Cái Nhìn của một người Phi Châu
về nhu cầu chính yếu
của Ðại Lục Phi Châu ngày nay
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Cái Nhìn của một người Phi Châu về nhu cầu chính yếu của Ðại Lục Phi Châu ngày nay.
(Phỏng theo Apic 27/08/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Như chúng tôi đã đưa tin, Phong Trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" đã tổ chức cuộc Gặp Gỡ Tình Thân Hữu Giữa các Dân Tộc tại Rimini, miền Trung Italia, trong những ngày từ 19 đến 25 tháng 8 năm 2007. Ðây là một sinh hoạt đặc biệt theo định kỳ mỗi năm một lần, vào khoảng cuối tháng 8, và luôn được tổ chức tại thành phố Rimini, nên ngưòi ta đã có thói quen gọi vắn tắt là "Cuộc Gặp Gỡ Rimini". Những đại diện của các quốc gia tham dự Cuộc Gặp Gỡ được mời lên diễn đàn phát biểu theo chủ để riêng của từng ngày. Chẳng hạn như, chủ đề của ngày 20 tháng 8 năm 2007 của cuộc Gặp Gỡ Rimini là về Phi Châu, và được diễn tả theo đề tài như sau: "Một niềm hy vọng cho Phi Châu: Burundi, Ouganda..."
Trong khung của ngày họp 20 tháng 8 năm 2007, Cô Rose Busingye, một Nữ Y Tá, người Ouganda, hiện đang dấn thân phục vụ những người bị nhiễm HIV và bệnh nhân Aids, tại Kampala, thủ đô của Ouganda, đã lên diễn đàn phát biểu nhận định của chị, cho rằng nguồn phong phú đích thực của Phi Châu là việc tái khám phá nét cao cả của con người. Chị nhấn mạnh rằng vấn đề to lớn nhất của Phi Châu ngày nay không phải là vấn đề về sự nghèo cùng, hay là vấn đề thiếu những hạ tầng cơ sở; vấn đề to lớn nhất của Phi Châu ngày nay là sự thiếu vắng những điểm quy chiếu. Người dân cảm thấy mình không thuộc về ai cả. Và người đó thiếu một lý tưởng sống và một ý nghĩa cho cuộc đời. Tâm thức này tạo ra một ấn tượng không an tâm trong những mối tương quan giữa người với người. Chính vì thế, khi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV, cô Rose không những chỉ lo săn sóc những nhu cầu vật chất của các bệnh nhân, nhưng còn giúp cho các bệnh nhân được ý thức về giá trị vô song của họ, một giá trị không thể nào bị rút gọn vào sự cùng khổ mà họ đang gánh chịu. Cô Rose đã nhận định tiếp như sau: "Niềm hy vọng của Phi Châu là niềm hy vọng mà mọi người nam nữ trên khắp thế giới cần đến: đó là biết mình thuộc về ai. Từ ý thức nầy phát sinh một nền văn minh mới."
Cô Rose nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục, không phải chỉ dành cho những trẻ nhỏ, mà còn cho cả những cha mẹ của chúng nữa. Ðây không phải chỉ thuần tuý là một sự giáo dục để biết đọc biết viết mà thôi, nhưng còn là giáo dục cho những con người này biết cảm nếm vẽ đẹp của những thắng cảnh, những điệu múa, những truyền thống riêng biệt của dân tộc họ.
Liên quan đến đề tài "mang niềm hy vọng đến cho Phi Châu", Ông Mario Mauro, phó chủ tịch quốc hội Âu Châu, cũng đã lên diễn đàn của ngày 20 tháng 8 năm 2007, để chia sẻ về sự dấn thân của mình cho Phi Châu. Ông cho biết là đã cố gắng vận động ngõ hầu các quốc gia Âu Châu không chỉ mang đến sự trợ giúp kinh tế riêng cho các Chính Phủ tại Phi Châu, mà còn cung cấp những phương tiện cho các tổ chức địa phương đang dấn thân trong lãnh vực phát triển nữa.
Theo Ông Mario Mauro, thì một trong những điều kiện để viện trợ kinh tế cho các Chính Phủ tại Phi Châu, là các Chính Phủ này tôn trọng sự tự do tôn giáo. Ông nhắc đến tình trạng đặc biệt tại Ouganda. Người dân tại đất nước này phải khai báo về tôn giáo của mình cho Bộ Nội Vụ. Nếu không làm như thế, thì sẽ bị phạt một năm tù ở, hoặc phải trả phạt một số tiền tương đương một năm tiền lương của một người ở mức thu nhập trung bình.
Ðược biết, trong thời gian từ ngày 19 đến 25 tháng 8 của Cuộc Gặp Gỡ Rimini năm 2007, ban tổ chức đã thực hiện 118 lần Gặp Nhau theo nhóm, 20 lần trình diễn văn nghệ, 12 cuộc triển lãm, 13 cuộc tranh tài thể thao. Tổng cộng có 408 người lên diễn đàn phát biểu, 3,211 thiện nguyện viên giúp ban tổ chức. Từ năm 1980 đến nay, mỗi năm Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng đều có tổ chức Cuộc Gặp Gỡ Tình Thân Giữa Các Dân Tộc tại Rimini.
(Ðặng Thế Dũng)