Diễn đàn hiệp nhất Kitô hữu

tổ chức cuộc họp liên lục địa lần thứ nhất

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn đàn hiệp nhất Kitô hữu tổ chức cuộc họp liên lục địa lần thứ nhất.

Bài của linh mục Tom Michel (1)

Nairobi (UCAN AS03792.1471 Ngày 13-11-2007) - Các lãnh đạo cấp cao Kitô giáo đến từ khắp thế giới đã kết thúc cuộc họp liên lục địa lần thứ nhất của một diễn đàn mới tại Nairobi hôm 9-11-2007 và cùng nhau công bố hy vọng hiệp nhất Kitô hữu.

Diễn đàn Kitô hữu Toàn cầu, hoạt động chín năm nay, đã tổ chức cuộc họp có thể nói là lớn nhất quy tụ các Kitô hữu đến từ các Giáo hội khác nhau.

250 tham dự viên đại diện cho các Giáo hội đại kết lịch sử thuộc các truyền thống Chính thống và Cải cách, trong đó còn có một phái đoàn Công giáo rất đông dẫn đầu là Ðức Giám mục Brian Farrell, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Xúc tiến Hiệp nhất Kitô hữu của Vatican. Lãnh đạo cấp cao của giáo phái Evangelical và Pentecostal đến từ tất cả các châu lục, và đại diện các Hội Kinh Thánh, YMCA/YWCAs, và các giáo phái trên thế giới như Cộng đoàn Anh giáo, Liên đoàn Luther Thế giới, Liên minh Baptist Thế giới và các Giáo hội được thành lập ở châu Phi cũng tham dự.

Các Kitô hữu Á châu được giới thiệu cách long trọng tại diễn đàn, với khoảng 40 tham dự viên Công giáo, giáo phái Evangelical, Chính thống Pentecostal và Tin lành.

Phái đoàn của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) được dẫn đầu bởi Tổng Thư ký của Liên Hội đồng là Ðức Tổng Giám mục Philippines Orlando Quevedo của Cotabato, và người đồng hương của ngài là Ðức Tổng Giám mục Fernando Capalla của Davao, Chủ tịch Văn phòng Ðại kết và Ðối thoại Liên tôn của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC). Mục sư Khamphone Kounthapanya của Giáo hội Evangelical ở Lào đại diện cho Hội đồng Kitô giáo Á châu (CCA).

Tuy nhiên, thành công to lớn của diễn đàn là sự hiện diện đông đảo và năng nổ của nhiều thành viên giáo phái Evangelical và Pentecostal đến từ hầu hết các quốc gia châu Á. Các Giáo hội Evangelical và Pentecostal thường từ chối tham dự các cuộc họp đại kết trước đây, nhưng họ lại chiếm gần một nửa số tham dự viên tại diễn đàn Nairobi.

Mục sư Richard Howell của Liên minh Evangelical Thế giới và Hội Evangelical Ấn Ðộ là thành viên nổi bật trong ban tổ chức, và mục sư Mulyadi Sulaeman, thành viên ban lãnh đạo của Hiệp hội các Giáo hội Pentecostal Indonesia, là một đại diện của Indonesia.

Diễn đàn tập trung vào hai bài diễn văn. Bài thứ nhất là của thần học gia Wonsuk Ma, người Hàn Quốc thuộc giáo phái Evangelical, phản ảnh nhu cầu nhận thức rõ việc Chúa đang làm trong các Giáo hội chúng ta. Bài thứ hai là của Cheryl Bridges-Johns, người Mỹ, truy nguyên những phát triển và xu hướng mới trong Kitô giáo thế giới.

Phần lớn thời gian dành để cùng nhau đọc kinh sáng tối và nghiên cứu Kinh Thánh. Cầu nguyện chung là cách bày tỏ "tình hiệp nhất tâm linh" được Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II cổ vũ trong tông huấn Ut Unum Sint ("Về cam kết đại kết") của ngài năm 1995. Tất cả các tham dự viên đã tham dự các giờ cầu nguyện hàng ngày do mỗi Giáo hội chuẩn bị.

Các Giáo hội được thành lập ở châu Phi hướng dẫn các giờ cầu nguyện bằng tiếng Bantu trong tiếng trống và có nhịp điệu, trong khi Giáo hội Chính thống cử hành nghi thức đọc kinh chiều trọng thể.

Nghi thức của Công giáo phản ánh tính phổ quát của cộng đoàn Công giáo. Một nữ tu Ấn Ðộ hướng dẫn phần hát, một Giám mục đến từ Caribbean giảng lễ, và một nữ giáo dân người Ðức thuộc phong trào đặc sủng hướng dẫn phần cầu nguyện.

Các đại diện châu Á, trong một cuộc họp theo châu lục, đã bầu Ðức Tổng Giám mục Capalla vào ban tổ chức Diễn đàn Kitô giáo Toàn cầu Á châu lần thứ nhất, chưa định ngày tổ chức.

Bình luận về diễn đàn, Ðức cha Farrell tuyên bố: "Người Công giáo chúng ta hoàn toàn tận tâm với phong trào đại kết; chúng ta mất một thời gian mới đến được đây, nhưng chúng ta hiện có mặt tại đây và hy vọng sẽ được công nhận là các đối tác trung thành. Và vâng, chúng ta muốn trở thành một phần trong Diễn đàn Kitô Toàn cầu, vốn được chúng ta xem là quan trọng".

Trong thông điệp cuối của diễn đàn gửi cho tất cả các Kitô hữu và Giáo hội, các tham dự viên tuyên bố: "Nhận thấy tinh thần hiệp nhất là tặng phẩm đầu tiên và trước hết mà Chúa ban qua công việc của Chúa Thánh Thần, chúng tôi dự định cùng nhau đẩy mạnh sự hiểu biết và hợp tác nhiều hơn giữa các Kitô hữu, trong khi tôn trọng và ủng hộ tính đa dạng về bản sắc, truyền thống và hồng ân riêng của chúng ta".

Ý tưởng thành lập diễn đàn toàn cầu này có từ thập niên 1990, khi các lãnh đạo Kitô giáo do Ðức ông Konrad Raiser, lúc đó là Tổng Thư ký của Hội đồng các Giáo hội Thế giới, dẫn đầu đã đánh giá lại phong trào đại kết. Vì Giáo hội Công giáo, và các Giáo hội Evangelical và Pentecostal chưa bao giờ tham gia hội đồng này, nên khái niệm về một loại diễn đàn mới giúp các Kitô hữu theo mọi truyền thống cởi mở trao đổi với nhau đã ra đời.

Trước cuộc họp ở Nairobi đã có một loạt các cuộc họp cấp châu lục. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức ở Mỹ năm 2000. Cuộc họp châu Á, được tổ chức tại Hồng Kông năm 2004, được đồng tài trợ bởi Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), Hội đồng Kitô giáo Á châu (CCA) và Hội Evangelical Á châu. Sau các cuộc họp này là cuộc họp của châu Phi ở Zambia năm 2005, cuộc họp của châu Âu được tổ chức ở Ðức vào năm sau đó (2006) và sau cùng là cuộc họp của châu Mỹ Latin tổ chức ở Chile.

 

Chú thích:

(1) Linh mục Tom Michel, thành viên của tỉnh dòng Tên Indonesia, đứng đầu Văn phòng Hồi giáo của Hội đồng Giáo hoàng Ðối thoại Liên tôn 13 năm, từ năm 1981-1994. Văn phòng này trước đây gọi là Văn phòng về những người ngoài Kitô giáo. Hiện là Thư ký Ðặc trách Ðối thoại Liên tôn của dòng Tên, ngài đã nhiều năm làm Thư ký điều hành của Văn phòng các Vấn đề Ðại kết và Liên tôn của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page