Bản tường trình hội nghị chuyên đề
về Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bản tường trình hội nghị chuyên đề về "Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay" Do Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) Tổ Chức Tại Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan Samphran, Thailand từ ngày 22 đến 27 tháng 10 năm 2007.
1. Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan:
Trung Tâm Huấn Luyện Mục Vụ Baan Phu Waan của Tổng Giáo Phận Bangkok nằm cách trung tâm thành phố Bangkok 30 km về phía tây. Trung tâm, rộng khoảng hơn 50 mẫu gồm có: Trung tâm Huấn luyện MụcVụ - Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse - Trường trung học Thánh Giuse - Trung Tâm dạy Anh Ngữ - Nhà Hưu Dưỡng Các Linh mục và một cái hồ thật lớn ở giữa cùng với những khu vườn, bãi cỏ, sân thể thao xen kẽ giữa những khu nhà... Bên cạnh Trung Tâm là Nhà Thờ Lên Trời (The Ascension Church) và nghĩa trang của giáo phận Bangkok. Riêng về Trung tâm Huấn luyện MụcVụ bao gồm 3 tòa nhà 8 tầng liền nhau thành hình vòng cung, như một vòng tay giang ra tiếp đón. Ngoài nhà nguyện, phòng ăn, phòng hội thảo... Trung Tâm có 180 phòng dành cho khách.
2. Thành phần Tham dự Viên:
Tham dự Hội Nghị chuyên đề về "Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay" gồm 158 thành viên thuộc 16 quốc gia, gồm 1 Hồng Y, 5 Tổng Giám Mục, 7 Giám Mục, 60 Linh mục, 49 nữ tu, 26 nam tu và chủng sinh, 10 giáo dân. Dưới đây là tên những thành viên quan trọng:
- Ðức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok;
- 5 Tổng giám mục: Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thailand; Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC); Ðức Tổng Giám Mục Nicholas Chia, Singapore; Ðức Tổng Giám Mục Leo Jun Ikenaga,S.J., Osaka, Nhật; Ðức Tổng Giám Mục Charles Bo, Myanmar;
- 7 Giám mục (2 Thailand, 2 Malaysia, 1 Sri Lanka, 1 Vietnam, 1 Philippines): Ðức Giám Mục George Yod Phimphisan, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Thái Lan; Ðức Giám Mục Joseph Prathan Sridurunsil, SDB, Thái Lan; Ðức Giám Mục John Lee, Malaysia; Ðức Giám Mục Paul Tan, SJ, Malaysia; Ðức Giám Mục Luis Antonio Tagle, Philippines; Ðức Giám Mục Winston S. Fernando, Sri Lanka; Ðức Giám Mục Peter Nguyễn Văn Ðệ, SDB, Viet Nam.
- 2 Linh mục đại diện Tòa Thánh, đến từ Roma: Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi; Cha Mario Llanos, SDB;
- Phái đoàn Việt Nam gồm 5 vị: Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám Mục Phụ Tá Ðịa Phận Bùi Chu, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ; Cha Tôma Vũ Quang Trung, Giám Tỉnh dòng Tên, đại diện Nam Tu Sĩ. Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng, Linh Hướng Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigon, Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Sĩ và Chủng Sinh, đại diện các Ðại Chủng Viện. Cha G.B. Ngô Ðình Tiến, linh mục phụ trách ơn gọi giáo phận Nha Trang. Sr. Mai Trinh, Giám Tỉnh Dòng Ðức Bà Truyền Giáo, đại diện Nữ Tu Sĩ.
3. Mục tiêu của Hội Nghị:
Mục tiêu của Hội Nghị Chuyên Ðề là:
* Trình bày bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đang ảnh hưởng trên ơn gọi tại Á Châu.
* Nhấn mạnh đến bản chất của ơn gọi là theo Chúa Kitô một cách triệt để.
* Làm nổi bật bản chất truyền giáo của ơn gọi.
* Cung cấp những tìm hiểu sâu sắc và cập nhật về việc tuyển chọn và đào tạo.
4. Ngày Khai Mạc Hội Nghị:
Hội Nghị đã bắt đầu lúc 18g00 thứ hai 22-10-2007 trong bầu khí cầu nguyện với Thánh Lễ khai mạc do Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thailand chủ sự. Trong bài giảng Ðức Tổng Giám Mục Salvatore đã nhấn mạnh đến 3 đặc điểm của ơn gọi là: sự phục vụ theo gương Chúa Giêsu - lòng tin như tổ phụ Abraham đã đáp lời mời gọi của Thiên Chúa - sự từ bỏ như các tông đồ.
Sau Thánh Lễ là diễn văn khai mạc của Ðức Hồng Y Michael Michai Kitbunchu, Tổng Giám Mục Bangkok, trong đó ngài đã nhắc lại 4 mục tiêu của Hội Nghị cùng với lời chào mừng đón tiếp của Tổng Giáo phận Bangkok.
Tiếp đến là diễn văn của Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), trong đó ngài nói đến ý nghĩa của Hội Nghị Chuyên Ðề về "Ơn Gọi Tại Châu Á Hôm Nay" với một thực tại nổi bật là Á Châu và Phi Châu là hai lục địa hiện đang cung cấp nhiều ơn gọi cho Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu. Nhưng bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đang tác động rất mạnh trên ơn gọi tại Á Châu. Vì thế một Hội Nghị Chuyên Ðề là cần thiết để cùng nhau suy nghĩ và tìm ra hướng đi mới trong việc chăm lo cho các Ơn Gọi tại Á Châu hôm nay. Trong thao thức ấy, Ban Tổ Chức đã chọn Thái lan, một đất nước đa văn hóa, đa tôn giáo để tổ Hội Nghị.
Cuối cùng là Sứ điệp của Ðức Hồng y Zenon Grocholewski, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo gởi Hội Nghị, do Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi đọc. Trước hết sứ điệp nói đến việc tổ chức Hội Nghị Chuyên Ðề Về Ơn Gọi Tại Á Châu nằm trong chương trình chung của Bộ Giáo Dục Công Giáo phối hợp với Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi, nhằm tổ chức những công nghị (Congress) về ơn gọi tại các lục địa, ví dụ như: năm 1994 tại Châu Mỹ Latin; năm 1997 tại Âu Châu; năm 2001 tại Bắc Mỹ. Và giờ đây tới lúc tổ chức một Công Nghị về Ơn gọi tại Á Châu. Trong chiều hướng đó Hội Nghị Chuyên Ðề (Symposium) với chủ đề "Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay" đã được Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ Chức Serra Quốc Tế (một Tổ Chức của giáo dân nhằm cổ võ và nâng đỡ ơn gọi linh mục/tu sĩ).
Sứ điệp cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức Hội Nghị Chuyên đề về Ơn Gọi Tại Á Châu còn nằm trong bối cảnh Giáo Hội cổ võ ơn gọi linh mục nhằm loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là một thách đố lớn tại Á Châu, nơi mà Giáo hội chỉ là thiểu số. Trong bối cảnh tại Á Châu hôm nay, việc cổ võ, nuôi dưỡng ơn gọi là một nhiệm vụ quan trọng. Ðặc biệt Giáo Hội có nhiệm vụ giúp cho các bạn trẻ biện phân ơn gọi, đồng hành giúp họ đáp trả ơn gọi và đào tạo họ lớn lên trong ơn gọi. Và sứ điệp đã kết thúc với điểm nhấn là phải cầu nguyện cho ơn gọi.
5. Chương trình hội nghị:
Chương trình hội nghị xoay quanh 3 chủ đề với 7 bài thuyết trình:
- Chủ đề 1 (Thứ ba 23-10-2007): Trình bày Ơn gọi trong một thế giới nhiều đổi thay (Gợi ý từ chủ đề Sứ Ðiệp Ơn Gọi 2006: Ơn gọi trong Mầu Nhiệm Giáo Hội).
- Chủ đề 2 (Thứ tư 24-10-2007): Giáo Hội Hiệp Thông, nơi ươm hạt giống ơn gọi (Gợi ý từ chủ đề Sứ Ðiệp Ơn Gọi 2007: Ơn gọi phục vụ Giáo Hội Hiệp Thông).
- Chủ đề 3 (Thứ năm 25-10-2007): Tuyển chọn ứng sinh linh mục & đời sống thánh hiến
- Dưới đây là 7 Ðề Tài của 7 bài thuyết trình:
Thuyết trình 1: Bối cảnh ơn gọi tại Á Châu - do Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, OMI, Tổng Thư Ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).
Thuyết trình 2: Ơn gọi hướng đến Truyền Giáo - do Ðức Tổng Giám Mục Leo Jun Ikenaga, Nhật, Ủy Ban Ðời sống Thánh Hiến.
Thuyết trình 3: Ðộng lực chọn lựa ơn gọi linh mục & tu sĩ - do Sr. Judette Gallares, RC, Phi Luật Tân.
Thuyết trình 4: Sự khổ chế và ơn gọi (Sự triệt để và hy sinh) ("Những cuộc mạo hiểm của tự do để hoàn tất điều không thể thực hiện" ("Adventures of Freedom to achieve the impossible") - do Ðức Giám Mục Paul Tan Chủ tịch, Ủy Ban Ðời Sống Thánh Hiến của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).
Thuyết trình 5: Gia đình: vườn ươm hạt giống ơn gọi - do Ong Bà Dr. Jeffrey & Angelina Goh, Malaysia.
Thuyết trình 6: Tiến trình tuyển chọn ơn gọi - do Cha Lawrence Pinto, Thư Ký điều hành Ủy Ban Giáo Sĩ của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).
Thuyết trình 7: Phương pháp toàn diện, hòa hợp trong đào tạo - do Ðức Giám Mục Luis Antonio Tagle, Giám mục Ðịa phận Imus, Phi Luật Tân.
a) Thuyết trình 1: Bối Cảnh Ơn Gọi tại Á Châu:
Trước hết qua bài thuyết trình về "Bối Cảnh Ơn Gọi tại Á Châu", Ðức Tổng Giám Mục Quevedo đã trình bày ba phần: Phần thống kê về Giáo Hội từ 1978 đến 2004 trong đó ơn gọi của Au Châu, Mỹ Châu và Châu Ðại Dương sút giảm, ngược lại ơn gọi tại Á Châu và Phi Châu gia tăng. Nhưng một vấn đề được đặt ra cho cả hai khối: các nước mà ơn gọi sút giảm sẽ gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng những nhu cầu mục vụ, nhưng những nước có ơn gọi gia tăng (như tại Phi Châu và Á Châu), dưới những ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, với những ơn gọi hiện nay, đã đáp ứng được những nhu cầu mục vụ như thế nào?
Phần hai là bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa hôm nay đang ảnh hưởng trên những ơn gọi tại Á Châu, một môi trường đa tôn giáo, đa văn hóa và đa số là người nghèo. Nhiều ơn gọi lớn lên trong những gia đình nghèo hay trong những môi trường nhiều xung đột. Thêm vào đó những ảnh hưởng của nền văn hóa vật chất, tục hóa, tiêu thụ, hưởng thụ# đã tác động trên những động lực chọn lựa ơn gọi. Từ đó việc tuyển chọn và đào tạo là một thách đố rất lớn.
Cuối cùng trong phần kết luận, Ðức Tổng Giám Mục Quevedo đã nhấn mạnh ơn gọi là một mầu nhiệm, một hồng ân đến từ Thiên Chúa và cho cộng đoàn, từ đó nổi bật lên bản chất truyền giáo của Ơn Gọi, hồng ân của Thiên Chúa cho Á Châu, nơi mà đại đa số chưa biết đến Thiên Chúa.
b) Thuyết trình 2: Ơn gọi hướng đến Truyền Giáo:
Về đề tài "Ơn gọi hướng đến Truyền Giáo", Ðức Tổng Giám Mục Leo Jun Ikenaga đã nhận định: trong khi bối cảnh chung của Á Châu có nhiều ơn gọi, thì tại một số nước tại Á Châu như Nhật, Ðài Loan, Hongkong, Macao... ơn gọi lại thấp. Từ đó, Ngài đề nghị những Hội Ðồng Giám Mục tại các nước có nhiều ơn gọi hãy có chương trình đào tạo các thừa sai và gởi đến những nước Á Châu nơi thiếu ơn gọi. Và ngài nhấn mạnh, chương trình đào tạo và gởi các thừa sai này là một quan tâm lớn cho tương lai của toàn bộ Á Châu.
c) Thuyết trình 3: Ðộng lực chọn lựa ơn gọi linh mục & tu sĩ:
Tiếp đến Sr. Judette đã trình bày về "Ðộng lực chọn lựa ơn gọi linh mục & tu sĩ" với những yếu tố "ý thức và vô thức". Cần phải lưu ý đến những yếu tố này, nhất là "yếu tố vô thức", khi giúp các ứng sinh nhận ra và xác tín về động lực chọn lựa ơn gọi của mình. Ðể từ đó, các ứng sinh sẽ có một dấn thân tích cực và trưởng thành dựa trên những giá trị của Phúc Âm. Ðây là một lời mời gọi tìm kiếm một cuộc sống gắn bó với Chúa Kitô và chia sẻ sứ mạng của Ngài trong ơn gọi linh mục, tu sĩ.
d) Thuyết trình 4: Sự khổ chế và ơn gọi:
Ðể diễn tả về "Sự khổ chế và ơn gọi" (Sự triệt để và hy sinh), Ðức Cha Paul Tan đã dùng một cách nói khác: Ơn gọi là tiếng gọi dấn thân vào "một cuộc phiêu lưu tìm kiếm tự do để đat được điều như thể không thể thực hiện được". Ðức Kitô đã trở nên một mẫu gương sống động của cuộc phiêu lưu này. Ngài đã tự nguyện dấn thân vào cuộc hành trình bày tỏ tình yêu vô biên cho con người, khi đồng hóa mình với thân phận tội lỗi của con người qua đau khổ và cái chết trên thập giá, để đem ơn cứu độ cho cả nhân loại.
e) Thuyết trình 5: Gia đình: vườn ươm hạt giống ơn gọi:
Ông và Bà Dr. Jeffrey & Angelina Goh đã trình bày đề tài "Gia đình, vườn ươm hạt giống ơn gọi" với lời mời gọi: Gia đình, Hội Thánh tại gia, cần giúp các bạn trẻ khám phá tiếng Chúa mời gọi họ dấn thân cho tình yêu trong việc phục vụ con người theo gương chúa Kitô, giữa bao nhiêu tiếng gọi đầy cuốn hút khác của thế gian. Gia đình là vườn ươm ơn gọi, giúp các bạn trẻ hình thành những đức tính nhân bản và luân lý cần thiết, đồng thời cũng giúp họ loại bỏ những ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội chung quanh trước khi họ dấn thân vào các chặng đường đào tạo tại Chủng Viện hay Dòng tu.
f) Thuyết trình 6: Tiến trình tuyển chọn ơn gọi:
Về "Tiến trình tuyển chọn ơn gọi", Cha Lawrence Pinto đã nhắc đến giáo huấn của Bộ Giáo Dục Công Giáo và của các Ðức Giáo Hoàng (Piô XII, Gioan Phaolô II) khi đề cập việc cần có những phương cách tuyển chọn ứng sinh, bao gồm cả trác nhiệm tâm lý, trước khi nhận họ vào Chủng Viện hay Dòng Tu. Tác giả trình bày những khả năng cần có nơi ứng sinh và cách thức tìm hiểu lịch sử bản thân, đời sống xã hội & tâm lý, thiêng liêng và tương quan nhân vị của ứng sinh. Nhưng chủ đích cách tuyển lựa này, với sự trợ giúp của Khoa Tâm Lý, không nhằm loại trừ ứng sinh, nhưng để giúp giúp ứng sinh biết mình, tự quyết định chọn lựa và tự phát triển cũng như giúp nhà đào tạo hướng dẫn ứng sinh biến đổi.
g) Thuyết trình 7: Phương pháp toàn diện, hòa hợp trong đào tạo:
Ðề tài cuối cùng là "Phương pháp toàn diện, hòa hợp trong đào tạo" do Ðức Cha Luis Antonio Tagle trình bày. Cuộc sống và cấu tạo của con người bao gồm nhiều yếu tố: thể lý, tâm linh, xã hội, văn hóa... Vì thế không thể phân chia hoặc giản lược việc đào tạo vào khía cạnh này mà bỏ qua những khía cạnh khác. Tông Huấn Pastores Dabo Vobis đề cập và phân tích rất rõ việc đào tạo toàn diện với 4 chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ. Những chiều kích này phải hỗ trợ và hài hòa với nhau. Ðào tạo nhân bản nhằm để phục vụ, phải đưa đến việc hỗ trợ đời sống thiêng liêng. Ðào tạo thiêng liêng cần có chiều kích tông đồ. Ðào tạo trí thức phải nhắm mục đích và lợi ích truyền giáo. Ðào tạo mục vụ phải hướng đến đức ái mục tử, và giúp kết hợp với Chúa Giêsu, với thao thức yêu thương đoàn chiên. Ðể đạt được việc đào tạo toàn diện, cần có sự đóng góp tích cực của ban Ðào Tạo nơi Chủng Viện / Dòng Tu, của Giám mục / Bề Trên Dòng Tu, của các linh mục/tu sĩ ngoài Chủng Viện, của các cha xứ, của gia đình, của chính ứng sinh, của giáo dân và cả những người nghèo. Vì mọi thành phần trong Giáo Hội đều góp phần vào việc đào tạo đa diện và toàn diện của các ứng sinh.
6. Các buổi họp thảo nhóm (có 10 nhóm):
Xen kẽ giữa các bài thuyết trình là các buổi họp thảo nhóm (có 10 nhóm), giúp khai triển và cụ thể hóa những lý thuyết được trình bày nhờ những suy tư và kinh nghiệm của các tham dự viên trong Hội Nghị. Ngoài những giờ chia sẻ nhóm, những gặp gỡ trao đổi riêng trong những giờ giải lao, trong những giờ giải trí "happy hours" vào buổi tối, tạo nên mối tương quan thân mật giữa những người có trách nhiệm trong việc cổ vũ và đào tạo các ơn gọi.
Ngoài ra, những buổi văn nghệ, hòa nhạc, ca múa của các em trường trung học hay của các tiểu chủng sinh Thái Lan cũng như những món ăn đặc sản của Thái Lan, đặc biệt cuộc tham quan Rose Garden với những màn biểu diễn mang đậm sắc thái dân tộc Thái (vào chiều thứ sáu sau khi đã bế mạc Hội Nghị) đã giúp các tham dự viên khám phá và thưởng thức những nét đẹp và hấp dẫn của nền văn hóa Thái Lan.
7. Ngày bế mạc Hội nghị:
Ngày cuối cùng (thứ sáu 26-10), với buổi sáng dành để thảo luận về "Bản Tuyên Bố cuối cùng". Cả hội nghị đã trao đổi, góp ý về bản văn. Hội Nghi đã nhất trí để Ðức Tổng Giám Mục Quevedo, Tổng Thư Ký của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), sẽ sắp xếp các góp ý của Hội Nghị để đưa ra "Bản Tuyên Bố cuối cùng" hoàn chỉnh. Ðức Tổng Giám Mục Tổng Thư Ký sẽ gởi "Bản Tuyên Bố cuối cùng" này cho các tham dự viên trong những ngày gần đây. Sau phần góp ý và biểu quyết về "Bản Tuyên Bố cuối cùng", Hội Nghị đã kết thúc với Thánh Lễ bế mạc do cha Cha Francis Bonnici, Giám đốc Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Ơn gọi (Vatican) chủ tế.
8. Phần kết:
Tóm lại, Hội Nghị Chuyên Ðề "Về Ơn Gọi Tại Á Châu Hôm Nay" đã diễn ra: trong bầu khí cầu nguyện như đặt tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa, đặc biệt vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nhà đào tạo chính của ơn gọi; trong bầu khí yêu thương huynh đệ của những người có trách nhiệm, phụ trách về ơn gọi tại Á Châu; và trong bầu khí hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, qua những vị đại diện đến từ Roma. Ước mong những thành quả của Hội Nghị sẽ góp phần vào việc cổ vũ, bảo vệ, nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi tại Á Châu.
Ngày 27-10-2007
Người ghi: Lm. Giuse Ðỗ Mạnh Hùng