Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

trả lời 9 câu hỏi của BGCN

về chuyến viếng thăm Trung Quốc (24-28/09/2007)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trả lời 9 câu hỏi của BGCN về chuyến viếng thăm Trung Quốc (24-28/09/2007).

Câu I: Về Giáo Hội Công Giáo tại Trung quốc.

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Ðoàn chúng tôi gồm 3 Giám mục và 3 linh mục, đã đến thăm những nơi sau đây:

1. Trụ sở Hội Ðồng Giám Mục Trung Quốc tại Bắc Kinh. Có 2 Giám mục, một già một trẻ và vài giáo dân đại diện Hội Yêu Nước tiếp chúng tôi. Chúng tôi trao đổi với nhau về lịch sử truyền giáo với 2 khuynh hướng truyền giáo khác nhau. Nhóm một, tiêu biểu là Matteo Ricci và các linh mục dòng Tên, có lập trường và thái độ vừa tôn trọng truyền thống văn hoá bản địa vừa góp phần thăng tiến xã hội sở tại. Nhóm hai không có lập trường đó, trái lại cấm đoán thực hành Ðạo hiếu với tập tục thờ ông bà tổ tiên. Ðây là một cản trở chính cho sự lớn mạnh của Giáo Hội tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam.

Tôi có phân tích hai cách yêu người của các nhà truyền giáo. Cách thứ nhứt: yêu người vừa là tôn trọng dân tộc bản địa với truyền thống đạo đức và lối sống văn hoá lành mạnh của họ, vừa phục vụ cho sự sống và phẩm giá của họ. Cách thứ hai: yêu người là áp đặt cho dân bản địa những gì mình nghĩ là tốt cho họ. Với Vatican II, truyền giáo ngày nay đòi hỏi theo bước Con Chúa làm người, hội nhập văn hoá, yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng cũng như cho sự sống và phẩm giá con người trong mọi xã hội theo mọi nền kinh tế...

2. Ðại Chủng viện Bắc Kinh. Cha Giám đốc, đã từng đi tu nghiệp tại Ðức quốc, tiếp chúng tôi, và mời chúng tôi nói chuyện với các Ðại Chủng sinh. Cha cũng dẫn chúng tôi đi tham quan Thư viện, nhà nguyện, quang cảnh thông thoáng với sân bóng rộng lớn. Mới được xây dựng những năm gần đây, cơ sở Ðại Chủng Viện khang trang, tân tiến, đồng thời mang bản sắc dân tộc. Ðại Chủng Viện còn là nơi thường huấn ngắn hạn, dài hạn cho linh mục, tu sĩ, huấn luyện giáo dân, với sự tham gia của các giáo sư từ nhiều nơi đến giảng dạy.

3. Toà Tổng Giám mục và Nhà thờ Chánh toà Bắc Kinh. Tiếp đoàn có Ðức Tổng Giám mục Lý Sơn vừa mới nhậm chức tuần trước, có 2 linh mục, một già một trẻ, có 1 nữ tu Bề trên dòng Thánh Giuse. Khi chia sẻ kinh nghiệm mục vụ cho nhau, Ðức Cha Lý Sơn có hỏi tôi ngày nhậm chức có khóc không. Tôi có trả lời là lúc đó tôi không có giờ để khóc. Linh mục tóc bạc có kể cho chúng tôi rằng ông đã góp phần thu xếp để Bắc Kinh có Giám mục như ngày nay. Linh mục trẻ, đã đi tu nghiệp tại Anh quốc, là cha sở Nhà thờ Chánh toà, hướng dẫn chúng tôi tham quan Nhà Thờ Chính Tòa, và cho chúng tôi cùng dâng lễ đồng tế với nhau.

4. Toà Tổng Giám mục và Nhà thờ Chánh toà Thượng Hải. Tiếp chúng tôi, có Ðức Tổng Giám Mục, cha Chưởng Ấn cũng là cha sở Nhà Thờ Chính Tòa, một linh mục trẻ đã đi tu nghiệp Pháp quốc. Ðức Tổng Giám Mục, dòng Tên, năm nay 91 tuổi, song còn nhanh nhẹn, sáng suốt, đầy sức sống. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp. Mấy tháng trước Ngài đã trao đổi thư từ qua lại với tôi, bày tỏ ước mong tôi đến thăm và ở lại với Ngài ít là 4 bốn hôm để tâm sự. Nên vừa mới chào hỏi nhau, Ngài nói gặp nhau ngắn quá, phải trở lại lần khác và ở lâu hơn. Tôi có mời Ngài sang thăm Việt Nam mà Ngài đã đến thăm trong thập niên 40. Ngài cho biết vì lý do sức khoẻ, bác sĩ không cho Ngài đi máy bay. Thật đáng tiếc. Nên tôi có hứa, nếu Chúa cho, sẽ trở lại thăm Ngài lâu ngày hơn.

Câu II và III: Về bang giao Vatican-Trung quốc.

ÐHY Mẫn: Chúng tôi nghe qua có mấy điều kiện như sau: ngoài điều kiện Vatican chấm dứt bang giao với Ðài Loan, mối bang giao cần được xây dựng với tầm nhìn của thời đại và lòng dũng cảm, với trí tuệ và tấm lòng. Biến cố tấn phong 2 Giám mục trong tháng 9 vừa qua (2007), một ở Quảng Ðông vào đầu tháng 9.2007, một ở Bắc Kinh vào 21.9.2007, cả 2 đều có sự đồng thuận của Vatican và Nhà Nước Trung Quốc, là tín hiệu tích cực mở ra triển vọng bang giao. Còn thời điểm thì tùy nỗ lực của đôi bên nhằm vượt qua những dị biệt. Tôi có chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, đồng thời cũng ghi nhận rằng Trung Quốc lớn hơn Việt Nam 15 lần, nên chắc những vấn đề cũng nhiều và phức tạp gắp 15 lần.

Câu IV và V: Về Giáo Hội công khai và hầm trú.

ÐHY Mẫn: Chúng tôi không có dịp tiếp cận với thực tế vấn đề nầy. Vả lại trước khi đi, mọi người trong đoàn đã thống nhất với nhau là cần có một thái độ cư xử với mọi người như anh em một nhà, con một Cha, không phân biệt trên hầm hay dưới hầm, trong hay ngoài tổ chức yêu nước... Trước 1980, chúng ta cũng có Giáo Hội miền Bắc và Giáo Hội miền Nam. Chúng tôi cũng có chia sẻ kinh nghiệm về hành trình thống nhất và giải quyết nhiều tồn tại của thời đóng cửa, qua mối quan hệ 3 bên: Hội Ðồng Giám Mục, Nhà Nước và Vatican.

Câu VI: Quãng trường Thiên An Môn.

ÐHY Mẫn: Chúng tôi tham quan Quãng trường nầy vài ngày trước lễ Quốc Khánh 1.10. Quang cảnh Quãng trường trang trí dịp lễ hội trọng đại để lại cho tôi sứ điệp nầy: bước vào thời đại toàn cầu hoá với một phong thái giữ vững dân tộc tính, đừng để xu hướng toàn cầu hoá đánh mất dân tộc tính với những giá trị văn hoá, tinh thần, đạo đức, là những giá trị góp phần phong phú hoá cuộc sống các dân tộc khác đang cùng nhau trở thành dân cư của một thế giới đang được thu nhỏ thành một ngôi làng.

Câu VII: Thăm quan lăng mộ Matteo Ricci.

ÐHY Mẫn: Cùng chung một chỗ có nhiều lăng mộ khác, đa số là những nhà truyền giáo dòng Tên. Sự trân trọng đối với các vị nầy nhắc nhở tôi về lòng yêu người theo cách thứ nhứt (xem câu trả lời I.1).

Câu VIII: Về Ðại Chủng Viện

(xem câu trả lời I.2)

Câu IX: Bài học thực hành qua chuyến viếng thăm.

ÐHY Mẫn: Chuyến viếng thăm lần nầy cho tôi bài học thực hành nầy:

- (1) bản chất của Giáo Hội là hiệp thông, và sự hiệp thông cần được cụ thể hoá, bước đầu làù tiếp cận và trao đổi, đồng cảm và chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ cho nhau...

- (2) sứ vụ của Giáo Hội  là yêu thương và phục vụ. Phục vụ cho Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô và cũng là phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người. Con người nào? Cụ thể là con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa là Tình Yêu, con người trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới, với ý thức rằng con người và cộng đồng thuộc mọi chế độ và mọi nền kinh tế, trong tiềm năng, đều là anh em một nhà trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.

 

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám Mục Saigòn

Tháng 9/2007

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page