Vài điểm đáng chú ý trong Diễn Văn của ÐTC

khi tiếp kiến Ủy ban Thần Học Gia Công Giáo

Luật Tự Nhiên là nền tảng của nền Dân Chủ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài điểm đáng chú ý trong Diễn Văn của ÐTC Beneđitô XVI khi tiếp kiến các Thành Viên Ủy ban Quốc Tế Các Thần Học Gia Công Giáo: Luật Tự Nhiên là nền tảng của nền Dân Chủ.

(Radio Veritas Asia 6/10/2007) - Sáng thứ Sáu, ngày 5 tháng 10 năm 2007, ÐTC Bênêđitô XVI đã tiếp kiến tất cả những thành viên của Ủy Ban Quốc Tế các Thần Học Gia Công Giáo, và đã khẳng định rằng Luật Tự Nhiên phải là nền tảng của nền dân chủ, ngõ hầu những ai cầm quyền cai trị, không có cơ hội tự mình định đoạt điều gì tốt điều gì xấu.

ÐTC đã trình bày những suy tư của ngài cho các thành viên của Ủy ban Quốc Tế Các Thần Học Gia Công Giáo, đang họp Hội Nghị Thường Niên tại Vatican, từ ngày 1 đến 5 tháng 10 năm 2007, dưới quyền chủ toạ của Ðức Hồng Y William Levada, tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, về điều mà ngài xem như là "phương thuốc" để chữa trị căn bệnh "tương đối hoá luân lý" của thời đại. ÐTC quả quyết rằng Luật Tự Nhiên là quy luật đã được Ðấng tạo Hoá khắc ghi vào trong con tim con người, nhằm giúp con người phân định điều tốt xấu. Nhưng xã hội dân sự và đời thường ngày nay đang gặp phải tình trạng lẫn lộn, mà nguyên do một phần đến từ các yếu tố văn hoá và ý thức hệ. Sự hiển nhiên nguyên thủy của những nền tảng cho cuộc sống con người và cho nếp sống luân lý, đã bị đánh mất; và lập trường về luật luân lý tự nhiên, gặp sức đối kháng từ những quan niệm khác đối nghịch với nếp sống luân lý. Trật tự dân sự và xã hội do đó phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề nảy sinh không phải do việc đi tìm điều tốt, nhưng là do việc tìm kiếm quyền hành, hoặc tìm kiếm sự cân bằng các quyền lực. Gốc rễ của khuynh hướng hành động như vừa nói trên, là chủ thuyết tương đối hoá luân lý, mà một số người xem như là một trong những điều kiện chính cho nền dân chủ, bởi vì họ cho rằng chủ thuyết tương đối hoá, sẽ bảo đảm cho tinh thần khoan dung và sự tôn trọng lẫn nhau. Và, do đó, bất cứ lúc nào, những thành phần đa số sẽ trở thành như là nguồn gốc cuối cùng làm nên luật pháp. Nhưng lịch sử chứng minh rằng đa số có thể sai lầm. Sự đồng ý của nhiều người, hay của đa số, không bảo đảm cho sự đúng lý. Chỉ có sự cởi mở của lý trí con người để chấp nhận cái lý của Ðấng tạo hoá, và sự cùng nhau lắng nghe Ðấng là Nguồn mạch của Lý Trí con người, (chỉ có sự cởi mở và lắng nghe này) mới bảo đảm cho cái đúng lý.

Hơn nữa, Ðức Bênêđitô XVI còn đi xa hơn, khi quả quyết rằng luật tự nhiên là một bảo đảm cho sự tự do.

ÐTC đã giải thích lập trường này như sau: "Trong những gì có liên hệ đến những điều thiết yếu căn bản --- chẳng hạn như: phẩm giá con người, sự sống con người, định chế gia đình và sự công bằng trong trật tự xã hội, --- hay nói cách gọn lại, những quyền lợi căn bản của con người, thì không có luật lệ nào do con người làm nên, có sức đảo ngược lại quy luật đã được Ðấng tạo Hoá viết vào con tim con người, mà không làm lung lay nền tảng trung tâm của xã hội.

ÐTC quả quyết như sau: "Luật tự nhiên là một bảo đảm đích thật cho mọi người được sống trong tự do và bảo đảm cho sự tôn trọng phẩm giá con người. Nhờ luật tự nhiên, con người tránh được mọi lèo lái do ý thức hệ và được bảo vệ khỏi mọi lạm dụng của kẻ có quyền. Gặp trường hợp lương tâm tập thể bị lu mờ, chủ thuyết hoài nghi và chủ thuyết tương đối hoá luân lý đạt được mục tiêu xoá bỏ những nguyên tắc nền tảng của luật tự nhiên, thì lúc đó trật tự dân chủ có thể bị lung lay sâu xa nơi chính những nền tảng của nó. Và Ðức Thánh Cha Bêenêđitô XVI kêu gọi mọi người thuộc mọi niềm tin tôn giáo, hãy cùng nhau tranh đấu để nguy cơ vừa nói trên, không thể xảy ra. ÐTC đã nói như sau: "Chống lại sự làm lu mờ này, --- và đây là một khủng hoảng của nền văn minh con người, nhất là của nền văn minh kitô, --- lương tâm của tất cả mọi người nam nữ thiện chí, cần được vận dụng, để mọi người cùng nhau dấn thân, nhắm thiết lập những điều kiện cần thiết, giúp ý thức đầy đủ về giá trị không thể xúc phạm được của luật luân lý tự nhiên.

Ðức Thánh Cha nói lên xác tín rằng bước tiến của con người cũng như của xã hội, trên con đường tiến bộ đích thực, tuỳ thuộc vào sự tôn trọng luật luân lý tự nhiên, phù hợp với lý trí đúng của con người, một lý trí được hiểu như là sự tham dự vào Thượng Trí muôn đời của Thiên Chúa.

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là những suy tư của Ðức Thánh Cha biện hộ cho lập trường xác nhận luật tự nhiên như là nền tảng của dân chủ. Nếu bỏ mất điều này, thì nền văn minh của con người sẽ bị khủng hoảng. Và cần tôn trọng luật luân lý tự nhiên, để sống tự do và không bị lèo lái bởi ý thức hệ, không bị lạm dụng bởi kẻ có quyền. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page