Khám bệnh và phát thuốc miễn phí

cho bà con vùng sâu và vùng xa

giáo phận Mỹ Tho huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang

 

Phái đoàn thiện nguyện, Khám bệnh và phát thuốc miễn phí

cho bà con vùng sâu và vùng xa giáo phận Mỹ Tho

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu và vùng xa giáo phận Mỹ Tho huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang.


Với 10 bác sĩ, con số bệnh nhân cuối ngày được tổng kết là 630 người, chưa kể những bệnh nhân đến sau và những bệnh nhân xin thêm thuốc cho người ở nhà. Vị chi mỗi bác sĩ sẽ khám cho khoảng gần 70 người.


Mỹ Tho, Việt Nam (22/09/2007) - Vào lúc 3g 45 phút sáng ngày 22 tháng 9 năm 2007, khi tu viện chưa báo chuông thức dậy, các bác sĩ đã đến nhấn chuông cổng nhà Dòng. Có chuyện lạ như vậy vì hôm nay các Soeur trong Ban Tông Ðồ Dòng Nữ Ðaminh Rosa Lima - Miền Mẹ Vô Nhiễm kết hợp cùng quý bác sĩ thiện nguyện thuộc các bệnh viện của Sài Gòn và Hội chữ thập đỏ quận Thủ Ðức khám và phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu và vùng xa - nhà thờ Cái Mây thuộc giáo phận Mỹ Tho huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang.

Soeur Ðỗ Thị Hương cho biết, gia đình bác sĩ Tâm (công ty TNHH đầu tư & xây dựng Minh Sơn) đã ủng hộ hai chiếc xe chở đoàn bác sĩ, đặc biệt chính bác sĩ Tâm cũng là một trong hai tài xế.

Cha Phanxicô Trương Quý Vinh, cha sở nhà thờ Cái Mây giáo phận Mỹ Tho cho biết, giáo dân Cái Mây có khỏang 1,100 người, nhưng hôm nay số bệnh nhân đến khám sẽ trên dưới 700 người, trong đó hai phần ba là người của giáo xứ và số còn lại là anh chị em lương dân sinh sống lân cận.

Với 10 bác sĩ, con số bệnh nhân cuối ngày được tổng kết là 630 người, chưa kể những bệnh nhân đến sau và những bệnh nhân xin thêm thuốc cho người ở nhà. Vị chi mỗi bác sĩ sẽ khám cho khoảng gần 70 người.

8g sáng, bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhân đầu tiên, đúng 12 giờ trưa, đoàn dùng cơm và khám trở lại. Công việc của một ngày làm thiện nguyện viên vất vả và mệt mỏi như thế, nhưng khi tôi chứng kiến cảnh bác sĩ Nguyễn Thanh Trường khám cho bệnh nhân, mới thấy hết được sự tình nguyện rất cao độ của những người phục vụ. Bác bị đau làm sao? Mở đầu cho công việc khám bệnh với câu hỏi thân thiện, bệnh nhân dễ dàng giãi bày. Tui bị đau lâu rồi, khám bác sĩ họ nói tui bị viêm xoang, thường thì nhức đầu.... Bác có bị đau ở đây không? Vừa hỏi bác sĩ vừa đưa tay ấn hai bên vai, hai tay ấn hai cánh mũi. Có, bác sĩ. Rồi như một người con tâm sự với mẹ về sức khỏe, vị bác sĩ nói bác bị cao huyết áp nữa đó, ăn nhạt thôi nha, bớt ăn trầu nữa nghe vì nó sẽ gây ngứa và ho nữa đó bác nha. Con không cho uống thuốc huyết áp nhiều đâu. Mỗi bữa uống cho con chừng này thôi nè. Những tiếng thưa vâng, dạ, con ... với lối tiếp xúc ân cần của không chỉ riêng bác sĩ Trường mà còn cả của bác sĩ Tâm, Ðính, Dũng, Thái, Khoan, Linh, Ly, Hiếu, Thu đã làm cho một ngày khám bệnh trở nên gần gũi và thân mật như mọi người trong một nhà.


Bà con dân chúng Cái Mây khi nhận được những viên thuốc đầy yêu thương, luôn tỏ lòng cảm ơn quý vị bác sĩ, y tá và tất cả các ân nhân. Dù chỉ là những viên thuốc bé nhỏ, một ít quà bánh nhưng ở đó chứa đựng tình nghĩa sẻ chia và tinh thần phục vụ, yêu thương.


Làm việc như thế, nhưng các bác sĩ rất vui vẻ khi tiếp xúc với bệnh nhân. Thỉnh thoảng đi qua đi lại người viết dòm chừng bác sĩ thấm mệt, hỏi một câu cho vui cửa vui nhà: Bác Dũng có mệt không ? Và tôi nhận được một câu trả lời với nụ cười rạng rỡ: Hổng sao đâu Soeur ơi.

Cả đến cha sở cũng ân cần chạy tới chạy lui lo sắp xếp chỗ cho các bàn khám, cho bệnh nhân đi từ phòng khám sang chỗ nhận thuốc. Sau khi khám bệnh xong, cha sở lật đật lo thu dọn bàn ghế. Rồi cha thăm hỏi bà con đến khám bệnh, một người mục tử giữa đàn chiên mới được giao trách nhiệm cách đây 5 tháng đã thể hiện một tình thân mật, gần gũi tràn đầy sự quan tâm săn sóc và lo lắng. Có lẽ chỉ lo cho bà con giáo dân nên ngôi nhà thờ tương đối khang trang nhưng nhà xứ thì lụp xụp, che chắn tạm bợ. Một Soeur cắc cớ hỏi: Sao nhà cha xứ "xấu" thế? Ðáp lại câu hỏi là nụ cười cố hữu trên khuôn mặt gầy gò và câu trả lời: Lo cho giáo dân trước còn mình thì... sao cũng đựợc. Ðiều tôi ao ước nhất bây giờ là nhà thờ có được cái hàng rào bao quanh, chớ cứ để không không thế này thì... cha bỏ lửng câu nói vì còn bận thăm hỏi bà cụ vừa được người nhà đẩy xe lăn tới.

Cách Sài Gòn khoảng 120 km, xe chạy 3 giờ đồng hồ, người hành khách nào lại không thấy mệt, nhưng giáo dân nhà thờ Cái Mây đã đón quý Soeur và đoàn bác sĩ với tất cả lòng hiếu khách, đơn sơ của những người miệt vườn quanh năm suốt ngày chỉ quen với việc cầm cuốc. Nói như thế vì khi đại diện cho bà con cảm ơn Nhà Dòng và bác sĩ, ông chủ tịch hội đồng mục vụ chỉ nhắc đi nhắc lại rằng: Chúng con cảm ơn quý Soeur, cảm ơn bác sĩ, chúng con hổng có đón tiếp như thế này bao giờ, chưa bao giờ có dzụ này, nên chúng con hổng biết mần chi... rồi ông cười hiền từ. Tất cả những điều đó làm cho mọi người quên cuộc hành trình xa xôi mới trải qua, quên đi những mệt nhọc của việc thấp thỏm sợ ngủ quên không biết đường dậy sớm, quên đi sự vất vả của một ngày tiếp xúc và khám cho bệnh nhân.

Tấm lòng chân chất của bà con trao cho mọi người là những bịch nhãn và những trái bưởi da xanh cây nhà lá vườn trao tận tay cho từng bác sĩ như lời cảm ơn sâu đậm nhất.

Soeur trưởng đoàn Andre Ðỗ Thị Hương cho biết, người dân ở đây đa số bị cao huyết áp, bao tử, tim mạch, các bệnh nhãn khoa, đau nhức và nhất là các bệnh ngoài da vì phải tiếp xúc với nước phèn. Khi hỏi một số người vì sao dân ở đây khi đến lấy thuốc cứ nằng nặc xin cho được lọ thuốc Maica và lọ nhỏ mắt. Họ trả lời vì nguồn nước ở đây không được tinh khiết, nước sinh hoạt dù có nước máy nhưng vẫn không đủ, hơn nữa mỗi buổi chiều việc mò cua bắt ốc, bắt hến đã trở thành thói quen lâu đời để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm chút tiền tiêu vặt trong nhà đã làm cho đôi tay và chân bị nấm.


Các bác sĩ rất vui vẻ khi tiếp xúc với bệnh nhân. Công việc của một ngày làm thiện nguyện viên vất vả và mệt mỏi như thế, nhưng khi chứng kiến cảnh các bác sĩ khám cho bệnh nhân, mới thấy hết được sự tình nguyện rất cao độ của những người phục vụ.


Giữa chừng buổi khám, cha sở cho mời Soeur Hương ra phòng khách có các cấp chính quyền xã Hòa Quý đến cảm ơn: Họ nói đây là lần đầu tiên chúng tôi được các Soeur đến khám bệnh cho người dân ở đây. Chúng tôi cảm ơn vì đoàn đã đã giúp cho bà con. Và chúng tôi mong một ngày thật gần, đoàn lại có những dịp khác đến giúp chúng tôi. Có lẽ đúng như thế vì muốn vào nhà thờ Cái Mây, xe chúng tôi phải quẹo vào con đường đất quanh co, nhỏ vừa đủ cho một chiếc xe hơi, đường khó đi nhưng với tài xế có "tay lái lụa", chúng tôi vượt qua con đường "chông gai". Do đó việc thông thương có vẻ khó khăn.

Trong dịp này Dòng cũng trao tặng cho các em thiếu nhi trong xứ 300 cái lồng đèn, 300 bánh trung thu, một số đèn cầy và tập vở cho thiếu nhi trong xứ chuẩn bị cho ngày Tết Trung Thu sắp tới.

Một ngày trong công việc phục vụ và yêu thương, dù đường xa và mệt mỏi, nhưng khi xe vừa về đến Tu Viện chúng tôi được hòa với những lời kinh Chiều của các chị em. Những lời Kinh và lời cầu nguyện của cộng đoàn là nguồn trợ lục cho những chuyến đi và lời kinh tạ ơn của việc phục vụ, theo tinh thần cha thánh Ðaminh: chiêm niệm và hoạt động.

Xin thay lời cho bà con giáo dân Cái Mây cảm ơn quý vị ân nhân đã cùng nhà Dòng chia sẻ với bà con. Dù chỉ là những viên thuốc bé nhỏ, một ít quà bánh nhưng ở đó chứa đựng tình nghĩa sẻ chia và tinh thần phục vụ, yêu thương.

 

Minh Nguyên

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page