Người Công giáo Việt Nam

bắt đầu xây nhà thờ mới sau bốn thập niên

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Người Công giáo Việt Nam bắt đầu xây nhà thờ mới sau bốn thập niên.

Huế, Việt Nam (UCAN - VT03374.1463 Ngày 17-9-2007) - Người Công giáo tại một giáo xứ miền trung Việt Nam đang dựng lại nhà thờ mới trên mảnh đất mà họ đã cố bảo vệ sau khi nhà thờ cũ ở đó bị sập do chiến tranh cách đây 43 năm.

Hôm 30-8-2007, khoảng 80 giáo dân dùng cuốc xẻng, dao rựa và một chiếc máy ủi đến phát quang, thu gom rác, xà bần trong khuôn viên nhà thờ cũ bị sập năm 1965. Mồ hôi nhễ nhãi vì công việc vất vả nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười trên mặt.

Ðức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Huế đã chủ sự nghi lễ khởi công xây dựng nhà thờ mới của giáo xứ Sơn Quả, xã Phong Sơn, cách Hà Nội 650 km về phía nam. Hôm 15-8-2007 ngài cũng đã dâng Thánh lễ tại đây với 16 linh mục đồng tế. Khoảng 300 giáo dân cùng đại diện chính quyền địa phương cũng tham dự.

Giáo xứ thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế này được ngài tái lập năm 2005 và ngài hứa sẽ gửi một linh mục đến khi nhà thờ mới hoàn tất.

Ông Gioan Nguyễn Sãng, 72 tuổi, cựu thành viên hội đồng giáo xứ, nói với UCA News: "Tôi thật sung sướng vì ước mơ xây dựng ngôi nhà thờ mới ngay tại xứ của mình đã thành hiện thực sau khi chính quyền cho phép". Ông Sãng cho biết nhiều giáo dân đã tình nguyện đóng góp công sức hàng này cho công trình này.

Ông Anrê Trần Bá Minh, 68 tuổi, chủ tịch hội đồng giáo xứ, nói với UCA News rằng họ chờ đợi giây phút này từ rất lâu kể từ khi nhà thờ, nhà xứ, nhà các nữ tu, trường học bị đánh bom sập. Bom đạn cày xới giáo xứ được thành lập năm 1960 đã buộc giáo dân phải di tản. Sau 1975, một số giáo dân đã trở về giáo xứ.

Linh mục Ðôminicô Lê Ðình Du quản xứ từ năm 2003, nói với UCA News rằng nhà thờ mới có 400 chỗ ngồi và nhà xứ sẽ được xây với kinh phí dự tính trên 2 tỷ đồng (130,000 mỹ kim). Ngài nói thêm số tiền này do các ân nhân trong và ngoài nước giúp đỡ.

Ngài giải thích, xây dựng nhà thờ mới là đáp ứng nhu cầu tôn giáo của giáo dân địa phương ngày một đông. Ngài hy vọng nhà thờ mới sẽ được hoàn thành vào cuối năm tới.

Một số giáo dân cao tuổi cho UCA News biết họ đã bảo vệ đất nhà thờ cũ bằng cách dựng một nhà kho bằng tranh và tre chứa các dụng cụ phục vụ đám tang cho dân địa phương, không phân biệt tôn giáo. Vì thế chính quyền không lấy được đất nhà thờ.

Họ kể trong những năm đầu sau 1975, nhiều cơ sở tôn giáo như đình chùa và nhà thờ trong vùng bị chính quyền tịch thu làm nhà kho hoặc hợp tác xã nông nghiệp. Họ nói thêm những năm gần đây họ âm thầm tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tại nhà kho vào các buổi tối.

Cha Du, 38 tuổi, đặt trụ sở tại giáo xứ Thanh Tân bên cạnh, trông coi thêm giáo xứ Bến Củi. Hai giáo xứ này có 1,326 giáo dân, cùng với 517 giáo dân Sơn Quả, ngài cho biết.

Chính quyền tỉnh đã cho phép giáo xứ xây nhà thờ hôm 16-7-2007. Từ thập niên 1980, giáo xứ đã xin phép xây dựng nhà thờ nhưng đã bị từ chối vì chính quyền nói rằng giáo dân đã có nhà thờ ở Thanh Tân và họ thường đi lễ ở đó.

Ông Nguyễn Văn Dũng, 40 tuổi, kể với UCA News rằng họ đi bộ hoặc xe đạp đến nhà thờ Thanh Tân. Người già và trẻ em đi lại khó khăn trên con đường lầy lội và trơn trợt, đặc biệt là vào mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12.

Tuy nhiên, công trình xây dựng mới còn gặp một số khó khăn. Hôm 27-8-2007, chính quyền xã không cho phép giáo xứ xây tường rào vì giáo xứ còn thiếu giấy chủ quyền đất, cha Du nói.

Ngài lưu ý khuôn viên nhà thờ trước đây có diện tích là 4,385 mét vuông, nhưng sau năm 1975 chính quyền địa phương đã cắt ra cấp cho một người dân 630 mét vuông, vì thế giáo xứ chỉ còn lại 3,755 mét vuông. Ngài cho biết giáo xứ sẽ xin chính quyền cấp giấy sở hữu đất.

Ông Giuse Lê Văn Quang, 63 tuổi, nói với UCA News: "Chúng tôi đã quen chịu đựng những khó khăn này trong nhiều thập niên qua vì không có nhà thờ. Hy vọng sau khi có nhà thờ giáo dân địa phương có thể cải thiện được đời sống đức tin của mình".

Hầu hết giáo dân sống bằng nghề nông, chặt củi hoặc làm than.

 

UCAN

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page