Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC)

và các lãnh đạo tôn giáo khác

kêu gọi thiết lập hòa bình ở Myanmar

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) và các lãnh đạo tôn giáo khác kêu gọi thiết lập hòa bình ở Myanmar.

Bangkok, Thái Lan (UCAN AS03479.1464 Ngày 28-9-2007) - Các lãnh đạo tôn giáo ở châu Á đã cùng các lãnh đạo thế giới kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar, khi quân đội của quốc gia này mở một cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ở Yangon.


Dân chúng Miến Ðiện tham dự cuộc biểu tình do các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu ở Yangon.


Trong thư gửi chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar (CBCM), Ðức Tổng Giám mục Orlando B. Quevedo của Cotabato, Philippines, tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc nhất" của mình về "các vụ việc đau buồn" ở Myanmar.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin hôm 28-9-2007, binh lính đã dùng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình do các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu ở Yangon, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và chiếm đóng hay phong tỏa các tu viện Phật giáo.

Trong thư gửi cho Ðức Tổng Giám mục Paul Zinghtung Grawng của Mandalay hôm 28-9-2007, Ðức Tổng Giám mục Quevedo nói rằng các giám mục hết sức đồng cảm khi đọc bản tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar (CBCM) phát hành hai ngày trước đó, kêu gọi người Công giáo ở Myanmar cầu nguyện trong khi xảy ra khủng hoảng.

"Thay mặt Liên Hội đồng Giám mục Á châu, tôi xin bày tỏ tình đoàn kết với các ngài. Tôi đang thúc giục các hội đồng giám mục thành viên và các cộng tác viên cầu nguyện và dâng lễ cầu xin Thiên Chúa Hòa Bình chấm dứt bạo lực", Ðức Tổng Giám mục Quevedo viết.

"Chúng tôi cầu xin cho các vấn đề trong quốc gia thân yêu của các ngài được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình vì lợi ích chung. Ðây là tiến trình chúng tôi muốn kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện", ngài thêm.

Cũng từ miền Nam Philippines, đại diện các giám mục Công giáo và ulama (các học giả Hồi giáo) ở đó, Ðức Tổng Giám mục Fernando Capalla của Davao phát biểu với UCA News hôm 27-9-2007 rằng Hội đồng Giám mục, các Học giả Hồi giáo của Mindanao "chuyển lời cầu nguyện cho hòa bình và bảo đảm tình đoàn kết hữu nghị đến Ðức Tổng Giám mục Charles Bo của Yangon và các giám mục Myanmar".

Ở các nơi khác, các lãnh đạo tôn giáo và người biểu tình cũng kêu gọi hòa bình cho quốc gia đa số Phật tử Myanmar, trong đó các viên chức Giáo hội ở Ấn Ðộ đã thúc giục chính phủ của họ và Liên hiệp quốc can thiệp.

Việc giết hại các tu sĩ Phật giáo và những người khác ở Myanmar gây đau khổ cho Giáo hội, linh mục Babu Joseph, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ (CBCI), phát biểu với UCA News hôm 27-9-2007. Quân đội Myanmar nên tôn trọng khát vọng dân chủ của người dân, vị linh mục dòng Ngôi Lời khuyên. Cộng đồng quốc tế không bỏ qua hành động đàn áp tàn bạo quyền dân chủ của người dân.


Dân chúng Miến Ðiện tham dự cuộc biểu tình do các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu ở Yangon.


Linh mục M.D. Thomas, thư ký Ủy ban Ðối thoại Liên tôn của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Ðộ (CBCI), và mục sư Enos Das Pradhan, tổng thư ký của Giáo hội Bắc Ấn, cũng lên án các vụ giết hại ở Yangon.

Cha Thomas nói với UCA News hôm 28-9-2007 rằng các lãnh đạo tôn giáo có bổn phận ủng hộ chính nghĩa của người dân Myanmar và phản đối "các biện pháp độc tài" của chính quyền đó. Ngài đề nghị chính phủ Ấn Ðộ cần bảo nước láng giềng phía đông của mình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Liên hiệp quốc cần đàm phán với chính quyền Myanmar để phục hồi hòa bình và trật tự xã hội ở đó, ngài nói thêm.

Mục sư Pradhan cũng nói với UCA News trong ngày 28-9-2007 rằng Giáo hội của ông đang tổ chức các buổi cầu nguyện đặc biệt cho người dân Myanmar và chính phủ của họ.

Các cuộc phản đối chống các hành động của chính phủ Myanmar đã được tổ chức ở một số thủ đô của các quốc gia châu Á. Ở Sri Lanka, thành viên của Hội Tu sĩ Sinh viên Myanmar phản đối bên ngoài tòa đại sứ Myanmar ở Colombo hôm 27-9-2007, và các cuộc biểu tình cũng được tổ chức bên ngoài tòa đại sứ Myanmar ở Thái Lan.

Các phương tiện truyền thông Thái Lan đưa tin Rosana Tositrakul, một đại diện của Mạng lưới Phật giáo Thái Lan, và 20 nhà ủng hộ đã trình thư lên văn phòng thượng phụ giáo chủ Phật giáo tối cao của Thái Lan. Theo tin cho biết, bức thư đề nghị vị tu sĩ cấp cao nhất này thúc giục các Phật tử Thái Lan ép Myanmar không được dùng bạo lực đối với các tu sĩ hay đàn áp các cuộc phản đối.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng kêu gọi chính quyền quân sự hãy đi theo con đường hòa bình của Phật giáo. "Với tư cách là một nhà sư Phật giáo, tôi kêu gọi các thành viên trong chính quyền quân sự theo Phật giáo hành động phù hợp Phật pháp (giáo huấn tôn giáo) trong tinh thần yêu thương và phi bạo lực".

Lãnh đạo của người Tây Tạng bị lưu đầy này đã được nhận giải Nobel Hòa bình, giống như Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phe phản đối Myanmar bị quản thúc suốt từ năm 1990. Ðảng của bà đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử toàn quốc năm đó, nhưng không được phép lên nắm quyền.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page