Ðức Tổng Giám mục Nhật
kêu gọi châu Á gửi thừa sai sang Nhật
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Tổng Giám mục Nhật kêu gọi châu Á gửi thừa sai sang Nhật.
Sam Phran, Thái Lan (UCAN AS03645.1468 Ngày 24-10-2007) - Ðức Tổng Giám mục Leo Jun Ikenaga của Osaka, Nhật Bản, đã khiến nhiều người tại hội nghị về ơn gọi tại châu Á lần đầu tiên, phải ngạc nhiên khi ngài kêu gọi các quốc gia châu Á gửi thừa sai sang Nhật.
Trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị Ơn gọi tại Á châu Hiện nay, được tổ chức từ ngày 22-27/10/2007 tại trung tâm đào tạo mục vụ của tổng giáo phận Bangkok ở Sam Phran, cách Bangkok 30 km về phía tây, vị giám chức người Nhật đã kêu gọi sự giúp đỡ. Ngài kêu gọi lập một chương trình có tổ chức để các quốc gia châu Á "được ban nhiều ơn gọi" gửi linh mục, tu sĩ và các thừa sai khác đến các quốc gia anh em cực kỳ hiếm ơn gọi, và Nhật là một trong các quốc gia này.
Hôm 23-10-2007, nói chuyện với 125 giám mục và linh mục đặc trách ơn gọi, trong đó có các giám đốc chủng viện đến từ hơn 20 quốc gia, Ðức Tổng Giám mục dòng Tên nói: "thay vì phụ thuộc vào các châu lục khác như trước đây, tôi nhận thấy các quốc gia châu Á nên hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa để phát triển Nước Chúa ở châu Á".
Ngài cho biết, người Công giáo Nhật chỉ chiếm 0.4% trong số 127 triệu dân Nhật. Người Công giáo ngoại quốc trong quốc gia này đông hơn.
Trước đây, theo Ðức Tổng Giám mục Ikenaga, việc các quốc gia châu Âu và châu Mỹ gửi thừa sai sang châu Phi và châu Á được xem là "chuyện đương nhiên". Tuy nhiên, do số ơn gọi suy giảm trong những năm gần đây, các châu lục này "bắt đầu kêu gọi các quốc gia châu Á và châu Phi gửi linh mục và tu sĩ cho họ".
Vị giám chức nhận xét trong khi ơn gọi ở các nước Mỹ Latin rất nhiều, "các chủng sinh châu Mỹ Latin lại thích đi truyền giáo ở châu Phi - họ không thích sang châu Á".
Cựu bề trên dòng Tên ở Nhật kể trong các chuyến viếng thăm tám quốc gia châu Mỹ Latin ngài nhận thấy các thừa sai "dường như không thấy có kích thích trong việc cống hiến đời mình ở những nơi có kinh tế mạnh như Hồng Kông, Ðài Loan và Nhật, nhưng lại thích giúp các vùng thiếu thốn kinh tế hơn".
Qua kinh nghiệm, ngài thấy nếu các hội đồng giám mục ở các quốc gia châu Á "có nhiều ơn gọi, như Ấn Ðộ, Indonesia, Philippines và Việt Nam", có thể thành lập các hội thừa sai hải ngoại, và điều này sẽ giúp rất nhiều cho các quốc gia châu Á thiếu ơn gọi".
Theo như ngài giải thích với UCA News sau đó, ngài nghĩ người châu Á sẽ thấy dễ hoà nhập môi trường và văn hoá tại một vùng châu Á hơn các thừa sai đến từ các châu lục khác.
Phản ứng đầu tiên của các tham dự viên hội nghị tại một diễn đàn công khai sau bài phát biểu của ngài cho thấy họ cảm thông sâu sắc với Ðức Tổng giám mục nhưng cũng nhận thấy những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ và văn hoá, đặc biệt là ở Nhật, có thể là còn những trở ngại.
Trong Thánh lễ sáng, Ðức Giám mục George Yod Phimphisan của Udon Thani nói rằng các giám mục Thái Lan đã tiến hành một việc gần với ý kiến của Ðức Tổng Giám mục Ikenaga. Trong bài giảng lễ, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan đã nói về Hội Thừa sai Thái Lan. Ðược thành lập năm 1990, hội đã phái một vài linh mục sang Campuchia, và cũng đã "gặp khó khăn" khi phái sang Lào.
Ðức cha Phimphisan dẫn lời Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II nhận xét rằng thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô giáo dành cho châu Âu, và thiên niên kỷ thứ hai dành cho châu Mỹ và châu Phi, trong khi thiên niên kỷ thứ ba dành cho châu Á. Ðức Giám mục dòng Chúa Cứu Thế nói: "Ở đây, tôi không chỉ nhận thấy một nhà tiên tri, mà còn nhận thấy một thách thức đối với chúng ta".
Hội nghị Ơn gọi tại Á châu lần thứ nhất nhằm làm nổi bật các bối cảnh văn hoá và kinh tế xã hội của ơn gọi cũng như bản chất ơn gọi tu trì là kiên quyết theo Ðức Kitô, Ðức Hồng y Michael Michai Kitbunchu của Bangkok giải thích.
Serra Quốc tế, mạng lưới giáo dân quốc tế thúc đẩy ơn gọi linh mục và tu sĩ, đã tổ chức hội nghị này với sự cộng tác của hai văn phòng trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) là Văn phòng Giáo sĩ và Văn phòng Ðời sống Tận hiến.
Chainarong Monthienvichienchai, cựu giám đốc Serra Quốc tế, phát biểu với UCA News hôm 23-10-2007 rằng Serra đã đề xuất ý tưởng tổ chức một hội nghị như thế với Hội Giáo hoàng về Ơn gọi Linh mục ở Rôma.
Chainarong cho biết, "ở các châu lục khác, Hội Giáo hoàng này là nhà tổ chức", nhưng "ở đây, với sự trợ giúp của Serra Quốc tế, thì ngược lại". Chainarong, hiện làm cố vấn cho Serra, hy vọng Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) sẽ tiếp tục những gì mà hội nghị này khởi xướng.
Serra, được thành lập năm 1935 tại Seattle, Mỹ, được đặt theo tên của Chân phước Junipero Serra, một thừa sai người Tây Ban Nha dòng Phanxicô đã lập nhiều giáo điểm ở Mexico và California hồi thế kỷ 18. Serra hiện có mặt tại 36 quốc gia.
Ðược biết, hội nghị ơn gọi châu Á lần đầu tiên đã được khai mạc vào ngày 22/10/2007 tại trung tâm đào tạo mục vụ của tổng giáo phận Bangkok ở Sam Phran.
Hội nghị đã đưa ra một thông điệp nói rằng: "Ngày nay kêu gọi giới trẻ đi tu là một thách thức trên toàn thế giới, nhưng châu Á thấy có hy vọng về ơn gọi giáo sĩ nhiều hơn so với phương Tây nơi đang giảm sút số người đi tu".
Thông điệp này được đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị Ơn gọi Á châu lần đầu tiên về "Ơn gọi tại Á châu Ngày nay". Khoảng 125 giám mục và giáo sĩ phụ trách vấn đề ơn gọi, trong đó có các giám đốc chủng viện, từ 20 quốc gia đang tham dự hội nghị.
Các tham dự viên cho biết hình ảnh ơn gọi ở châu Á đa dạng hơn ở phương Tây, nơi có số ứng sinh vào chủng viện và các dòng tu nam giảm sút trong các thập niên gần đây.
Ðức Tổng Giám mục Orlando Quevedo của Cotabato, Philippines, Tổng Thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu, lưu ý trong bài diễn văn khai mạc rằng hội nghị này tạo cho châu Á cơ hội đánh giá lại những nỗ lực trong cái được ngài gọi là "nguồn phát triển ơn gọi". Ngài nói châu Á và châu Phi mang lại cho Giáo hội cơ hội phát triển tốt nhất, và có lẽ đây là lý do của hội nghị này.
Ðức Hồng y Michael Michai Kitbunchu của Bangkok nhấn mạnh trong bài diễn văn chào đón tham dự viên rằng nhìn kỹ hơn thách thức của việc trở thành linh mục ở châu Á cho thấy không dễ để trở thành môn đệ trung thành của Ðức Kitô hôm nay". Ngài nói bối cảnh văn hoá và kinh tế xã hội hiện nay "ảnh hưởng nặng nề sự hỗn độn, tính ích kỷ, thuyết tương đối và chủ nghĩa hổ lốn".
Ðức Hồng y còn nhận thấy "cuộc sống mới nơi Ðức Kitô" mà các ứng sinh theo đuổi chức linh mục có được khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và sau đó là khi lãnh chức linh mục "là một con đường gian nan vì có rất nhiều chông gai". Ngài nói "hoàn cảnh là một vấn đề thật sự đối với ơn gọi Á châu ngày nay", và tình cảnh đầy thử thách này "đặt ra cho mỗi người trong chúng ta một trách nhiệm nặng nề".
Ðức Hồng y Michai còn nhấn mạnh không ai trong Giáo hội Công giáo được miễn trách nhiệm này. Vị giám chức nói rằng được chuẩn bị để thúc đẩy ơn gọi đích thực "là một sứ mệnh phi thường của Giáo hội Công giáo Á châu chúng ta".
Ðức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, sứ thần Toà Thánh tại Thái Lan, chuyển phép lành của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đến tất cả các tham dự viên.
Giảng trong Thánh lễ khai mạc, Ðức Tổng Giám mục Pennacchio mô tả hội nghị là một "sáng kiến rất đáng tuyên dương", và nói rằng ơn gọi là tặng phẩm, mầu nhiệm và là cuộc sống do Chúa chọn "để hướng dẫn chúng ta phục vụ ngài".
Ngài dùng từ ngữ trong phụng vụ như "phục vụ, tín thác, và từ bỏ" để định nghĩa "ơn gọi", và nói: "Ơn gọi phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài luôn xuất phát từ niềm tin sâu sắc, tận tâm và hy sinh nơi Ngài".
Linh mục John Bosco Witthaya Kooviratana, linh hướng của chủng viện quốc gia Thái Lan, phát biểu với UCA News rằng hội nghị tập trung vào ơn gọi giáo sĩ triều trước hết, và đây là mối quan tâm đặc biệt tại Thái Lan".
Ngài nói: "Cách đây một thập niên, chúng tôi có hơn 300 chủng sinh, nhưng hiện nay chỉ còn 140 chủng sinh thuộc các giáo phận và 50-60 chủng sinh trong các dòng tu".
Cha Witthaya, nằm trong ban tổ chức hội nghị, lưu ý hội nghị diễn ra chỉ cách giáo xứ Thánh Phêrô, giáo xứ lớn nhất Thái Lan, có một kilômét. Ngài cho biết giáo xứ này có khoảng 20,000 giáo dân vẫn đang thừa hưởng "những thành quả" trong quá khứ, và hầu hết các giáo xứ trong quốc gia này cũng vậy. "Giáo xứ Thánh Phêrô có bốn linh mục và hầu hết các giáo xứ ở Thái Lan đều có từ 1-3 linh mục".
Tuy nhiên, cha Witthaya là một người có óc thực tế về các linh mục tương lai trong quốc gia ngài. Ngài nói ơn gọi chỉ có thể phát triển khi có niềm tin mạnh mẽ trong gia đình, "nhưng chủ nghĩa duy vật, toàn cầu hoá và những thay đổi trong xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề này".
Hội nghị được tổ chức bởi Serra Quốc tế, mạng lưới giáo dân quốc tế thúc đẩy ơn gọi linh mục và tu sĩ, phối hợp với Văn phòng Giáo sĩ và Văn phòng Ðời sống Tận hiến của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).
Linh mục Francis Bonnici của Thánh bộ Giáo dục Công giáo Vatican đã đọc lớn thông điệp của Ðức Hồng y Zenon Grocholewski, tổng trưởng Thánh bộ này. Ðức Hồng y còn đứng đầu Hội Giáo hoàng về Ơn gọi Giáo hội, một đơn vị thuộc Thánh bộ đặc trách vấn đề điều phối và xúc tiến công tác thúc đẩy tất cả các ơn gọi trong Giáo hội.
Ðức Hồng y nói nay là "lúc thích hợp" để tổ chức hội nghị ở châu Á, và hội nghị phù hợp với kế hoạch tổ chức hội nghị châu lục về ơn gọi linh mục trong tất cả các châu lục của Vatican. Các hội nghị về ơn gọi linh mục đã được tổ chức ở châu Mỹ Latin (năm 1994), châu Âu (1997) và Bắc Mỹ (2001).
UCAN