Công Bằng, Trách Nhiệm và Liên Ðới

Trong Việc Dấn Thân Xã Hội Của Giáo Hội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Công Bằng, Trách Nhiệm và Liên Ðới Trong Việc Dấn Thân Xã Hội Của Giáo Hội.

Bài thuyết trình của Ðức Hồng Y Keith Patrick O'Brien tại Hôi Nghị quốc tế ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 16/10/2007.

(Trần Duy Nhiên chuyển dịch Việt ngữ)

 

Nhập Ðề

Thật là một vinh dự lớn lao được hiện diện nơi đây hôm nay, và cũng là một niềm vui lớn được trình bày những suy tư ngắn gọn về ba chủ đề lớn trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo, ấy là các chủ đề công bằng, trách nhiệm và liên đới.

Quả thực không khó khăn gì để biết phải bắt đầu trình bày các vấn đề này từ đâu. Tôi sẽ khởi hành từ một người đồng bào của anh chị em ở đây, tại Việt Nam này, một người vĩ đại của Giáo hội trong những năm gần đây. Dĩ nhiên, tôi muốn nhắc đến Ðức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người mà, với tư cách là Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã chịu trách nhiệm phổ biến cuốn "The Social Agenda - a collection of magisterials texts" (Chương trình xã hội - Tuyển Tập các văn kiện của Huấn quyền). Tập sách này đã tuyển một cách hữu ích những trích đoạn các giáo huấn xã hội của các Giáo hoàng và Công đồng, và của Giáo lý Giáo hội Công giáo, và tôi hết lòng giới thiệu tập sách ấy như là một tư liệu tối ưu để biết rõ hơn về truyền thống phong phú này của giáo huấn Giáo hội.

 

Công Bằng

Tôi rất vui mừng khi thấy trong phần INDEX của cuốn The Social Agenda, dưới hạn từ 'công bằng' chỉ ghi 'xem Công bằng xã hội'. Như vậy là đặt công bằng vào đúng vị trí của nó, và vị trí ấy mang tính tương quan. Thật là vô nghĩa nếu nói đến công bằng ở bên ngoài lãnh vực các mối quan hệ. Công bằng liên quan đến cách chúng ta sống giới răn của Ðức Kitô, ấy là yêu thương Thiên Chúa và yêu thương đồng loại, giới răn cao trọng nhất mà chính đức Giê-su đã dạy. Thực vậy, Người dạy rằng giới răn yêu thương đồng loại gắn liền với giới răn yêu mến Thiên Chúa đến độ mà hai giới răn ấy tương đương với nhau. Chúng ta thấy được giới răn này thông qua giới răn kia. Chúng ta thấy Chúa trong đồng loại và thể hiện tình yêu đối với Chúa qua cách chúng ta yêu thương đồng loại.

Số 295, trong cuốn "The Social Agenda", trích dẫn sứ điệp Ngày hòa bình thế giới năm 1998 của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã ghi lại một đoạn rất hay: "Công bằng tạo nên tổng thể; nó không hề phá hủy; nó dẫn đến hòa giải chứ không phải đến trả thù. Xét cho cùng, trong chiều kích sâu xa nhất, nó cắm rễ trong tình yêu, một tình yêu tìm thấy biểu hiện ý nghĩa nhất của mình nơi lòng thương xót. Thế nên nếu công bằng thoát ly khỏi tình thương xót, thì nó sẽ trở thành lạnh lùng và gây thương đau."

Ðiều này giải thích vì sao Giáo hội không bao giờ đưa ra những biện pháp trừng phạt mang tính trả thù; như thế giới từng thấy rõ thái độ đó trong những năm tháng vừa qua. Giáo hội luôn đưa ra bàn tay thương xót, như Ðức Giê-su từng làm, và hiểu rằng công bằng thì rộng hơn nhiều chứ không chỉ là trừng phạt một điều sai quấy. Số 297 lại trích dẫn lời của Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Dives in Misericordia: "Có thể nói, lòng thương xót đích thực là nguồn mạch sâu xa nhất của công bằng".

Giáo Huấn xã hội hiện nay của Công giáo được khai sinh khi Ðức Giáo hoàng Leo XIII viết thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) năm 1891. Văn kiện này đề cập đến lãnh vực lao động, và tất cả những gì gắn liền với lao động - tiền lương, điều kiện lao động, giá trị của lao động, vân vân. Khi chúng ta nghĩ đến công bằng của ngày hôm nay và của thời đại này, thì công bằng trong thế giới của lao động vẫn chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong giáo huấn của (Giáo Hội) chúng tôi. Chúng tôi nói đến "đồng lương công bình" và không được nghỉ ngơi cho đến khi điều này trở thành hiện thực trên toàn thể địa cầu.

Qua những chuyến viếng thăm của tôi tại nhiều nơi trên thế giới, tôi biết quá rõ rằng còn nhiều người lao động nặng nhọc nhưng được trả công quá ít và không nhận được đồng lương công bình. Phẩm giá con người, nền tảng của giáo huấn về xã hội của Công giáo, đòi hỏi công bình. Một lần nữa tôi tỏ lòng biết ơn Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã cho thấy, trong số 263, điều mà sách Giáo lý của Giáo hội đã nói về vấn đề này: "Ðồng lương công bình là thành quả chính đáng của lao động. Phủ nhận hay tước đoạt nó có thể là một bất công trầm trọng." Hơn nữa, lao động không chỉ đơn giản là làm việc và lãnh lương. Lao động kết nối chúng ta đúng theo cách mà Ðấng Tạo Dựng đã hành động. Liên quan đến thông điệp mạnh mẽ của Giáo hoàng Phaolô VI, thông điệp Populorum Progressio, mà năm nay là kỷ niệm thứ 40, số 273 gợi lại: "Dù con người là nghệ nhân hay thợ thủ công, dù dấn thân trong quản lý, công nghiệp hay nông nghiệp, hễ ai làm việc thì người đó là một người sáng tạo". Ðiều này tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng: "Khi công việc được cùng nhau tiến hành, khi hy vọng, đau khổ, khát khao và niềm vui được chia sẻ, chúng sẽ qui tụ và hiệp nhất chặt chẽ ý muốn, trí tuệ và con tim của tất cả mọi người trong cuộc: trong khi chu toàn công việc, mọi người sẽ nhận ra mình là anh chị em với nhau."

 

Trách Nhiệm

Tôi có thể nói nhiều hơn nữa về công bằng, nhưng giờ đây tôi sẽ chuyển sang chủ đề thứ hai mà hội thảo yêu cầu, đó là vấn đề trách nhiệm.

Tôi sung sướng vì vấn đề được đặt ra cho tôi như thế, chứ không phải dưới dạng 'quyền lợi'. Xin đừng hiểu lầm, tôi hoàn toàn ủng hộ "quyền lợi"! Quyền lợi chiếm vị trí trung tâm trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Nhưng muốn tôn trọng quyền lợi thì những nghĩa vụ tương ứng hay trách nhiệm - như chúng ta đang đề cập tại đây - phải được thực thi. Trách nhiệm đi đôi với quyền lợi, và theo tôi nghĩ, ta có một ngôn ngữ để diễn đạt về quyền lợi nhưng lại thiếu một ngôn ngữ tương ứng để diễn đạt về trách nhiệm. Ở châu Âu chúng tôi có một ngôn ngữ phát triển diễn đạt về nhân quyền, nhưng vẫn chưa có ngôn từ phát triển như thế để diễn đạt về trách nhiệm. Tôi sung sướng nói rằng, dẫu vậy, giáo huấn về xã hội của Giáo hội đã có được ngôn ngữ đó, và qua đó chúng tôi có chút gì để đóng góp cho thế giới.

Thậm chí trước khi có Giáo huấn Công giáo duy nhất này, thì chúng tôi đã có sức mạnh của Kinh Thánh để mà dựa vào. Khi trao cho chúng ta "Luật Vàng", Ðức Giê-su đã nói rất rõ rằng chúng ta phải làm cho người khác những điều mà chúng ta muốn được làm cho chính mình. Ðây là cốt lõi của tinh thần trách nhiệm. Có trách nhiệm đối với người lân cận và quan tâm cho họ có đủ những gì cần thiết. Vâng, quan tâm cho mọi quyền lợi của họ được đáp ứng, nhưng quan tâm đến họ thì còn nhiều điều hơn thế nữa.

Thật thú vị khi thấy rằng tất cả mọi tôn giáo lớn, kể cả Phật giáo, đều có 'luật vàng' tương tự. Ðó là giáo huấn căn bản của con người, và do vậy, dĩ nhiên luật ấy cũng có trong giáo huấn xã hội của Công giáo.

Giáo hoàng Gioan XXIII, trong Pacem in Terris, đã đề cập rất rõ ràng: "Ai đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, mà lại quên hoặc lờ không thực hiện nghĩa vụ được giao, người ấy là kẻ tay này xây dựng tay kia phá hủy". Quả thực, đây là những lời lẽ thật nặng, nhưng thể hiện sức mạnh và tinh thần nghiêm túc khi Giáo hội Công giáo tiếp cận chủ đề trách nhiệm. Tất cả chúng ta có trách nhiệm đối với hạnh phúc và sự tăng trưởng của đồng loại bao nhiêu, thì chúng ta là những người quản gia của tất cả anh chị em mình bấy nhiêu. Tôn trọng quyền lợi của người khác bằng cách chú ý đến trách nhiệm của mình là phải chăm sóc họ, đấy là tuyệt đỉnh của tôn trọng.

Cũng nên nhớ lại một đoạn khác của Pacem in Terris được trích dẫn ở số 66 trong The Social Agenda; đoạn này nêu lên đích danh các quyền lợi. Ðoạn ấy ghi thế này: "Mọi người đều có quyền sống, quyền bảo toàn thân xác, quyền có những phương tiện thích hợp để phát triển xứng đáng đời sống; chủ yếu là các quyền về ăn, mặc, ở, nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe... và hưởng những dịch vụ xã hội cần thiết". Khi đặt ưu tiên cho sự sống, The Social Agenda thừa nhận vị trí căn bản và ưu tiên của phẩm giá con người, bởi lẽ văn kiện này tái khẳng định rằng mọi người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

Về điểm nhấn mạnh đến sự sống, tôi lại nhớ lại điều mà các Giáo sĩ Scotland đã nói cách đây vài năm, năm 2001, khi chúng tôi đề ra những hướng dẫn cho người dân Scotland chuẩn bị cuộc bầu cử. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự dấn thân của Giáo hội Công giáo vào đời sống, nhưng chúng tôi muốn làm rõ điều đó có nghĩa là gì. Ðó không phải một cái gì hạn hẹp, mà là một cái gì rộng lớn và bao quát tất cả. Chúng tôi nói rằng: "Chúng tôi tin tưởng vào một đạo đức phù hợp liên quan đến sự sống. Chúng tôi phò-sự-sống theo nghĩa trọn vẹn nhất của thuật ngữ này. Có nghĩa là:

- Chúng ta phải bảo vệ thai nhi dù chúng được thọ thai như thế nào đi nữa, chúng có thể bị người ta không mong muốn hay xem là điều bất tiện, nhưng ngay từ lúc tượng thai, chúng đã được tặng món quà sự sống.

- Chúng ta khẳng định lại rằng phá thai, thử nghiệm trên phôi người, tạo sinh vô tính (cloning), trợ tử (euthanasia), tất cả đều sai trái trên bình diện đạo đức vì chúng tấn công vào chính sự sống con người; mà quyền sống là quyền nền tảng nhất để mọi quyền khác được đặt lên.

- Chúng ta phải lên tiếng để bảo đảm rằng việc trợ tử không bao giờ hoành hành trên đất nước mình.

- Chúng ta không thể làm ngơ trước số phận của những người nghèo khổ và thiếu thốn, chỉ vì họ thiếu khả năng kinh tế hay bị xem là gánh nặng; chúng ta cũng không bỏ mặc người khách lạ đến với mình với tư cách là người tị nạn hay người di cư.

- Chiến tranh, họa diệt chủng và nạn đói đe dọa sự sống của hàng triệu người trên khắp thế giới; và như thế cũng liên quan đến vấn đề phò-sự-sống. Giáo hội không ngừng cầu nguyện và hoạt động vì hòa bình giữa các dân tộc, và luôn nhắc nhở chúng ta rằng việc trực tiếp hay gián tiếp tấn công vào các thường dân là một điều không thể chấp nhận được trên bình diện đạo đức.

- Chúng ta tôn trọng sự sống cũng có nghĩa là chúng ta không ngừng phản đối sự hiện diện liên tục của các vũ khí hủy diệt hàng loạt trong môi trường chúng ta, và kêu gọi phân phối lại một số nguồn tài nguyên dùng để bảo vệ các cường quốc hầu dùng để bảo vệ người bệnh tật, người cô thế và người nghèo khổ.

Tất cả những điều đó là những vấn đề hết sức quan trọng tại Scotland, và tôi mạnh dạn đoán rằng những vấn đề này cũng rất quan trọng tại Việt Nam.

 

Liên Ðới

Ðến đây tôi xin chuyển sang chủ đề cuối cùng, chủ đề liên đới.

Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Ðây là một vấn đề mà cố Giáo Hoàng của chúng tôi rất tha thiết, và là đề tài nổi bật trên một trong những văn kiện tuyệt vời nhất của Vatican II, đó là thông điệp Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng). Và hẳn không phải ngạc nhiên gì khi một trong các thành viên của ủy ban dự thảo Gaudium et Spes lại không ai khác hơn là Hồng y Karol Wojtyla, người đã trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Bàn tay của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nhìn thấy trong giáo huấn hiện nay về xã hội của Giáo hội, và Hồng y Văn Thuận từng ở vào vị trí rất tốt trong Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình để thấy được bàn tay ấy dẫn dắt chúng ta đúng đắn đến độ nào. Tại số 126 của The Social Agenda, ngài đã trình bày rất xuất sắc định nghĩa về liên đới, trích từ Solicitudo Rei Socialis của Giáo hoàng Gioan Phaolô II: "Vì thế, liên đới không phải là một cảm xúc trắc ẩn mơ hồ hay cái xót xa hời hợt trước bất hạnh của rất nhiều người gần xa. Ngược lại, đó là quyết tâm vững chắc và kiên trì để dấn thân phục vụ thiện ích chung, cũng có thể nói là phục vụ thiện ích của mọi người và của từng người, vỉ tất cả chúng ta thực sự chịu trách nhiệm đối với tất cả mọi người."

Liên đới là nguyên tắc hiệp nhất tất cả chúng ta thành một gia đình nhân loại. Liên đới là điều giúp tôi thực hiện trách nhiệm về công bằng đối với những ai đang đau khổ ở xa nơi tôi đang sống - ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh, ở ngay Việt Nam này và một nơi nào khác ở châu Á.

Liên đới cũng khẳng định rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và theo chiều hướng này, tôi hết lòng biết ơn và khiêm nhường được đón nhận như là một người anh em.

 

Kết Luận

Tôi gửi đến quí vị những suy tư căn bản của mình về ba chủ đề của giáo huấn về xã hội của Công giáo. Chúng ta hãy nguyện xin cho tất cả chúng ta thăng tiến thành những người dấn thân cho công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và liên đới xã hội.

 

Ðức Hồng Y Keith Patrick O'Brien

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page