Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống
Nói Chuyện tại Ðại Chủng Viện Hà Nội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống Nói Chuyện tại Ðại Chủng Viện Hà Nội.
Hà
Nội, Việt Nam (9/10/2007) - Trong dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam
họp tại Hà Nội, Ban Giám đốc Ðại chủng viện Hà Nội đã
mời Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hoá
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Giám mục phụ tá tổng giáo
phận Sài Gòn, tới nói chuyện với anh em chủng sinh tại nhà
hội Ðại chủng viện vào chiều ngày 9.10.2007.
Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hoá Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Giám mục phụ tá tổng giáo phận Sài Gòn, Nói Chuyện tại Ðại Chủng Viện Hà Nội. |
Sau lời giới thiệu của cha Phó Giám đốc Giuse Nguyễn Văn Diễm, Ðức cha Giuse đã tạo nên một ấn tượng tình cảm thân mật khi Ngài chào anh em chủng sinh lời chào thân ái. Ngài còn nhớ rất rõ những kỉ niệm của 3 năm về trước, cũng tại nhà hội này, ngài đã tới nói chuyện với chủng sinh. Thế nên, Ðức cha gặp lại chủng sinh mà cứ có cảm tưởng như gặp lại người nhà.
Ðức cha đã chia sẻ về những thao thức, nhiệm vụ của ngài trong Ủy Ban Văn Hoá Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là làm sao hội nhập đức tin Công giáo vào trong nền văn hóa Việt Nam. Hội nhập văn hóa luôn là một ưu tiên của Giáo hội Công giáo vì tầm quan trọng của nó như lời Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II "Một đức tin không trở thành văn hoá là một đức tin không hoàn toàn được tiếp nhận, không được suy nghĩ thấu đáo, không được sống một cách trung tín".
Theo Ðức cha, hội nhập văn hóa (in-culturation) là cả một quá trình đức tin Công giáo phổ quát bước vào một nền văn hóa đặc thù. Ðức tin ấy phải chấp nhận "nhập thể" như Con Chúa xuống thế trở nên giống như mọi người ngoại trừ tội lỗi; đức tin ấy cũng phải mặc lấy mầu nhiệm "vượt qua" như hình ảnh hạt giống Tin Mừng. Hạt giống bị chôn vùi vào lòng đất, chịu mục nát đi, nhưng lại âm thầm nảy mầm, lớn lên xanh tươi và trổ bông trĩu hạt. Hội nhập văn hóa còn là quá trình "gạn đục khơi trong", đức tin loại trừ những mê tín dị đoan, và đồng thời tiếp nhận những nét tinh hoa của một nền văn hóa và tạo cho nó những giá trị cao cả hơn. Hội nhập văn hóa cũng là một chương trình, bởi vì mỗi người, mỗi cộng đoàn nhân loại không chỉ sống trong những nền văn hóa, mà còn là chủ nhân của những nền văn hóa ấy. Chúng ta có thể tạo ra một tiền đề văn hóa để đức tin từ đó được triển khai và lớn lên. Khi ấy văn hóa hòa quyện với đức tin tạo nên những giá trị đẹp trong cuộc sống nhân sinh.
Ðức cha cũng mời gọi anh em chủng sinh hãy thao thức và thực hiện ngay những chương trình hội nhập văn hóa ngay từ lúc đang còn ngồi ghế đại chủng viện, để rồi đây, mỗi chủng sinh sẽ vừa là những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, vừa là những nhà văn hóa Công giáo Việt Nam.
Kết thúc bài nói chuyện, Ðức cha dùng hình ảnh dòng sông bên lở bên bồi để diễn tả sức sống và mối quan hệ hỗ tương giữa đức tin và văn hóa. Dòng sông cũng như cuộc sống con người không ngừng trôi chảy. Như dòng sông bên lở bên bồi đem nước mát phù sa tưới cho ruộng đồng sinh hoa trái, thì đức tin và văn hóa trong dòng chảy cuộc đời cũng mang lại sự tươi mát và sức sống cho con người.
Linh đạo Á Ðông kêu mời mọi người hãy đi về phía mặt trời mọc để nhìn thấy ánh sáng tinh khôi và quên đi cái bóng mờ tối của mình. Chúa Giêsu Kitô là mặt trời công chính. Mọi người chúng ta cũng được kêu mời hướng về Ngài, bước đến với Ngài để đón nhận sự sống, tình yêu và quên đi cái tôi ích kỉ của mình.
Nguyễn Xuân Trường