Hành Trình "Nối Vòng Tay Lớn"
Của Trung Tâm Tin Học Công Hùng
tại Hà Tĩnh
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Hành
Trình "Nối Vòng Tay Lớn" Của Trung Tâm Tin Học Công
Hùng - Giáo Phận Vinh, tại Hà Tĩnh.
Nhóm "Nối Vòng Tay Lớn" tặng quà cho các em tại xã Hương Ðô, Hà Tĩnh. |
Vinh, Việt Nam (24/08/2007) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðức Giám Mục Giáo phận Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên, để góp phần chia sẻ phần nào nỗi đau của đồng bào trong cơn hoạn nạn, vào ngày 24/08/2007, nhóm khuyết tật "Nối vòng tay lớn" thuộc Trung tâm tin học nhân đạo Công Hùng đã có chuyến hành trình thăm hỏi và tặng quà tại các giáo xứ thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Lúc 7h, ngày 24/08/2007, trước cửa Trung tâm ở Xã Ðoài - Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An, các bạn trẻ khuyết tật của Trung tâm đang thay phiên nhau mang những món quà được các bạn quyên góp từ mấy ngày nay, bao gồm 4,000 tập vở, nhiều bộ quần áo... lên chiếc xe mang hàng chữ "cứu trợ bão lụt" của Linh mục Raphaen Trần Xuân Nhàn dựng trước cửa. Nhìn cảnh tượng các em khuyết tật đang vận chuyển hàng cứu trợ bằng tất cả sức lực của các em mà tôi thấy trong lòng mình rộn lên bao tình cảm xúc động lớn lao, khó tả. Em Phêrô Võ Minh Thương, đang thoăn thoắt vận chuyển những thứ cần thiết lên xe bằng đôi cánh tay không lành lặn như bao trẻ em khác: Tay trái của Thương cụt ngang cùi chỏ, bàn tay phải chỉ có một ngón rưỡi, em rất vui là thành viên nhỏ nhất trong đoàn được tham gia cuộc hành trình chia sẽ nỗi đau với đồng bào đang trải qua cơn hoạn nạn tại Hà Tĩnh. Các em trong nhóm rất muốn tham gia cuộc hành trình nhưng vì số chỗ ngồi trong xe có hạn, hàng cứu trợ nhiều, chỉ đủ chỗ cho một số anh em.
Ðúng 7h 30' sáng 24/08/2007. chuyến xe mang hàng cứu trợ lũ lụt của Trung tâm Tin Học Nhân Ðạo Công Hùng bắt đầu chuyển bánh nhằm hướng huyện Hương Khê, cách Tòa Giám Mục Xã Ðoài chừng 120km về phía Tây Nam, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận "hồng thủy" vừa rồi. Tham gia chuyến hành trình lần này có Linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn, phó Ban Tình Thương Giáo Phận Vinh. Ngài đồng thời cũng là linh mục đồng hành của nhóm khuyết tật "Nối vòng tay lớn". Ðại diện Trung Tâm có anh Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng, người thanh niên Công giáo nổi tiếng trong những năm qua với khát vọng vươn lên, vượt qua nỗi đau, thành lập Trung tâm tin học đào tạo miễn phí Công Nghệ Thông Tin cho anh chị em khuyết tật và người nghèo trong cả nước. Ngoài ra còn có ông Phêrô Nguyễn Công Lịch, bố của Công Hùng cùng với 3 thành viên trong Trung tâm.
Hành trình "Nối vòng tay lớn" - đúng như tên gọi của nhóm - đang trải qua không phải là những con đường "quanh quanh" thơ mộng được mô tả trong câu ca ngày nào:
"Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non
xanh nước biếc như tranh họa đồ."
Sau khi phát quà, Cha con nghỉ ngơi và ăn trưa lúc 14h theo kiểu dã chiến. |
Ðó là những con đường gấp khúc, những dốc đèo, cầu cống bị trận lũ tàn phá mà cách đó mấy ngày chỉ có đò là phương tiện duy nhất mới tiếp cận được xóm làng. Bức tranh "họa đồ" về một miền quê thanh bình ven dãy Trường Sơn và con sông Ngàn Sâu hết sức tang thương sau cơn lũ. Ðâu đâu cũng chỉ thấy những cánh đồng phủ một màu nâu đỏ của bùn. Chiếc xe bán tải 4 chỗ trở nên chật cứng bởi người và hàng vượt chuyến hành trình mấy trăm km men theo những con đường mòn xuyên qua từng dãy núi của dãi Trường Sơn hùng vĩ phía tây tỉnh Hà Tĩnh. Thật không có gì đáng nói nếu đây là chuyến hành trình của những người bình thường, điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là một khó khăn với anh em khuyết tật không quen chuyến hành trình dài trong điều kiện đường sá khó khăn như vậy. Võ Minh Thương (16 tuổi) ngồi cạnh tôi chốc chốc lại nôn mửa vì say xe mặc dù em đã nhịn ăn trong suốt chuyến đi. Khi được hỏi em có chịu đựng được nữa không hay phải nghỉ lại một địa điểm nào trên chuyến hành trình thì em vẫn xin tiếp tục chuyến đi để chứng kiến, chia sẻ và cảm thông, làm dịu nỗi đau của các bạn trong cơn hoạn nạn.
Sau
3 giờ đồng hồ, lúc 10h 30' ngày 24/08/2007, chuyến xe cứu
trợ của nhóm "Nối vòng tay lớn" đã đến được
địa điểm đầu tiên theo sự hướng dẫn của cha phó Ban Tình
Thương Giáo phận là giáo họ Tân Lộc, thuộc giáo xứ
Tràng Lưu, giáo hạt Ngàn Sâu (xóm 10, xã Hương Ðô, huyện
Hương Khê). Ở đây, số giáo dân chừng 43 hộ sống rải
rác, có hộ cách xa nhà thờ 2-3km do ở trên nông trường.
Ðây là giáo họ chịu nhiều thiệt hại trong trận lũ lịch
sử vừa qua. Trước cửa nhà thờ, một số nhà cửa kiên
cố của bà con giáo dân đã bị dòng nước cuốn trôi, thay
vào đó là những gian nhà tranh đang nhanh chóng được dựng
lại. Trên sân nhà thờ, những đống củi, rác từ trên
ngàn cuốn về lấp hết một góc sân nhà thờ. Nghe tin đoàn
cứu trợ lũ lụt của nhóm khuyết tật về, các em vui
sướng tập trung tại nhà thờ đang xây dựng dang dở để
nhận quà là những tập vở mà anh em khuyết tật trong nhóm
đã sắp xếp trong từng hộp giấy. Niềm vui được nhận quà
chưa có thể lấp đi những lo lắng, sợ hãi nơi tâm hồn
các em và bà con ở Tân Lộc, nó còn in dấu trên khuôn
mặt non nớt của các em. Trận lũ đã cướp đi tất cả của
các em từ nhà cửa, lương thực phẩm, đồ dùng và phương
tiện học tập.v.v. Ðã gần đến năm học mới nhưng áo quần,
sách vở, cặp,thước kẻ, bút mực trôi hết. Và như lời
một nhân viên giáo dục ở đây cho biết thì hầu hết phòng
học và trang thiết bị của nhà trường sau lũ đã hư hỏng
rất nhiều. Nỗi lo mới lại đến: có thể năm nay, hàng trăm
học sinh Hương Khê không được tiếp tục tới trường...
Trong nhóm khuyết tật, đại đa số đã và đang là học sinh -
sinh viên các trường nên các em hiểu rõ nỗi lo này của
các bạn vùng lũ nên đã quyên góp những đồng tiền ít
ỏi của mình và các bậc ân nhân với tinh thần "người
đau thăm người ốm" và "lá rách ít đùm lá rách
nhiều". Anh Phanxicô Nguyễn Công Hùng thay mặt nhóm gửi
đến 45 em học sinh giáo họ từ bậc tiểu học đến bậc Trung
học số quà gồm hằng trăm quyển vở. Một đại diện của
giáo họ xúc động nói lên tấm lòng biết ơn anh em khuyết
tật trong nhóm, đồng thời hứa sẽ cố gắng vươn lên,
vượt qua khó khăn của chính mình như những thành viên của
nhóm khuyết tật. Anh còn cho biết thêm, chính các bạn trẻ
trong nhóm khuyết tât là động lực an ủi nhất cho bản thân
anh trong những ngày qua để anh và gia đình vượt qua gian nan,
thử thách.
Nhóm "Nối Vòng Tay Lớn" tặng quà cho các em tại xã Hương Trạch, Hà Tĩnh. |
Ðịa điểm thứ hai mà đoàn cứu trợ đến thăm là giáo họ Hà Mâng, cũng nằm trong giáo xứ Tràng Lưu thuộc địa bàn xã Phú Phong huyện Hương Khê. Hà Mâng có gần 450 giáo dân. Trong đợt lũ vừa rồi, toàn bộ giáo họ bị ngập hoàn toàn, nhà nguyện giáo họ ngập sâu 2.5m; những vết bùn còn in sâu trên mái ngói nhà thờ... Ông Phêrô Nguyễn Ðình Hứa, trưởng Hội Ðồng MụcVụ giáo họ cho biết toàn giáo họ có khoảng trên 30 nhà bị sập, trong cơn lũ, chính ông cùng với nhiều anh em khác chèo thuyền đi cứu bà con đang bị lũ cuốn trong họ. Nhờ những chuyến xe ôtô của bà con trên thị trấn Hương Khê về chở người di tản nhanh chóng nên không gây ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất rất lớn. Tại đây, nhóm đã trao tặng gần một trăm suất quà cho các em học sinh. Nhận được quà của anh em khuyết tật, các em rất vui vì có sách vở mới đi học, mấy hôm trước gia đình các em đã nhận được những chuyến hàng cứu trợ mang theo gạo, mỳ tôm,...
Phát quà tại giáo họ Hà Mâng xong thì cũng đã đến 13h chiều. Nhóm lên xe đi đến giáo xứ Tân Hội. Cả đoàn ai cũng mệt lử đi dưới thời tiết oi bức của miền Trung, lại thêm cảm giác đói bụng vì từ sáng đến giờ, chưa có dịp để nghỉ tay ăn trưa. Nói ăn trưa nhưng thật ra đồ ăn mà chúng tôi mang đi thật giản dị với khẩu phần mỗi người là một chiếc bánh mỳ kẹp thịt với một chai nước. Mấy cha con trải giấy ngồi ăn bên một bóng cây ven đường, bữa ăn "có một không hai" thật ấm cúng và vui vẻ trong lòng mỗi người vì trong ai cũng ý thức được mình đang chịu khổ để cảm nhận được cái khổ của đồng bào thân yêu nơi miền quê nghèo Hà Tĩnh.
Ðúng 1h30' chiều ngày 24/08/2007, nhóm "Nối vòng tay lớn" tiếp tục hành trình đến với giáo họ Lộc Giang, xứ Tân Hội thuộc xã Hương Trạch, Hương Khê - quê hương của loại bưởi thơm ngon nổi tiếng, bưởi Phúc Trạch. Ðến vùng quê của loại đặc sản này, không ai trong chúng tôi là không xót xa trước cảnh tàn phá của lũ lụt. Cây cầu băng qua sông Ngàn sâu bị lũ cuốn trôi một vài nhịp, vất vả lắm chúng tôi mới vượt qua được vì cát sỏi đã lấp đầy đoạn cầu đó. Ðường đi vào giáo họ bị phủ bởi lớp bùn cát dày. Những cây bưởi không còn quả nằm chỏng chơ trong vườn của bà con. Giáo họ cách trung tâm huyện Hương Khê chừng 12 km. Cơn lũ đã khiến lở đất một phần vườn nhà thờ, tượng đài Ðức Mẹ chỉ còn cách khu vực lở đất chừng vài mét. Tại giáo họ có chị Ngô Thị Khẩn, 51 tuổi bị chết đuối trong trận lũ. Sau khi nhận được thông báo, hơn 100 em học sinh của giáo họ đã tập trung về nhà thờ để nhận quà. Nhìn đôi tay "xương xương" của anh Hiệp sỹ Công Nghệ Thông Tin năm 2005 - Phanxicô Nguyễn Công Hùng trao quà cho đại diện các em trong giáo họ mà ai cũng rưng rưng nước mắt cảm động trước tinh thần của anh em khuyết tật. Các bạn trẻ ở đây lại càng xúc động và biết ơn hơn khi được nghe Linh mục Raphaen Trần Xuân Nhàn giới thiệu tấm gương của anh Công Hùng và nhiều anh em khác. Toàn bộ số quà cứu trợ gồm gần 4,000 tập vở và nhiều bộ quần áo là món quà quyên góp nửa tháng lương của các anh em cũng như sự giúp đỡ từ nhiều ân nhân quen biết. Ðây là những món quà từ giọt mồ hôi nước mắt của các em trong nhóm khuyết tật "Nối vòng tay lớn". Nổi bật lên đó là tinh thần tiếp sức để các em vượt qua khó khăn như anh Công Hùng chia sẻ tại buổi tặng quà. Anh còn cho biết thêm, với hình thức tin nhắn qua mạng Internet, anh và em gái Nguyễn Thảo Vân đang ở Hà Nội đang tích cực kêu gọi bạn bè thân thích góp sức mình vào công cuộc cứu trợ tại các địa phương bị bão lụt. Trong thời gian tới, nhóm đang tiếp tục quyên góp, và sự hỗ trợ sẽ nhanh chóng được gửi đến bà con, có thể là qua ban tình thương giáo phận.
Chuyến thăm hỏi và tặng quà của nhóm khuyết tật "Nối vòng tay lớn" kết thúc vào lúc 4h chiều ngày 24/08/2007. Cả đoàn lúc này đã mệt mỏi vì chuyến hành trình dài với các hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, thành viên trong nhóm đều rất vui sướng vì đã góp một phần công sức nhỏ của mình trong việc giúp đỡ mặt học tập của các em và đặc biệt hơn là giúp các em có niềm tin, niềm hy vọng vươn lên trong cuộc sống sau cơn "hồng thủy".
Trần Ðức Hà