Huấn đức của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI

trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 14/10/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn đức của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 14 tháng 10 năm 2007.

(Radio Veritas Asia 15/10/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Trưa Chúa Nhật, ngày 14 tháng 10 năm 2007, trong bài huấn đức trước khi xướng kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, ÐTC đã giải thích bài phúc âm của Chúa Nhật nói về lòng biết ơn của một trong số 10 người phong cùi vừa được Chúa Giêsu chữa lành. ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Bài phúc âm Chúa Nhật hôm nay ---- (tức Chúa Nhật ngày 14 tháng 10 năm 2007) --- kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi; nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa; mà người này lại là người Samari, tức là người ngoài dân do thái (x. Lc 17, 11-19). Chúa Giêsu nói với người này như sau: "Con hãy chỗi dậy và đi đi! Ðức tin con đã cứu con!" (Lc 17, 19). Trang phúc âm này mời gọi chúng ta suy nghĩ hai điều: trước hết sự cố làm cho ta nghĩ đến hai bậc của việc chữa lành: bậc một là việc chữa lành bên ngoài, trên thân xác; bậc hai là việc chữa lành sâu xa hơn, chạm đến nội tâm sâu xa của con người, và được kinh thánh gọi bằng từ "con tim", và từ đó chiếu sáng ra trên toàn thể cuộc sống. Sự chữa lành hoàn toàn và tận căn là sự cứu rỗi. Qua phân biệt giữa hai cụm từ "sự chữa lành" và "sự cứu rỗi", ngôn ngữ thông dụng giúp chúng ta hiểu rằng "sự cứu rỗi" là điều sâu xa hơn "sự chữa lành"; sự cứu rỗi là sự sống mới, trọn vẹn, vĩnh viễn. Hơn nữa, ở đây cũng như trong những trường hợp khác, Chúa Giêsu tuyên bố lời xác định: "Ðức tin con đã cứu chữa con!" Ðức tin cứu rỗi con người; đức tin thiết lập lại con người trong tương quan sâu xa với Thiên Chúa, với chính mình và với kẻ khác; và đức tin được biểu lộ trong sự biết ơn. Như người Samari được chữa lành, ai biết cám ơn Chúa, thì chứng tỏ mình không nhìn tất cả mọi sự như là điều có quyền hưởng, nhưng như là hồng ân đến từ Thiên Chúa, cả khi hồng ân đó đến với ta từ anh chị em hay từ thiên nhiên. Lúc đó đức tin gồm có việc con người cởi mở đón nhận ân sủng Chúa ban; đó là nhìn nhận rằng tất cả là hồng ân, tất cả là ân sủng. Trong hai tiếng đơn sơ "cám ơn!", có ẩn dấu một kho tàng quý giá biết chừng nào!

Chúa Giêsu chữa lành 10 người mắc bệnh phong, một căn bệnh lúc đó bị xem như là một sự "ô uế dễ lây nhiễm" và đòi buộc một sự thanh tẩy theo nghi thức (x. Lêvi 14, 37). Thật ra, tội lỗi mới chính là "bệnh phong" làm cho con người và xã hội thật sự ra dơ bẩn; đó là sự kiêu ngạo và ích kỷ làm phát sinh trong tâm hồn con người sự lãnh đạm, hận thù và bạo lực. Bệnh phong tinh thần này làm cho dung mạo nhân loại bị biến dạng; và không ai khác có thể chữa lành bệnh phong tinh thần này, ngoại trừ Thiên Chúa, Ðấng là Tình Yêu. Nhờ mở rộng tâm hồn đón nhận Thiên Chúa, đương sự thực hiện sự hoán cải, và được chữa lành trong nội tâm được thoát khỏi sự dữ.

"Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng" (x. Mc 1,15). Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc đời công khai bằng lời mời gọi trên; lời mời gọi này tiếp tục vang lên trong giáo hội, đến độ Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria rất thánh, trong những lần hiện ra, nhất là những lần hiện ra thời hiện đại, Mẹ đã luôn luôn nhắc lại lời kêu gọi ăn năn hối cải này. Hôm nay, tôi nghĩ đặc biệt đến Fatima, nơi mà cách đây 90 năm, từ ngày 13 tháng 5 cho đến ngày 13 tháng 10 (năm 1917), Ðức Nữ Ðồng Trinh đã hiện ra cho ba trẻ chăn chiên: Lucia, Giacinta và Francesco. Nhờ những tiếp vận truyền thanh và truyền hình, tôi muốn hiện diện cách thiêng liêng tại Ðền Thánh Fatima, nơi Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh, đã thay tôi chủ sự những cử hành kết thúc Lễ Kỷ Niệm hết sức ý nghĩa này. Tôi thân ái chào ngài, chào quý vị hồng y và quý giám mục hiện diện; tôi xin chào quý anh em linh mục làm việc tại Ðền Thánh Fatima, và chào anh chị em hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự lễ kỷ niệm này.

Chúng ta hãy khẩn xin Ðức Mẹ cho tất cả mọi người kitô được ơn hối cải đích thực, ngõ hầu sứ điệp Tin Mừng thường hằng được rao giảng và được làm chứng bằng một đời sống ăn khớp và trung thành với Phúc âm; chính sứ điệp Tin Mừng này mới chỉ cho nhân loại biết con đường tiến đến hòa bình đích thực.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Truyền Tin. Kính mời quý vị và các bạn hiệp ý cầu nguyện với ÐTC. (kinh truyền tin...)

Sau khi đã ban phép lành cho dân chúng, ÐTC ngỏ vài lời chào bằng tiếng Bồ Ðào Nha với cộng đoàn hiện diện tại Fatima. ÐTC nhắc lại rằng trong suốt 90 năm qua, tiếp tục vang lên lời Mẹ Fatima kêu gọi các con cái Mẹ hãy sống sự tận hiến của bí tích Rửa Tội trong mọi giây phút cuộc đời. Mẹ Maria chỉ cho chúng ta biết đường dẫn đến Thiên Chúa. ÐTC mời gọi mọi tín hữu hãy đích thân tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria và hãy sống sự tận hiến này bằng một đời sống mỗi ngày phù hợp hơn với Thánh Ý Chúa.

Sau đó bằng tiếng Pháp, ÐTC đã chào chúc như sau: "Như phụng vụ Chúa Nhật nhấn mạnh, Chúa Giêsu nói lên ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, bằng cách chữa lành chúng ta khỏi mọi sự khốn cùng, khỏi mọi tội lỗi. Chúng ta đừng bao giờ quên trở về lại cùng Thiên Chúa và cảm tạ Ngài vì tất cả những điều kỳ diệu Ngài không ngừng thực hiện trong chúng ta."

Bằng tiếng Anh, ÐTC đã nói như sau: "Trong bài Phúc Âm chúa nhật hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót những người phong cùi và chữa lành họ. Chúa muốn nhắc chúng ta nhớ đến ước muốn của Người muốn chữa lành tất cả những ai đau khổ. Trong thời gian anh chị em lưu trú tại Roma này, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em với quyền năng cứu rỗi của Ngài, quyền năng ban hòa bình và niềm vui."

Bằng tiếng BaLan, ÐTC đã nhắc rằng Chúa Nhật 14 tháng 10 tại BaLan là ngày dành cho Ðức Giáo Hoàng, nhất là ngày để cầu nguyện cho công cuộc phong thánh cho tôi tớ Chúa là Ðức Gioan Phaolô II. Ðây cũng là ngày để suy tư về giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II và suy tư về công cuộc từ thiện theo quan tâm của ngài.

Cuối cùng, bằng tiếng Ý, ÐTC nhắc đến những biến cố đau buồn đang xảy ra tại Iraq, về những tấn công và những bạo lực đang đánh động lương tâm của những ai quan tâm đến điều thiện hảo cho đất nước Iraq và đến hòa bình trong Vùng. ÐTC nhắc lại một lần nữa rằng bạo lực không giải quyết được những xung đột. Ngài yêu cầu những kẻ bắt cóc hãy trả tự do cho hai linh mục công giáo của Tổng giáo phận Mosul vừa bị bắt cóc.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta vừa ôn lại kinh Truyền Tin với ÐTC trưa Chúa Nhật, ngày 14 tháng 10 năm 2007.

Xét vì ngày 21 tháng 10 năm 2007, là Chúa Nhật Truyền Giáo, nên trước khi kết thúc Mục Trưa Chúa Nhật với ÐTC, chúng tôi kính mời quý vị và các bạn nghe lại những gì ÐTC đã nói vào trưa Ngày Quốc Tế Truyền Giáo năm vừa qua, tức vào trưa Chúa Nhật 22 tháng 10 năm 2006. ÐTC đã nói về ý nghĩa của Ngày Quốc Tế Truyền Giáo như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Ngày Quốc Tế Truyền Giáo đã được Ðức Piô XI thiết lập; Ngài là đấng đã thúc đẩy mạnh mẽ công việc truyền giáo cho người ngoài -- ad gentes -- Thật vậy, nếu không được tình thương linh động, thì việc truyền giáo bị rút gọn thành sinh hoạt nhân ái và xã hội. Ðối với người kitô, những lời sau đây của thánh Phaolô tông đồ còn giá trị: "Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi" (2 Co 5, 14). Tình thương đã thôi thúc Thiên Chúa Cha sai Con Một Ngài xuống trần, và thôi thúc Con Thiên Chúa hiến dâng chính mình cho chúng ta cho đến chết trên thập giá, chính tình thương đó đã được Chúa Thánh Thần đổ xuống trong tâm hồn các tín hữu. Mọi người đã chịu phép Rửa Tội, như cành nho được liên kết với cây nho, có thể cộng tác vào công việc truyền giáo của Chúa Giêsu, một công việc được tóm kết như là việc mang đến cho mọi người biết Tin Mừng rằng: "Thiên Chúa là Tình Thương", và chính vì thế, Ngài muốn cứu rỗi thế giới.

Sứ mạng Truyền Giáo bắt đầu từ con tim: khi chúng ta dừng lại cầu nguyện trước Chúa Chịu Ðóng Ðinh, với cái nhìn hướng về cạnh sườn Chúa, chúng ta không thể không cảm nghiệm trong nội tâm mình niềm vui, vì biết mình được yêu thương và cảm nghiệm ước muốn sống yêu thương và biến mình thành khí cụ của tình thương nhân từ và của sự hòa giải. Ðây là điều đã xảy ra cách đây 800 năm cho chàng thanh niên tên là Phanxicô, người thành Assisi, tại ngôi nhà thờ nhỏ San Damiano, đang bị sụp. Từ trên thập giá, ---- mà giờ đây được lưu giữ trong Vương Cung Thánh Ðường thánh Chiara, ---- thanh niên Francesco đã nghe Chúa Giêsu nói với mình như sau: "Con hãy đi sửa lại nhà Ta, --- mà như con thấy, --- đang bị sụp đổ. "Ngôi Nhà"ø ở đây trước hết có nghĩa là chính đời sống của mình, cần được sửa lại, nhờ qua việc ăn năn trở lại đích thật; Ngôi Nhà đó, còn có nghĩa là Giáo Hội, một giáo hội không được dựng nên bởi những viên gạch, nhưng bằng những con nguòi sống động, luôn cần được thanh luyện; Ngôi nhà này, có thể là trọn cả nhân loại mà trong đó Thiên Chúa muốn cư ngụ. Sứ mạng Truyền Giáo luôn bắt đầu từ con tim đã được biến đổi bởi tình thương của Thiên Chúa, như chứng tá của biết bao vị thánh, cũng như của biết bao vị tử đạo... Như thế việc Truyền Giáo là việc được mở ra cho tất cả mọi người: cho những ai dấn thân thực hiện Nước Thiên Chúa trong gia đình; cho những ai thi hành nghề nghiệp với tinh thần kitô; cho những ai sống hoàn toàn tận hiến cho Chúa; cho những ai theo Chúa Ðấng chăn chiên nhân lành trong thừa tác vụ phục vụ cho Dân Chúa; đặc biệt cho những ai ra đi rao giảng Chúa Kitô cho tất cả những ai chưa biết Chúa. Nguyện xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng ta sống với sức hăng sai mới, -- mỗi người trong hoàn cảnh mà Chúa Quan Phòng đặt để vào, -- (sống) niềm vui và sự can đảm của sứ mạng truyền giáo.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page