Tai nạn Sập cầu Cần Thơ đang xây,
làm 52 người thiệt mạng
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng tháng 9-2004
và sẽ kết thúc sau 50 tháng xây dựng,
dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2008.
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Tai nạn Sập cầu Cần Thơ đang xây, làm 52 người thiệt mạng.
Cần
Thơ, Việt Nam (26/09/2007) - Khoảng 8g sáng ngày 26 tháng 9 năm
2007, chiếc cầu Cần Thơ, đang được thi công xây cất, đã
bị sập nhịp cầu dẫn dài 90m phía bờ Vĩnh Long. Theo bản tin
của Báo Tuổi Trẻ Online, tính đến 16g chiều ngày 26 tháng 9
năm 2007, đã có 52 người thiệt mạng, 97 người bị thương
được tìm thấy.
Chiếc cầu Cần Thơ, đang được thi công xây cất, đã bị sập nhịp cầu dẫn dài 90m phía bờ Vĩnh Long. |
Ðoàn y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy do Bác Sĩ Trương Văn Việt dẫn đầu đã cấp tốc đến Cần Thơ và chia làm 4 tổ tỏa ra các bệnh viện. Nhiều nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng đã được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy.
Ðến chiều ngày 26/09/2007, ban quản lý dự án và các đơn vị thi công, cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa đưa ra được phương án nào để bốc dỡ đống đổ nát, tìm kiếm những người còn bị kẹt. Thứ trưởng Ngô Thịnh Ðức có đề xuất cắt các khối bê tông bên trên nhưng ban quản lý cho biết nếu cắt, các khối bị gãy vỡ sẽ tiếp tục đè xuống, mà tại công trường hiện chỉ có 2 cần cẩu.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang yêu cầu được cung cấp thêm các thiết bị và phương tiện chiếu sáng để tăng cường là việc 4 ca, khắc phục hậu quả. Nguyên nhân xảy ra sự cố sẽ được báo cáo trước 18g chiều ngày 26/09/2007.
Cuộc họp giữa Thứ trưởng Ngô Thịnh Ðức và lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, các đơn vị tư vấn, thi công, giám sát vẫn đang tiếp tục. Thông tin chưa được tiết lộ và giới báo chí không được tham dự.
Hiện nay tại hiện trường, rất nhiều thân nhân của người bị nạn tập trung với không khí rất hoang mang, thất thần trước cảnh tượng kinh hoàng. Theo một số công nhân thoát nạn, hiện vẫn còn rất nhiều người bị kẹt trong đống đổ nát và khả năng sống sót rất ít.
Công tác cứu hộ đang được thực hiện khẩn trương tại hiện trường. Hiện đã có hai cần cẩu cứu hộ nhưng bốc dỡ rất chậm.
Khoảng 1,000 sinh viên của Ðại Học Cần Thơ, Ðại Học Y dược Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ... cùng cán bộ công nhân viên Ngân hàng Ðông Á chi nhánh Cần Thơ đã tham gia đợt hiến máu. Nhờ đó số máu tiếp cho các nạn nhân hiện được đáp ứng đầy đủ.
Một số người cho biết tại vị trí cầu sập có bình gas, do đó khi đang tập trung cứu hộ bỗng có tiếng nổ lớn, khiến mọi người bỏ chạy tán loạn.
Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sập nhịp cầu dẫn này là do hệ thống giàn giáo yếu. Nhịp cầu này mới được đổ bê tông vài ba ngày nay. Còn theo một kỹ sư không cho biết tên, thì nguyên nhân sập có thể do mấy ngày nay mưa nhiều quá nên đất bị lún.
Ông
Phạm Thái Hà, quê Thái Bình, 31 tuổi, là công nhân thi công
cầu, người vừa thoát ra khỏi đống bê tông cho biết: trong
hầm ông làm việc có 4 khoang, ông đang làm thì có cảm giác
như rơi tự do, nón bảo hộ rơi ra. Người ông bị đè xuống
bùn và cùng lúc nghe nhiều tiếng kêu xung quanh. Sau khi trấn
tỉnh, ông lồm cồm bò lên, thấy 1 cái lỗ thì chui ra. Ông
Hà nói hiện còn nhiều người bị kẹt và bị đè trong đống
bê tông đó.
Chiếc cầu Cần Thơ, đang được thi công xây cất, đã bị sập nhịp cầu dẫn dài 90m phía bờ Vĩnh Long. |
Ông Nguyễn Ðăng Toàn, làm ở trụ cầu chính bên phía Vĩnh Long kể lại ông đang làm thì nghe phía bên kia có tiếng ầm rất lớn, cứ tưởng là tiếng xe đổ đất đá, nhưng quay lại nhìn thì chỉ trong mấy phút, toàn bộ cây cầu đã sập mất, chỉ nhìn thấy một người đàn ông còn đứng trên trụ cầu.
Theo quan sát, do ảnh hưởng của vụ sập này, hai quán cà phê ở gần đó cũng bị sập.
Tại Bệnh Viện 121 (quân khu 9) hiện đã có 18 người chết, 50 người đang được cấp cứu.
Tại Bệnh Viện Ða khoa TW Cần Thơ, khoảng 100 người đang được cấp cứu, 8 người đã chết.
Tại Bệnh Viện 30-4 của Thành Phố Cần Thơ, có 2 người chết, 14 người đang được cấp cứu. Con số tại các bệnh viện tư nhân hiện chưa được thống kê.
Hiện tại, Bệnh viện Ða khoa Cần Thơ đang quá tải, số ca cấp cứu ngày một đông. Một số nạn nhân được chuyển qua qua Bệnh Viện Quân đội Cần Thơ. Khu vực nhà xác của Bệnh Viện Ða khoa cũng kín người. Số lượng người thiệt mạng đếm được đã lên đến trên 10 người.
Bác sĩ Ðặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh Viện Ða khoa Cần Thơ, cho biết Sở Y tế Cần Thơ đã huy động toàn bộ lực lượng gồm các bác sĩ, y tá các Bệnh Viện Ða khoa Cần Thơ, Bệnh Viện Tây Ðô và Bệnh Viện Quân Y 121 cùng 10 xe cấp cứu đến hiện trường trực tiếp cấp cứu tại chỗ và tiếp nhận các bệnh nhân bị chấn thương và các nạn nhân đã tử vong đưa về Bệnh Viện Ða khoa Cần Thơ.
Theo thông tin ban đầu, hiện Bệnh Viện Ða khoa Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho hơn 100 nạn nhân, trong đó có rất nhiều nạn nhân bị đa chấn thương phải mổ cấp cứu và cấp cứu khẩn cấp. Hiện 8 phòng mổ của Bệnh Viện cùng các bác sĩ phẫu thuật và gây mê đang hoạt động hết công suất để phẫu thuật cứu chữa nạn nhân.
Sở Y tế tỉnh Cần Thơ đã huy động toàn bộ lượng máu, thuốc dự trữ để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị nạn nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng này. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 100 nhân viên của xí nghiệp dược Hậu Giang đến tình nguyện cho máu cấp cứu các nạn nhân.
Lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ hiện đang tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Cầu Cần Thơ bắc qua Sông Hậu, là cầu dài nhất khu vực Ðồng bằng Sông Cửu Long, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.
Tai nạn Sập cầu Cần Thơ đang xây, làm 52 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. |
- Danh sách Nạn nhân tử nạn tại bệnh viện 121 Cần Thơ:
1 - Lê Trạch Hòa - 1987
2 - Trần Quang Bình 1984
3 - Hồ Duy Tâm
4 - Trần Văn Phúc 1977
5 - Trần Văn Hiên 1973
6 - Nguyễn Văn Tâm 1979
7 - Bùi Văn Bon 1965
8 - Nguyễn Văn Nhỏ 1974
9 - Nguyễn Văn Tùng 1963
10 - Lê Văn Biên 1965
11 - Nguyễn Văn Xớt 1961
12 - Lê Văn Tuấn 1985
13 - Lê Hiên Trương 1982
14 - Lưu Tấn Mãi 1988
15 - Trần Ngọc Toản 1979
16 - Nguyễn Văn Trang 1970
17 - Nguyễn Văn Thông 1971
18 - Nguyễn Tấn Hồng 1973
- Danh sách nạn nhân tử nạn ở Bệnh Viện đa khoa TW Cần Thơ
1. Lê Hoàng Anh. Sinh năm 1970
2. Lưu Hoàng Phúc. Sinh năm 1984
3. Bùi tấn Lộc. Sinh năm 1976
4. Nguyễn Văn Bé. Sinh năm 1952
5. Phạm Thanh Hùng. Sinh năm 1973
6. Nguyễn Văn Tạo
7. Vô danh (nam)
8. Trương Văn Chọt. 34 tuổi
Theo
ông Công, Bộ Giao Thông Vận Tải đã có văn bản báo cáo
lên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Hoàng Trung Hải sự
cố xảy ra tại cầu Cần Thơ trong sáng 26/09/2007.
Tai nạn Sập cầu Cần Thơ đang xây, làm 52 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. |
Theo đó, sự cố xảy ra tại gói thầu số 2 do liên doanh của 3 nhà thầu Nhật Bản là TAISEI- KASHIMA- NIPPON thi công. Nhà thầu đã lắp ghép sàn đạo và ván khuôn để thi công đổ bê tông nhịp số 13, 14 thuộc phần cầu dẫn nối với cầu chính. Chiều dài mỗi nhịp 40m, kết cấu nhịp dầm hộp, chiều cao dầm hộp 2,2m.
Hai nhịp này có kết cấu dầm hộp liên tục và chia thành 12 đốt để thi công. Chiều ngày 25/09/2007 đã đổ được 10 đốt, sáng 26/09/2007 chuẩn bị thi công đốt thứ 11,12. Và sự cố sập sàn đạo đã xảy ra trong quá trình này.
Một nguồn tin cho biết bệnh viện Pháp Việt đã quyết định đưa 1 xe cấp cứu và 6 bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật gây mê để hỗ trợ cho ngành y tế Cần Thơ. Xe đã xuất phát từ Saigòn lúc 1g trưa ngày 26/09/2007.
- Bài Tường thuật của một bạn đọc gửi từ Thành phố Cần Thơ:
8h: Sự cố xảy ra.
8h - 9h: toàn thể lực lượng được huy động vào công tác ứng cứu. Trên tuyến đường CMT8 - Nguyễn Trãi: các tổ tuần tra giao thông, thanh niên tình nguyện hoạt động tại địa bàn quận Bình Thủy khẩn trương quay về trung tâm quận Ninh Kiều.
Từ khoảng 8h30 trở đi: lực lượng xe cứu thương từ Bệnh Viện Ða khoa Trung ương (ÐK TW) Thành Phố Cần Thơ, Bệnh Viện Quân y, Bệnh Viện 30/4 và các Bệnh Viện tư nhân như Bệnh Viện Ða Khoa Tây Ðô được huy động. Nạn nhân từ công trường cầu Cần Thơ chuyển về chủ yếu bằng tàu và canô. Xe cứu thương tập kết tại bến tàu Cần Thơ tại khu vực bến Ninh Kiều. Các tuyến đường băng ngang đường chạy của xe cấp cứu được chặn lại tạm thời bằng dây ni lông.
Khu vực đường 2 chiều xung quanh bệnh viện Ða Khoa Trung Ương và Quân y viện 121 được lực lượng Cảnh Sát Giao Thông phong tỏa, phân luồng phục vụ công tác cấp cứu.
Trên
các tuyến đường, tiếng còi của xe cứu thương liên tục
hú lên, không khí hoảng loạn bao trùm khu vực trên. Người
dân tập trung quanh bệnh viện Ða Khoa Trung Ương, một đám
đông cũng đứng trước công viên Lưu Hữu Phước nhìn về
phía bệnh viện với ánh mắt lo âu.
Ảnh chụp 2 nhịp cầu P14 và P15 vào ngày 16/09/2007, (trước khi bị sập). |
10h55: mây đen bao trùm một góc thành phố, mưa nhỏ xuống một vài giọt. Nhưng may mắn thay, mặt trời lại hé lên. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
11h10: chương trình thời sự buổi trưa trên đài truyền thanh bị cắt ngang bởi thông báo huy động hiến máu nhân đạo từ UBND các phường.
11h19: phong tỏa chung quanh Bệnh Viện Ða Khoa Trung Ương tạm thời được dỡ bỏ. Song, trên các tuyến đường, lực lượng xe cứu thương vẫn lao đi đều đặn. Các bệnh viện đều trở nên quá tải. Ðặc biệt là trong thời gian Bệnh Viện Ða Khoa Trung Ương đang tiến hành di dời về trụ sở mới tại quốc lộ 91B.
* Dự án cầu Cần Thơ:
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng tháng 9-2004 và sẽ kết thúc sau 50 tháng xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2008.
* Vị trí dự án:
Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên QL1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh QL1 và TP Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3.2km, nối trở lại QL1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.
* Quy mô dự án:
Tổng mức đầu tư 4,832 tỷ (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).
* Dự án được chia thành 3 gói thầu:
Gói thầu 1: Là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5.41 km trong đó có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn và vượt QL 54. Gói thầu này do Liên doanh Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty 6, Tổng Công ty 8, thi công trong 42 tháng.
Gói thầu 2: Là cầu chính gồm có:
- Cầu dẫn bờ Bắc bằng dầm Super T dài 0.52km
- Cầu chính kết cấu dây văng dài 1.01km bố trí nhịp:
2x40 + 150 + 550 + 150 + 2x40
- Cầu dẫn bờ Nam bằng dầm Super T dài 0.88km
- Cầu dầm liên tục đúc hẫng vượt nhánh sông Hậu dài 0.34km
Tổng chiều dài cầu chính là 2.75km.
Gói thầu này do Liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là các tập đoàn Taisei, Kajima và Nippon Steel thi công trong 50 tháng
Gói thầu 3: Là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7.69km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ap Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt QL 91B. Gói thầu này do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.
Toàn tuyến dự án có mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy và tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tiêu chuẩn thiết kế cầu theo quy trình AASHTO LRFD.
(Theo bản tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 26 tháng 9 năm 2007)