Bài Giảng của ÐTC Beneđitô XVI

Trong Thánh Lễ Trao Nhẫn Hồng Y

cho quý vị tân Hồng Y

vào sáng Chúa Nhật 25/11/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI Trong Thánh Lễ Trao Nhẫn Hồng Y cho quý vị tân Hồng Y vào sáng Chúa Nhật 25 tháng 11 năm 2007.

(Radio Veritas Asia 26/11/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Dựa trên các Bài Ðọc Sách Thánh của Lễ Chúa Kitô Vua, ÐTC Beneđitô XVI  giải thích về phẩm vị và trọng trách của quý hồng y. ÐTC đã nói như sau:

 

Thưa quý Hồng Y,

Chư Huynh đáng kính trong hàng giám mục và trong chức tư tế, thưa quý vị và anh chị em thân mến,

Năm nay, lúc kết thúc năm phụng vụ, lễ trọng kính Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ, được trở nên phong phú bởi việc tiếp nhận vào hồng y đoàn 23 tân thành viên mà theo truyền thống tôi đã mời đồng tế hôm nay. Tôi xin gởi lời chào thân tình đến từng vị, vừa đồng thời với tâm tình huynh đệ, tôi chào tất cả quý vị hồng y đang hiện diện nơi đây. Tôi vui mừng chào các phái đoàn đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chào ngoại giao đoàn cạnh toà thánh; tôi xin chào quý giám mục và linh mục, quý tu sĩ nam nữ và tất cả mọi tín hữu, đặc biệt những ai đến từ những giáo phận đã được trao phó cho sự chăm sóc mục vụ của của một số vị tân hồng y.

Lễ phụng vụ mừng kính Chúa Kitô Vua cống hiến cho cuộc cử hành của chúng ta một khung cảnh thật ý nghĩa hơn bao giờ hết, một khung cảnh được mô tả và được soi sáng bởi các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ. Chúng ta như đứng trước một bức tranh uy nghi có ba cảnh: ở giữa là cảnh Chúa chịu đóng đinh trên thập giá, theo bài tường thuật của phúc âm theo thánh Luca; một bên là cảnh các kỳ lão của dân Israel xức dầu phong vương cho Ðavid; và cảnh bên cạnh kia nữa là bài ca chúc tụng Chúa Kitô mà thánh Phaolô dùng để dẫn vào thư gởi giáo đoàn Colossê. Nổi bật trong toàn bộ bức tranh là dung mạo Chúa Kitô, là Chúa duy nhất, mà trước nhan Người tất cả chúng ta là anh em. Toàn thể hàng phẩm trật của Giáo Hội, mọi đoàn sủng và thừa tác vụ, mọi sự và tất cả chúng ta đây đều phục vụ cho Vương Quyền của Chúa.

Chúng ta cần khởi sự với biến cố trung tâm là Thập Giá Chúa. Nơi Thập giá này, Chúa Kitô mạc khải vương quyền đặc biệt riêng của Người. Trên đồi Calvario, có hai thái độ đối nghịch nhau. Vài người đứng dưới chân thập giá và cả một trong hai kẻ trộm hướng về Ðấng chịu đóng đinh với thái độ khinh bỉ và nói: "Nếu Ông là Ðấng Kitô, là Vua, là Ðấng Thiên Sai, thì hãy cứu lấy mình mà xuống khỏi thập giá đi. Ngược lại, Chúa Giêsu mạc khải chính vinh quang của mình bằng cách ở lại đó, ở lại trên thập giá, như Con Chiên hiến tế. Bất ngờ người trộm kia thưa chuyện với Chúa và tuyên xưng cách mặc nhiên vương quyền của Ðấng công chính vô tội và khẩn xin như sau: "Xin Ngài hãy nhớ đến tôi, khi vào Nước Ngài" (Lc 23,42).Thánh Cirillo thành Alessandria bình luận như sau: "Kẻ trộm nầy thấy ngài như kẻ bị đóng đinh và gọi ngài là Vua. Kẻ trộm này tin rằng Ðấng bị chế nhạo và chịu đau khổ, sẽ bước vào vinh quang Thiên Chúa" (Commento a Luca, omelia 153). Theo thánh sử Gioan, vinh quang Thiên Chúa đã hiện diện rồi, cho dù ẩn khuất trong cảnh bị biến dạng của thập giá, Nhưng trong ngôn ngữ của thánh sử Luca, tương lai được tiên báo trong hiện tại, khi Chúa Giêsu hứa với người trộm lành: "Hôm nay, con sẽ ở với Ta trên Thiên đàng" (Lc 23,43). Thánh Ambrogio nhận định như sau:"Người trộm lành cầu xin Chúa nhớ đến mình, khi Chúa vào Nước Người; nhưng Chúa đáp lại như sau: Thật, ta nói thật cho con biết, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng. Sự sống là được ở với Chúa Kitô, bởi vì ở đâu có Chúa Kitô, thì ở đó có Nưóc Chúa." (Esposizione del Vangelo secondo Luca 10,121). Như thế, bản án "Ðây là Vua của dân Do Thái", được viết trên miếng gỗ đóng vào phía trên đầu Chúa Giêsu, trở thành lời công bố cho sự thật. Thánh Ambrogio còn nhận định thêm như sau: "Lời viết treo trên thập giá là rất đúng, bởi vì dù Chúa bị treo trên Thập giá, nhưng Chúa chiếu sáng từ Thập giá với uy phong vương giả" ( Ivi 10, 113).

Trong bốn Phúc Âm, cảnh Chúa chịu đóng đinh là giây phút của sự thật, trong đó "màn Ðền Thờ" bị xé ra và xuất hiện Ðấng Thánh của muôn vị thánh. Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, là mạc khải về Thiên Chúa Cha cao cả nhất có thể, trong thế gian này, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu, và cái chết trên Thập Giá của Chúa Giêsu là hành động yêu thương cao cả nhất trong suốt lịch sử. Trên chiếc nhẫn hồng y, mà tôi sắp trao cho những thành phần mới của hồng y đoàn, có khắc ghi cảnh đóng đinh Chúa trên thập giá.

Thưa quý chư huynh tân hồng y thân mến, đây sẽ luôn là lời mời gọi chư huynh hãy nhớ mình là những tôi tớ của vị Vua như thế nào; hãy nhớ vị Vua đó được đặt lên ngai toà như thế nào; và hãy nhớ ngài đã trung thành như thế nào cho đến cùng, để chiến thắng sự dữ và cái chết, bằng sức mạnh của lòng nhân từ Thiên Chúa. Mẹ Giáo Hội, hiền thê của Chúa Kitô, trao cho chư huynh dấu hiệu này để tưởng nhớ đến Vị Hôn Phu đã yêu thương giáo hội và đã trao hiến chính mình cho giáo hội (x. Eph 5,25). Như thế, khi đeo nhẫn hồng y, chư huynh luôn được mời gọi trao hiến mạng sống mình cho giáo hội.

Giờ đây nếu chúng ta nhìn vào cảnh xức dầu phong vương cho Ðavid, như được mô tả nơi bài đọc thứ nhất, chúng ta ghi nhận một khía cạnh quan trọng của vương quyền của Chúa; đó là chiều kích "kết đoàn" của vương quyền này. Các bô lão trong dân do thái kéo đến vùng Ebron, ký giao ước với vua Ðavid, tuyên bố họ liên kết với David và muốn cùng với Ðavid trở nên một mà thôi. Nếu chúng ta quy hướng dung mạo David về Chúa Kitô, thì tôi nghĩ là lời tuyên bố kết giao này có thể được sử dụng thật hay ho bởi chư huynh, thưa quý chư huynh hồng y thân mến. Cả quý chư huynh đây, những người kết thành như là "một thượng viện" của Giáo Hội, chư huynh có thể nói với Chúa Giêsu như sau: "Chúng tôi kể mình như là xương thịt của Ngài" (2 Sam 5,1). Chúng tôi thuộc về Ngài; và chúng tôi muốn kết thành một với Ngài. Ngài là chủ chăn của Dân Chúa; Ngài là thủ lãnh của Giáo Hội (x. 2 Sam 5,2). Trong cử hành Thánh Thể long trọng này, chúng tôi muốn canh tân giao ước chúng tôi với Ngài, muốn canh tân tình bằng hữu với Ngài, bởi vì chỉ trong tương quan thân tình và sâu xa này với Ngài, là Vua và là Chúa của chúng tôi, mà phẩm vị đã được trao ban cho chúng tôi cùng với trách nhiệm đi kèm, mới có ý nghĩa và giá trị.

Và giờ đây chúng ta hãy chiêm ngưỡng bức tranh thứ ba mà Lời Chúa đặt ra trước mắt chúng ta: đó là bài ca chúc tụng Chúa Kitô nơi thư Colossê. Trước hết chúng ta mặc lấy tâm tình vui mừng và biết ơn phát sinh từ bài ca chúc tụng này, xét vì Nước Chúa Kitô, "vận mệnh của các thánh trong ánh sáng", không phải là điều gì được ngắm từ xa, nhưng là thực tại mà chúng ta đã được mời gọi tham dự vào, trong đó chúng ta đã được "chuyển đưa vào", nhờ công trình cứu chuộc của Con Thiên Chúa (x. Col 1, 12-14). Việc cảm tạ này mở rộng tâm hồn của thánh Phaolô cho việc chiêm ngắm Chúa Kitô và chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa trong những chiều kích chính yếu: là việc tạo dựng tất cả mọi sự và việc hoà giải tất cả mọi sự. Về khía cạnh thứ nhất, vương quyền làm chủ của Chúa Kitô hệ tại trong sự việc này là tất cả mọi sự đã được tạo thành nhờ qua Ngài và hướng về Ngài... Tất cả được hiện hữu trong Ngài" (Col 1, 16). Chiều kích thứ hai - việc giao hoà - được lồng vào trong mầu nhiệm vượt qua: qua cái chết trên Thập Giá của Con Một mình, Thiên Chúa Cha đã giao hoà lại với mình mọi loài thụ tạo, đã thực hiện hoà bình giữa trời và đất; khi cho Chúa Giêsu sống lại, Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trở thành của đầu mùa của tạo vật mới, trở thành sự sung mãn của mọi thực tại, và trở thành "đầu của nhiệm thể" là Giáo Hội (x. Col 1,18-20). Một lần nữa, chúng ta đứng trước Thập giá, biến cố trung tâm của mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong cái nhìn của Thánh Phaolô, Thập giá được lồng vào bên trong toàn thể nhiệm cuộc cứu rỗi, trong đó đặc tính vương giả của Chúa Giêsu được thể hiện với trọn cả chiều rộng của nó bao trọn vũ trụ.

Bản văn này của Thánh Phaolô nói lên một tổng hợp chung lại sự thật và đức tin, một cách hết sức mạnh mẽ đến độ chúng ta không thể nào không khâm phục một cách sâu xa. Giáo Hội được ký thác gìn giữ Mầu Nhiệm Chúa Kitô; giáo hội chu toàn sứ mạng này với hết lòng khiêm tốn, và không chút bóng dáng của sự kiêu ngạo hoặc kênh kiệu, bởi vì đây là một hồng ân cao cả nhất mà giáo hội lãnh nhận một cách nhưng không, và vì giáo hội được mời gọi cống hiến hồng ân này một cách nhưng không cho nhân loại mọi thời đại, để mang đến ý nghĩa và sự cứu rỗi. Hồng ân đó không phải là một triết lý, không phải là một tri thức, mặc dù có bao gồm lẽ khôn ngoan và sự hiểu biết. Hồng ân đó là mầu nhiệm Chúa Kitô; là chính Chúa Kitô. Ngôi Lời nhập thể, đã chết và đã sống lại, là Vua đích thực của vũ trụ. Thử hỏi làm sao chúng ta không cảm thấy hăng say và tràn đày lòng biết ơn vì đã được nhận vào để chiêm ngắm tia ánh quang của sự mạc khải như thế? Thử hỏi làm sao không cảm nghiệm niềm vui và trách nhiệm vì được phục vụ cho một Vị Vua như thế, được làm chứng bằng đời sống và lời nói cho chủ quyền của Ngài? Một cách đặc biệt, thưa quý chư huynh hồng y thân mến, trách vụ của chúng ta là rao giảng cho thế giới sự thật của Chúa Kitô, niềm hy vọng của mọi người và cho toàn thể gia đình nhân loại. Theo con đường do Công Ðồng Vaticanô II vạch ra, những vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, những tôi tớ Chúa Phaolô VI, Gioan Phaolo I và Gioan Phaolo II, đã là những anh hùng đích thực của Vương Quyền Chúa Kitô trong thế giới hiện đại. Và đây là một lý do mang đến niềm an ủi cho tôi, được luôn cậy dựa vào chư huynh, một cách tập đoàn cũng như một cách riêng từng người, để tôi có thể chu toàn trách vụ căn bản nầy của thừa tác vụ Phêrô.

Ðược liên kết một cách chặt chẽ với sứ mạng này, còn có một khía cạnh mà tôi muốn, --- như để kết thúc --- bàn đến và phó thác cho lời cầu nguyện của chư huynh: đó là hoà bình giữa tất cả những môn đệ của Chúa Kitô, như là dấu chỉ cho hoà bình mà Chúa Giêsu đã đến để thiết lập trong thế gian. Trong bài ca chúc tụng Chúa Kitô, chúng ta đã lắng nghe lời loan báo cao cả rằng Thiên Chúa Cha muốn "hoà giải" toàn thể vũ trụ nhờ qua Thập Giá của Chúa Kitô (x. Col 1,20). Giáo Hội là phần nhân loại trong đó đã được biểu lộ trước đặc tính vương giả của Chúa Kitô, mà hoà bình là sự thể hiện đặc biệt của đặc tính vương giả này. Giáo Hội là Giêrusalem mới, nhưng chưa hoàn hảo, bởi vì còn lữ hành trong lịch sử; tuy nhiên một cách nào đó, giáo hội có thể loan báo trước Giêrusalem thiên quốc. Ðến đây chúng ta có thể nại đến bản văn của thánh vịnh 121 được dùng làm đáp ca; thánh vịnh này thuộc về nhóm các thánh vịnh "nói đến sự đi lên" và là thánh vịnh nói lên niềm vui của những khách hành hương tiến lên Thành thánh, và một khi tiến đến cửa Thành thánh, thì họ nói lên lời chào chúc bình an: Shalom! Theo nghĩa ngữ bình dân, Giêrusalem được hiểu như là "thành của hoà bình", hoà bình mà Ðấng Thiên Sai, Con Vua David, sẽ thiết lại vào thời viên mãn. Chúng ta nhìn thấy nơi Giêrusalem dung mạo của Giáo Hội, bí tích của Chúa Kitô và của Nước Chúa.

Thưa chư huynh hồng y thân mến, Thánh Vịnh 121 này diễn tả rõ ràng bài ca tình yêu đối với giáo hội mà chư huynh chắc chắn mang lấy trong tim. Chư Huynh đã hiến dâng đời sống mình để phục vụ Giáo Hội, và giờ đây chư huynh được mời gọi lãnh lấy trong giáo hội một trách vụ có trách nhiệm cao hơn. Ước chi những lời thánh vịnh sau đây được chư huynh gắn bó một cách hoàn toàn hơn: "Hãy nguyện xin hoà bình cho Giêrusalem"! (câu 6). Lời cầu nguyện cho hoà bình và sự hiệp nhất, kết thành sứ mạng đầu tiên và chính yếu của chư huynh, ngõ hầu giáo hội được trở nên "kiên vững và được liên kết chặt chẽ" (câu 3), trở nên dấu chỉ và phương tiện hiệp nhất toàn thể nhân loại (x. Lumen gentium 1). Tôi xin đặt để, hay đúng hơn tất cả chúng ta cùng đặt để sứ mạng của chư huynh dưới sự bảo vệ tỉnh thức của Ðức Maria rất thánh, Mẹ Giáo Hội. Chúng ta phó thác cho Mẹ, Ðấng kết hiệp với Con Mẹ trên đồi Calvariô và được rước như là Nữ Vương đến bên hữu Con Mẹ trong vinh quang, (chúng ta phó thác) tất cả quý tân hồng y, hồng y đoàn, và toàn thể cộng đoàn công giáo, một công đoàn đang dấn thân gieo rắc trong những mảnh đất của lịch sử Nước Chúa Kitô, Ðấng là Chúa của sự sống và là Hoàng Tử của hoà bình.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page