Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI
kêu gọi hòa bình cho Myanmar
và hòa giải cho Triều Tiên
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI kêu gọi hòa bình cho Myanmar và hòa giải cho Triều Tiên.
(Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên ở Rôma)
Thành phố Vatican (UCAN ZY03484.1465 Ngày 1-10-2007) - Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đã bày tỏ tình đoàn kết và sự gần gũi về tinh thần với người dân Myanmar và mời gọi toàn thế giới cầu xin cho các bên tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở đó.
Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI còn thúc giục cầu nguyện cho những nỗ lực hòa giải ở Triều Tiên.
Ðức Thánh cha đưa ra những lời kêu gọi này vào trưa ngày 30-9-2007 sau khi đọc Kinh Truyền Tin với hàng trăm khách hành hương đến từ nhiều quốc gia tại Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của giáo hoàng bên ngoài Rôma.
Quan tâm đến hoàn cảnh thương tâm ở Myanmar, Ðức Thánh cha nói: "Tôi hết sức lo lắng khi theo dõi các sự kiện nghiêm trọng nhất trong những ngày này ở Myanmar, và tôi muốn bày tỏ sự gần gủi về tinh thần với người dân Myanmar thân yêu trong thời điểm thử thách đau đớn mà người dân nước này đang trải qua".
Ngài nói: "Trong khi tôi cam đoan đoàn kết và cầu nguyện thật nhiều cho người dân Myanmar, tôi cũng mời gọi toàn thể Giáo hội cũng làm như thế, và tôi lạc quan hy vọng các bên sẽ tìm ra một giải pháp hòa bình vì lợi quốc gia".
Các nguồn tin ở Vatican cho biết Ðức Thánh cha theo dõi sát sao diễn biến trong tuần qua khi quân đội Myanmar dùng bạo lực đàn áp các cuộc phản đối vì hòa bình do các tu sĩ Phật giáo dẫn đầu ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Ngài nhận thấy có nhiều tu viện Phật giáo bị xâm phạm và bị niêm phong, và Internet trên cả nước này không truy cập được.
Theo một số nguồn tin ngoại giao do các phương tiện truyền thông trích dẫn, lực lượng an ninh đã giết chết khoảng 200 người phản đối, đánh đập hay làm bị thương nhiều người khác, và bỏ tù khoảng 850 nhà sư và lãnh đạo dân chủ.
Ðức Thánh cha đưa ra lời bình luận hai ngày sau khi các lãnh đạo của bốn triệu Kitô hữu của Myanmar, trong đó có 600,000 người Công giáo, gửi thư cho Tướng Than Shwe, chủ tịch Ủy ban Hòa bình và Phát triển Nhà nước, lực lượng quân đội cai trị quốc gia này, hôm 28-9-2007. Thư của họ bày tỏ "lo lắng và quan ngại đặc biệt trước tình hình bạo động đang diễn ra trong nước hiện nay".
Thư của các lãnh đạo Kitô giáo, do Ðức Tổng Giám mục Charles Bo, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar, và Ðức Tổng Giám mục Samuel Mahn, chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Myanmar, ký tên, kêu gọi người đứng đầu chính quyền quân sự "giải quyết vụ việc bằng tình thương của người cha và giải pháp hòa bình để mang lại ổn định, hòa bình và phi bạo lực, đây cũng là khát vọng của người dân".
Cũng trong ngày 28-9-2007, Ðức Tổng Giám mục Orlando Quevedo của Cotabato, Philippines, tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã gửi thư bày tỏ tình đoàn kết với các giám mục Myanmar.
Sau khi mời gọi cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình ở Myanmar, Ðức Bênêđictô XVI nói về các diễn biến mang tính tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên và ước muốn thúc đẩy tiến trình này. Ngài nói: "Tôi cũng kêu gọi anh chị em cầu nguyện cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi có một số diễn biến quan trọng trong cuộc đối thoại liên Triều mang lại hy vọng những nỗ lực hòa giải đang được thực hiện có thể được đẩy mạnh vì lợi ích của người dân Triều Tiên và vì lợi ích bình ổn và hòa bình trong toàn khu vực".
Cả hai chính phủ của bán đảo bị phân chia này cùng lúc thông báo hôm 8-8-2007 rằng tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun sẽ gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il từ ngày 28-30/8/2007 tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cuộc họp cấp cao này đã bị hoãn lại đến ngày 2-10-2007 do lũ lụt gây thiệt hại nặng nề ở Bắc Hàn trong suốt tháng 8/2007.
Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Roh sẽ đi bộ băng qua biên giới liên Triều được tăng cường phòng thủ chặt chẽ vào ngày 2-10-2007. Người tiền nhiệm của ông là Kim Dae-jung đã đi máy bay sang Bắc Hàn khi tham dự cuộc họp cấp cao liên Triều lần đầu tiên hồi tháng 6-2000, cũng tại Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp cấp cao lần này, theo các phương tiện truyền thông địa phương, hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn sẽ hội kiến bốn đến sáu lần và bàn cách cải thiện quan hệ để đi đến đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước.
Bán đảo Triều Tiên bị phân chia từ khi Thế Chiến thứ II kết thúc vào năm 1945, và sự tổn thương sâu sắc do cuộc chiến Triều tiên từ năm 1950-1953 để lại đến nay vẫn còn.
UCAN