ÐHY Mẫn Nói Chuyến Thăm Trung Quốc

Sẽ Ðưa Giáo Hội ở Trung Quốc

Và Việt Nam Lại Gần Nhau Hơn

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Mẫn Nói Chuyến Thăm Trung Quốc Sẽ Ðưa Giáo Hội ở Trung Quốc Và Việt Nam Lại Gần Nhau Hơn.

Saigòn, Việt Nam (UCAN AS03528.1466 Ngày 8/10/2007) -- Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo Phận Saigòn Nhận định chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ngài giúp tăng cường tình đòan kết và huynh đệ trong Giáo hội giữa hai nước.


Phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn viếng thăm Ðại Chủng Viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Phái đoàn chụp hình lưu niệm với các đại chủng sinh và ban giám đốc chủng viện.


Ðức Hồng y Mẫn giải thích với UCA News hôm 4-10-2007: "Chuyến đi nhằm tạo tình liên đới, huynh đệ và quan hệ láng giềng giữa hai Giáo hội ở Trung Quốc và Việt Nam".

Nhận lời mời của Vụ Tôn giáo Trung Quốc (SARA), Ðức hồng y 73 tuổi dẫn đầu một phái đoàn năm người viếng thăm Trung Quốc đại lục từ 24-28/9/2007. Tháp tùng ngài có Ðức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội, Ðức cha phó Giuse Võ Ðức Minh của Nha Trang và ba linh mục của tổng giáo phận Saigòn.

Phái đoàn đã thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh (BCCCC), cũng như các lãnh đạo Giáo hội ở các giáo phận Bắc Kinh và Thượng Hải. Họ cũng gặp gỡ các viên chức nhà nước Trung Quốc.

Ðức Hồng y Mẫn, vị hồng y đầu tiên viếng thăm đại lục kể từ khi Ðức Giáo hoàng Benedict XVI gởi thư mục vụ cho người Công giáo Trung Quốc hôm 30-6-2007, nói rằng chuyến thăm là "cơ hội cho chúng tôi xây dựng tình hiệp thông giữa hai Giáo hội, bởi hiệp thông là hiểu biết, cảm thông và chia sẻ tinh thần và vật chất với nhau".

Vị giám chức người Việt Nam gọi người Công giáo ở hai lân quốc là anh chị em với nhau trong gia đình Giáo hội. "Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin mà chúng tôi đã trải qua ở đất nước chúng tôi với Giáo hội tại Trung Quốc mà không phân biệt Giáo hội thầm lặng hay công khai", ngài nói tiếp. Cộng đồng Công giáo 'thầm lăng' ở Trung Quốc không công nhận quyền của Hội Công giáo Yêu nước (CCPA) trên Giáo hội.

Hôm 25-9-2007 tại trụ sở của Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc (BCCCC) và Hội Công giáo Yêu nước (CCPA), Ðức Giám mục Anthony Tu Shihua của giáo phận Puqi và Ðức Giám mục Ma Jinglin (Mã Anh Lâm) của giáo phận Côn Minh, cùng với hai viên chức của Hội Công giáo Yêu nước (CCPA), đã trình bày cho phái đoàn những họat động từ thiện và truyền giáo của họ. Một trong hai viên chức của Hội Công giáo Yêu nước (CCPA) là ông Anthony Liu Bainian (Lưu Bách Niên), phó chủ tịch của Hội Công giáo Yêu nước (CCPA).

Cùng ngày, phái đoàn viếng thăm lăng mộ được trang trí rất đẹp của các thừa sai hải ngoại, kể cả mộ của linh mục dòng Tên Matteo Ricci (1552-1610), tọa lạc trong khuôn viên của Học viện Hành chính Bắc Kinh ở quận Xicheng.

Ðức Hồng y Mẫn nói các viên chức Hội Công giáo Yêu nước (CCPA) đánh giá cao những nỗ lực truyền giáo có hội nhập văn hóa của cha Ricci, và ca ngợi nhà thừa sai người Ý biềt tôn trọng và hiểu biết các giá trị văn hóa và truyền thống của Trung Quốc, trong khi điều này lại thiếu sót ở một số thừa sai khác đã bị trục xuất khỏi quốc gia này. Họ nói với các vị khách rằng các thừa sai phương Tây trứơc đây đã phủ nhận đạo hiếu và điều này phần nào làm cho đạo Công giáo không phát triển ở Trung Quốc, Ðức Hồng y kể.


Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn viếng thăm Trụ Sở của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc.


Hôm 26-9-2007 phái đoàn Việt Nam gặp gỡ ông Ye Xiaowen (Diệp Tiểu Văn), Cục trưởng của Hội Công giáo Yêu nước (CCPA), và các viên chức nhà nước kể cả ông Zhou Ning (Châu Ninh), đứng đầu vụ tôn giáo thuộc Mặt trận thống nhất của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, và ông Liu Haixing (Lưu Hải Tinh), phó trưởng vụ Châu âu thuộc Bộ Ngoại giao.

Ðức Hồng y Mẫn nói các viên chức này, kể cả hai người đã gặp ngài hồi tháng 3/2007 ở Việt Nam, và phái đoàn đã nói lại những vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo mà ngài thảo luận với các vị khách Trung Quốc hồi tháng Ba.

Trong suốt cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh, các viên chức Trung Quốc còn nói với đoàn Việt Nam về quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican, và tông thư của Ðức Thánh cha Benedict XVI gởi cho người Công giáo Trung Quốc.

Sau đó phái đoàn thăm Ðức tân giám mục Joseph Li Shan (Giuse Lý Sơn) của Bắc Kinh, người được Vatican lẫn chính quyền Trung Quốc công nhận, và một số linh mục của giáo phận Bắc Kinh. Ðức Hồng y Mẫn nói ngài chia sẻ những ưu tư của ngài khi mới chịu chức giám mục với Ðức cha Li, và Ðức cha Li hỏi ngài khi mới chịu chức giám mục có khóc không. "Tôi trả lời ngài tôi có quá nhiều việc phải làm nên không có giờ để khóc", Ðức Hồng y vừa kể vừa cười.

Ở Thượng Hải ngày 28-9-2007, phái đoàn đã tiếp kiến Ðức Giám mục 91 tuổi Aloysius Jin Luxian (Kim Lô Hiền) của Thượng Hải và các linh mục giáo phận trong một giờ đồng hồ. Ðức Hồng y kể Ðức cha Jin nói chuyện với ngài bằng tiếng Pháp và nói chuyện với Ðức cha Minh bằng tiếng Ðức.

Ðức cha Jin lấy làm tiếc là có quá ít thời gian nói chuyện với các vị khách Việt Nam, Ðức Hồng y nói thêm, nhưng ngài lưu ý rằng trứơc chuyến đi Ðức cha Jin gởi thư và nói Ðức Hồng y Mẫn nên thăm Thượng Hải bốn ngày để họ có thể nói hết chuyện được.

Ðức Hồng y Mẫn mời Ðức cha Jin thăm thành phố Saigòn, nhưng Ðức giám mục dòng Tên nói ngài không thể vì bệnh tiểu đường và huyết áp cao, Ðức Hồng y kể. Tuy nhiên, Ðức cha Jin mời Ðức Hồng y Mẫn trở lại thăm Thượng Hải và Ðức Hồng y nói ngài hứa sẽ lại thăm Trung Quốc vào năm tới (2008).

Ðức Hồng y nói các lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc và viên chức nhà nước đã tiếp đón phái đoàn của ngài "rất thân thiện và nồng nhiệt". Ba người, kể cả một người Trung Quốc gốc Việt làm phiên dịch, đã theo hướng dẫn đoàn trong suốt chuyến thăm.

Ðức Hồng y Mẫn được ở phòng khách sạn có cả phòng ngủ và tiếp khách và đi xe đặc biệt.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page