời Chúa.

 

10. Thánh giá, huy hiệu Giám mục

Thánh giá này nhỏ, được chạm bằng gỗ quí, cao bảy mươi phân, rộng năm mươi phân diễn tả cảnh Chúa chịu chết đang hấp hối trên thập giá. Thánh giá được gắn vào một cây trúc, đặt ở phía bên trái cạnh bàn thờ và có thể làm Thánh giá để đi kiệu.

Huy hiệu Giám mục được chạm bằng tấm đá màu trắng đục, rộng năm mươi phân, cao bảy mươi phân, được đặt bên phải cung Thánh kèm theo khẩu hiệu Chạnh lòng thương với các họa tiết trái tim, hoa hồng, chuỗi Mai-khôi.

 

11. Tranh sơn dầu Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và Thập giá

Bức tranh sơn dầu, diễn tả Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và thập giá có kích thước cao hai trăm năm mươi phân và rộng hai trăm ba mươi phân, tả cảnh Ðức Giêsu Ki-tô chịu khổ hình thập giá, hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu ngước mắt lên cùng Chúa Cha, vẻ tha thiết nguyện cầu, cạnh một khoảng cách nhỏ tượng trưng Chúa Thánh Thần. Chúa Cha đầy lòng trắc ẩn, đang nhìn Chúa Con thắm thiết yêu thương; các Ðấng có khuôn mặt giống nhau.

 

12. Trần gỗ

Mặt bằng trần gỗ với diện tích bảy trăm năm mươi mét vuông, giật lên bảy cấp, được trang trí chạm khắc mười sáu lồng đèn gỗ, toả ánh sáng vàng. Ðỉnh trần cao nhất là hình hoa hồi tám cánh, nơi có hình vòng tròn đồng tâm diễn tả lửa tình yêu và cánh thiên thần bay lượn, xoay quanh hình chén cứu độ.

 

13. Kính mầu

Hai mươi kính mầu cửa sổ có kích thước một trăm năm mươi phân trên hai trăm phân diễn tả mầu nhiệm Mai khôi, bao bọc chung quanh nhà thờ, bắt đầu từ tay phải Cung Thánh, đi từ Năm Sự Vui đến Năm Sự Sáng. Các Mầu nhiệm này được trình bày theo các nét văn hoá Việt-Nùng.

 

14. Phù điêu người gieo giống

Hai bức hình có kích thước rộng một thước bốn mươi lăm, dài hai thước bốn mươi được gắn tại hai bức tường nhỏ phần cuối nhà thờ: phía Bắc là tấm phù điêu Người gieo giống, diễn tả cô gái Nùng đang vãi hạt giống trên thửa đất gồ ghề, sỏi đá; bức thứ hai là phục vụ, diễn tả cảnh Chúa Giêsu đang rửa chân cho các Tông đồ. Các vị mặc y phục miền núi.

 

15. Ðường Thánh giá

Mười bốn bức sơn mài dài bảy mươi phân rộng năm mươi phân diễn tả cảnh Ðức Mẹ và các nhân vật ăn mặc theo lối Việt-Nùng. Những bức tranh này do các nghệ sĩ Hội Mỹ Thuật thành phố Saigòn thực hiện.

 

16. Chuông nam

Chuông cao một mét chín mươi, được đúc bằng đồng thau, do các nhóm nghệ nhân thuộc phường đúc xứ Huế thực hiện, trên chuông có khắc hoa văn các dân tộc miền núi, lời thánh vịnh và thơ công giáo. Chuông được treo tại tầng thứ hai của cây tháp.

Trên đây là những nét chính về kiến trúc nhà thờ chánh toà giáo phận Lạng sơn - Cao Bằng. Ngôi thánh đường này được cung hiến vào ngày mồng hai tháng 10 năm 2004. Hai vị Hồng y và 22 Giám mục, đông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ cùng bà con tín hữu gần xa tới tham dự. Giáo phận Lạng sơn là một trong những giáo phận nhỏ bé nhất Việt nam tính theo con số giáo dân và nhà thờ hiện tại. Sau khi Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt được bổ nhiệm về làm Tổng Giám Mục Hà Nội, giáo phận này đã trống toà hơn 2 năm nay. Ngày 3 tháng 12 năm 2007, chính tại Ngôi Thánh Ðường thân thương này sẽ diễn ra Thánh lễ tấn phong Giám Mục cho vị Giám mục chính toà thứ 3 của giáo phận nhỏ bé này kể từ khi được nâng lên hàng giáo phận chính toà vào năm1960.

 

12/2007

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page