Tòa Thánh và Việc Nuôi Bệnh Nhân

trong "tình trạng Thực Vật" (Vegetative state)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tòa Thánh và Việc Nuôi Bệnh Nhân trong "tình trạng Thực Vật" (Vegetative state).

Vatican (SD 14-9-2007) - Hôm 14-9-2007, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện ngắn dưới dạng hỏi thưa, xác định nghĩa vụ phải tiếp tục cung cấp nước và lương thực cho bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật trường kỳ (Vegetative state).

"Câu hỏi thứ I: phải chăng việc cung cấp nước và lương thực, qua đường tự nhiên hoặc nhân tạo, cho bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật là điều bó buộc về luân lý, trừ khi lương thực ấy không thể được cơ thể bệnh nhân hấp thụ hoặc chúng không thể được cung cấp cho bệnh nhân ấy mà không tạo nên một sự thiếu thốn trầm trọng về thể lý?

"Trả lời: đó là điều bó buộc. Việc cung cấp lương thực và nước, dù là qua con đường nhân tạo, theo luật chung, là phương thế bình thường và tương ứng để duy trì sự sống. Vì thế, nó là điều bắt buộc theo mức độ và cho đến lúc nó chứng tỏ đã đạt được mục tiêu của nó là cung cấp nước và nuôi sống bệnh nhân. Như thế, người ta tránh sự đau khổ và cái chết cho bệnh nhân vì kiệt sức và thiếu nước.

Câu hỏi thứ 2: Có thể ngưng cung cấp nước và lương thực qua đường nhân tạo cho một bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật trường kỳ, khi các bác sĩ có thẩm quyền phán đoán với sự chắc chắn luân lý rằng bệnh nhân sẽ không bao giờ hồi tỉnh lại hay không?

Trả lời: Không được làm như vậy. Một bệnh nhân ở trong tình trạng "thực vật" trường kỳ là một con người, với nhân phẩm cơ bản, vì thế phải cung cấp cho họ sự săn sóc bình thường và tương ứng, nói chung, sự săn sóc này bao gồm việc cung cấp nước và lương thực, kể cả bằng con đường nhân tạo".

Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin cho biết hai câu trả lời trên đây đã được ÐTC Biển Ðức 16 phê chuẩn và truyền công bố.

Văn kiện mang chữ ký ngày 1-8-2007 của Ðức Hồng Y Tổng trưởng William Levada và vị Tổng thư ký là Ðức Tổng Giám Mục Angelo Amato, dòng Don Bosco.

Kèm theo bản trả lời 2 câu hỏi trên đây là một bài giải thích dài của Bộ giáo lý đức tin nói về nguồn ngọn của Văn kiện là để trả lời những câu hỏi do Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ nêu lên, trong thư đề ngày 11-7 năm 2005 với chữ ký của Ðức Cha Chủ tịch William Skylstad. Ðối tượng của hai câu hỏi là: phải chăng việc cung cấp nước và lương thực cho các bệnh nhân ấy, nhất là việc cung cấp qua đường nhân tạo, là một gánh nặng quá lớn đối với họ, đối với thân nhân hoặc cho hệ thống y tế, đến độ, dưới ánh sáng của luân lý Công Giáo, chúng có thể coi là một phương thế ngoại thường hoặc không tương ứng, vì thế chúng không phải là điều bó buộc về luân lý.

Hai câu trả lời của Bộ giáo lý đức tin mạnh mẽ tái khẳng định lập trường do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đưa ra trong diễn văn ngày 20-3-2004, dành cho các tham dự viên một Hội nghị quốc tế về "Những biện pháp nâng đỡ sự sống và tình trạng thực vật. Những tiến bộ khoa học và tình trạng tiến thoái lưỡng nan về luân lý".

Trong phần giải thích, Bộ giáo lý đức tin nhấn mạnh rằng dù trong tình trạng bị bệnh nặng, bị hôn mê, ở trong tình trạng 'thực vật', bệnh nhân vẫn là con người, với phẩm giá cần phải được tôn trọng. "Một người, cho dù bị bệnh nặng hoặc bị cản trở không thể thi hành các chức năng cao nhất, thì vẫn và sẽ luôn là một con người, không bao giờ trở thành thực vật hay là một con vật".

Bộ giáo lý đức tin nói đến một số trường hợp ngoại trừ hãn hữu như: tại một vài miền rất hẻo lánh và nghèo cùng cực, việc cung cấp nước và lương thực một cách nhân tạo cho bệnh nhân như thế là điều không thể thực hiện được, và khi một điều không thể, thì không ai bị bó buộc phải thi hành. Và cũng có trường hợp bệnh nhân không thể hấp thụ lương thực và nước, và vì thế có cung cấp những thứ ấy cho họ thì cũng vô ích. Ngoài ra người ta không loại trừ trường hợp việc cung cấp nước và lương thực cho bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật như thế là một gánh nặng thái quá hoặc một sự bất tiện quan trọng, ví dụ do những phức tạp trong việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp.

 

G. Trần Ðức Anh OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page