Dự án của dòng Dons Bosco Việt Nam

giúp ích cho người lao động nhập cư

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Dự án của dòng Dons Bosco Việt Nam giúp ích cho người lao động nhập cư.

Saigòn, Việt Nam (UCAN - VT03318.1463 Ngày 19-9-2007) - Người lao động nhập cư ở thành phố lớn nhất Việt Nam có thể tiết kiệm được tiền lương mỗi tháng và sống lành mạnh trong những ngôi nhà trọ của dòng Dons Bosco.

Chị Thêrêsa Nguyễn Thị Sen, một lao động nhập cư, từ 8 tháng nay đã có thể gởi về nhà 500 ngàn đồng mỗi tháng từ khi chị chuyển về trọ trong những nhà trọ của dòng. Chị công nhân 24 tuổi làm tại công ty giày Ðài Loan với mức lương 930 ngàn đồng mỗi tháng nói với UCA News: "Giá tiền phòng chỉ bằng nửa chỗ khác". Chị cùng với 3 cô gái khác thuê chung một phòng và mỗi người trả 110 ngàn đồng hàng tháng.

"Ðây là căn phòng tốt nhất mà tôi từng thuê," chị nói và thêm rằng "ở đây yên tĩnh, an toàn, thông thóang và mát mẻ." Từ Nghệ An vào Sài Gòn năm 2005, chị Sen nói rằng chị và những người ở trọ có mối liên hệ thân tình và thường tập họp trong phòng của nhau vào mỗi buổi tối khoảng nửa giờ để lần hạt hoặc đọc kinh.

Cô công nhân trẻ này nói rằng mình đã theo đạo Công giáo vào tháng ba và cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu đã giới thiệu dự án nhà trọ cho chị khi chị sinh hoạt tại trung tâm mục vụ người di dân của Dons Bosco.

Cha Thiệu, 40 tuổi, nói với UCA News rằng nhà dòng đã xây ba ngôi nhà với 35 phòng cho gần 100 công nhân trọ. Mỗi phòng rộng 15 mét vuông và có từ 2 đến 4 người ở. Các ngôi nhà này nằm xung quanh giáo xứ Xuân Hiệp, quận Thủ Ðức thuộc thành phố Saigòn, cách Hà Nội 1,710 về phía nam.

Với tư cách là thư ký của Ban Mục vụ Di dân thuộc tổng giáo phận Saigòn, cha Thiệu cho rằng việc xây dựng các nhà trọ cho lao động nhập cư là một trong những hoạt động của ủy ban. Trung bình mỗi công nhân kiếm được từ 800 ngàn đến 1,2 triệu một tháng. Các tu sĩ Dons Bosco trang bị cho nhà trọ bàn ghế, điện thoại, báo và cả người quản lý. Hầu hết công nhân sau khi làm việc xong thường dành thời gian nhiều ở phòng trọ.

Stêphanô Phạm Văn Nhất, quản lý một nhà trọ, cho UCA News hay rằng công nhân phải tuân theo nội quy mà các tu sĩ Dons Bosco đề ra. Chẳng hạn như không được tiếp khách trên giường, nam và nữ không được phép ở chung phòng, cũng như tất cả phải về nhà trước 10giờ30 tối.

Anh Nhất quê ở Vĩnh Long, bán tạp hóa, giải thích rằng nội quy nhằm ngăn chặn quan hệ tình dục trước hôn nhân, các tệ nạn xã hội và giúp công nhân sống lành mạnh. Cùng với vợ và con trai, anh Nhất trọ trong nhà này và giúp nấu cơm cho công nhân nào không thể nấu được.

Maria Nguyễn Thị Hồng Liên, một quản lý khác, nói với UCA News: "Trong vai trò người chị tinh thần, tôi nâng đỡ họ khi bệnh, tìm việc làm và cả tư vấn tình yêu cho họ."

Chị Liên, 35 tuổi, lo giấy tạm trú cho công nhân và bảo vệ tài sản cho họ. Chị chỉ cho những ai muốn tìm hiểu đạo cách cầu nguyện và làm dấu thánh giá. Chị cũng thúc giục anh chị em Công giáo tham gia ca đoàn, các buổi phục vụ, thi đấu thể thao, và học cắm hoa hay nhạc lý do Dons Bosco tổ chức.

Chị cho biết: "Công nhân ở đây đối xử với nhau như anh em trong gia đình." Họ còn giúp người khác tổ chức đám cưới đám tang.

Micael Nguyễn Ðình Hưởng, 25 tuổi, nói với UCA News rằng anh đã thay đổi từ khi chuyển về sống ở nhà trọ này cách đây một năm: "Nhờ nội quy của nhà trọ và những buổi chơi bóng đá mà tôi đã bỏ được cờ bạc và rượu chè."

Là ca viên của giáo xứ, anh Hưởng khẳng định rằng những ngôi nhà do Dons Bosco thiết lập đã mang lại ích lợi cho công nhân nhập cư. "Chúng tôi vui đùa với nhau khi nấu nướng trong những ngày lễ, thăm viếng và thi đấu thể thao."

Cha Thiệu nói rằng nhiều nhà trọ của dân địa phương rất tệ hại. Có tới 6 người ở trong các phòng trọ chỉ rộng 12 mét vuông với cả nhà vệ sinh, nhà bếp.

Những công nhân này thường mắc bệnh ngoài da và hô hấp, nam nữ sống chung với nhau. Nhiều người rượu chè, cờ bạc và xem phim đồi trụy nữa.

Theo số liệu năm 2006 của Ban mục vụ, thành phố Saigòn có 150 ngàn người Công Giáo trong hai triệu dân nhập cư.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page