Ðức Hồng Y Camillo Ruini nhận định về

công cuộc rao giảng Phúc Âm tại Âu Châu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Camillo Ruini nhận định về công cuộc rao giảng Phúc Âm tại Âu Châu.


Ðức Hồng Y Camillo Ruini.


Tin Budapest/Hungari (Zenit 24/09/2007) - Ðức Hồng Y Camillo Ruini đã dến tham dự Hội Nghị Quốc Tế về Tái Rao Giảng Phúc Âm, được tổ chức tại Budapest, Hungari, từ ngày 16 đến 22 tháng 9 năm 2007, với tư cách là Ðặc Sứ của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI. Ðây là Hội Nghị Quốc Tế về Rao Giảng Phúc Âm lần thứ V, được tổ chức tại Âu Châu, kể từ năm 2003 đến nay.

Trong cuộc phỏng vấn trên Ðài Phát Thanh Vatican, Ðức Hồng Y đã nói lên những nhận định tích cực của mình về Hội Nghị Quốc Tế này, như là dấu chỉ cho biết rằng Giáo Hội Công Giáo tại Hungari là một giáo hội sống động, với hàng giáo sĩ và giáo dân có tinh thần truyền giáo sâu xa.

Ðiều đánh động Ðức Hồng Y nhất, là Hội Nghị Quốc Tế về Rao Giảng Phúc Âm, được tổ chức tại thủ đô của một quốc gia đã nhiều năm sống trong chế độ cai trị toàn trị của đảng cộng sản, và do bởi một giáo hội đã trải qua thời gian dài chịu đau khổ. Tuy nhiên, theo Ðức Hông Y, để thực hiện công cuộc rao giảng Phúc Âm cho Âu Châu ngày nay, thì cần phải quan tâm đến các lãnh vực như sống đời cầu nguyện, sống các giá trị kitô giáo để nêu gương, vừa đồng thời thực hiện các giá trị kitô này trên bình diện văn hoá, sao cho Âu Châu có thể khám phá lại những "gốc rễ kitô" của mình. Ðức Hồng Y nhận định thêm như sau: "Chắc rằng có những thế lực hoạt động nhắm loại những người kitô ra ngoài lề xã hội. Nhưng may mắn thay cũng còn có những lực phản ứng lại, nhắm tái xác nhận tầm quan trọng của sự hiện diện kitô trong xã hội cũng như trong nền văn hoá. Tôi tin rằng các dân tộc âu châu còn ý thức về tầm quan trọng của Kitô giáo, không phải chỉ trong quá khứ, mà còn cả trong hiện tại và tương lai nữa. Cần tái lập một cuộc đối thoại giữa các dòng tư tưởng khác nhau và đức tin kitô, quanh những vấn đề căn bản đang vây lấy Âu Châu; chẳng hạn như vấn đề về căn cước âu châu, vấn đề về con người là ai, con người có phẩm giá bất khả xâm phạm hay không. Tôi hy vọng rằng tinh thần truyền giáo, như đã được khơi dậy lại từ biến cố cử hành Ðại Năm Thánh 2000 ở Roma, giờ đây được phổ biến trong toàn Giáo Hội công giáo tại Âu Châu, sao cho công cuộc Tái Rao Giảng Phúc Âm không chỉ là nguyên tắc, mà trở thành thực tại sống động.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page