Phỏng vấn Ðức Hồng Y George Pell

về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Ðức Hồng Y George Pell về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney.

Tin Sydney, Australia (Avvenire 25-9-2007) - Bắt đầu từ tháng 7 năm 2007, các bạn trẻ không theo nhóm, muốn tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney 2008, đã có thể bắt đầu ghi danh. Công việc chuẩn bị cho ngày trọng đại này vẫn tiếp tục tiến hành tốt đẹp và mang chiều kích liên tôn. Ðức Cha Anthony Fischer đặc trách phối hợp Ủy Ban của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney cho biết cách đây một tháng ngài đã tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên ban tổ chức và các vị lãnh đạo cộng đoàn Hồi Giáo Australia. Trong buổi họp đó Ðức Cha nói với mọi người hiện diện rằng: "Sự hòa bình và cộng tác giữa các người thuộc các tôn giáo khác nhau, đặc biệt giữa các tín hữu của các truyền thống độc thần lớn của Kinh Thánh cũng diễn tả ước vọng của nhiều người trẻ". Cuộc gặp gỡ xem ra chỉ là một thói quen, nhưng đã đem lại kết qủa không ngờ, bởi vì giờ đây cộng đoàn Tin Lành và Hồi giáo thành phố Wollongong, cách Sydney 100 cây số, cũng cho ban tổ chức biết họ sẵn sàng dành các cơ cấu của họ để tiếp đón 12,000 bạn trẻ sẽ đến đây sống kinh nghiệm gặp gỡ trao đổi với thực tại giáo phận này. Ðức Cha Peter Ingham, Giám Mục giáo phận Wollongong cũng như ông thị trưởng Alex Darling và các nhân viên thuộc Ủy ban chuẩn bị Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cũng rất háo hức cảm động trông chờ biến cố có một không hai này. Bình luận về sự kiện này Ðức Cha Ingham nói: "Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney 2008 sẽ là biến cố chứng minh cho thấy lòng tin dẫn đến sự hiệp nhất chứ không chia rẽ. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thật là một phước lành đối với giáo phận trẻ của chúng tôi".

Theo chương trình dự định ngày 15 tháng 7 năm 2008, Ðức Hồng Y George Pell Tổng Giám Mục Sydney sẽ đồng tế thánh lễ khai mạc với Ðức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách Giáo Dân. Trong các ngày từ 16 đến 18/7/2008, các bạn trẻ sẽ tham dự các buổi học giáo lý tại 300 địa điểm khác nhau trong thành phố. Ngày 17 tháng 7/2008 có lễ nghi tiếp đón Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tại hải cảng Sydney Darling Harbour. Thứ sáu 18 tháng 7/2008 có buổi đi đàng Thánh Giá qua các nơi biểu tượng trong thành phố. Chiều 19 tháng 7/2008 các bạn trẻ sẽ tham dự buổi canh thức với Ðức Thánh Cha tại trường đua ngựa Randwich và thánh lễ bế mạc sáng Chúa Nhật hôm sau 20 tháng 7/2008. Trường đua ngựa Randwich có chỗ cho 400 ngàn người tham dự, cộng thêm 200 ngàn chỗ trong công viên Centennial Park, nơi tín hữu có thể tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ. Ðã có 18 địa điểm được đề nghị, nhưng sau cùng trường đua ngựa Randwich đã được chọn, và thực ra trong qúa khứ đây cũng đã là địa điểm được chọn để tổ chức nhiều biến cố khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục giáo phận Sydney về biến cố trọng đại này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Giáo Hội Austrtalia là một Giáo Hội trẻ, vì chỉ có 200 năm lịch sử. Ðây cũng là lần đầu tiên một cuộc găp gỡ quốc tế với sự hiện diện của Ðức Thánh Cha được tổ chức trong một giáo đoàn trẻ tuổi như vậy. Công tác chuẩn bị đang tiến hành ra sao thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Ðối với cá nhân tôi, tôi chú trọng tới việc chuẩn bị tinh thần hơn là các khía cạnh tổ chức bề ngoài, hiện do một ủy ban đặc trách đang hoạt động một cách rất hữu hiệu. Tôi xin lập lại: Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một biến cố tinh thần, mục đích của nó là giúp chúng ta rộng mở cho tha nhân. Chẳng hạn khi nói tới đại kết, cần phải nhớ rằng: các tín hữu công giáo hăng say cũng có nghĩa là hăng hái đối thoại trong nỗ lực gặp gỡ tha nhân. Chính vì thế nên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được rộng mở tiếp đón tất cả mọi người. Và khi tới Sydney Ðức Thánh Cha cũng sẽ gặp giới lãnh đạo các tôn giáo khác.

Hỏi: Ðề tài mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI muốn chọn cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân cho Thầy". Nó có nghĩa gì đối với những người chuẩn bị cuộc gặp gỡ này?

Ðáp: Nó có nghĩa là chúng tôi phải kêu gọi giới trẻ đi theo Chúa Kitô và sự hoán cải của họ sẽ dẫn đưa họ tới các chọn lựa trong cuộc sống thường ngày: đối với hôn nhân, gia đình, luân lý tính dục, các đề tài liên quan tới luân lý sinh học, phúc chế người, công bằng xã hội, trợ giúp người nghèo, hòa bình, và nhiều đề tài khác nữa. Tất cả đều là các vấn đề quan trọng, nhưng nếu con người không hoán cải tâm lòng thì cũng giống như để ngựa đàng sau xe, và xe sẽ không đi đâu hết. Trái lại trước tiên cần phải lựa chọn Chúa Kitô và mọi chyện còn lại chỉ là kết qủa của sự lựa chọn đó. Tại Sydney bên Australia này cũng như tại Koeln bên Ðức tôn giáo sẽ trở lại trung tâm cuộc sống, ít nhất trong vài tuần.

Hỏi: Ðức Hồng Y thường nói tới "sự khác biệt Australia". Nó có nghĩa là gì vậy?

Ðáp: Tôi nghĩ tới nền văn hóa. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: tại Italia có nền văn hóa triệt để công giáo, nhưng cũng có những tín hữu Kitô vô thần như bà Oriana Fallaci. Trái lại bên Australia, nền văn hóa công giáo không đâm rễ sâu và không phổ biến như vậy, vì thế nên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một dịp may giúp canh tân và đẩy mạnh toàn Giáo Hội Australia. Ðó là điều mà chúng tôi xin nơi người trẻ hành hương sẽ đến Sydney để khích lệ chúng tôi.

Hỏi: Giáo Hội Australia sẽ cống hiến cho các người trẻ đến hành hương nơi đây những gì thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Australia là một vùng đất hòa bình, giầu cảnh đẹp thiên nhiên và đầy năng lực. Giữa chúng tôi có nhiều người trẻ sống đời chứng nhân cho Chúa và Tin Mừng một cách đích thực. Ðiều mà Australia có thể cống hiến là một sứ điệp hy vọng chân thành.

Hỏi: Cách đây mấy ngày có người đã tố cáo Ðức Hồng Y là khinh thường Quốc Hội Australia, vì Ðức Hồng Y đã mạnh mẽ trình bầy lập trường chống lại việc phúc chế người, và họ đề nghị phải có biện pháp luật lệ đối với Ðức Hồng Y, nhưng đề nghị này đã bị phản bác. Ðức Hồng Y nghĩ gì về những tấn kích ấy?

Ðáp: Tôi thấy rằng sau cùng tự do tôn giáo đã thắng. Các người có lòng tin phải có thể nói lên quan điểm của mình. Làm chứng cho quan niệm Kitô không là điều xúc phạm tới ai hết. Ngoài việc đề nghị có biện pháp chống lại cá nhân tôi, các chuyện như thế chứng minh cho thấy ngay tại Australia này cũng có một sự đối đầu đích thật giữa các luật lệ do Quốc Hội đưa ra và quan điểm luân lý đạo đức được Giáo Hội rao giảng và bênh vực.

Hỏi: Tuy nhiên, trong xã hội Australia cũng có một vết thương chưa lành: đó là các liên hệ khó khăn với các cộng đoàn thổ dân. Ðức Hồng Y có nghĩ rằng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ có thể góp phần vào tiến trình hòa giải hay không?

Ðáp: Giáo Hội không mệt mỏi hoạt động trong chiều hướng này. Chúng tôi có nhiều cộng đoàn thổ dân công giáo và cùng với họ chúng tôi đang xây dựng một tương lai dựa trên sự hòa giải. Sự kiện các anh chị em thổ dân đang hăng say tháp tùng Thánh Giá Giới Trẻ và Ảnh Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chứng minh cho thấy điều đó. Các anh chị em thổ dân mời người trẻ công giáo tới trong các vùng đất của họ, vì họ coi các bạn trẻ như là bạn hữu của họ. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã gặp gỡ các anh chị em thổ dân trong chuyến công du mục vụ Australia và họ không quên người.

Hỏi: Trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ có một vài lễ nghi được cử hành bằng tiếng Latinh. Người trẻ ngày nay không biết tiếng Latinh nữa, Ðức Hồng Y không thấy đó là một lựa chọn "lỗi thời" sao?

Ðáp: Ðâu có lỗi thời! Về điểm này tôi hoàn toàn đồng ý với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh không phải là một bước thụt lùi về đàng sau đối với các cải cách phụng vụ của Công Ðồng Chung Vaticăng II. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh trên sự tiếp nối giữa Giáo Hội cũ và Giáo Hội ngày nay: Ðức Thánh Cha thường lập lại nhiều lần rằng không có sự bẻ gẫy đoạn tuyệt giữa hiện tại, tương lai và thời Công Ðồng Chung Vaticăng II. Và tôi hoàn toàn đồng ý với Ðức Thánh Cha. Cả trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Koeln năm 2005 chúng tôi cũng đã cử hành Kinh Chiều bằng tiếng Latinh. Trong bối cảnh quốc tế và đa văn hóa như Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và các đại hội quốc tế tiếng la tinh là dấu chỉ của sự rộng mở và đại đồng của Giáo Hội.

Hỏi: Ðức Hồng Y có muốn đưa ra lời kêu gọi nào cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney hay không?

Ðáp: Lời mời gọi của tôi có tính cách tinh thần: tôi xin người trẻ thế giới đến gặp gỡ chúng tôi trên vùng đất rất xinh đẹp này là Australia, nơi họ có thể ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên. Là Kitô hữu chúng ta ý thức được rằng thế hệ ngày nay không có quyền phung phí những gì thuộc các thế hệ tương lai. Vì thế chúng tôi xin các bạn trẻ đến thăm chúng tôi và giúp chúng tôi phổ biến sứ điệp Kitô giữa các bạn trẻ Australia. Tôi xin các bạn trẻ toàn thế giới đến Sydney để có thể củng cố lòng tin của chúng tôi và lòng tin của chính họ.

 

Linh Tiến Khải

Radio Vatican (03/10/2007 18.15.36)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page