Vài nhận định của ÐTC Beneđitô XVI

về chủ nghĩa tư bản và về tình liên đới

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI về chủ nghĩa tư bản và về tình liên đới.

(Radio Veritas Asia 24/09/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Sáng Chúa Nhật, ngày  23 tháng 9 năm 2007, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã đi thăm mục vụ giáo phận Velletri, nằm cách Roma khoảng 30 cây số, về phía đông nam. Ðây là giáo phận hiệu toà của Ðức Thánh Cha, khi ngài còn là Hồng Y.


Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cử hành thánh lễ tại Velletri, nằm cách Roma khoảng 30 cây số, về phía đông nam. Velletri là giáo phận hiệu toà của Ðức Thánh Cha, khi ngài còn là Hồng Y.


Giảng trong thánh lễ, ÐTC đã nói về tình liên đới và lên án "tâm thức đi tìm lợi nhuận" đang thống trị và làm gia tăng những bất công. ÐTC đã nói như sau: "Tâm thức tìm lợi nhuận", nếu nó mang tính cách thống trị, thì sẽ gia tăng sự cách biệt giữa người nghèo kẻ giàu, và kéo theo việc sử dụng cách tai hại những tài nguyên của trái đất này".

Sau đó, vào lúc trưa, ÐTC đã trở về lại Castel Gandolfo; và trước khi xướng kinh Truyền Tin với các tín hữu, hiện diện tại Sân Nhà Nghỉ Mát, ÐTC tiếp tục chia sẻ những suy tư của ngài về chủ nghĩa tư bản và về tiền của. ÐTC xác nhận rằng tiền của tự nó không phải là điều xấu, và rằng chủ nghĩa tư bản không phải là kiểu mẫu duy nhất có giá trị, để tổ chức sinh hoạt kinh tế. ÐTC nhấn mạnh đến tinh thần chia sẻ và liên đới. Theo nhận định của hãng tin công giáo Thuỵ Sĩ, --- Apic, --- trong ấn bản phát hành Chúa Nhật 23 tháng 9 năm 2007, thì những nhận định trên đây của Ðức Thánh Cha về những vấn đề kinh tế và xã hội, có thể nhắc chúng ta nhớ rằng ngài đang chuẩn bị thông điệp thứ hai về vấn đề toàn cầu hoá. Sau đây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn những lời huấn đức của ÐTC trước khi đọc kinh Truyền Tin tại Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 23 tháng 9 năm 2007 như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Sáng nay Tôi đã đi thăm giáo phận Velletri, giáo phận hiệu toà của Tôi trong nhiều năm , khi còn là Hồng Y. Chuyến viếng thăm này là như một cuộc gặp gỡ gia đình, cho phép tôi sống lại những giây phút quá khứ đầy kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ. Trong buổi cử hành Thánh Thể cách long trọng, khi giải thích Lời Chúa được trích lại trong Phụng Vụ, Tôi đã được dịp dừng lại để suy nghĩ về cách sử dụng đúng những của cải trần gian, một chủ đề mà trong những Chúa Nhật này, Thánh Sử Luca đã trình bày cho chúng ta suy nghĩ, bằng nhiều cách khác nhau.

Khi kể dụ ngôn về người quản lý bất trung nhưng khéo léo, Chúa Kitô dạy cho các môn đệ biết đâu là cách tốt nhất để sử dụng tiền của và những tài nguyên trái đất, và do đó, cách tốt nhất để chia sẻ của cải với những người nghèo, vừa thiết lập tình bạn với họ, nhắm xây dựng Nước Trời. Chúa Giêsu đã nói: "Anh em hãy dùng tiền của bất chính để tạo ra cho mình những người bạn, ngõ hầu đến khi không còn của cải nữa, họ sẽ đón tiếp anh em trên cỏi đời đời" (Lc 16,9).

Tiền của thật ra không phải là điều bất chính tự nơi chúng; nhưng, hơn mọi sự khác, tiền của có thể đóng kín con người trong sự ích kỷ mù quáng. Chúng ta cần thực hiện "một cuộc biến đổi" những "của cải kinh tế": thay vì chỉ sử dụng chúng cho lợi ích riêng tư, thì còn phải nghĩ đến những nhu cầu của người nghèo, vừa bắt chước Chúa Kitô, là Ðấng "giàu có nhưng đã trở nên nghèo, để làm cho chúng ta được nên giàu có, bằng sự nghèo cùng của ngài". Thánh Phaolô đã viết như thế trong thư 2 Corintô, chương 8 câu 9. Ðây xem ra như là một mâu thuẫn: Chúa Kitô đã không làm cho chúng ta nên phong phú bằng sự giàu có của Ngài, nhưng bằng sự nghèo cùng của Ngài, nghĩa là bằng tình thương đã thôi thúc Ngài đến việc trao ban hoàn toàn chính mình cho chúng ta.


Dân chúng tham dự thánh lễ do Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cử hành tại Velletri, nằm cách Roma khoảng 30 cây số, về phía đông nam.


Ở đây, người ta có thể mở ra một lãnh vực suy tư rộng lớn và phức tạp về đề tài sự giàu có và sự nghèo cùng, cả trên bình diện thế giới, trong đó hai đường lối kinh tế đang đối diện với nhau: đường lối kinh tế dựa trên lợi lộc và đường lối kinh tế dựa trên sự phân chia công bằng những của cải; hai đường lối này không mâu thuẫn với nhau, miễn là tương quan giữa hai đường lối này được ổn định theo trật tự. Học thuyết xã hội của Giáo Hội công giáo đã luôn luôn có lập trường rằng việc phân chia công bằng những của cải là điều có ưu tiên hơn. Ðiều lợi dĩ nhiên là hợp lý, và, trong mức độ đúng, là điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Ðức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp "Năm Thứ 100" như sau: "nền kinh tế kinh doanh hiện đại có nhiều khía cạnh tích cực, mà căn gốc của nó là sự tự do của con người, một sự tự do được thể hiện trong lãnh vực kinh tế cũng như trong những lãnh vực khác" (số 22). Tuy nhiên, Ðức Gioan Phaolô II nhận định thêm rằng chủ nghĩa tư bản không được xem như là kiểu mẫu duy nhất có giá trị cho việc tổ chức sinh hoạt kinh tế (x. số 35).

Tình trạng khẩn trương về nạn đói và về môi sinh đang tố cáo, càng ngày càng rõ nét hơn, rằng đường lối kinh tế dựa trên lợi nhuận, nếu thắng thế hơn, thì làm gia tăng sự mất quân bình giữa người giàu và kẻ nghèo, và làm gia tăng một sự lạm dụng đầy nguy hại đối với trái đất này. Trái lại, khi đường lối kinh tế dựa trên chia sẻ và trên tình liên đới, thắng thế hơn, thì người ta có thể sửa lại hướng phát triển của kinh tế và điều hướng những sinh hoạt kinh tế đến sự phát triển công bằng và bền vững.

Nguyện xin Mẹ Maria, --- Ðấng đã tuyên bố trong Bài Ca Magnificat rằng: Thiên Chúa cho kẻ đói nghèo được dư đầy ân phúc, và cho kẻ giàu có ra về tay không" (Lc 1,53) --- xin Mẹ giúp các người kitô biết sử dụng những của cải trần gian, với sự khôn ngoan của Tin Mừng, nghĩa là với tình liên đới quảng đại; và Xin Mẹ soi sáng cho các nhà cầm quyền và các nhà kinh tế biết những kế hoạnh có tầm nhìn xa, có khả năng cổ võ tiến bộ đích thật cho tất cả mọi dân nước.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page