Thánh lễ đầu tiên mang lại phấn khởi

cho người dân tộc Chăm Công giáo

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh lễ đầu tiên mang lại phấn khởi cho người dân tộc Chăm Công giáo.

Tháp Chàm - Phan Rang, Việt Nam (UCAN VT03458.1464 Ngày 28-9-2007) - Bị tẩy chay từ lâu vì đức tin của mình, người dân tộc Chăm Công giáo đã tham dự Thánh lễ lần đầu tiên ngay tại làng mình ở miền trung Việt Nam trong tết Ramuwan, lễ hội hàng năm lớn nhất của họ.

Thánh lễ được cử hành vào ngày 11-9-2007 tại nhà ông Giuse Tài Ðại Dựng ở Phước Nhơn, một ngôi làng thuộc tỉnh Ninh Thuận, cách Hà Nội 1,400 km về phía nam.

Ông Dựng, được rửa tội năm 1998, phát biểu với UCA News: "Ðây là thánh lễ đầu tiên trên đất Chăm, ghi dấu mốc lịch sử trong quá trình theo Chúa của cộng đồng người Chăm chúng tôi. Chúng tôi thấy càng tin tưởng Chúa và Giáo hội hơn nữa. Bản thân tôi cảm thấy Chúa gần gũi và đang đồng hành với chúng tôi trong cuộc sống thường ngày".

Khoảng 20 người Kinh Công giáo, trong đó có các tu sĩ và thành viên hội đồng giáo xứ địa phương, đã cùng với 40 người Chăm Công giáo trong làng tham dự Thánh lễ lịch sử này. Tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế Bônaventra Ðạo Văn Thảo, người Chăm, nói với UCA News rằng Thánh lễ này là một kinh nghiệm đức tin hết sức cảm động đối với thầy.

Anh Dựng cho biết Ramuwan là lễ hội lớn nhất đối với người Chăm, đa số theo đạo Bà Ni, kết hợp giữa các tín ngưỡng truyền thống của người Chăm và đạo Hồi.

Trong ba ngày tết, anh kể, những người theo đạo Bà Ni viếng mộ ông bà, dâng hương, trái cây, trầu cau và bánh ngọt, thăm viếng hàng xóm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ðệ, được bổ nhiệm làm chánh xứ Thủy Lợi và coi sóc làng này từ năm 2005, đã chủ tế Thánh lễ. Ngài cho UCA News biết ngài muốn dâng Thánh lễ này trong dịp tết Ramuwan năm nay, từ ngày 11-13/9/2007, để cầu cho ông bà tổ tiên và bình an cho dân làng.

Vị linh mục 41 tuổi lưu ý Thánh lễ không những tạo cơ hội cho người Chăm Công giáo trong làng gặp gỡ và viếng thăm nhau, mà còn động viên nhau giữ vững đức tin trong những nghịch cảnh. Ngài nói thêm, với sự hiện diện của các tu sĩ và lãnh đạo giáo dân người Kinh trong Thánh lễ, "lễ hội này còn là dịp để người Kinh Công giáo láng giềng viếng thăm và tìm hiểu các truyền thống và văn hóa Chăm".

Cha Ðệ còn giải thích rằng người Chăm Công giáo bị cấm không được tham dự các lễ quan trọng trong cộng đồng. Mặc dù họ là người Chăm, nhưng họ không được phép vào khuôn viên Thanggik (chùa) nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng và có thể không được phép chôn cất trong các nghĩa trang của người Chăm.

Theo cha Ðệ, những người Chăm theo các tôn giáo khác được xem là người theo dị giáo và bị cộng đồng tẩy chay. Ngài ước tính có 80% trong số 5,400 người Chăm trong thôn Phước Nhơn theo đạo Bà Ni, và ngoài 40 người theo Công giáo, còn lại đều theo đạo Bà Chăm, hay đạo Hồi.

Theo sử liệu, các thương gia Ba tư và Ảrập truyền đạo Hồi cho người Chăm vào thế kỷ thứ chín. Khi đạo Bà Ni phát triển, nó đưa vào các yếu tố văn hóa truyền thống của người Chăm, và trở thành giáo phái riêng từ thế kỷ 17.

Các tín đồ đạo Bà Ni bầu chọn Char, những người được ưu tuyển của mỗi dòng tộc Chăm, các tu sĩ này cử hành các nghi lễ theo cách riêng của họ và quyết định các vấn đề về luật tôn giáo. Sau lễ hội Ramuwan, các thầy Char bắt đầu tháng chay Ramadan của Hồi giáo. Họ bước vào Thanggik để đọc kinh Qur'an và cầu thánh Allah ban phúc lành cho người thân, họ được người thân mang cơm và bánh trái đến vào ban đêm.

Năm nay (2007), người Hồi giáo ở Việt Nam cử hành tháng chay Ramadan từ ngày 13/9-12/10/2007, nhưng các tín đồ Bà Ni không theo tục lệ Hồi giáo là giữ chay từ sáng sớm đến chiều tối trong suốt tháng chay.

Giuse Thập Hữu Chuẩn, một người Chăm làm việc ở thành phố Saigòn trở về làng tham dự Thánh lễ, cho UCA News biết người Chăm Công giáo hết sức cần sự động viên và quan tâm từ phía Giáo hội địa phương. Chuẩn, 25 tuổi, cho biết anh đang lo lắng về chuyện lập gia đình của anh sau này bởi vì người bạn gái theo đạo Hồi của anh không thể theo đạo Công giáo được vì chế độ mẫu hệ của người Chăm và khác biệt giữa hai tôn giáo.

Theo thống kê của Giáo hội, có khoảng 300 người Chăm Công giáo trong số 65,000 người Chăm đang sinh sống tại 23 thôn làng của tỉnh Ninh Thuận.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page