Lần đầu tiên
từ "tôn giáo" xuất hiện trong hiến pháp
của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC)
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Lần đầu tiên, từ "tôn giáo" xuất hiện trong hiến pháp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Hồng Kông (UCAN CH03720.1471 Ngày 13-11-2007) - Mặc dù đại hội gần đây của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) xác nhận vai trò của tôn giáo trong xã hội, nhưng một bài bình luận trên một tờ nhật báo thân Bắc Kinh coi Vatican như là một "thế lực bên ngoài" can thiệp vào công việc của Hồng Kông và Ma Cao.
Ðại hội Toàn quốc lần thứ 17 của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được tổ chức từ ngày 15-21/10/2007 tại Bắc Kinh được gọi là một đột phá về mặt tôn giáo ở Trung Quốc. Trong phần xem xét lại hiến pháp của Ðảng gần đây nhất có dùng từ "tôn giáo" lần đầu tiên kể từ khi hiến pháp được soạn thảo vào năm 1921. Gần ba thập niên sau lần soạn thảo hiến pháp đầu tiên, Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) nắm quyền cai trị đại lục vào năm 1949 sau khi đánh thắng Kuomintang (Quốc Dân Ðảng - Ðảng Dân tộc Chủ nghĩa), và đảng này đã chạy sang Ðài Loan.
Sau khi được sửa đổi lại gần đây, đoạn 19 trong Chương trình Chung của hiến pháp giờ có thêm câu: "Ðảng phấn đấu thực hiện đầy đủ nguyên tắc cơ bản trong công tác liên quan đến các vấn đề tôn giáo, và quy tụ các tín đồ tôn giáo lại để cùng nhau góp phần phát triển kinh tế xã hội".
Trước đây đoạn này chỉ kêu gọi những người cộng sản đẩy mạnh quan hệ với các nhóm dân tộc thiểu số dựa trên sự bình đẳng, đoàn kết, hoà hợp lẫn nhau, đào tạo cán bộ nồng cốt từ các nhóm này, và trao quyền cho các nhóm này để làm việc vì sự thịnh vượng và phát triển.
Hãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết theo tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay, đưa các chính sách và nguyên tắc chỉ đạo của Ðảng trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo vào hiến pháp sẽ thực hiện đầy đủ hơn và cải thiện kết quả.
Giải thích việc đưa "tôn giáo" vào hiến pháp, ông Ye Xiaowen (Diệp Tiểu Văn), đứng đầu Ban Tôn giáo Nhà nước, nói rằng điều này cho thấy Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) "thật sự, và có thể thực hiện các chính sách về tự do tôn giáo".
Trong bài báo cáo trước đại hội, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), lưu ý Ðảng quyết tâm thực hiện hoàn toàn các chính sách chỉ đạo công tác liên quan tới các vấn đề tôn giáo, và sử dụng vai trò tích cực của các chức sắc tôn giáo và tín đồ trong việc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và xã hội.
Một giám mục thuộc Giáo hội "công khai", yêu cầu giấu tên, nói với UCA News rằng bản báo cáo của ông Hồ cho thấy chính sách tôn giáo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) sẽ "kiên định, không có nhiều thay đổi".
Tuy nhiên, vị giám mục nhận thấy có sự thay đổi tích cực so với quan điểm trước đây của chính phủ xem tôn giáo là nguồn gây bất ổn xã hội ngay cả khi Ðảng quản lý lĩnh vực tôn giáo theo đúng pháp luật. Ngài cho biết, hiện nay Ðảng "đang thúc giục các tín đồ góp phần phát triển đất nước".
Vị giám mục thừa nhận thiếu sự đoàn kết giữa cộng đoàn Giáo hội công khai và "bí mật" đã ảnh hưởng tới sự ổn định và cần làm nhiều hơn để duy trì tình đoàn kết trong Giáo hội.
Một nhà báo Công giáo đại lục làm việc cho một tờ nhật báo nhà nước nói với UCA News rằng dường như bản báo cáo của ông Hồ có cái nhìn tích cực nơi tôn giáo khi "hết sức ưu tiên cho tôn giáo và duy trì sự hoà hợp".
Nhà quan sát Giáo hội tại Trung Quốc ở Hồng Kông là Kwun Ping-hung đồng ý với nhận xét trên. Ông nói với UCA News: "Mặc dù ít, nhưng có quan tâm còn hơn là không. Như thế cũng được xem là tích cực".
10 lãnh đạo Anh giáo đến từ các nước phát triển trên thế giới vừa viếng thăm Trung Quốc trở về cũng khen ngợi quyết định đưa từ "tôn giáo" vào hiến pháp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), theo trang web Global South Anglican.
"Ðây là sự công nhận vai trò đang lớn mạnh của Giáo hội trong việc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước", họ nói trong một bản tuyên bố phát hành sau khi viếng thăm các thành phố Bắc Kinh, Nam Ninh, Tây An và Thượng Hải từ ngày 21-30/10/2007. Trong 10 người này có sáu người châu Phi, số còn lại đến từ Hàn Quốc, khu vực Ấn Ðộ Dương, Trung Ðông và Ðông Nam Á.
Tuy nhiên, bản báo cáo của ông Hồ cũng cảnh báo về "những nỗ lực của các thế lực bên ngoài can thiệp" vào công việc của Hồng Kông và Ma Cao.
Hôm 24-10-2007, bài bình luận của Li Minli trên tờ Wen Wei Po, một tờ nhật báo thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, xem Vatican như là "thế lực bên ngoài" thứ ba sau Mỹ và Anh, và viện dẫn những người ủng hộ "nền độc lập của Ðài Loan" là "thế lực bên ngoài" tại Hồng Kông.
Những thế lực như thế can thiệp thông qua những người phát ngôn, hay dưới hình thức các nhóm chuyên gia cố vấn, tổ chức từ thiện, viện nghiên cứu, công ty tư vấn và các công ty có vốn đầu tư của Mỹ hoặc Anh, Li nói.
Một nhà nghiên cứu đại lục, yêu cầu giấu tên, cho UCA News biết Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lo ngại Vatican sẽ liên kết với các nước khác chống đối Trung Quốc.
Ông xem việc đưa "tôn giáo" vào hiến pháp là có ngụ ý tăng cường kiểm soát.
Trong số 1.3 tỷ dân của Trung Quốc, có khoảng 73 triệu đảng viên Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
UCAN