Ý nghĩa Truyền giáo

trong Ðại hội Giới Trẻ Miền Bắc 2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ý nghĩa Truyền giáo trong Ðại hội Giới Trẻ Miền Bắc 2007.

Hải Phòng, Việt Nam (10/11/2007) - Lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi Chúa về trời là những lệnh truyền loan báo Tin Mừng (x.Mc 16,14-20). Thế rồi, từ đó xuôi theo dòng thời gian, bước chân nối tiếp bước chân, người nối tiếp người dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng. Người Việt Nam chúng ta diễm phúc được đón nhận Tin Mừng cũng là do các nhà truyền giáo Âu Châu. Có thể nói rằng: lịch sử của Giáo hội Công giáo là lịch sử của những công cuộc truyền giáo mang Chúa đến cho muôn dân. Và chúng tôi thấy, Ðại hội Giới trẻ Công giáo miền Bắc vừa qua cũng thấm đẫm ý nghĩa truyền giáo.

 

Ý nghĩa truyền giáo được thể hiện qua địa điểm tổ chức.


Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Hải Phòng, địa điểm tổ chức Ðại hội, những biểu tượng đậm nét tôn giáo đã hoàn toàn thay thế những biểu tượng kinh tế thế tục. Thánh giá Chúa Giêsu Kitô đã được dựng lên ngay giữa một Trung tâm do nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quản lí.


Ðại hội Giới trẻ Công giáo miền Bắc lần thứ VI được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Hải Phòng. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Ðại hội được tổ chức tại một địa điểm không phải là cơ sở tôn giáo như Tòa giám mục hay nhà thờ. Ðịa điểm đó thuộc nhà nước quản lí, nằm giữa lòng đời. Nhớ lại, ngày xưa Chúa Giêsu đã sinh ra, chịu chết và Phục sinh đều ở những địa điểm bên ngoài đền thờ. Tại địa điểm Ðại hội diễn ra, những biểu tượng đậm nét tôn giáo đã hoàn toàn thay thế những biểu tượng kinh tế thế tục. Thánh giá Chúa Giêsu Kitô đã được dựng lên ngay giữa một Trung tâm do nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quản lí. Thật là một biểu tượng có ý nghĩa truyền giáo đặc biệt. Thêm vào đó, tòa nhà Trung tâm lại có hình dáng kiến trúc như một con thuyền hay chiếc diều. Ðặc tính của thuyền là luôn lướt sóng ra khơi, dong duổi khắp đại dương, nay bến này, mai bến khác; thuyền luôn sẵn sàng dời bến. Ðặc tính của diều là luôn bay lượn lên cao. Khi thuyền và diều không chuyển động được nữa, đứng im lìm một chỗ, thì lúc đó chúng đã bị hỏng mất rồi. Người kitô hữu cũng vậy, luôn phải lên đường, nếu không chịu ra đi truyền giáo thì chúng ta đã đánh mất căn tính của mình, bởi lẽ, truyền giáo là bản chất của Kitô giáo.

 

Ý nghĩa truyền giáo được thể hiện qua những họa tiết trang trí.

Trước hết là logo Ðại hội với họa tiết chính là con thuyền truyền giáo có Thánh giá làm cột buồm đang lướt trên sóng biển. Cạnh đó, là 10 con chim hải âu tượng trưng 10 giáo phận miền Bắc đang bay về phía Thánh giá để theo Thày.

Thế nhưng, nơi các áo lễ của đoàn đồng tế, thì 10 cánh chim hải âu này lại bay đi chứ không phải bay về phía Thánh giá. Ðiều đó nhằm nói lên rằng: mọi người đến Ðại hội để học theo Chúa Giêsu và rồi phải ra đi loan báo những điều đã học nơi Chúa Giêsu và loan báo chính Chúa. Vạt sau của áo lễ còn được trang trí hình vẽ hai cành vạn tuế kết thành hình trái tim. Cành vạn tuế nói lên chiến thắng vinh hiển của các anh hùng tử đạo Việt Nam; trái tim nói lên tình mến Chúa yêu người.


Nơi các áo lễ của đoàn đồng tế, 10 cánh chim hải âu bay đi chứ không phải bay về phía Thánh giá. Ðiều đó nhằm nói lên rằng: mọi người đến Ðại hội để học theo Chúa Giêsu và rồi phải ra đi loan báo những điều đã học nơi Chúa Giêsu và loan báo chính Chúa. Vạt sau của áo lễ còn được trang trí hình vẽ hai cành vạn tuế kết thành hình trái tim. Cành vạn tuế nói lên chiến thắng vinh hiển của các anh hùng tử đạo Việt Nam; trái tim nói lên tình mến Chúa yêu người.


Như thế có còn cách nào làm chứng nhân đẹp hơn là tử đạo; có còn cách nào loan báo Tin Mừng đẹp hơn là một đời sống yêu người như Chúa yêu. Cũng cần nói thêm rằng lễ đài chính của Ðại hội cũng được trang trí đầy ý nghĩa truyền giáo: Chính giữa lễ đài là dải lụa khổng lồ và con thuyền cách điệu lướt trên sóng. Dải lụa tượng trưng cho Thần Khí Thiên Chúa đổ tràn xuống đại hội; con thuyền rõ ràng nói lên hành trình ra khơi "đánh lưới người". Hai bên lễ đài là hai khẩu hiệu: "Thập giá Chúa là đường dẫn con đi" và "Lời của Chúa là đèn soi con bước".

 

Ý nghĩa truyền giáo được thể hiện qua các bài đọc trong phụng vụ.

Bài Tin Mừng thánh lễ khai mạc trích trong chương đầu Tin Mừng Máccô (Mc 1,16-20) và bài Tin Mừng thánh lễ bế mạc trích trong chương cuối Tin Mừng Máccô (Mc 16,14-20). Ðại hội dường như muốn gói trọn toàn bộ Tin Mừng Chúa Kitô. Trong thánh lễ khai mạc, Tin Mừng vang lên lời kêu gọi "hãy theo Thày", còn trong thánh lễ bế mạc, Tin Mừng lại giục giã lệnh truyền "hãy ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân". Như thế, trước khi muốn loan báo Tin Mừng thì điều kiện bắt buộc trước đó là phải theo Chúa Giêsu để học hỏi, để noi gương và để sống với Ngài. Tưởng cũng nên biết rằng, những lời nguyện và suy niệm trong giờ Chầu Thánh Thể, phần thi Kinh Thánh và Giao lưu chứng nhân đức tin trong các đề thi cũng nói lên những sứ mệnh truyền giáo.

 

Ðại hội cũng thấm đượm nội dung truyền giáo.

Chia tay Ðại hội ra về, anh em chủng sinh chúng tôi vào Tòa giám mục Hải Phòng chào đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, đức cha chủ nhà Ðại hội. Qua câu chuyện, điều đức cha thao thức nhất là tinh thần truyền giáo của người Công giáo Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng còn rất thấp. Ðức cha muốn dùng Ðại hội như một dịp đặc biệt để hun đúc nhiệt huyết truyền giáo nơi mọi người. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế, trong vài chục năm qua, nếu tính theo tỉ lệ dân số, thì tỉ lệ người Công giáo Việt Nam ngày một giảm dần. Một tỉ lệ làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhìn chung người Công giáo chỉ mới có tinh thần "giữ đạo", chứ chưa "truyền đạo". Nhìn sang tinh thần truyền giáo của những anh em Hàn Quốc mà chúng ta thấy xấu hổ. Nhìn sang những người anh em Tin Lành, chúng ta có thể không chấp nhận một số quan điểm thần học của họ, nhưng tinh thần hăng say truyền giáo của họ thì chúng ta phải học tập rất nhiều. Có thể quả quyết rằng mỗi người Tin Lành là một nhà truyền giáo. Một khi đất nước mở cửa hơn, xã hội cởi mở hơn với tôn giáo, thì số tín hữu Tin Lành có khả năng vượt qua số tín hữu Công giáo không phải là điều phóng đại.

Khi đi tham dự cũng như lúc chia tay ra về, chúng tôi thấy dọc hai bên các ngả đường lớn có rất nhiều khu công nghiệp mới xây dựng. Nhớ lại thời xưa trong xã hội nông nghiệp, nhiều dòng tu đã khai phá lập nên những trang trại để cho người dân đến canh tác làm ăn sinh sống và theo đạo. Thế nên, giữa những trang trại đó bao giờ cũng có nhà nguyện hay nhà thờ.


Logo Ðại hội với họa tiết chính là con thuyền truyền giáo có Thánh giá làm cột buồm đang lướt trên sóng biển. Cạnh đó, là 10 con chim hải âu tượng trưng 10 giáo phận miền Bắc đang bay về phía Thánh giá để theo Thày.


Ước chi trong xã hội công nghiệp ngày nay, những chủ doanh nghiệp và những công nhân Công giáo không chỉ mải mê làm ăn kinh tế, mà còn nhiệt thành truyền giáo cho những đồng nghiệp không Công giáo. Ðể rồi, giữa những khu công nghiệp sẽ mọc lên những ngôi nhà thờ. Có như thế, khi đến những nơi này, người ta không chỉ mải mê kiếm sống nuôi thân xác mà còn thư thái kiếm được cả đời sống tâm linh nuôi linh hồn. Họ sẽ kiếm được sự sống trọn vẹn. Có như thế, mỗi người môn đệ Chúa Giêsu mới thực sự là muối, là men giữa lòng đời. Và cũng ước mong sao, giữa các chung cư khổng lồ đang mọc lên như nấm tại các thành phố lớn Việt Nam, nhà thiết kế luôn dành ra một phòng tâm linh để có chỗ cho những người sống trong đó thực hành các lễ nghi tôn giáo của mình.

Ðại hội Giới trẻ Công giáo miền Bắc lần thứ VI chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài chục tiếng đồng hồ, nhưng những cảm xúc còn đọng lại nơi lòng mỗi người tham dự sẽ kéo dài vài chục năm, có khi dài cả cuộc đời. Khẩu hiệu Ðại hội "hãy theo Thày" chỉ vẻn vẹn có 3 từ, rất ngắn. Ðọc cả khẩu hiệu chỉ mất 1 giây, thế nhưng để thi hành nó thì lại trải dài cả một cõi làm người. Ước chi, mỗi người Công giáo cảm nhận sống động tình thương của Thiên Chúa để có niềm vui sống đạo, từ đó, trong sâu thẳm của lòng mình, mỗi người chúng ta biết thốt lên lời như thánh Phaolô ngày xưa: "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).

 

Nguyễn Xuân Trường

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page