Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar (Miến Ðiện)
trước tình hình biến động của đất nước
Chính phủ quân phiệt tại Myanmar (Miến Ðiện) đã đàn áp dã man
cuộc biểu tình ôn òa để đòi tự do và dân chủ do các chư tăng Phật Giáo lãnh đạo
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giáo
Hội Công Giáo tại Myanmar (Miến Ðiện) trước tình hình biến
động của đất nước.
Các Chư Tăng Phật Giáo Thái Lan biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Myanmar tại Bangkok, Thái Lan, để phản đối cuộc đàn áp dã man của chính phủ quân phiệt tại Myanmar. |
Tin Rangoon, Myanmar (Radio Veritas Asia 28/09/2007) - Kính thưa quý vị và các bạn thân mến. Chính phủ quân phiệt tại Myanmar (Miến Ðiện) đã đàn áp dã man cuộc biểu tình ôn òa để đòi tự do và dân chủ do các chư tăng Phật Giáo lãnh đạo. Hôm thứ Tư, ngày 26/09/2007, bước sang ngày thứ 8 của cuộc biểu tình ôn hòa, thế giới đã bắt đầu thấy cảnh máu đổ thịt rơi. Theo ước tính sơ khởi, cho đến hết ngày thứ Tư (26/09/2007), đã có ít nhất 5 người bị thiệt mạng, trong đó có 3 vị chư tăng, hàng trăm người bị thương và khoảng hai trăm người bị bắt giữ.
Thế giới đã bắt đầu có phản ứng. Phần lớn những phản ứng là những lời kết án và kêu gọi các hành động đối với chế độ quân phiệt tại Myanmar. Riêng về phía Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar, câu hỏi mà nhiều người có thể nêu lên là: Tại sao Giáo Hội tại đây chọn lựa thái độ thinh lặng. Theo Nhật Báo Công Giáo Pháp, La Croix, câu trả lời đơn giản nhất là: Giáo Hội Công Giáo tại đây chỉ chiếm 1.5% dân số. Những người công giáo tại đây không có cuộc sống dễ dàng. Bị bách hại, họ chọn thái độ cẩn trọng.
Hôm thứ Ba 25/09/2007, được Nhật Báo La Croix liên lạc để phỏng vấn, Ðức Cha Charles Maung Bo, SDB., Tổng Giám Mục Rangoon, đã từ chối không chịu bình luận về biến cố đang xảy ra tại đất nước. Thư ký của Ðức Cha Charles Maung Bo là cha Patrick đã đại diện ngài để trả lời rằng: Giáo Hội Công Giáo tại đây liên lĩ cầu nguyện cho xứ sở. Không che dấu được sự lo ngại trước những bất trắc có thể xảy ra, Ðức Tổng Giám Mục Thủ Ðô Rangoon đã xin tất cả các giáo phận hiệp ý cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ dân chúng.
Về
phía đại diện Tòa Thánh mà Tòa Sứ Thần đặt tại Bangkok,
Thái Lan, vì Myanmar chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa
Thánh. Phái Bộ đặc trách về giáo hội tại Myanmar cũng tỏ
ra rất dề dặt trước các diễn biến. Ðại diện của Tòa
Thánh tại Thái Lan tuyên bố rằng: Không có thông tin đặc
biệt nào ngoài thông tin của báo chí.
Các Chư Tăng Phật Giáo Nhật Bản biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Myanmar tại Tokyo, Nhật Bản, để phản đối cuộc đàn áp dã man của chính phủ quân phiệt tại Myanmar. |
Những phản ứng trên đây cho thấy Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar không có được ảnh hưởng lớn lao đối với dân chúng như Phật Giáo. Các tín hữu Kitô tập trung trong những vùng ngoại vi của đất nước, và giữa lòng các nhóm thiểu số như Karen, Kachin và Kaza. Bình luận về thái độ của Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar, linh mục Rei-ji An-nu-y, giám đốc tập san các Giáo Hội Á Châu của Hội Thừa Sai Ba Lê đã nói như sau: Ðây là một Giáo Hội luôn muốn tỏ ra dè đặt trên phương diện chính trị cũng như trên bình diện xã hội. Theo linh mục giám đốc tập san Các Giáo Hội Á Châu, Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar gắn liền với các dân tộc thiểu số vốn luôn trong thế căng thẳng với chính quyền trung ương. Chính vì thế mà Giáo Hội Công Giáo không muốn dây mình vào chính trị. Trên bình diện xã hội, Giáo Hội tại đây kể như hoàn toàn bị tê liệt kể từ năm 1966, khi chính phủ nước này quốc hữu hóa tất cả những cơ sở từ thiện, y tế và giáo dục của Giáo Hội. Cũng từ đó tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc đều bị trục xuất. Chuyện giáo hội tại đây lên tiếng là điều rất hạn hữu, mà cho dẫu có lên tiếng thì tiếng nói cũng chẳng được phổ biến, bởi vì tất cả mọi cơ quan truyền thông xã hội đều nằm trong tay chính phủ.
Năm
1998, khi chính phủ quân phiệt bắt giữ các dân biểu quốc
hội, các Ðức Giám Mục Myanmar đã cho công bố một lá
thư mục vụ, trong đó các ngài đã phê bình tình hình xứ
sở. Lá thư có đoạn viết như sau: Chúng tôi rất sung
sướng vì kể từ khi độc lập, xứ sở của chúng tôi đã
ký tên vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Chúng tôi
luôn hy vọng rằng sự nhận thức về bản Tuyên Ngôn này
ngày càng sáng tỏ hơn. Với giọng điệu ngoại giao, các
Ðức Giám Mục Myanmar viết thêm: Chúng tôi ghi nhận vẫn còn
những kỳ thị dựa trên chủng tộc, quốc gia, phái tính, địa
vị xã hội, tín ngưỡng và màu da.
Các kiều dân Myanmar biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Myanmar tại Kuala Lumpur, Malaysia, để phản đối cuộc đàn áp dã man của chính phủ quân phiệt tại Myanmar. |
Có lẽ đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng các Ðức Giám Mục Myanmar đề cập đến tình hình xứ sở. Trong một bản báo cáo về tình hình nhân quyền tại Myanmar được công bố hồi năm 2004, Cơ Quan Bác Ái Missio của Giáo Hội Công Giáo Ðức đã tuyên bố thẳng thừng rằng: Các dân tộc thiểu số vốn cũng là các nhóm tôn giáo thiểu số hiện đang bị đàn áp và bách hại. Bản báo cáo của Missio cho biết: Người Tín Hữu Kitô tại Myanmar mà phần lớn theo Tin Lành, chiếm khoảng 4% dân số, hoàn toàn bị kỳ thị trong lãnh vực giáo dục. Việc loan báo Tin Mừng tuy được phép nhưng rất hạn chế. Bản báo cáo cũng tố cáo việc chính quyền quân phiệt kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tài liệu tôn giáo cũng như việc di chuyển các chức sắc trong nước hay ra nước ngoài. Các lực lượng an ninh luôn tạo ra bầu khí làm sợ hãi để kiểm soát gắt gao các tín hữu Kitô. Nhưng có lẽ vì bị kỳ thị và theo dõi như thế mà các tín hữu Kitô Myanmar đã tỏ ra rất hăng say và nhiệt thành trong mục vụ cũng như trong việc cổ võ ơn gọi.
(Chu Văn)